Ngoại Giao Của Chính Quyền Sài Gòn
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (21-7-1954), Hoa Kỳ quyết định gạt bỏ Pháp để trực tiếp can thiệp vào miền Nam Việt Nam, âm mưu tiến hành một cuộc chiến tranh chống sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Để tạo cơ sở thuận lợi cho cuộc can thiệp này, Hoa Kỳ đã hậu thuẫn cho việc thành lập một chính phủ thân Mỹ ở miền Nam Việt Nam - chế độ Việt Nam Cộng hòa với Ngô Đình Diệm làm Tổng thống đầu tiên. Ngô Đình Diệm đã khéo léo tận dụng sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để củng cố quyền lực, truất phế Quốc trưởng Bảo Đại và nắm toàn bộ quyền lực ở miền Nam Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập, chế độ Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành chống phá phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành phòng tuyến chống phá cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, ngăn chặn phong trào Cộng sản lan tràn ở khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Chế độ Việt Nam Cộng hòa về cơ bản tuy “lệ thuộc” nặng nề vào Hoa Kỳ nhưng vẫn được nỗ lực tạo dựng hình ảnh một chủ thể “độc lập” trên trường quốc tế. Đặc biệt, trên lĩnh vực ngoại giao, chế độ Việt Nam Cộng hòa bên cạnh những chỉ đạo từ Hoa Kỳ, cũng đã có những chủ trương, đường lối ngoại giao riêng. Với mục tiêu tạo dựng vị thế “độc lập” cho chế độ Việt Nam Cộng hòa, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tích cực mở rộng quan hệ với các quốc gia tư bản chủ nghĩa, các quốc gia thuộc Phong trào Không liên kết và Thế giới thứ ba, cũng như tham gia nhiều tổ chức quốc tế.
Vào đầu thập niên 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm và Hoa Kỳ đã bộc lộ những mâu thuẫn gay gắt, trong đó phía Việt Nam Cộng hòa mong muốn thể hiện sự độc lập nhiều hơn trong quan hệ với Hoa Kỳ. Trong nội bộ chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng xuất hiện sự mâu thuẫn lớn giữa tập đoàn gia đình trị Ngô Đình Diệm với nhiều sĩ quan quân đội và các chính khách khác chính kiến. Sau cuộc “khủng hoảng Phật giáo” vào giữa năm 1963, Hoa Kỳ đã quyết định bật đèn xanh cho một nhóm tướng tá quân đội Việt Nam Cộng hòa tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (11-1963). Có thể nói, sự sụp đổ của “con bài” Ngô Đình Diệm là một thất bại to lớn của Hoa Kỳ trong chính sách thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, một bài học không thể nào quên cho Hoa Kỳ và cho tất cả những chính quyền, những nhóm phản động đã và đang đi ngược lại quyền lợi thống nhất của đất nước, của nhân dân Việt Nam từ đó đến nay.
Từ góc nhìn khoa học lịch sử, việc nghiên cứu về chế độ Việt Nam Cộng hòa góp phần bổ khuyết cho một giai đoạn phát triển nhất định trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Trong đó, nghiên cứu chuyên sâu về hoạt động ngoại giao của chế độ Việt Nam Cộng hòa (1955-1963) nhìn từ góc độ ngoại giao cũng đem lại nhiều nhận thức mới về chế độ Việt Nam Cộng hòa. Cuốn sách Ngoại giao của chính quyền Sài Gòn (1955-1963) sẽ tập trung nghiên cứu hoạt động ngoại giao của chế độ Việt Nam Cộng hòa giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm, tập trung phục dựng lại toàn bộ hoạt động ngoại giao của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, trong đó chú ý đến các quan hệ song phương quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của chế độ này ở miền Nam Việt Nam. Nội dung cuốn sách giúp bổ khuyết một mảng còn trống của lịch sử Việt Nam hiện đại nói chung và lịch sử ngoại giao Việt Nam hiện đại nói riêng.
Trên cơ sở đó, cuốn sách rút ra những bài học lịch sử để góp phần vào việc nhận thức về một chế độ đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam, qua đó khắc họa thêm chiến thắng của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975). Từ cách tiếp cận của khoa học lịch sử, cuốn sách góp phần chỉ ra bản chất chính trị thực sự, đặc biệt là nhìn từ các khía cạnh mang tính khu vực và quốc tế của cuộc chiến tranh Việt Nam, từ đó củng cố cơ sở khách quan để đi đến nhìn nhận thật công bằng, đầy đủ về tính chất của chế độ Việt Nam Cộng hòa trên cơ sở tìm hiểu hoạt động ngoại giao của chế độ này.
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.