Biến Tiềm Năng Thành Tài Năng
Chúng ta vẫn thường cho rằng những tố chất vĩ đại của con người vốn là bẩm sinh chứ chẳng phải thứ được trau dồi. Niềm tin đó khiến chúng ta tôn vinh học sinh có năng khiếu ở trường, những vận động viên thể thao có tài năng thiên phú hoặc những thần đồng âm nhạc. Thế nhưng, bạn không cần phải là thần đồng thì mới có thể đạt được những điều vĩ đại.
“Biến tiềm năng thành tài năng” (tựa gốc: Hidden Potential) của Adam Grant là một tác phẩm đầy cảm hứng, giúp người đọc hiểu sâu hơn về cách khai phá tiềm năng thật sự của bản thân và của những người xung quanh. Thay vì tập trung vào tài năng thiên bẩm hay những thành công ban đầu, Grant lập luận rằng tiềm năng là một quá trình phát triển liên tục, được hình thành từ những nỗ lực có chủ đích, sự kiên trì, phản hồi tích cực và các môi trường hỗ trợ. Với một cách tiếp cận khoa học và thực tiễn, Grant mở ra một con đường rõ ràng để giúp mọi người đạt được thành công to lớn hơn.
Nội dung sách được chia thành ba phần, bắt đầu với việc tìm hiểu nhân cách của bản thân. Grant khẳng định thành công không chỉ phụ thuộc vào trí thông minh hay năng khiếu bẩm sinh, mà bằng một kỹ năng đặc biệt – kỹ năng nhân cách. Qua hơn 20 năm nghiên cứu, Grant nhận ra nhân cách là một tập hợp các kỹ năng như tính kiên trì, trí tuệ cảm xúc và sự tò mò… và nó sẽ quyết định cách con người xử lý những vấn đề hằng ngày cũng như mọi vấn đề khác trong cuộc sống, nó cũng là thứ giúp chúng ta sống đúng với những nguyên tắc và giá trị của mình.
Xã hội thường có xu hướng tôn vinh những người có tài năng thiên bẩm, nhưng Grant nhấn mạnh rằng điều thật sự quan trọng là quá trình chúng ta phát triển thông qua học hỏi và thực hành liên tục. Sự phát triển này phụ thuộc vào việc áp dụng tư duy phát triển, tức là nhận thức rằng kỹ năng và trí tuệ có thể được cải thiện nhờ nỗ lực bền bỉ.
Grant lấy ví dụ từ nhiều lĩnh vực khác nhau để minh họa rằng người thành công không nhất thiết có lợi thế vượt trội ngay từ đầu. Thay vào đó, họ sử dụng những chiến lược khôn ngoan và chấp nhận rủi ro. Tác giả nhấn mạnh rằng những người dám chấp nhận cảm giác khó chịu và dám mắc sai lầm thường có cơ hội phát triển lớn hơn. Trong quan điểm của Grant, thất bại không phải là điểm dừng mà là cơ hội để học hỏi và cải thiện.
Ở phần hai của cuốn sách, Grant dẫn dắt bạn đọc tìm hiểu về các phương pháp tạo ra cấu trúc động lực để thúc đẩy bản thân. Bạn sẽ hiểu được vì sao chơi có chủ đích lại có thể ngăn ngừa sự nhàm chán và kiệt sức. Bạn cũng sẽ hiểu được vì sao đôi khi lùi lại là cách hữu hiệu nhất để tiến về phía trước. Ngoài ra, một yếu tố không thể thiếu trong việc khai phá tiềm năng là xây dựng giàn giáo cho mình. Bởi vì, như Grant nhấn mạnh rằng thành công không chỉ phụ thuộc vào cá nhân mà còn là kết quả của các yếu tố bên ngoài như sự hỗ trợ từ người cố vấn, đồng nghiệp, cùng với môi trường học tập hay làm việc tích cực. Chính hệ thống giàn giáo hỗ trợ này không chỉ tạo động lực mà còn giúp chúng ta tiếp nhận phản hồi và cải thiện liên tục.
Phần cuối cùng của cuốn sách bàn về việc xây dựng hệ thống để mở rộng cơ hội. Kỹ năng nhân cách và giàn giáo có thể giúp chúng ta khai mở tiềm năng ẩn giấu trong bản thân và những người xung quanh, nhưng để tạo ra cơ hội trên quy mô lớn hơn đòi hỏi chúng ta phải xây dựng hệ thống tốt hơn trong trường học, nhóm và tổ chức. Đó không chỉ là việc thiết kế hệ thống giáo dục sao cho mọi đứa trẻ đều được tiến lên phía trước mà còn là tạo điều kiện cho những nhân tài “nở muộn” có thể bộc lộ tiềm năng của mình, từ đó mở rộng cánh cửa cơ hội cho mọi người.
Thông qua những lập luận sắc bén và các ví dụ vừa thực tiễn vừa thú vị, Adam Grant giúp người đọc nhận ra rằng “thành công không chỉ là đạt được mục tiêu mà còn là sống theo các giá trị chúng ta coi trọng. Không có giá trị nào cao cả hơn việc khao khát trở thành một người tốt hơn so với phiên bản của ta ở hiện tại. Không có thành tựu nào vĩ đại hơn việc giải phóng tiềm năng còn đang ẩn giấu trong ta”. Vì lẽ đó, “Biến tiềm năng thành tài năng” không chỉ là một tác phẩm giàu cảm hứng mà còn mang đến một cái nhìn toàn diện về cách chúng ta có thể khai phá tiềm năng của bản thân và những người xung quanh.
* Về tác giả:
Adam Grant (sinh năm 1981) được công nhận là giáo sư hàng đầu trong bảy năm liền của Đại học Wharton. Grant là nhà tâm lý học tổ chức được công nhận là một trong mười nhà tư tưởng về quản lý có tầm ảnh hưởng nhất thế giới theo tạp chí HR và nằm trong danh sách 40 giáo sư kinh doanh tài giỏi nhất thế giới dưới 40 tuổi.
Adam Grant là tác giả sách bán chạy số một theo đánh giá của New York Times, với những tựa sách đã bán hàng triệu bản và được dịch sang 45 ngôn ngữ như Think Again (Dám nghĩ lại), Give and Take (Cho và nhận), Originals (Tư duy ngược dịch chuyển thế giới)... và cuốn sách mới nhất Hidden Potential (Biến tiềm năng thành tài năng). Những cuốn sách của ông luôn có mặt trong danh sách những cuốn sách hay nhất trong năm, trên Amazon, Apple, tạp chí Financial Times và Wall Street Journal.
Ngoài công việc nghiên cứu và giảng dạy, Adam hiện đang là phóng viên độc lập của chuyên mục “Công việc và Tâm lý”, thuộc New York Times. Ngoài ra, Adam còn là người chủ trì podcast WorkLife và Re:Thinking của tổ chức TED.
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.