Lửa Phiền Cháy Gan
Tiểu thuyết trinh thám kỳ tình của Nam Đình Nguyễn Thế Phương là kiểu “trường giang tiểu thuyết”, cuốn nọ tiếp cuốn kia khiến độc giả tò mò muốn biết các nhân vật ấy có mối liên hệ thế nào mà hành động của họ (các nhân vật) có sự xuyên suốt như vậy... Các tiểu thuyết ấy đầu tiên được đăng nhiều kỳ trên các nhật báo, được độc giả nô nức mua báo đọc; trước khi được tác giả bổ sung, sửa chữa... dựa trên cảm thụ văn chương của độc giả lúc bấy giờ, mà in thành sách vào những năm sau đó: 1928, 1930... Mảng tiểu thuyết trinh thám kỳ tình của Nam Đình Nguyễn Thế Phương gồm các cuốn tiêu biểu như: 'Túy Hoa Đình', nhà in Bảo Tồn, 1930; 'Vô oan trái', nhà in J-Viết, 1931, Sài Gòn; 'Chén thuốc độc', Phạm Văn Thình, 1932, Sài Gòn, nhà in Bảo Tồn tái bản 1934; 'Bó hoa lài', nhà in Xưa nay, Chợ Lớn, 1932,... Bên cạnh đó, tác giả Nam Đình Nguyễn Thế Phương còn có một số cuốn tiểu thuyết xã hội cũng mang tính trinh thám kỳ tình gồm các cuốn: 'Đất bằng sóng dậy', Xưa Nay, 1928, Sài Gòn; 'Mộng hoa', Tam Thanh, 1928, Sài Gòn; 'Khép cửa phòng thu', Phạm Đình Khương, 1933...
Nét nổi bật trong tiểu thuyết trinh thám kỳ tình của Nam Đình Nguyễn Thế Phương là tư tưởng nghệ thuật luôn dựa trên nền tảng đạo lý truyền thống, không bao giờ vượt qua giới hạn đạo lý truyền thống dân tộc. Thật vậy, trước hết và quan trọng nhất trong tác phẩm Nam Đình, bao giờ cũng đặt nặng vấn đề sống - và cả chết - theo đạo lý truyền thống của dân tộc. Các nhân vật chính đều thực hành theo cách sống đạo đức truyền thống Việt Nam. Tư tưởng đó chi phối suy nghĩ, hành động của các nhân vật dù tốt hay xấu đan xen vào nhau, đan xen trong bản thân mỗi nhân vật.
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.