Y học cổ truyền được hình thành từ ngàn xưa, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong một thời gian dài, đó là nền y học chính thống của đất nước. Ngày nay, y học cổ truyền là một bộ phận quan trọng của nền y tế quốc gia, được quan tâm kế thừa, phát huy và phát triển.
Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế xưa kia từng là thủ phủ xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn, là kinh đô cả nước thời Tây Sơn (1789-1801) và thời Nguyễn (1802-1945), là nơi đặt Thái Y Viện của nhiều triều đại, với những thành tựu về y học cổ truyền, nơi hội tụ nhiều thế hệ ngự y. Nhiều tài liệu y dược Thái Y Viện của các thời đại này, nhất là của Thái Y Viện triều Nguyễn đang còn lưu giữ trong các kho tư liệu khắp cả nước ở các thư viện nhà nước hay gia đình.
Trong những năm qua, các hoạt động sưu tầm, biên dịch và triển khai ứng dụng các bài thuốc và các phương pháp chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của y học cổ truyền Việt Nam nói chung và của Thái Y Viện nói riêng còn có nhiều hạn chế.
Do vậy, việc sưu tầm, biên dịch, ứng dụng các bài thuốc Thái Y Viện là thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước và của Trung ương Hội Đông y Việt Nam về bảo tồn phát huy, phát triển nền y học cổ truyền đặc sắc của Thừa Thiên Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung. Hội Đông Y Thừa Thiên Huế là nơi gắn liền sự hình thành của Châu bản, cũng là nơi có nhu cầu to lớn trong việc khai thác, phát huy giá trị y học trong Châu bản. Vì vậy để khai thác, phát huy giá trị là việc làm hết sức cần thiết và phù hợp. Và đây cũng là một phương cách hữu hiệu để tôn vinh giá trị của di sản Châu bản ngay tại nơi nó được sinh ra.
Nhằm góp phần bảo tồn, kế thừa và phát triển nền y học cổ truyền đương đại, chúng tôi tiến hành sưu tầm các tài liệu để có được các tài liệu về bài thuốc của Thái Y Viện triều Nguyễn bằng chữ Hán. Sau đó đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc Thái Y Viện có tính khả thi, phù hợp với tình hình hiện nay.
Đối tượng nghiên cứu là các bài thuốc, các phương pháp chữa trị và bảo vệ sức khỏe theo y học cổ truyền có nguồn gốc từ Thái Y Viện trích trong Châu bản triều Nguyễn, đã tiến hành sưu tầm trên phạm vi toàn quốc. Phần lớn các tài liệu sưu tầm được ở Viện nghiên cứu Hán Nôm và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội.
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.