Theo các chuyên gia tài chính, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 7 tháng năm 2021, gần 80.000 doanh nghiệp đã phải rời bỏ thị trường. Từ nay đến hết năm, nếu Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế, số lượng doanh nghiệp phá sản cũng ở mức 100.000. Hiện mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp phá sản. Trường hợp nếu không kiểm soát được dịch bệnh, sẽ có khoảng 150.000 doanh nghiệp phá sản trong năm nay.
Những con số thực sự làm người không quan tâm đến tình hình tài chính cũng phải giật mình. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nền kinh tế không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà kéo theo nó là người lao động thất nghiệp, tài chính ảnh hưởng và rõ rệt ở mâm cơm của từng gia đình.
Có thể thấy, đại dịch này là một “cú shock” lớn đối với nền kinh tế và các Doanh nghiệp đang “ngấm đòn”. Đối với một doanh nghiệp, sự biến động của thị trường sẽ tác động ngay đến hoạt động của công ty và với những biến động lớn, sự tác động không chỉ liên quan đế lợi nhuận mà còn là nhân sự, là sự sống còn của công ty. Đối mặt với khó khăn hay những khủng hoảng kinh tế mang tính khách quan, có tính chu kỳ hay bất ngờ như Đại dịch Covid là điều các doanh nghiệp sẽ luôn phải tính toán đưa vào kế hoạch hoạt động của mình. Sự chuẩn bị, sự đối mặt và tính toán các nguồn lực đối phó mang tính chủ động hay bị động sẽ liên quan rất nhiều đến sự sống còn và phát triển mạnh hay yếu của bất cứ một doanh nghiệp nào.
Môi trường kinh doanh đang ngày càng trở nên khắc nghiệt và luôn có biến động, cạnh tranh không ngừng, hàng loạt doanh nghiệp được sinh ra thì cũng rất nhiều doanh nghiệp đóng cửa, biến mất. Năng lực sinh tồn hay học cách đứng vững trong sự đào thải kinh tế là năng lực mà các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải có.
Thời điểm này là thời điểm các doanh nghiệp cần xem xét lại quy trình làm việc và có những cải tiến, đổi mới sáng tạo để tăng hiệu suất và cắt giảm chi phí không phù hợp, từng bước vực doanh nghiệp qua khó khăn. Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp quan tâm đào tạo và tự đào tạo để phát huy tốt nguồn lực con người.
Lấy nội dung từ những ghi chép miệt mài của bản thân từ năm 27 tuổi, sau 40 năm miệt mài ghi chép quá trình làm việc và vực dậy nhiều công ty bên bờ phá sản, ông Kazuhiro Hasegawa đã xuất bản 3 cuốn sách “Nhật ký giám đốc” được đánh giá cao ở Nhật Bản. Bộ sách đã được hơn 200 ngàn độc giả đón nhận, kèm theo đó cảm tưởng và những lời mời tư vấn từ nhiều doanh nghiệp. Nếu như tập 1 tập trung vào những bí quyết giúp công ty đứng vững bằng cách quan tâm đến yếu tố con người, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng kỹ năng thì tập 2 là tập hợp các "phương pháp để một nhà kinh doanh có thể sinh tồn trong nghịch cảnh". Tập 3 của bộ sách sẽ tập trung vào việc đào tạo những “chiến binh” cốt lõi, những người cần thiết và tạo nên lợi nhuận cho công ty.
"Tôi mong các bạn đọc, dù ở bất kỳ thời đại nào, ở bất kỳ tình huống nào, cũng thật kiên cường và vượt qua mọi khó khăn. Và tôi cũng mong các bạn hạnh phúc, được những người xung quanh tin yêu, bảo vệ được gia đình và bảo vệ được tổ chức của mình." Đây là những cảm xúc nhất quán của tác giả trong suốt bộ sách "Nhật ký giám đốc" mà Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam xuất bản với tên “Sống sót sau những cú shock kinh doanh”.
Từng đảm nhiệm vị trí quản lý sản phẩm, marketing trong các tập đoàn quốc tế, và cũng từng làm giám đốc trong các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, tác giả đã giúp cho khoảng hơn 2000 công ty thua lỗ có lợi nhuận trở lại. Từ kinh nghiệm đó, tác giả khẳng định những công ty thua lỗ thật sự vô cùng bi thảm. Họ đã không thể tạo ra lợi nhuận, lại còn thua lỗ kéo dài dẫn đến phá sản. Nếu bị thua lỗ, nguy cơ bị cắt giảm lương thưởng tăng cao, phá sản sẽ dẫn đến thất nghiệp. Vì vậy, để tránh lâm vào tình trạng này, Bộ sách hy vọng các bạn sẽ thường xuyên suy nghĩ nghiêm túc về lợi nhuận. Bởi vì từ giờ trở đi sẽ là thời đại mà số công ty thua lỗ sẽ còn tiếp tục tăng lên.
"Lợi nhuận" mà tác giả đề cập ở đây không chỉ là sản phẩm hay những con số có thể nhìn thấy bằng mắt mà các nhân viên phát triển sản phẩm hay bán hàng đang tìm cách nâng cao mà toàn bộ nhân viên trong phòng tổng hợp, kế toán, kinh doanh cho đến các nhân viên mới, đều phải trở thành những "Người tạo ra lợi nhuận" trong công việc. Ý thức về việc tạo ra lợi nhuận không chỉ giúp doanh nghiệp trưởng thành, mà còn giúp bản thân mỗi thành viên trong công ty "Có lợi nhuận". Chỉ cần là mọi người biết suy nghĩ, tập trung toàn bộ sức lực của bản thân cống hiến cho công ty, cho tổ chức thì chắc chắn sẽ có thể tồn tại và không gặp khó khăn trong công việc.
“Nếu bộ sách "Sống sót sau những cú shock kinh doanh” có thể trợ giúp được bạn, đấy là hạnh phúc tột cùng của tôi” (Kazuhiro Hasegawa)
Thông tin tác giả, dịch giả:
Kazuhiro Hasegawa
Sinh năm 1939 tại tỉnh Chiba, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp khoa Kinh tế trường Đại học Chyuo, ông làm việc tại các công ty đa quốc gia như Juujou Kimberly, General Food, Johnson… Ông lần lượt trải qua vị trí giám đốc điều hành tại các công ty có vốn nước ngoài như Kellogg Japan, Bayer Japan, Varilux Japan… Từ năm 2000, ông đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành tại công ty Nikon Essilor. Từ một công ty thua lỗ tới 50 triệu USD, ông đã vực dậy và đưa công ty có lãi chỉ sau một năm, và trở thành công ty kinh doanh mà không cần vay nợ kể từ năm thứ hai. Phương pháp điều hành của ông được đánh giá rất cao trong giới kinh doanh tại Nhật Bản.
NHÓM NOMUDAS
“Chúng tôi hành động vì một nền sản xuất Việt Nam”
Được thành lập vào tháng 9/2018, nhóm NOMUDAS (tiền thân là nhóm VietFuji hoạt động từ năm 2013) bao gồm các thành viên đến từ các trường đại học của Nhật Bản. Nhóm NOMUDAS mong muốn truyền tài phong cách và tinh thần làm việc Nhật Bản, hướng tới nâng cao năng suất làm việc cho người Việt Nam; thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ hai nước.
Lấy dịch thuật làm nền tảng, NOMUDAS chia sẻ các nội dung liên quan tới sản xuất, kaizen, quản lý Nhật Bản thông qua xuất bản sách ở Việt Nam và các cổng thông tin khác.
Facebook: NOMUDAS GROUP
Website: tech.nomudas.com
nomudas.com
MỤC LỤC tập 3
Chương 1
Người không tạo ra lợi nhuận thì không thể tồn tại
Mỗi nhân viên đều có quyết tâm phải luôn tạo ra lợi nhuận, cố gắng thu về từng yên, giảm chi phí phát sinh từng yên. Công ty nuôi dưỡng nên những nhân viên với ý chí như vậy sẽ đứng vững và tồn tại. Còn bạn thì sao, cách suy nghĩ về lợi nhuận của bạn đã đúng chưa?
Chương 2
"Phương pháp suy nghĩ và hành động" để đưa ra thành quả trong công việc
Sự khác biệt trong khát vọng và động lực sẽ được biểu hiện thông qua thành quả. Hãy tự phân tích tình hình hiện tại của bản thân, vạch ra mục tiêu và từng bước một biến nó thành hành động. "Làm chủ" hành động bản thân là bí quyết để nâng cao năng lực.
Chương 3
Điểm khác biệt giữa người công ty cần và không cần
Bạn hiện tại có đang toả sáng và tạo ảnh hưởng tới xung quanh hay chỉ là một cá thể không có cơ hội thể hiện, chẳng thể phát huy nổi một nửa thực lực của mình? Hãy tự chấm điểm cho mình một cách nghiêm túc. Hãy nâng cao giá trị hiện diện của bản thân và trở thành người mà công ty cần đến.
Chương 4
Nỗ lực hàng ngày của những người đại thành công là gì?
Đó là ý chí sắt đá: "Hôm nay, dù chỉ là 1mm thôi cũng được, ta phải cố gắng trưởng thành hơn!". Sự phát triển của bạn sẽ thay đổi rất nhiều phụ thuộc vào việc bạn có mang trong mình ý chí trên hay không. Người càng thành công càng giỏi duy trì nỗ lực từng ngày của bản thân.
Chương 5
Nên suy nghĩ từ hôm nay những điều nên làm để hình thành "tâm kiên định"
Để có quyết tâm mạnh mẽ, chỉ rèn luyện "trái tim" thôi là chưa đủ. Một chế độ quản lý sức khoẻ để nâng đỡ cho "trái tim" đó cũng là yếu tố rất quan trọng. Một cơ thể "giỏi chịu đòn", đủ sức vượt qua một thời đại đầy khó khăn và thử thách chính là chìa khoá để đứng vững và tồn tại.
Chương 6
Chính người tạo được “Tự tin chiến thắng” sẽ là người trưởng thành
Nếu chỉ khắc phục những điểm yếu của bản thân, bạn sẽ không thể trang bị cho mình khả năng cạnh tranh được. Vậy để có được "niềm tin chiến thắng", trước hết bạn cần phải bắt đầu từ việc "làm mạnh hơn nữa điểm mạnh" của mình. Niềm tin này chính là nguồn động lực tạo ra khát vọng đưa bạn đến những thắng lợi mới.
Chương 7
Những việc lãnh đạo cần làm để đào tạo được nhân viên có thể tạo ra lợi nhuận
Được nhân viên đánh giá là "một người sếp tốt" thực ra chẳng có ý nghĩa gì. Thay vào đó, bạn hãy cố gắng nỗ lực hàng ngày, với tâm thế "sẽ có được sự tin yêu từ nhân viên của mình bằng việc tạo ra lợi nhuận cho công ty". Hãy "nói được thì làm được" để truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh, nhờ đó mà nhân viên cũng sẽ phát triển.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi