Chờ bay
Đa cảm, tinh tế, từng trải. Bạn đọc không khó nhận ra điều này qua từng trang tản văn của Trần Đức Tiến.
Tên của một vùng đất “ngân nga” trong lòng ông, “nghe yêu như âm hưởng dịu dàng thốt ra từ miệng người đẹp”. Đi nhiều, biết nhiều là niềm vui, là hạnh phúc, nhưng “chưa đi đường còn đó… lúc nào chẳng đang ở trên đường? Cuộc đời của mỗi người luôn là cuộc hành hương dằng dặc đến miền vô tận”. Ít người như Trần Đức Tiến, biết tận hưởng niềm an lạc trong những phút chờ bay, thả tâm hồn bay theo những số phận. Rồi ý thức được hạnh phúc nằm ngay trong từng bước chân, chứ không phải ở cái đích cuối chặng đường. Cô chủ quán xinh đẹp kiệm lời, không cần hỏi vẫn đem đến cho ông ly cà phê ưa thích, đủ để ông hàm ơn cuộc đời với món quà vô giá. Đến ngay cả những khoản vay mượn nợ nần, với ai kia là nhiêu khê, phiền phức, nhưng với Trần Đức Tiến: “Sạch nợ thì còn ở lại cõi trần gian này làm gì? Cho nên mình rất sợ những người không nợ nần ai điều gì cả”…
Nhiều, rất nhiều những ví dụ tương tự, có ở hầu khắp những trang sách.
Ông nhìn đâu cũng ra chuyện để nói. Dường như không phải cuốn sách, mà là chính ông, đang ngồi trước mặt ta, nhẩn nha trò chuyện. Nhẩn nha lật lại những cách cảm, cách nghĩ quen thuộc, thổi vào những điều ta bắt gặp hàng ngày một ý nghĩa mới, lắm khi độc đáo. Ai từng là “fan” truyện ngắn Trần Đức Tiến, hẳn khi đọc tản văn của ông cũng cảm nhận được sự cuốn hút lạ lùng của thể loại này. Văn chương thực sự bất chấp thể loại.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi