Tư Trị Thông Giám là một tác phẩm sử học kinh điển đồ sộ, bộ sử quan trọng hàng đầu của Trung Quốc, viết theo thể biên niên, trong nguyên tác có tới 294 cuốn và ba triệu chữ Hán cổ. Nội dung của nó bao trùm một khoảng thời gian lịch sử rất dài xuyên suốt 16 triều đại chính thống (16 kỷ), ghi chép về rất nhiều mặt bao gồm quân sự, kinh tế, văn hóa tư tưởng, phạm vị cực kì rộng lớn..
Bộ sử này không đơn thuần là ghi chép sự kiện, mà còn thông qua các sự kiện đó, phân tích rõ lý lẽ hưng thịnh suy vong, nêu bật tấm gương, soi tỏ bài học thành bại được mất, phân tích thiện ác, các chính sách… từ đó đúc rút kinh nghiệm, thành tấm gương soi cho bậc đế vương thi hành đạo trị quốc, dạy các bậc đế vương, vua chúa cách tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, giúp bạn đọc có thể hình dung các phương cách quản trị, dụng nhân của người xưa. Một nét đặc sắc không thể bỏ qua là những câu bình luận trong Tư Trị Thông Giám, rất đa dạng và phong phú. Có những lời bình về lịch sử, có những lời bình về sự kiện, có những đánh giá về con người, có những đánh giá về chính sách, có những phân tích về kế mưu, phương lược… tất cả đều do tác giả thực hiện. Tác giả còn tuyển chép những lời bình luận của người đời trước một cách có chọn lọc để phù hợp với quan điểm của mình.
Giới thiệu về Tư Trị Thông Giám tập 5, tập 6
Sau sự thành công của bốn tập trước, Nhà xuất bản Văn học và Nhà sách Tri thức trẻ tiếp tục giới thiệu Tư Trị Thông Giám tập 5, tập 6 đến bạn đọc. Ở Tư Trị Thông Giám tập 5 và 6 lần này ghi chép lịch sử, những biến động chính trị, xã hội Trung Quốc giai đoạn nhà Ngụy và nhà Tấn (hai cuốn tập hợp Ngụy kỷ và Tấn kỷ), kết thúc giai đoạn Hán kỷ trước đó. Cũng chính vì lẽ đó, nhóm dịch giả Cổ Thư Lâu và Nhà sách Tri thức trẻ quyết định thay đổi màu bìa sách bản đặc biệt sang màu nâu để đánh dấu thời đại mới. Tư Trị Thông Giám là một bộ sách lịch sử đồ sộ, quý giá không thể thiếu trong tủ sách của những người nghiên cứu và yêu thích lịch sử và chính trị, đặc biệt là lịch sử - chính trị Trung Hoa.
Giới thiệu tác giả Tư Mã Quang
Tư Mã Quang (1019 - 1086), tự Quân Thực, lấy hiệu là Vu Phu, sau khi lớn tuổi xưng là Vu Tẩu, người đời gọi ông là Tốc Thủy tiên sinh, là một sử gia nổi tiếng Trung Quốc. Tư Mã Quang là một tấm gương sáng về lối sống, được dân chúng đương thời kính ngưỡng. Ông là người được giới sử học Trung Quốc tôn vinh cùng sử gia Tư Mã Thiên là "Lưỡng Tư Mã". Tư Trị Thông Giám và Sử Ký của họ được coi là "Sử học song bích".
Dành cả cuộc đời để cống hiến, ghi chép, trần thuật, định giá xác đáng, đầy đủ và chi tiết các câu chuyện cai trị, chính sách, thành tựu quân sự, pháp chế, định chế, hay cả những di sản rực rỡ kế thừa v.v... xuyên suốt 16 triều đại chính thống, Tư Mã Quang đã làm nên một trong những bộ sử đồ sộ và quan trọng hàng đầu của Trung Quốc. Ngoài Tư Mã Quang đóng vai trò chủ biên, những người biên soạn còn có Lưu Thứ, Lưu Ban, Phạm Tổ Vũ.
Giới thiệu nhóm dịch giả, hiệu đính (nhóm Cổ Thư Lâu)
Nhóm Cổ Thư Lâu bao gồm những thành viên: Bùi Thông, Phạm Thành Long, Nguyễn Đức Vịnh, Võ Hoàng Giang, Lê Hải An, Cao Thế Khải, Nguyễn Đỗ Thuyên, Trần Minh Tiến.
Mùa hè năm 2016, bộ sử Tam Quốc Chí (Trần Thọ) lần đầu được giới thiệu đầy đủ, hệ thống tại Việt Nam. Điều gây ngỡ ngàng ở chỗ bộ sách đồ sộ này được ra đời từ những người bạn quen nhau qua mạng, gắn kết bởi có chung sự quan tâm tới cổ sử, quyết tâm làm bộ sách vì tình yêu với lịch sử.
Cuối tháng 11 năm 2017, nhóm dịch tiếp tục mang tới bất ngờ mới: họ chuyển ngữ và cho ra mắt tập một bộ Tư Trị Thông Giám (Tư Mã Quang chủ biên). Đây là bộ sử đồ sộ, trong nguyên tác có tới 294 cuốn và ba triệu chữ Hán cổ.
Về lí do thực hiện bộ sách, dịch giả Bùi Thông – thành viên trụ cột của nhóm chia sẻ: “…Như một guồng máy đang chạy, chững lại một thời gian bỗng thấy hụt hẫng. Lại cũng vì ham thích nghiên cứu cổ sử, nhóm muốn dịch một bộ sách nữa, liên quan ít nhiều với sử Việt, để gọi là có ích với cộng đồng.”
Nói về việc phân chia công việc, dịch giả Bùi Thông cũng chia sẻ: “Vì bộ sách dài, nhóm phân chia mỗi người dịch một số kỷ nhất định. Một số người phụ trách sưu tầm sử liệu, nguồn dịch, các tài liệu đối chứng rải rác trong “Nhị thập tứ sử” so sánh với tư liệu gốc, tránh sai sót.”
Sau khi dịch xong vài cuốn nhỏ, sẽ chuyển sang cho một người hiệu đính, loại bỏ câu tối nghĩa, hoặc dịch chưa tròn ý, bổ sung chú thích cần thiết còn thiếu.
Hiệu đính xong, một số người khác sẽ tập trung rà soát từng câu, đảm bảo ngữ nghĩa thông suốt, thoát ý, câu văn không bị vấp váp, sửa lỗi chính tả. Cứ thế dần dần hoàn thành từng tập.
Nói về việc bộ sách này, nhóm Cổ Thư Lâu từng có lần lên tiếng: “Bắt tay vào việc chuyển ngữ pho sử đồ sộ này, nói là một thu chơi, hoặc một việc làm “không tự lượng sức”, đối với nhóm dịch và biên soạn, thế nào cũng đúng.”
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi