Tác phẩm
7 chuyến du hành vào thiên nhiên là tên của cuốn sách kể về thiên nhiên và động vật dành cho thiếu nhi được tác giả Lê Hữu Nam sáng tác dựa trên những câu chuyện có thật. Bảy câu chuyện trong cuốn sách là bảy cuộc hành trình vào thế giới thiên nhiên xanh ngát và trong trẻo, được viết bằng một tấm lòng chân thành với mong muốn trao cho bạn đọc nhỏ tuổi những điều tốt đẹp nhất.
Cuốn sách “mang bảy sắc cầu vồng trên nền trời xanh bao la, cũng là bảy cung bậc cảm xúc khác nhau”, từ những cảm xúc đau thương, mất mát tới yêu thương và hi vọng, Tất cả khơi ngợi trong lòng độc giả một niềm khát khao sống chân tình và hướng thiện. Khác với nhiều cuốn sách cùng thể loại, 7 chuyến du hành vào thiên nhiên không dài dòng kể lể, không đao to búa lớn, cũng không giáo điều huấn thị, mà cuốn sách nhỏ như những câu chuyện cổ tích hàng đêm ba mẹ kể em nghe trước khi ngủ. Nó nhẹ nhàng, êm dịu và sâu lắng như dòng nước ngầm mát mẻ, tuôn chảy không ngừng.
Tuy chỉ là hư cấu dựa trên những sự kiện có thật, nhưng qua mỗi câu chuyện, độc giả sẽ có cái nhìn chân thật về cách chúng ta tồn tại trên thế gian này (chuyện cụ rùa Jonathan), sự thờ ơ dẫn đến cái ác (chuyện chú chim toucan với cái mỏ độc quyền), tình thân và nguồn cội (chú sư tử Christian), sự hủy hoại của con người với thế giới và muông thú (chuyện hổ Jai)… Bằng cách xây dựng hai nhân vật trung tâm là Tuấn và vẹt đuôi vài Xa Lạ cùng nhau trải qua bảy chuyến du hành, tác giả gửi gắm cho độc giả một niềm mong ước một ngày kia con người và động vật sẽ sống chan hòa bên nhau để “cùng nhau viết nên những câu chuyện thiên nhiên tuyệt vời và có hậu”.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu quý độc giả cuốn sách 7 chuyến du hành vào thiên nhiên.
Lời giới thiệu (hay là Thư ngỏ gửi phụ huynh)
Bảy câu chuyện mà nhà văn Lê Hữu Nam gửi đến các bạn đọc nhỏ tuổi là bảy cuộc du hành vào thế giới trong trẻo vô cùng của trẻ thơ, với một góc nhìn mà có lẽ bất kỳ phụ huynh nào cũng mong ước được trao nó vào tay con em mình: trao những điều đẹp nhất mình đã từng biết, hoặc mơ ước nhưng tuyệt vọng diễn đạt.
Vượt qua mọi loại khuynh hướng “ngôn ngữ ngôn tình” và – tạm gọi – là “khôn vặt” của các cây viết đang gieo vào suy nghĩ của trẻ em trong xu hướng bán sách hôm nay, mọi thứ trong câu chuyện của Lê Hữu Nam là cái nhìn dịu dàng, sự chạm tay vào, thật dè dặt, khám phá lại thế giới với chính những điều mà tưởng chừng như đã quen thuộc lắm rồi.
Con người và thế giới trong 7 chuyến du hành vào thiên nhiên cho thấy muôn loài chạm tay vào nhau thân ái như buổi sơ khai của địa cầu. Rung động bằng một loại năng lượng thanh tao về hạnh phúc không phải tìm thấy được bởi đuổi xô vào nhau hay ranh ma của ham muốn sở hữu… Chắc cũng không phải là ngẫu nhiên mà đôi nhân vật chính, trung tâm của lời kể, là Tuấn và chú vẹt tên Xa Lạ. Quả vậy, một con vẹt kể lại những điều tai nghe mắt thấy về chia ly, nỗi buồn, tình bạn và sự từ chối văn minh… mà không có sự thêm bớt, thao túng ý nghĩa, quả là điều xa lạ trong thế giới hôm nay.
Phi thời gian và không gian trong các câu chuyện của 7 chuyến du hành vào thiên nhiên, do vậy nó huyền hoặc và mộng mơ như Lâu đài bay của pháp sư Howl của tác giả Diana Wynne Jones. Trí tưởng tượng của đứa trẻ tự lấp đầy những khoảng cách đó bằng những cụm mây trắng và gió, đến những nơi mà Lê Hữu Nam dặn dò trước khi cài chặt thắt lưng, lên đường rằng “chúng ta sẽ khám phá thêm vùng đất mới, nơi loài vật được tận hưởng sự tự do, nhưng hơn hết, mỗi người trong các bạn sẽ được biết thêm những câu chuyện cảm động về anh em muông thú, trên khắp hành tinh”.
Thật ít người viết về thiên nhiên, về động vật, mà lồng trong đó tính giáo dục yêu thương, đồng đẳng của mọi sinh vật trên địa cầu… và hơn nữa là tha thứ và đi tới. Lê Hữu Nam hay nói về ước mơ của mình khi cố dựng nên một tủ sách như vậy, trong đó, gầy dựng lại và cố chữa lành mọi thứ thực dụng và ơ thờ của đời sống vị kỷ. Như trong ghi chú của sách là “dựa trên những câu chuyện có thật”.
Trong chuyến du hành đầu tiên, nhân vật được kể đến là một con tê giác tên Hope.
Câu chuyện của Hope thật buồn. Phát súng của một tay thợ săn nào đó khiến Hope mồ côi, và ngay cả chiếc sừng nhỏ kiêu hãnh của Hope cũng bị khoét lấy mất, để lại một khoảng trống ngay chính trong trái tim của Hope: bởi con người thì chỉ nhìn Hope bằng cặp mắt thương hại, thiếu mất cảm giác chia sẻ như một người bạn. Cuối cùng, mọi thứ được giải quyết bằng một điều hết sức dễ thương “cô Laura không chỉ giữ đúng lời hứa chữa lành cho Hope mà còn gắn thêm cho Hope một chiếc sừng mới bằng vải bông, cô Mary thì vẽ lên đó những cánh hoa đủ màu. Ngày thay băng cuối cùng, cô Laura và cô Mary nhìn Hope với ánh mắt đong đầy yêu thương”.
Và con tê giác nhỏ đó đứng lên, bước đi, dù đã từng rơi nước mắt vì loài người, nhưng tự hứa rằng sẽ “mạnh mẽ, yêu thương và tha thứ”. Bạn đã từng đọc qua những gì dịu dàng đến vậy chưa?
Nhưng 7 chuyến du hành vào thiên nhiên không lừa trẻ con vào thế giới toàn màu hồng. Trải qua các hành trình ấy, người đọc có đủ các cảm giác về sự xét lại cách mà chúng ta tồn tại trên thế giới (chuyện cụ rùa Jonathan), sự thờ ơ dẫn đến cái ác (chuyện chú chim toucan với cái mỏ độc quyền), tình gia đình và nguồn cội (chú sư tử Christian), sự hủy hoại của con người với thế giới và muông thú (chuyện hổ Jai)… Từng chuyện kể là một bài học nhỏ không dài dòng huấn thị, mà như dòng nước chảy tràn vào trái tim nguyên sơ nhân ái của con trẻ.
Đọc hết cuốn sách nhỏ của Lê Hữu Nam giống như quét dọn lại căn phòng thơ ấu của chính bản thân mình, nhận ra chúng ta đã vào đời, yêu mến và chân thành với cuộc sống này như thế nào. Thật khó tả, nó giống như lời nhà văn hóa, chính trị gia Pháp Edouard Herriot (1872-1957) từng nói: “Văn hóa là những gì còn lại, sau khi mọi thứ bạn học đã được quên hết” (La culture, c'est ce qui reste quand on a tout oublié, c’est ce qui manque quand on a tout appris). Sự thấu cảm, lòng biết tiếc thương, yêu quý lẽ phải giản đơn… là những điều đôi khi không thể nào có được, dù đã lắm học vị danh giá, chức tước cao sang.
Bạn có thể gửi lại cho con em mình, những giá trị như vậy, từ cuốn sách nhỏ này.
Nhạc sĩ TUẤN KHANH
Tác giả
Lê Hữu Nam sinh ngày 1/3/1986 tại Đà Lạt, hiện đang sống tại Sài Gòn. Lá một người yêu thiên nhiên và tôn trọng sự khác biệt, tác giả Lê Hữu Nam mong muốn con người yêu thương, công bằng với nhau, cùng chung tay gìn giữ thiên nhiên tươi đẹp và đối xử nhân đạo với mọi loài động vật trên thế giới.
Sách đã xuất bản: Hành trình trở về (Cuộc phiêu lưu kỳ thú của Ếch Xanh)*, Con đến như một phép màu, Mật ngữ rừng xanh*, Sài Gòn café ngọt đắng (viết cùng Lưu Quang Minh), Những gam màu hồi sinh, Xứ mộng hồn hoa, Vì chưa bao giờ kết thúc, Vì ta còn chờ nhau, Cuộc phiêu lưu của bầy thần khuyển*. (Những cuốn đánh dấu hoa thị (*) là những sáng tác dành cho lứa tuổi thiếu nhi.)
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.