Boxset Bức Tranh Vũ Trụ (Bộ 5 Tập)
1. Bức Tranh Vũ Trụ: Lược Sử Thiên Văn Học
Trong rất nhiều lĩnh vực và phạm vi nghiên cứu về tự nhiên, dường như thật đáng ngạc nhiên khi mà thiên văn học - lĩnh vực nghiên cứu về những vật thể ở vô cùng xa - lại có mặt sớm nhất trong nhận thức và sinh hoạt của con người. Thế nhưng, có một sự thật khiến cho việc này trở nên dễ hiểu hơn nhiều, đó là: dù sống ở đâu, nền văn hóa nào, thì tất cả mọi người đều nhìn thấy bầu trời. Mặt Trời, Mặt Trăng và những ngôi sao trên bầu trời đêm là những thứ duy nhất thuộc về của chung tất cả mọi người. Bầu trời đã gây sự chú ý cho những tổ tiên xa xưa nhất của chúng ta từ hàng triệu năm trước và trở thành đối tượng được chiêm ngưỡng và ghi chép lại từ cách đây hàng nghìn năm. Thiên văn học đã ra đời sớm như vậy, và tới tận ngày nay, khi chúng ta đã có thể bay lên bầu trời và ném cái nhìn vào những nơi xa xôi và cổ xưa nhất của vũ trụ, ngành khoa học này vẫn đang là thứ đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy sự tiến lên của nền văn minh chúng ta.
Không có bất cứ bằng chứng nào có thể khẳng định một thời điểm chính xác khi mà những tổ tiên xa xưa của chúng ta bắt đầu theo dõi những quy luật của bầu trời và các thiên thể trên đó. Nhưng chắc chắn rằng sự biến đổi của chu kỳ sáng - tối và những đối tượng trên bầu trời đã thu hút sự chú ý của những người cổ đại, khi họ bắt đầu biết nhận thức về thế giới xung quanh và sử dụng những quan sát đó vào hoạt động sinh tồn của mình. Mặt Trời có thể mang tới sự ấm áp nhưng cũng có thể trở thành cái nóng thiêu đốt. Mặt Trăng có thể giúp người ta nhìn tốt hơn vào ban đêm nhưng cũng có thể gây khó khăn cho những cuộc đi săn. Việc ghi nhận được những việc đó để tự thích ứng và cải thiện tập quán sinh hoạt từ hơn 3 triệu năm trước có lẽ có thể được coi là những quan sát đầu tiên về bầu trời của nhân loại.
Không gì khác, mà chính sự tò mò với thế giới tự nhiên, sự say mê với vẻ đẹp và những bí ẩn sâu nhất của bầu trời đã khiến thiên văn học không ngừng phát triển, biến nó từ một thú vui quan sát bầu trời thuần túy với những ghi chép đơn giản trở thành ngành khoa học mũi nhọn của nhân loại. Không chỉ thế, chính những thử thách khắc nghiệt nhất của nghiên cứu vũ trụ, từ việc chế tạo những chiếc kính thiên văn và cảm biến có độ nhạy vượt qua bất cứ thiết bị nào khác cho tới việc tạo ra những con tàu có thể đưa con người và các dụng cụ vào không gian an toàn đã khiến cho rất nhiều ngành công nghệ buộc phải phát triển và từ đó những tiện nghi công nghệ trong chính cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng ngày một hoàn thiện với tốc độ nhanh tới khó tưởng tượng.
Trong cuốn sách này, bạn sẽ hành trình qua thời gian để theo dõi hàng nghìn năm lịch sử khám phá bầu trời của nhân loại.
2. Bức Tranh Vũ Trụ: Trái Đất Và Hệ Mặt Trời
Ngay từ những giai đoạn sớm nhất của nền văn minh, tổ tiên của chúng ta đã hướng cái nhìn lên bầu trời và chú ý tới quy luật chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng và các ngôi sao - trong số đó có cả những thiên thể chuyển động khác thường so với nền trời sao mà ngày nay chúng ta gọi là các hành tinh. Khi những chiếc kính thiên văn đầu tiên ra đời, các nhà thiên văn học của thế kỷ 17, 18 đã dành sự chú ý đầu tiên của mình cho chính những thiên thể đáng chú ý nhất này, để mang lại cho chúng ta những hiểu biết tổng quan và không thể thiếu về chính hệ hành tinh nơi chúng ta đang sống, cũng như những cái nhìn đầu tiên về chính vị trí của chúng ta trong vũ trụ.
Hơn 4 thế kỷ trôi qua kể từ khi Galileo Galilei lần đầu hướng ống kính của mình lên bầu trời, các nhà thiên văn ngày nay đã có thể nhìn sâu vào quá khứ của vũ trụ, quan sát những thiên hà cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng, và xa hơn nữa là tới gần điểm khởi đầu của thời gian, khi những sao và thiên hà đầu tiên mới bắt đầu hình thành. Những quan sát đó cũng có thể kể cho chúng ta những câu chuyện về các lỗ đen hay những vụ nổ dữ dội và kỳ lạvốn không thể xảy ra trong vùng vũ trụ lân cận của chúng ta. Thế nhưng không vì thế mà Hệ Mặt Trời không còn là đối tượng đáng chú ý của khoa học.
Vẫn còn rất nhiều bí ẩn trong Hệ Mặt Trời đang đợi được khám phá. Đồng thời, hiểu một cách sâu sắc về chính những hiện tượng đơn giản nhất đang diễn ra trong Hệ Mặt Trời, về lịch sử và tính chất của chính hành tinh chúng ta; về cách mà nó cho phép sự sống và nền văn minh xuất hiện, phát triển là một bước không thể thiếu để mở rộng cái nhìn của chúng ta vào vũ trụ, cũng như để hiểu hơn và chuẩn bị tốt hơn cho chính sự sống mà chúng ta đang tận hưởng.
3. Bức Tranh Vũ Trụ: Xa Hơn Mây OORT - Tới Ranh Giới Của Không Gian Và Thời Gian
Chúng ta đang sống trên Trái Đất - hành tinh thứ ba của Hệ Mặt Trời. Trung tâm của hệ hành tinh này là Mặt Trời - ngôi sao duy nhất và chiếm tới hơn 99,8% tổng khối lượng của cả Hệ. Ngoài Trái Đất, Hệ Mặt Trời còn có ít nhất 7 hành tinh đã được xác định và công nhận cùng các hành tinh lùn, nhiều vệ tinh chuyển động quanh một số hành tinh và hành tinh lùn, rất nhiều tiểu hành tinh, sao chổi, thiên thạch, khí và bụi.
Kể từ khi Galileo Galilei hướng chiếc kính thiên văn đầu tiên lên quan sát các thiên thể cách đây hơn 400 năm, và kể từ khi những con tàu đầu tiên được con người đưa vào không gian hơn nửa thế kỷ trước, chúng ta đã biết thêm rất nhiều điều về hệ hành tinh của mình. Nhiều quan sát đã được thực hiện ở nhiều bước sóng, với sự hỗ trợ của các kính thiên văn mặt đất cũng như không gian, nhiều tàu không gian đã được gửi tới quỹ đạo của các hành tinh khác trong Hệ để ghi nhận và cho phép các nhà khoa học biết rõ hơn về tính chất của các thiên thể và lịch sử của cả hệ hành tinh. Con người cũng đã đi ra khỏi hành tinh của mình, tới không gian liên hành tinh phía ngoài khí quyển Trái Đất, đặt chân lên Mặt Trăng và tới đây, Sao Hỏa sẽ là điểm đến tiếp theo.
Hiển nhiên, những gì chúng ta đã biết về Hệ Mặt Trời vẫn còn rất ít. Biên giới xa nhất của Hệ Mặt Trời được khoa học ngày nay xác định là Mây Oort - một khu vực chứa rất nhiều vật thể bang có kích thước của các thiên thạch và tiểu hành tinh nằm cách Mặt Trời trong khoảng 0,8 đến 3,2 năm ánh sáng trong khi cho tới nay, những hiểu biết của chúng ta về chính những hành tinh gần Trái Đất nhất còn chưa hoàn chỉnh. Vẫn còn rất nhiều thông tin chưa được hé lộ, đòi hỏi thêm rất nhiều năm quan sát, phân tích và xây dựng mô hình của các nhà khoa học. Mặc dù vậy, trong lúc chờ đợi những nghiên cứu đó, thì mỗi ngày, bằng chính đôi mắt của mình, chúng ta vẫn nhìn thấy những thứ ở xa hơn nhiều so với những thiên thể xa xôi nhất của Hệ Mặt Trời. Đó là những ngôi sao, những đốm sáng trên bầu trời hàng đêm.
Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ hành trình tới vùng vũ trụ vượt xa khỏi Mây Oort để khám phá các sao, tinh vân, lỗ đen, thiên hà, cụm thiên hà, không gian và thời gian… cũng như quá khứ và tương lai của chính vũ trụ.
4. Bức Tranh Vũ Trụ: Các Chòm Sao - Toàn Cảnh Về Bầu Trời Đêm
Vào một buổi tối bầu trời quang mây, cách xa đôi chút khỏi những vùng trời ô nhiễm bởi bụi và ánh sáng đô thị, bạn nhìn lên bầu trời, những thứ ở đó sẽ lôi cuốn bạn bởi cả vẻ đẹp và những bí ẩn thú vị của nó. Đó là những ngôi sao. Bầu trời càng trong, bạn càng thấy nhiều sao. Các ngôi sao có mặt khắp nơi, ở bất cứ hướng nào mắt của bạn có thể hướng tới.
Cũng giống như việc ngắm những đám mây hay những vết loang trên tường để tưởng tượng ra hình ảnh của con người hay động vật, bạn cũng có thể làm thế với các ngôi sao. Vì các sao sắp xếp không đều nên chúng có thể khiến bạn liên tưởng tới nhiều hình dạng khi thử tự kết hợp các sao ở gần nhau lại theo một cách nào đó của riêng bạn. Với chính cách đó, từ hàng nghìn năm trước, loài người ở rất nhiều nền văn hóa đã vẽ ra đủ hình dạng với đủ truyền thuyết và truyện kể chỉ từ những ngôi sao trên bầu trời và gọi chúng là những chòm sao. Việc ngắm nhìn bầu trời đêm, xác định các chòm sao và tìm hiểu những câu chuyện quanh chúng luôn là một điều gì đó hấp dẫn với gần như tất cả mọi người chứ không chỉ riêng những người yêu thích thiên văn học.
Trong toàn bộ cuốn sách này, chúng ta sẽ khám phá về những chòm sao trên bầu trời của chúng ta, từ lịch sử và truyền thuyết tới việc quan sát chúng ngày nay.
5. Bức Tranh Vũ Trụ: Từ Điển Thiên Văn Học Và Vật Lý Thiên Văn
Thiên văn học là một lĩnh vực nghiên cứu từ lâu đã phát triển trên thế giới. Sau rất nhiều thế kỷ, thiên văn học không còn chỉ đơn thuần là việc quan sát và nắm được quy luật chuyển động của bầu trời hay đặt cơ sở cho các quy ước về phương hướng và thời gian.
Ngày nay, nó là một môn khoa học thực sự phức tạp với dự phần của gần như tất cả các lĩnh vực khoa học khác. Môn khoa học này cho phép chúng ta hiểu được ngày càng rõ hơn về vũ trụ, và qua đó là về chính nguồn gốc và tương lai của chúng ta, kèm theo đó là những ứng dụng công nghệ quen thuộc với thế giới hiện nay: dự báo thời tiết, định vị, truyền hình và liên lạc vệ tinh… Khoa học ngày nay gọi bộ môn thiên văn học hiện đại này một cách chính xác là Vật lý thiên văn.
Tại Việt Nam, mặc dù còn chưa được đầu tư nghiên cứu chuyên sâu nhưng mối quan tâm của mọi người, đặc biệt là lớp trẻ với bộ môn Vật lý thiên văn ngày càng tăng lên, đặc biệt trong khoảng một thập kỷ vừa qua.
Cuốn từ điển này được thực hiện với hai mục đích song song là đưa tới kiến thức chính xác và tương đối đầy đủ, dễ hiểu cho người đọc về các đối tượng chính của thiên văn học và vật lý thiên văn, đồng thời đưa tới sự chuẩn xác và thống nhất trong việc sử dụng các thuật ngữ cả dưới dạng tiếng Việt cũng như dạng nguyên thể được quốc tế thừa nhận.
1. Boxset Bức Tranh Vũ Trụ (Bộ 5 Tập)
2. Phí Bảo Quản Hàng Hoá
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.