Bài Tập Phát Triển Năng Lực Toán 6 - Tập 2
Một trong những mục tiêu chủ yếu của Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán năm 2018 là hình thành và phát triển năng lực toán học bao gồm các thành tố cốt lõi sau: năng lực tư duy và lập luận toán học; năng lực mô hình hoá toán học; năng lực giải quyết vấn đề toán học; năng lực giao tiếp toán học; năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán. Năng lực toán học của học sinh chủ yếu được hình thành và phát triển trong quá trình tham gia các hoạt động nhận biết kiến thức và kĩ năng toán học, kết nối toán học với thực tiễn và với các bộ môn khoa học khác.
Để cung cấp một tài liệu bổ trợ thiết yếu cho việc hình thành và phát triển năng lực toán học của học sinh, NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn bộ sách “Bài tập phát triển năng lực Toán". Bộ sách bám sát các yêu cầu cần đạt và định hướng phát triển năng lực toán học của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cuốn Bài tập phát triển năng lực Toán 6 nằm trong bộ sách này, được chia thành hai tập dùng trong hai học kì. Trên cơ sở Chương trình mới môn Toán, quán triệt các định hướng dạy học phân hoá và tích hợp, cuốn sách được biên soạn thành các chương, mỗi chương gồm nhiều chủ đề. Phần đầu của mỗi chủ đề là Yêu cầu cần đạt giúp học sinh nắm được chuẩn kiến thức và kĩ năng tương ứng, phần nội dung của chủ đề gồm nhiều hoạt động thể hiện qua các mục sau:
A. Khám phá: Tái hiện lại các kiến thức cơ bản thông qua các câu hỏi trắc nghiệm nhằm giúp học sinh nhận biết và thông hiểu kiến thức một cách hệ thống. Để học sinh làm quen với hình thức chuẩn hoá trong các bài thi trắc nghiệm sau này, chỉ có hai hình thức trắc nghiệm khách quan được sử dụng là câu hỏi nhiều lựa chọn và câu hỏi điền khuyết.
B. Luyện tập – Thực hành: Tập luyện sử dụng kiến thức, kĩ năng vào giải các bài tập ở mức độ cơ bản theo đúng yêu cầu cần đạt trong chương trình; rèn luyện năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán thông qua những bài thực hành tiêu biểu. Mục này bao gồm những ví dụ chọn lọc minh hoạ cho những dạng toán cơ bản điển hình và hệ thống bài tập tương ứng để học sinh luyện tập.
C. Vận dụng: Tập luyện vận dụng kiến thức toán học vào giải quyết những vấn đề trong thực tế đời sống hoặc những vấn đề của bộ môn khoa học khác có liên quan đến kiến thức đã học; phát triển năng lực mô hình hoá toán học, năng lực giải quyết vấn đề toán học. Mục này gồm ví dụ minh hoạ cho những tình huống vận dụng điển hình và các bài tập vận dụng tương tự.
D. Tìm tòi – Mở rộng: Vận dụng linh hoạt kiến thức, kĩ năng toán học để giải quyết các vấn đề phức tạp hơn; phát triển năng lực tư duy và lập luận toán học, năng lực giao tiếp toán học. Mục này gồm những ví dụ chọn lọc và bài tập nâng cao giúp học sinh khá giỏi mở rộng, nâng cao kiến thức.
Cuối mỗi chương là bài Ôn tập chương, gồm các mục Kiến thức cần nhớ, Bài tập tự luận, Bài tập trắc nghiệm có tính chất tổng hợp để học sinh có thể tự ôn luyện và hệ thống hoá kiến thức của toàn chương. Trong sách còn có các Đề kiểm tra chương, Đề kiểm tra học kì giúp học sinh tự đánh giá kết quả học tập và mức độ phát triển năng lực của mình. Cuối sách là mục Hướng dẫn giải – Đáp số giúp học sinh tự kiểm tra lại lời giải của mình để rút ra những kinh nghiệm bổ ích về phương pháp và kĩ năng giải toán.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi