Khái Niệm Then Chốt Trong Nghiên Cứu Giới
Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới xuất bản lần đầu vào năm 2007, tới nay, sách đã được in lại gần 10 lần, và năm 2017 được xuất bản với ấn bản chỉnh sửa. Điều đó chứng tỏ sức hút và tầm quan trọng của cuốn sách do hai tác giả Jane Pilcher và Imelda Whelehan chấp bút.
Jane Pilcher là Phó giáo sư Xã hội học của Đại học Leicester (Vương quốc Anh), Imelda Whelehan là Giáo sư và Chủ nhiệm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc. Cùng nhau, cả hai đã chọn lọc và tập hợp 50 khái niệm trọng yếu trong nghiên cứu giới hiện nay, như bình đẳng, dị tính luyến ái, lao động tình dục, giới, phân công lao động trong gia đình, v.v. Mỗi khái niệm được viết theo cấu trúc: giới thiệu lịch sự ra đời; diễn giải nội hàm; mô tả quá trình phê phán và phát triển. Cuối mỗi khái niệm, nhóm tác giả có phần “Xem thêm” (dẫn những khái niệm liên quan) và “Đọc thêm” (giới thiệu các tài liệu để độc giả tham khảo nhằm đào sâu hơn). “… 50 khái niệm tập trung trong sách này không phải là các lựa chọn ngẫu nhiên và không theo tiêu chuẩn nào, trái lại, chúng đại diện cho một trình bày về nghiên cứu giới, vừa như một chuyên môn học thuật, vừa là viễn tượng rộng hơn trên nhiều lĩnh vực và ranh giới của tri thức.”
Các khái niệm được trình bày ngắn gọn, khúc chiết, nhưng vẫn bao quát đầy đủ lý thuyết và minh họa thực tiễn. Đặc biệt hơn nữa, sách giúp ta nhận ra không khí học thuật của nghiên cứu giới sôi nổi thế nào, bởi nó phát triển không ngừng nhờ sự phê phán, sự không thống nhất, thúc đẩy ngành học không ngừng tiến tới. Chẳng hạn như học giả Pateman – tác giả của khái niệm “khế ước tính dục”, bà đã tiếp thu các phê phán của người khác, và sau đó tham gia viết bài cùng với chính những người phê phán mình. Hay như học giả R.W. Connell, bà nổi tiếng với tác phẩm “Masculinities”, đã ngày càng hoàn thiện lý thuyết những nam tính của bản thân nhờ thường xuyên tiếp nhận các phê phán, phản hồi. Thông qua cuốn sách, bạn đọc không chỉ có thể trang bị cho mình kiến thức nền tảng trong nghiên cứu giới, mà còn nhận thấy được ngành học này vẫn là một lĩnh vực hoạt động học thuật năng sản, “sự tích hợp đầy đủ của nó tiếp tục có ý nghĩa quan trọng đối với phần lớn hơn của tri thức học thuật nói chung”.
Dịch giả Nguyễn Thị Minh đã dành nhiều tâm huyết để cho ra một bản dịch chất lượng, truyền tải đầy đủ ý nghĩa và nội hàm của các khái niệm, với mong muốn “đến một ngày, chúng ta có thể nói chuyện với nhau bằng những khái niệm của nghiên cứu giới mà không còn cảm thấy nó xa lạ và mang “tính thuật ngữ” nữa. Để chúng ta có thể tư duy về những vấn đề quen thuộc ở ngay xung quanh mình từ một góc nhìn khách quan, ít định kiến hơn”.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc “Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới”.
Giới thiệu dịch giả: Nguyễn Thị Minh hiện là Giảng viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Hướng quan tâm chính của cô là nghiên cứu so sánh văn học, cải biên điện ảnh từ lý thuyết giới và ký hiệu học. Cô đã tham gia các hoạt động hợp tác nghiên cứu tại Nhật Bản (2017, 2019), Mỹ (2017-2020), tham gia tổ chức và trình bày báo cáo tại nhiều Hội nghị trong và ngoài nước. Về hoạt động dịch thuật, cô là người đầu tiên đã dịch công trình của các nữ triết gia Hannah Arendt, Judith Butler ra tiếng Việt, cũng là dịch giả, đồng dịch giả, người hiệu đính của nhiều dịch phẩm triết học, nghiên cứu giới và nghiên cứu văn hoá. Về hoạt động cộng đồng, cô là người đồng sáng lập “The Ladder - Không gian học thuật cho cộng đồng”, một không gian kết nối, chia sẻ của những người yêu mến trí thức, với mong muốn làm cho các tri thức hàn lâm trở nên gần gũi đến với tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ ở Việt Nam.
Cùng một dịch giả
Đã in:
- Giữa quá khứ và tương lai (Hannah Arendt), Nxb. Tri thức, 2020
- Lịch sử triết học tập 2 (đồng dịch) (Johannes Hirschberger), Nxb. Tri thức, 2020
- Yêu sách của Antigone (Judith Butler), Nxb. Phụ nữ Việt Nam, 2021
- Lịch sử vú (Marilyn Yalom), Nxb. Phụ nữ Việt Nam, 2022
- Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới (Jane Pilcher và Imelda Whelehan), Nxb. Phụ nữ Việt Nam, 2022
Sắp in:
- Đổi pha (Nella Larsen), Nxb. Phụ nữ Việt Nam
- Những nam tính (R.W. Connell), Nxb. Phụ nữ Việt Nam
- Những chủ thể ham muốn (Judith Butler), Nxb. Phụ nữ Việt Nam
- Thân là vật trọng (Judith Butler), Nxb. Phụ nữ Việt Nam
Trích dẫn:
“Nếu xem khoa học là lĩnh vực tư duy bằng khái niệm, thì có lẽ muốn tìm hiểu một ngành khoa học, không gì hay hơn là bắt đầu từ các khái niệm then chốt trong lĩnh vực ấy. Cuốn sách này mong muốn cung cấp cho bạn tấm bản đồ để tư duy về một lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam và cả trên thế giới. Bạn có thể dùng nó như một cẩm nang để tra cứu khi cần thiết, cũng có thể đọc liên tục như một nhập môn, hoặc đọc ngẫu hứng như những mảnh ghép của bức tranh đặc biệt về nghiên cứu giới…
Đọc cuốn sách này, bên cạnh việc có được một hiểu biết khái quát về các khái niệm, có phần tài liệu tham khảo tương đối đầy đủ, toàn diện để tìm đọc thêm, bạn còn có được rất nhiều kiến thức thú vị, vỡ lẽ ra nhiều điều mà trước đây mình có thể không ngờ tới. Bạn sẽ hiểu được lĩnh vực nghiên cứu giới nói chung, nữ quyền luận nói riêng, không phải là một bức tranh thuần nhất mà vô cùng phức tạp, nhiều màu vẻ. Sức sống của nó chính nằm ở sự phức tạp, nhiều màu vẻ này, và động lực để nó không ngừng phát triển là ngay cả các ý niệm tưởng chừng hiển nhiên nhất cũng có thể bị chất vấn, nhờ vậy mà khoa học mới tiến lên.” (Trích Lời giới thiệu của người dịch)
“… 50 khái niệm tập trung trong sách này không phải là các lựa chọn ngẫu nhiên và không theo tiêu chuẩn nào, trái lại, chúng đại diện cho một trình bày về nghiên cứu giới, vừa như một chuyên môn học thuật, vừa là viễn tượng rộng hơn trên nhiều lĩnh vực và ranh giới của tri thức. Việc lựa chọn 50 khái niệm then chốt của chúng tôi hoàn toàn không dễ làm, cũng không cố định…” (Trích Dẫn nhập của tác giả)
Lời khen:
“Được gói gọn một cách đầy lôi cuốn thành bảng danh mục bỏ túi dành cho người mới bắt đầu, cuốn sách này cũng mang hương vị của một giáo khoa thư dành cho các học giả và sinh viên để định vị quá trình tiến triển của các khái niệm mới trong nghiên cứu giới và trong khoa học xã hội có tính liên ngành.” (Meena Gopal, Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ, Đại học Phụ nữ SNDT, Mumbai, Ấn Độ)
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.