Từ thuở nhỏ hai tiếng Sài Gòn đã cuốn hút tôi lạ lùng. Thi thoảng tôi được nghe mẹ kể ông kia bà nọ đã từng đi Sài Gòn, vào tham quan dinh Thống Nhất ngồi ghế tổng thống, chơi ở công viên Tao Đàn, coi thú nhảy múa trong Thảo Cầm Viên, dạo chợ Bến Thành, ăn kem Bạch Đằng, uống cà phê hồ Con Rùa, xem cải lương rạp Trần Hưng Đạo, lên tận Chợ Lớn mua hàng,… Tôi tưởng tượng Sài Gòn như vùng đất chỉ có trong những câu chuyện cổ tích và luôn mơ ước sẽ vào đó coi cho biết. Chẳng những tôi mà dường như bất cứ đứa trẻ nào ở xứ sở nắng lửa mưa dầu gió cát miền Trung quê tôi cũng đều ước mơ được một lần vào tận Sài Gòn. Sau này lớn lên tôi còn được biết có những người nông dân suốt đời quanh quẩn ruộng đồng sau luỹ tre làng, ước mong một ngày thấy được thị xã hay thành phố, hai tiếng Sài Gòn đối với họ như thiên đường mà cho đến khi nhắm mắt xuôi tay trở về đất mẹ vĩnh hằng thì Sài Gòn vẫn chỉ là niềm mơ ước. Và đâu chỉ người miền Trung mà tôi tin bất cứ người Việt Nam nào ở trong và ngoài nước, tất nhiên ngoại trừ những người sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, đều mong muốn một lần đến với thành phố từng được mệnh danh Hòn Ngọc Viễn Đông.
Dẫu biết đất nước ta ở đâu cũng đẹp, cũng thiêng liêng, cũng quyến rũ, nhưng Sài Gòn mang vẻ đẹp riêng, có sức sống riêng, sức hấp dẫn riêng của một không gian địa lý, văn hoá và lịch sử độc đáo mà không nơi nào có được. Nhiều người đã dày công nghiên cứu, đưa ra những kiến giải khác nhau về sự ưu việt của vùng đất và con người trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển từ Sài Gòn đến Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, những nghiên cứu, biên khảo, trước tác ấy chưa phải đã hoàn toàn thấu đáo, đặc biệt đâu là sức hấp dẫn thực sự khác biệt của thành phố này so với những nơi khác, để rồi từ đây xuất hiện nhiều sự kiện trọng đại và nhiều nhân vật mang tính tiên phong, có tầm ảnh hưởng, đóng góp những giá trị khác nhau cho sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước. Trong số những kiến giải về Sài Gòn, tôi thích góc nhìn của nhà Nam Bộ học Sơn Nam khi ông nhận định một cách giản dị mà sâu sắc: “Người Sài Gòn nào phải tự trên trời rơi xuống, thình lình! Đất Sài Gòn hơn 300 năm trước nào phải bỗng dưng trở thành xương thịt của Tổ quốc Việt Nam. Theo tôi, Sài Gòn là vùng đồng bằng mang đậm nét đặc trưng về địa lý, về lịch sử; là một cảng biển, cảng sông, cảng đường bộ, là không cảng với vị trí đặc thù ở Đông Nam châu Á. Đây là nơi nhạy cảm, đón nhận các vùng văn hoá Đông - Tây, đặc biệt là sớm tiếp cận với vùng Đông Nam châu Á (mà nay ta gọi là khối ASEAN), tiếp cận từ hơn 300 năm. Vùng đất thuận lợi để giao thương về kinh tế thương mãi, đem lợi ích cho nhiều nước trong vùng và cho thế giới. Sống ở cảng biển, với dịch vụ, người Việt phải sớm hoà nhập cho bằng được. Những nét đặc trưng của người Việt được dịp phát triển, phơi bày rõ nét ở Sài Gòn hơn địa phương khác. Hiếu khách, luôn luôn lạc quan, yêu lao động, yêu Tổ quốc, chống ngoại xâm là điều mà dân tộc nào cũng có. Nhưng ở Sài Gòn, những nét nói trên được tập trung đến cao độ, khi gặp thử thách gay gắt. Bọn xâm lược đã lầm to khi nhìn thấy dân Sài Gòn thích cái lạ đưa từ nước ngoài vào, sớm mặc đầm, vui chơi suốt đêm, nhưng họ đâu ngờ rằng Sài Gòn còn mặt chìm, còn lượn sóng ngầm từ cả nước tập trung về” (Lời giới thiệu bộ sách Phỏng vấn Người Sài Gòn nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh 1698 - 1998).
Có những thời điểm, sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt, cả nước đã hướng về Sài Gòn và Sài Gòn trở thành biểu tượng sức mạnh của cả nước, mà trong lịch sử hiện đại thì Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, Nam Bộ kháng chiến năm 1945 cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 hoặc công cuộc Đổi mới chính thức bắt đầu năm 1986 sau này là những minh chứng xác thực. Và “lượn sóng ngầm” mà nhà văn Sơn Nam nói chính là tinh hoa, tài năng, trí tuệ, ý chí, nghị lực, sức mạnh tinh thần lẫn vật chất thể hiện qua những con người cụ thể từ khắp cả nước hội tụ về trong hoàn cảnh và điều kiện tốt của thành phố này để góp phần làm nên chiến công, dựng nên thành tựu, tạo nên hào khí Sài Gòn.
Trong chiến tranh cứu nước, Sài Gòn là đất dữ. Trong hoà bình xây dựng, Sài Gòn là đất lành. Và bất kỳ trong hoàn cảnh nào mảnh đất này cũng gắn liền với những nhân cách và tài năng đáng kính, đáng quý. Chưa kể những nhân vật như Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Văn Duyệt, Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức,… từ thời khẩn hoang, bình định lập làng lập ấp, chỉ riêng từ đầu thế kỷ XX về sau, rất nhiều con người tài năng đã được sinh trưởng hoặc hội tụ về Sài Gòn, mà sự nghiệp của họ đã và đang để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực khác nhau của thành phố. Với nghiệp cầm bút, tôi may mắn đã gặp, trò chuyện với nhiều nhân vật của Sài Gòn và họ đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm gắn liền với vùng đất lành này. Một danh tướng Trần Văn Trà văn võ song toàn. Một giáo sư sử học, triết học Trần Văn Giàu từng là nhà lãnh đạo cách mạng tiền phong và quyết đoán. Một “ông vua vũ khí” Trần Đại Nghĩa bác học xuất chúng. Một nhà cách mạng lão thành Hà Huy Giáp giản dị mà uyên thâm. Một bậc thầy Cao Xuân Hạo gây chấn động giới ngữ học quốc tế. Một “hùm xám” Tô Ký dũng cảm và nghĩa hiệp của Mười tám thôn Vườn trầu. Một bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng song hành với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch minh triết và giàu lòng nhân ái. Một nhà điêu khắc Diệp Minh Châu tài hoa, đào hoa và có nguồn cảm hứng vô tận về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Một danh tướng Hoàng Cầm gắn liền với những trận đánh lớn. Một nhà văn hoá Sơn Nam say đắm lưu giữ “bụi vàng” ký ức Nam Bộ. Một giáo sư Hoàng Như Mai nghệ sĩ, cuốn hút. Một thuỷ tướng Đồng Văn Cống tung hoành miền sông rạch. Một nghệ sĩ Võ Anh Ninh dày công chép sử bằng nhiếp ảnh. Một vị tướng đa năng Trần Văn Danh giỏi chỉ huy tình báo, đánh trận và cả trong xây dựng kinh tế. Một nhà văn Nguyễn Quang Sáng ham chơi và bất ngờ như mùa gió chướng. Một võ sư Minh Cảnh từng “vô đối” ở Đông Dương. Một thi sĩ - soạn giả Kiên Giang lãng tử và đa tình. Một chiến tướng mê viết văn Bùi Cát Vũ lớn lên trong gió bụi Sài Gòn. Một nhạc sĩ Lê Thương lãng mạn và bi tráng với ba bản Hòn vọng phu. Một nhà văn Lý Văn Sâm nghĩa khí và mê mải chuyện đường rừng. Một vị tướng Phan Khắc Hy luôn ám ảnh nỗi đau của nữ chiến sĩ Trường Sơn. Một Dã Lan ngược xuôi tiên phong nghiên cứu gia phả học. Một học giả An Chi thầm lặng mà bất ngờ và uyên bác. Một hoạ sĩ Choé độc đáo với những bức tranh biếm hí hoạ hàng đầu thế giới. Rồi những Phùng Há, Viễn Châu, Út Trà Ôn làm dậy sóng nghệ thuật tài tử vọng cổ, cải lương Nam Bộ. Và nhiều con người tài năng khác trên nhiều lĩnh vực, càng về sau càng đông đảo như Chim Trắng, Lê Văn Thảo, Văn Lê, Trần Văn Tuấn, Phạm Sỹ Sáu, Triệu Từ Truyền, Bùi Chí Vinh, Lâm Xuân Thi, Nguyễn Tài My, Hoàng Quốc Tuấn, Vũ Việt Dũng, Mỹ Chi, Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ,… Tất nhiên còn nhiều tài năng đáng trân trọng khác mà tôi đã hoặc chưa được gặp. Môi trường tốt của đất lành đã tạo nên những con người hào phóng, nghĩa tình đã tận tâm, tận lực, tận tuỵ và thầm lặng góp phần làm nên diện mạo không gian văn hoá riêng đáng tự hào cho Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Bằng sự cuốn hút của hai tiếng Sài Gòn từ thuở ấu thơ và bằng tình yêu đối với thành phố mà bản thân được học tập, sinh sống, làm việc từ năm chưa tròn hai mươi tuổi, tôi lần lượt ghi chép lại những hiểu biết của mình qua cuộc đời và sự nghiệp những nhân vật cụ thể trong bộ sách nhiều tập Sài Gòn đất lành chim đậu, với ước muốn tri ân vùng đất đã cưu mang mình và cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích có thể. Tôi xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo động lực cho tôi hoàn thành và được xuất bản bộ sách. Trong quá trình biên soạn không thể nào tránh được sai sót, nhất là đối với những nhân vật lịch sử quan trọng, tôi cũng mong đón nhận sự chia sẻ, góp ý chân thành của những người liên quan và bạn đọc tri âm.
PHAN HOÀNG
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi