Hành Trình Ở Xứ Diêm-Phù - Tập 3
CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT DƯỚI LĂNG KÍNH TRẺ THƠ
Được truyền cảm hứng từ hai tác phẩm “Đường Xưa Mây Trắng” (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) và “Một Cuộc Đời, Một Vầng Nhật Nguyệt” (Thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh), hai tác giả Huyền Diệu và Hữu Thiện đã cùng nhau chấp bút lên bộ truyện “Hành trình ở xứ Diêm-phù”, bộ truyện tái hiện lại Cuộc Đời Đức Phật dưới lăng kính của trẻ thơ không mang màu sắc tôn giáo, qua đó:
- Truyền tải các bài học về Tình Yêu Thương dựa trên nền tảng Hiểu Biết Sâu Sắc
- Gieo mầm nhân cách và nuôi dưỡng tâm hồn cho các bạn nhỏ và cả người lớn
“Hành trình ở xứ Diêm – phù” gồm 3 tập truyện đưa độc giả “xuyên không” về hành trình đắc đạo của Đức Phật từ khi Ngài được sinh ra, trở thành Thái tử Siddhattha lớn lên trong cuộc sống xa hoa của một bậc vua chúa mà không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, cho đến khi Ngài trải qua liên tiếp các biến cố và giác ngộ.
Tập 1 của bộ truyện gồm 6 phần tương ứng với 276 trang. Phần đầu tiên kể về cuộc gặp gỡ của biệt đội Cánh Nhỏ gồm 5 người bạn Sava, Moha, Sila, Raga, Dosa và rùa con Panna với rất nhiều bảo bối, cùng nhau đi tìm đường cứu Vương quốc Cita khỏi nạn diệt vong. Ở phần này, độc giả sẽ được cùng biệt đội Cánh Nhỏ bước vào “Cánh cổng Xuyên Không” để đi tìm Vị Thầy Vĩ Đại có thể giải cứu Cita – vùng đất khác với Cita cả về không gian và thời gian – nơi Đức Phật chào đời. 5 phần sau các tác giả sẽ từng bước đưa bạn đọc bước vào cuộc đời của Đức Phật từ khi Ngài được sinh ra giữa hiểm nguy, sóng gió nơi gia tộc đế vương cho đến khi Ngài trở thành Thái tử mang trong mình tình thương muôn loài và tìm thấy điều kỳ diệu bên gốc hồng táo.
Sang đến tập 2, biệt đội Cánh Nhỏ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Thái tử Siddhattha trải qua những “cột mốc” quan trọng của đời người. Đó là khi tham gia cuộc thi kén rể để được thành hôn với người bạn tri kỉ, là những khoảnh khắc ý nghĩa cuộc đời được đánh thức, là những cuộc “đổi mới” đất nước mà Ngài bắt đầu xây lên từ “viên gạch đầu tiên” - giáo dục, là cuộc gặp với 4 vị sứ giả và là cả khi nhận ra sự hiểu lầm về tri thức hay những cuộc giao tranh không thể tránh khỏi. Liệu Thái tử có “nên duyên” được với người bạn tri kỉ, liệu “sự nghiệp” giáo dục của Ngài có thành công và kết thúc của cuộc giao tranh sẽ ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong 280 trang sách tập 2 của bộ truyện “Hành trình của xứ Diêm – phù”.
Cuối cùng tập 3, với 324 trang sách, kể về cuộc hành trình của Thái tử Siddhattha sau khi đã trải nghiệm qua hết mọi “góc cạnh” của người đời từ những phẫn nộ, đố kỵ, dụ dỗ và cả cuộc sống hôn nhân; Ngài đã quyết chí ra đi tìm câu trả lời cho những băn khoăn mà Ngài vẫn hằng trăn trở. Cũng từ đây, Thái tử đã bắt đầu đi tìm thầy, tập đời sống của một tu sĩ, trải qua những cuộc thức tỉnh, những cuộc chiến giữa bụt và quỷ ba độc. Xuyên suốt hành trình đó, biệt đội Cánh Nhỏ luôn sát cánh bên thầy – Thái tử Siddhattha, tập thiền định cùng thầy, từ đó tự rút ra những bài học cho bản thân về tình bạn, tình yêu thương và cuối cùng là tìm được cách tự cứu lấy vương quốc của chính mình.
Đội ngũ tác giả hy vọng, với bộ truyện “Hành trình ở xứ Diêm – phù” các bạn nhỏ sẽ có thể được tiếp cận những bài học của vị thầy lớn một cách tự nhiên, trong sáng. Từ đó, những hạt giống trí tuệ, nghị lực và yêu thương đúng đắn trong các em được nuôi dưỡng và nở hoa.
Dưới đây là một trích đoạn trong bộ truyện:
“Khi các con bóc một trái quýt ăn. Các con biết mình đang ăn quýt, các con cảm nhận được hương thơm và vị ngọt của trái quýt. Khi bóc quýt, mình biết mình đang bóc quýt. Khi gỡ một múi quýt, mình biết mình đang gỡ múi quýt. Khi tiếp xúc với vị ngọt và hương thơm của múi quýt, mình biết mình đang tiếp xúc với hương thơm và vị ngọt của múi quýt.”
Nói rồi Thầy ngồi bóc quýt một cách chậm rãi, rồi từ từ tách từng múi quýt và thưởng thức. Cánh Nhỏ nhìn Thầy chăm chú. Ai cũng đều hiểu rằng Thầy của chúng đang muốn giảng giải điều gì. Vì vậy chúng cũng bắt chước chậm rãi làm theo, kể cả Mập Raga, dù cái bụng nó đang réo òng ọc.
“Chúng ta ăn quýt như thế để thấy trái quýt rất quý giá. Các con sẽ trân quý và biết ơn người trồng quýt, người chăm sóc và người mang trái quýt tới cho các con. Đó gọi là ăn quýt trong tỉnh thức. Vì trong suốt thời gian ăn quýt, các con luôn biết đến trái quýt trong từng phút giây hiện tại. Các con sẽ không có thời gian lo nghĩ về quá khứ đã qua hay tương lai đang tới. Ngay chính lúc đó các con luôn sống trọn vẹn với chính mình.”
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi