Chuyện Phố
Chuyện phố là chuyện gia đình ông Mưu, một gia đình Hà Nội “gốc”, buôn bán mưu sinh ở phố cổ từ thời chiến tranh. Những năm kháng chiến, hưởng ứng lời kêu gọi tản cư, cả nhà ông Mưu bìu ríu lên Định Hóa, buôn bán lặt vặt đắp đổi qua ngày chờ trở lại thủ đô. Mấy năm trôi qua, người vợ và đứa con út ko may bị chết bom, ông Mưu cùng 3 con trai 1 con gái “dinh tê” về thành, gà trống nuôi con xoay xở qua 2 cuộc chiến. Diễn biến chính của tiểu thuyết tập trung vào cuộc sống của gia đình ông Mưu thời Đổi mới, cụ thể khoảng hơn chục năm sau 1986. Là một nhà buôn chân chính, âm thầm biết trước biết sau mà lánh được những bão táp thời cuộc, nhưng ông Mưu lại ko thể ngăn được các con ông tuy ở cùng một nhà nhưng mỗi người ứng xử một cách, không thể có tiếng nói chung. Cuộc sống ở ngôi biệt thự rộng hàng nghìn m2 ở phố cổ Hà Nội cứ từng ngày trôi qua, xung đột giữa các thành viên trong gia đình ngày càng gay gắt khi đụng đến quyền lợi. Những mâu thuẫn hằn học, mưu toan nhỏ nhen khiến cho nền tảng văn hóa truyền thống rạn vỡ ko gì cứu vãn được trong gia đình nhỏ ấy, chỉ cho đến khi, người bố già nua chia cho các con khối tài sản bí mật đồ sộ mà mình đã gom góp cả đời, chia cả ngôi nhà xưa cũ, mới làm gắn kết lại mối thâm tình ruột thịt. Từ số vốn được chia, các con ông Mưu làm ăn phất lên, họ quyết định giữ lại ngôi nhà của bố mẹ, và sống tiếp cuộc đời thị dân phố cổ, trong một thời đại mới đổi thay đến chóng mặt.
“Với tiêu đề “chuyện phố”, độc giả có thể dự đoán đây là chuyện của 36 phố phường, chuyện của Thăng Long, Hà Nội. Dự đoán đó không sai. Chỉ có điều đây không phải là Hà Nội từ góc nhìn văn hóa phong tục, hay Hà Nội vang bóng một thời trong tùy bút của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng mà là trong tiểu thuyết thế hệ Phạm Quang Long, khi văn xuôi tự sự đã bước vào thời hậu hiện đại. Độc giả vẫn thấy “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” phảng phất trong những ngôi nhà được tả, những nét tính cách nhân vật gốc Tràng An được tác giả điểm xuyết. Hà Nội trong “chuyện phố” là Hà Nội của những con người, những số phận ba chìm bảy nổi từ nhiều vùng miền xa Hà Nội trôi dạt đến, sau bao năm chiến tranh. Một không khí bao trùm trong tiểu thuyết vẫn là không khí náo nức của công cuộc xây dựng vàkiến tạo xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mà nói đến thật tình là công cuộc mưu sinh và mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân mình.” (Trích Lời bạt – Phạm Thành Hưng)
Tác giả:
PGS.TS. Phạm Quang Long
Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội)
Nguyên Phó giám đốc ĐHQG HN
Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội
Cùng một tác giả:
Lạc giữa cõi người (tiểu thuyết, 2016), Bạn bè một thuở (tiểu thuyết, 2017), Cuộc cờ (tiểu thuyết, 2018), Chuyện làng (tiểu thuyết, 2020), Mùa rươi (tiểu thuyết, 2020)...
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi