Ngọn gió qua vườn: Hành trình tìm kiếm bản lai diện mục tâm hồn
Giới thiệu tác giả
Nhà thơ Hoàng Thị Ý Nhi sinh tại Hội An - Quảng Nam, và học phổ thông tại Hải Phòng. Năm 1968, bà tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội và về công tác tại Viện nghiên cứu Văn học. Sau đó bà lần lượt chuyển sang làm việc tại các nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng, NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn). Từ 1987, bà chuyển vào làm việc tại chi nhánh phía Nam của NXB Hội Nhà văn và hiện sống cùng gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh.
Hành trình sáng tạo
Ý Nhi là một trong những cây bút xuất sắc của nền thơ Việt Nam đương đại. Bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ chống Mỹ, bà khẳng định bút lực của mình mạnh mẽ trong thời hậu chiến và Đổi mới. Thơ Ý Nhi như một hành trình truy vấn tinh thần, nơi cái tôi nhà thơ lặng lẽ nhưng quyết liệt và bền bỉ, không ngừng tự ý thức để tìm kiếm "bản lai diện mục" của tâm hồn.
Với Ý Nhi, ý thức cá nhân tỉnh táo là một nhu cầu nội tâm tự nhiên, đồng thời cũng là một nỗ lực tinh thần nghiêm nhặt. Bên cạnh óc phân tích tỉnh táo, nhà thơ còn sở hữu một tâm hồn phụ nữ nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn. Điều này đã tạo nên chất "duy lí" độc đáo của thơ Ý Nhi giữa một nền thơ Việt hiện đại (nhất là thơ nữ) vốn nặng chất "duy tình", "duy cảm".
Chất triết lí ấy cũng tạo nên nét riêng của thơ chị: không lạm dụng các mĩ từ kêu vang, nó toát ra từ một cái nhìn nội tâm trầm tĩnh, sâu sắc nhưng đầy khắc khoải của một con người đang trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời mình.
Từ thơ đến văn xuôi: Sự chuyển giao tự nhiên
Sau nhiều năm miệt mài sáng tác với những tập thơ nối tiếp nhau ra đời như Người đàn bà ngồi đan, Ngày thường, Mưa tuyết, Vườn..., Ý Nhi bắt đầu dần chuyển hướng quan sát cuộc sống qua văn xuôi. Những gì thơ không chứa nổi, bà vận dụng vào văn xuôi một cách tự nhiên. Chất thơ Ý Nhi cứ tự nhiên vận vào câu chuyện, khiến người đọc có cảm giác như đang đọc thơ dưới hình thức văn xuôi vậy.
"Văn xuôi Ý Nhi thì thực là văn xuôi khi nó vượt thoát thơ về hình thức. Nhưng còn đó cái trầm tĩnh đặc trưng, cái bình thản tính cách, cái kiềm chế cảm xúc để không quá đà lạm dụng" (Hồ Anh Thái).
Văn xuôi Ý Nhi luôn mang xu thế dẫn truyền cho người đọc những câu chuyện chân thực với một cảm thức sâu lắng, tinh tế đầy ý thơ. "Truyện ngắn như là sự tiếp nối từ thơ, những gì thơ không mang chứa thì tràn tiếp sang văn xuôi. Ngôn ngữ truyện cũng vì thế mà có một sức hấp dẫn riêng, hấp dẫn như thơ Ý Nhi, một bảng mầu trầm tinh tế, khiến người ta phải lắng tai nghe, phải đọc" (Hồ Anh Thái).
Thưởng thức Ngọn gió qua vườn: Hành trình cảm nhận và trưởng thành
Để thẩm thấu trọn vẹn sự song hành nhuần nhuyễn giữa chất thơ duyên dáng và chất văn chương thiền định của Ý Nhi, bạn cần thưởng thức thật chậm rãi để đi hết chiều sâu của câu chuyện. Tác phẩm của Ý Nhi không bao giờ là một sản phẩm giải trí đơn thuần dễ dãi, mà đó là nơi mỗi chúng ta cần dừng lại để cảm nhận và trưởng thành.
Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam trân trọng giới thiệu tuyển tập Ngọn gió qua vườn đến độc giả vào mùa thu năm nay.
Những tác phẩm tiêu biểu của Ý Nhi:
Nỗi nhớ con đường (NXB Văn học, 1974)
Đến với dòng sông (NXB Tác phẩm mới, 1978)
Cây trong phố chờ trăng (NXB Hà Nội, 1981)
Người đàn bà ngồi đan (NXb Tác phẩm mới, 1985)
Ngày thường (NXB Đà Nẵng, 1987)
Mưa tuyết (NXB Phụ nữ, 1991)
Gương mặt (NXB Trẻ, 1991)
Vườn (NXB Văn học, 1998)
Ý Nhi, thơ (NXB Hội Nhà văn, 2000)
Những gương mặt – Những câu thơ (NXB Văn nghệ, 2008)
Ý Nhi tuyển tập (NXB Hội Nhà văn, 2010)
Có gió chuông sẽ reo (NXB Trẻ, 2014)
Giải thưởng:
Giải khuyến khích cuộc thi thơ do Tuần báo Văn nghệ tổ chức, 1969
Giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn VN, 1985
Giải thưởng Thơ Cikada Thụy Điển, 2015
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi