J.Krishnamurti Nói Về Đời Sống - Tập 2
Đời sống luôn luôn thay đổi với vô số vấn đề phát sinh, nó là một tổng thể bao gồm niềm vui, nỗi buồn, quyền lực, kiến thức, thời gian, xung đột, bất mãn, tuyệt vọng, tình cảm, ghen tuông, tham lam, hạnh phúc, đau khổ, cái chết - tất cả mọi thứ. Con người cứ khát khao đi tìm câu trả lời để giải quyết tất cả những vấn đề xung quanh đời sống, nhưng dường như càng tìm thì câu trả lời càng mơ hồ.
Qua những buổi nói chuyện ngắn gọn, Krishnamurti đã chỉ ra chính vấn đề mới quan trọng, chứ không phải câu trả lời. Nếu chúng ta tìm kiếm một lời giải, chúng ta sẽ tìm thấy; nhưng vấn đề sẽ vẫn còn y nguyên, bởi vì lời giải không liên quan gì với vấn đề. Công cuộc tìm kiếm của chúng ta là nhằm lẩn trốn vấn đề, và lời giải là một cách cực kỳ hời hợt, nông cạn, vì vậy không có thấu hiểu vấn đề. Tất cả những vấn đề nảy sinh từ một nguồn cội, và nếu không thấu hiểu nguồn gốc ấy, bất kỳ cố gắng nào để giải quyết những vấn đề chỉ dẫn đến hỗn loạn và đau khổ thêm mà thôi.
Với con mắt quan sát đầy tinh tế, Krishnamurti đã miêu tả thiên nhiên, con người trong đời sống thật tự nhiên – như chính những gì đang diễn ra. Từ đầu đến cuối cuốn sách, tại bất cứ một trang sách nào, chúng ta cũng đều bắt gặp những vấn đề của đời sống thường ngày - không hề xa lạ.
Đời sống không có câu trả lời như “có” hay “không”, nó quá rộng lớn, không thể đo lường; và để thấu hiểu đời sống, chúng ta không nên lẩn trốn nó – dù được che đậy bằng cách này hay cách khác.
Krishnamuti từng nói: “Tại sao chúng ta sống cuộc sống vô nghĩa này, làm việc suốt bốn mươi năm, nuôi dạy vài đứa con, giáo dục chúng theo những cách vô lý, rồi chết?”
Điều quý giá nhất trên đời là được sống, cuộc sống thực sự rất đẹp, nó như một bức tranh tổng thể không thừa không thiếu, chúng ta hoàn toàn có thể vẽ lên bức tranh đó những màu sắc tươi sáng cho cuộc đời.
* TÁC GIẢ: Jiddu Krishnamurti (1895 - 1986) là một trong những triết gia, nhà tâm linh vĩ đại nhất mà thế giới từng biết đến. Trong hơn 60 năm, ông đi khắp các châu lục, nói chuyện và thảo luận về các chủ đề như: mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và con người, và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội.
Cách ông nói chuyện không phải như một vị thầy mà như một người bạn, không dựa theo sách vở và lý thuyết, trực tiếp hướng tới người nghe nên tạo nên ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn. Ông đã truyền cảm hứng cho các vị thầy nổi tiếng khác như Eckhart Tolle, Josheph Campell, Alan Watts… và vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng ngàn người ngày nay.
* CUỐN SÁCH NÀY DÀNH CHO:
- Những người yêu mến J. Krishnamurti, yêu cái đẹp, yêu tự do, yêu sự tự nhiên, yêu đời sống và vạn vật.
- Những người đang thực hành và tìm hiểu những hoạt động tâm trí con người dưới góc nhìn khoa học, xã hội và tâm linh.
- Những ai muốn can đảm đối diện với những vấn đề của bản thân, của xã hội thông qua những việc diễn ra hằng ngày trong cuộc sống.
* TRÍCH ĐOẠN SÁCH HAY:
Trời đã bắt đầu mưa nhẹ hạt, nhưng đột nhiên như thể bầu trời đã mở toang và một trận mưa như trút nước ập xuống. Đường phố nước ngập sâu đến tận đầu gối và tràn qua vỉa hè. Muôn lá im lìm không chút lay động, và chúng quá yên lặng trong sự ngạc nhiên của chúng. Một xe ô tô chạy qua và chết máy, vì nước ngập vào các bộ phận chính của nó. Người ta đang lội bộ qua đường, mình mẩy ướt đẫm, nhưng họ thấy vui sướng với trận mưa như thác đổ này. Cây cối trong vườn được rửa sạch và thảm cỏ xanh bị ngập dưới nhiều tấc nước màu nâu. Một con chim màu xanh sậm với đôi cánh vàng nâu đang tìm chỗ tránh mưa trong vùng lá rậm, nhưng càng lúc nó càng bị ướt hơn và phải thường xuyên rung lắc bộ lông để rũ nước. Cơn mưa như trút nước kéo dài một lúc, rồi đột nhiên ngưng như lúc mới bắt đầu. Mọi thứ đều được rửa sạch.
Sống hồn nhiên thật đơn giản biết bao! Nếu không có hồn nhiên thì không thể sống hạnh phúc. Niềm vui của cảm giác không phải là hạnh phúc của hồn nhiên. Hồn nhiên là thoát khỏi gánh nặng ngàn năm của kinh nghiệm. Chính ký ức của kinh nghiệm mới làm hư hoại, chứ không phải tự thân động thái kinh nghiệm. Kiến thức, tức gánh nặng của quá khứ, đã làm hư hỏng, bại hoại. Chính khả năng để tích lũy, sự cố gắng để trở thành đã hủy hoại hồn nhiên; và nếu không có hồn nhiên thì làm sao có thể có trí tuệ. Người mà chỉ hiếu kỳ, tò mò, tìm hiểu thôi thì không bao giờ có thể biết được trí tuệ; họ sẽ tìm thấy nhưng điều họ tìm được không phải là sự thật. Người hoài nghi không bao giờ có thể biết được hạnh phúc, bởi vì hoài nghi là lo âu về chính cuộc sống của mình, và sợ hãi tạo ra hủy hoại. Không sợ hãi không phải là can đảm mà là tự do khỏi sự tích lũy.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi