Cô giáo Vũ Thị Thanh Tâm là một người hết lòng với sự nghiệp phát triển văn hóa đọc cho trẻ em. Từ những ngày dạy học ở trường PTTH Năng Khiếu và trường Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.HCM, cô đã sáng lập, điều hành dự án Ô cửa sách nhằm khơi dậy niềm ham mê đọc sách và đồng hành cùng con trẻ trong chuyến phiêu lưu đến khu vườn ngôn từ màu nhiệm. Sau khi đưa Ô cửa sách về với quê hương của mình – Thành phố hoa Đà Lạt, cô Tâm đã tiếp tục hành trình vun bồi ngôn ngữ cho trẻ. “Đọc sách và viết lách” là một trong những hoạt động nổi bật nằm trong dự án Ô cửa sách của cô. Khi dịch bệnh bùng phát, các lớp “Đọc sách và viết lách” phải chuyển sang hoạt động trực tuyến và chính khi đó tập bộ truyện tranh “Covid trong mắt trẻ thơ” đã dần dần được hình thành.
“Covid trong mắt trẻ thơ” là tập hợp 7 truyện tranh song ngữ Việt – Anh khắc họa cuộc sống trong thời đại dịch qua góc nhìn của trẻ em, không chỉ người lớn mà cuộc sống của trẻ cũng xảy ra nhiều thay đổi trong suốt thời gian dịch và đặc biệt là trẻ cần sự quan tâm và sẻ chia nhiều hơn từ mọi người.
+ Câu chuyện về cậu bé gom hết tất cả những điều ước để đổi lấy một điều duy nhất: mong ông già Noel mang bố về với cậu, sau khi bố rời nhà đằng đẵng cả 8 tháng trời để tham gia chống dịch (Chiếc áo mùa đông).
+ Câu chuyện về cô trò cùng nhau đi qua thời đại dịch với tình cảm cô trò thật sâu lắng, tinh tế chỉ qua cốt truyện, câu từ đơn giản. Ngậm ngùi, cay cay khóe mắt khi biết bao cô giáo phải bỏ nghề, bao trường mầm non phải đóng cửa (Cô giáo phù thủy).
+ Câu chuyện cả khu rừng Ríu Rít cùng nhau vượt qua dịch bệnh và chuẩn bị cho mùa đông (Virus có ăn được mùa đông?).
+ Câu chuyện về truyền thống sum vầy mỗi dịp trăng rằm của nhà thỏ bị dịch bệnh làm ngăn trở, nhưng thỏ con đã tìm ra cách an ủi người thân vượt qua bệnh tật (Virus có ăn được trăng rằm?).
+ Câu chuyện về chuyến phiêu lưu của bạn rái cá Sumo ở bên ngoài Thảo Cầm Viên, đồng thời khắc họa đời sống động vật ở thành phố thời dịch bệnh (Chuyện gì sẽ xảy ra khi rái cá vào thành phố?).
+ Câu chuyện về cách cả thú cưng lẫn con người thể hiện tình cảm, đặc biệt là trong thời gian giãn cách tại nhà (Ngài Lu).
+ Câu chuyện về người ông lên thiên đàng vì dịch bệnh và cách người cháu nhẹ nhàng tiếp nhận sự mất mát (Lồng đèn bí đỏ).
“COVID trong mắt trẻ thơ” được kể qua góc nhìn của các bạn nhỏ về đại dịch; do 11 bạn dưới 12 tuổi thực hiện từ khâu vẽ tranh minh họa đến chuyển ngữ. Có thể nói, đây là bộ sách do trẻ và vì trẻ. Bộ sách thể hiện nỗ lực trao quyền sáng tạo cho trẻ em, để nuôi dưỡng đam mê, sáng tạo. Cả 7 tập đều là những nét vẽ đơn giản, hồn nhiên cùng ngôn từ mộc mạc, trong sáng để khi lật mở những trang đầu tiên, bạn đọc sẽ cuốn theo mạch truyện và khó lòng đặt sách xuống. Dịch bệnh sẽ qua đi nhưng những câu chuyện này sẽ còn đọng lại nơi độc giả.
Những thông điệp của Dự án “Nuôi dưỡng ước mơ cho trẻ”, của 7 tập “COVID trong mắt trẻ thơ” muốn gửi gắm qua các câu chuyện cảm động giúp vun dưỡng lòng nhân ái, tình cảm, lòng yêu thương, lòng biết ơn và cùng nhau chia sẻ của trẻ em; giúp trẻ rèn luyện các kĩ năng, khám phá và theo đuổi đam mê, sở thích, mơ ước.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu quý độc giả Bộ 7 tập truyện tranh trong dự án Nuôi dưỡng ước mơ cho trẻ.
Trích đoạn
Trong truyện “Chiếc bóng mùa đông”, trích thư của Bi gửi ông già Noel mong ông mang ba về nhà với Bi sau bao tháng ngày ba tham gia chống dịch:
“Ông già Noel kính mến,
Cháu xin ông cho ba về với cháu!
Cháu sẵn sàng dồn điều ước của mấy năm lại luôn. Chỉ cần ông cho cháu gặp ba, mấy năm sau cháu sẽ không xin thêm điều gì nữa!
Ký tên: BI
Dear Santa Claus,
I wish that dad can return with me! I can combine a lot of wishes for a lot of years together for this wish. If I can meet dad, for a few years later, I won’t wish anything from you!
Signed: BI”
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi