Combo Sách Của Jiddu Krishnamurti (Bộ 9 Cuốn)
1. Tự Do Vượt Trên Sự Hiểu Biết
Cuộc đời và tư tưởng của Krishnamurti có nhiều nét thú vị lạ thường; toàn bộ khối lượng đồ sộ các tác phẩm của ông và các tác phẩm viết về ông tương đương với khoảng 400 quyển sách cỡ trung; thật không dễ dàng để nắm bắt hết mọi điều ông cố gắng truyền tải. Đã có trên 70 đầu sách tổng hợp nội dung từ những buổi diễn thuyết, thảo luận trên khắp thế giới của Krishnamurti được phát hành và tái bản nhiều lần, các tác phẩm của ông được đông đảo độc giả đón nhận và trân quý. Trong số đó, Tự do vượt trên sự hiểu biết luôn chiếm giữ vị thế đặc biệt trong lòng bạn đọc. Chính Krishnamurti đã đề nghị Mary Lutyens – một tác giả chuyên nghiệp, và cũng là người bạn lâu năm – thực hiện quyển sách này, ông để bà toàn quyền quyết định mọi điều, kể cả thể loại và tựa sách.
Mary bắt đầu bằng việc tổng hợp lại nội dung các buổi thuyết giảng, trò chuyện của Krishnamurti từ năm 1963 đến năm 1967; sau đó, bà tuyển lựa những trích đoạn có nội dung hàm súc, đẹp đẽ và tươi mới nhất để biên soạn thành quyển sách nhỏ trên tay bạn. Trong nhiều năm sau đó, Krishnamurti vẫn tiếp tục thảo luận, tra vấn và trình bày về nhiều chủ đề liên quan đến tôn giáo, chính trị, uy quyền, tâm lí, triết học,... dẫn đến việc khó có tài liệu đơn lẻ nào được xem là đích xác và đầy đủ tuyệt đối. Tuy nhiên, tôi tin rằng Tự do vượt trên sự hiểu biết vẫn là cuốn sách dẫn nhập lý tưởng nhất để bạn bắt đầu khám phá về những tư tưởng và thông điệp giá trị từ Krishnamurti.
Nếu đọc cuốn sách này lần đầu, có lẽ bạn sẽ thắc mắc liệu một tài liệu bắt nguồn từ những năm 1960 có thể liên hệ chặt chẽ đến mức nào với thế giới hiện thời. Đã có biết bao trào lưu nổi dậy theo từng thời kỳ rồi bị dập tắt, hoặc do chính những người khởi lên xu hướng đó từ bỏ. Hiện tượng Krishnamurti có vì vậy mà trở nên lỗi thời? Krishnamurti đã phát biểu nhiều điều ứng nghiệm suốt chiều dài lịch sử loài người chứ không riêng gì thời đại này; chúng ta có đủ cơ sở để tin vào giá trị bền vững trong tư tưởng của ông. Thậm chí, có thể nói rằng quan điểm của ông ở thời đại ngày nay – những năm đầu thế kỷ 21 – còn trở nên xác đáng hơn bao giờ hết.
Chúng ta hiện sống trong một thế giới mà tình trạng phụ thuộc lẫn nhau của con người gia tăng đáng kể, dù là về kinh tế, chính trị, y tế hay môi trường. Bất kỳ sự kiện nào diễn ra thuộc một trong các lĩnh vực trên đều tác động lẫn nhau và dội ngược lại chính nó. Mọi vấn đề nhân sinh giờ đây đều có mối liên hệ chặt chẽ và đòi hỏi – như được đề cập trong báo cáo chính phủ Anh quốc về tình hình biến đổi khí hậu – một liên minh quốc tế rộng lớn hơn so với trước kia. Chúng ta có thể thấy rõ rằng không một quốc gia nào có thể bảo vệ lợi ích nước nhà mà không bận tâm đến nhu cầu của nước bạn; bằng không thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng mâu thuẫn và thiếu quân bình trên phạm vi toàn cầu.
Thế giới hiện thời cần ở chúng ta một tâm trí tươi mới để không gây thêm hoặc làm trầm trọng hơn những mối xung đột, bất hòa. Krishnamurti đã nhiều lần khẳng định rằng một tâm trí có khả năng tạo nên sự đồng điệu giữa các quốc gia – hay cộng đồng, hội đoàn, đội nhóm – thì không thể tách biệt khỏi tâm trí có khả năng tạo nên sự đồng điệu giữa người và người; đó là tâm trí nhận biết một cách trọn vẹn. Tự do vượt trên sự hiểu biết giúp ta khám phá cái trở lực, chướng ngại khiến tâm trí không đạt đến tình trạng ấy. Trước tiên, là do suy nghĩ ta sai lệch, cứ mang mớ tri kiến cũ kỹ ra để hồi đáp lại những thách thức mới mẻ, vốn đòi hỏi một cách nhìn nhận hoàn toàn khác lạ. Việc để cho hành động bị chi phối nặng nề bởi quá khứ là chứng bệnh trầm kha của các chính khách, của bạn và của cả tôi nữa. Trong các mối quan hệ cá nhân, chúng ta bị che mắt, bị dẫn dụ bởi những hình tượng do chính mình tạo dựng về nhau. Vì cứ mê mải trong sự thỏa nguyện hay bất mãn dựa trên kinh nghiệm quá khứ, chúng ta khó mở lòng ra với những điều mới mẻ.
Vì vậy, vấn đề tâm lý của từng cá nhân cũng chính là vấn đề toàn cầu của nhân loại; chính những diễn trình tâm lý tiềm tàng cùng nhận thức thiếu hoàn thiện đã điều khiển và chi phối tất cả chúng ta. Nhân loại bao lâu nay vẫn chìm ngập trong nỗi thống khổ, thế nên theo Krishnamurti, chúng ta cần tiến hành ngay một cuộc cách mạng về mặt tinh thần. Để mang đến sự đổi thay, con người phải ngừng tách biệt mình khỏi phần còn lại của nhân loại dựa trên những khác biệt về tín ngưỡng, ý thức hệ chính trị, truyền thống và văn hóa; chúng ta là con người, nào phải đâu những món hàng dán nhãn. Thế nhưng bi kịch thay, dường chư chúng ta không cảm nhận được tầm quan trọng của việc có chung một tâm thức, để đối diện với những thử thách, nếm trải nhọc nhằn và sướng vui cùng nhau; điều đó dẫn đến cảm giác cô đơn, sợ hãi và sự hung hãn tiềm tàng. Mặt khác, tâm trí có thể đổi mới chỉ nhờ quá trình quan sát điều đang là và mọi ẩn ý trong đó. Krishnamurti tin rằng điều cốt yếu không phải là triết học, ý thức hệ hay tín ngưỡng, mà nằm ở việc quan sát mọi sự đang diễn ra với đời sống thực tế hằng ngày của chúng ta, trong nội tâm và cả ở ngoài mặt; hãy thành thật chỉ ra những gì mà chúng ta dành toàn bộ sức lực và sự chú tâm vào đó.
Được thể hiện bằng ngôn từ giản đơn, Tự do vượt trên sự hiểu biết là một quyển sách nhỏ dung dị, mang trong mình những nhận định thông tuệ về tình trạng bị khuôn định của loài người. Như Krishnamurti vẫn luôn muốn làm rõ, ông không chủ định nhồi nhét đầu óc hoặc dâng sự thật lên tận miệng cho ai cả. Trái lại, tất cả chúng ta được ông mời gọi tham gia thách thức và chất vấn mọi điều ông nói, tự đánh giá xem đối với chúng ta những quan điểm đó có thật đúng đắn, phù hợp hay không. Sẽ lãng phí vô cùng nếu chúng ta hiểu điều ông nói đơn thuần về mặt ngôn từ hay trí óc. Khi ta thấu hiểu về một điều gì, theo một cách tự nhiên, nó được chuyển hóa thành hành động, trong đó có sự tự do và niềm vui.
Để thấu hiểu vô số vấn đề được đặt ra trong quyển sách này, Krishnamurti mong bạn tìm cho mình một trạng thái thiền định mà trong đó không có người thiền, vì tâm trí đã tự trút bỏ khỏi nó mọi điều thuộc về quá khứ. “Nếu bạn chú tâm hoàn toàn trong suốt quá trình đọc quyển sách này, thì đó chính là thiền”. Rồi sau đó, bạn cứ việc bắt đầu hành trình tìm hiểu về mọi điều của riêng mình.
- David Skitt
2. Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng - The First and Last Freedom
“Tự do đầu tiên và cuối cùng” tập hợp 20 bài nói chuyện và 38 lời giải đáp thắc mắc về nhiều chủ đề của triết gia Ấn Độ thế kỷ XX- Jiddu Krishnamurti (1895-1986). Đây cũng là một trong những tựa sách đầu tiên đưa tên tuổi Krishnamurti trở thành một triết gia có ảnh hưởng lớn đối với thế giới.
Trong “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, Krishnamurti nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thoát khỏi mọi định kiến, quy định, thoát khỏi mạng lưới tư duy, mọi hệ thống, uy quyền, để có được sự tự do tuyệt đối. Ông chỉ ra rất rõ những sai lầm, như tư duy đúng đắn không phải là kết quả của sự trau dồi trí năng đơn thuần hay tuân theo khuôn mẫu – dù khuôn mẫu ấy cao quý đến đâu đi nữa. Ông cũng nhấn mạnh tư duy đúng phải đi kèm với sự tự biết mình.
Khác với những cuốn sách khác về tinh thần, “Tự do đầu tiên và cuối cùng” sâu sắc ở chỗ Krishnamurti đã chỉ ra rằng thông qua sự lặp đi lặp lại, tâm trí có thể trở nên tĩnh lặng. Nhưng nếu mắc kẹt lại ở đây, việc lặp lại này sẽ trở thành hình thức thay thế cho việc tìm kiếm Sự Thật. Hoặc, bằng việc tập trung tư tưởng tuyệt đối vào một thứ gì, bạn sẽ xây dựng một bức tường ngăn cách - nơi chỉ bồi dưỡng, vun đắp cho sự kháng cự và sự tập trung riêng vào một ý niệm ta lựa chọn.
Krishnamurti đem đến một khái niệm mới là “Thực tại sáng tạo” - đó là khi chúng ta lãnh hội với một nhận thức không chọn lựa, định kiến, so sánh. Khi “thực tại sáng tạo” đi vào bản ngã và tiềm thức, con người sẽ xuất hiện tình thương và sự hiểu biết đích thực. Đó là sự tự do hoàn toàn trong tâm trí, khi sự thật hiện hữu trong từng khoảnh khắc. Đó là tình yêu thương không mang tính cá nhân hay phi cá nhân, không thể định nghĩa hay mô tả bằng tâm trí, dù riêng biệt hay bao hàm.
Chỉ khi có được sự “tự do đầu tiên và cuối cùng” này, thì con người mới loại bỏ những hoạt động vị ngã như những xung đột, những mối nguy hại, lừa dối có mục đích. Khi quá trình này dừng lại, tình yêu thương và nhận thức đúng đắn xuất hiện, con người mới có thể giải quyết được các vấn đề gây khủng hoảng, chấm dứt chiến tranh, đau khổ, suy sụp… Đây là tư tưởng trọng yếu và bao quát trong tất cả các tác phẩm của Krishnamurti.
“Tự do đầu tiên và cuối cùng” tập hợp những bài nói chuyện và giải đáp thắc mắc trực tiếp của chính Krishnamurti trong các buổi diễn thuyết. Mỗi một bài nói chuyện được chia thành những chủ đề đi thẳng vào phần nội tâm, bản ngã con người như niềm tin, ý niệm, tâm trí, sự thù hận, quyền lực, nhận thức… hay những chủ đề cụ thể như cầu nguyện, thiền, chiến tranh … Cuốn sách là tập hợp đồ sộ và bao quát tư tưởng, góc nhìn, nhận xét sâu sắc của Krishnamurti đối với các vấn đề của từng con người và toàn thể nhân loại.
Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1954, sau hơn 60 năm, cuốn sách “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, cùng những lời giảng dạy của đại hiền triết Krishnamurti vẫn để lại những giá trị vô cùng to lớn, có thể nói là “vượt thời gian”. Đây là cuốn sách không thể bỏ qua với những người yêu tri thức và mong muốn hoàn thiện mình.
Jiddu Krishnamurti được mệnh danh là “đại hiền triết” của thế kỷ XX. Tác phẩm “Tự do đầu tiên và cuối cùng” được xem là tác phẩm quan trọng nhất để hiểu được tư tưởng của ông.
3. Thế Giới Trong Bạn - The World Within
“Thế giới trong bạn”(tựa gốc: “The World Within”) tổng hợp những cuộc hỏi đáp giữa Jiddu Krishnamurti với những người đã tìm đến ông vào giai đoạn ông sống “lánh đời” hồi Thế chiến thứ 2. Dù vậy, cuốn sách vẫn mang tính thời đại và có liên hệ trực tiếp với cuộc sống ngày nay.
Người ta tìm đến để hỏi Krishnamurti về mọi thứ: sinh kế, mối quan hệ, nuôi dạy con, mâu thuẫn hàng ngày, bế tắc trong cuộc sống, nỗi đau đang xiềng xích họ, tình trạng trống rỗng, chán nản nghề nghiệp, những giấc mơ lộn xộn, xung đột với tổ chức, chiến tranh và thậm chí là cách để thay đổi thế giới…
Đọc “Thế giới trong bạn”, ta sẽ thấy rằng trước mọi câu hỏi, lời hồi đáp của Krishnamurti đều giúp cho người đọc tự nhìn thấy các vấn đề của họ bằng cách hãy tự biết mình. Bởi mọi niềm vui và đau khổ của thế giới đều là sự phản ánh của niềm vui và đau khổ trong ta, vì ta chính là thế giới, nên mọi thay đổi đều phải bắt đầu từ chính mình. “Giống như cái cây sẽ chết nếu các cành và lá của nó bị cắt cụt nhiều lần, sự vô minh và đau khổ phải bị triệt hạ ngay khi chúng xuất hiện, thông qua nhận thức không ngừng và sự hiểu biết”, ông nói.
Nhưng, tự biết mình bằng cách nào và tự nhận thức như thế nào là sâu sắc? Câu trả lời sẽ được lật mở chậm rãi qua 80 bài đối thoại trong cuốn sách “Thế giới trong bạn”. Tựu trung, theo Krishnamurti, sự hiểu biết trọn vẹn về chính mình bắt đầu từ việc xem xét triệt để các suy nghĩ và cảm xúc, vượt lên trên kiến thức, không so sánh, không phán xét, không lệ thuộc vào người khác và nhất là không tuân theo bất cứ khuôn mẫu nào.
“Tự biết mình là việc không dễ dàng”, Krishnamurti nói, “Nó giống như một bộ sách dày trang. Bạn không thể bỏ qua một trang nào, bởi vì mỗi trang đều đưa ra gợi ý về sự khám phá và trải nghiệm”. Một khi ta biết cách đọc cuốn sách chính mình, ta cũng sẽ biết về thế giới xung quanh và mọi vấn đề của nó. “Bạn chính là thế giới”, Krishnamurti nói.
Cách đối thoại của Krishnamurti trực diện và tỉnh táo, lập luận của ông đôi khi sắc như dao, có lúc lại uyển chuyển với hình ảnh cái cây, con sông, đám lửa... Cứ thế, qua từng đoạn đối thoại ngắn, ông đã khiến cho người xem thời xưa lẫn người đọc hiện tại choáng váng, như lời của một người được giải đáp đã chia sẻ: “Điều ông vừa nói dường như đã mở ra những triển vọng lớn lao, tôi phải suy nghĩ về nó”.
Không khuyên bảo hay dạy dỗ, điều Krishnamurti làm là gợi mở cho người ta tự chiêm nghiệm, tự suy nghĩ để tìm kiếm câu trả lời. Ông không ngừng nhắc nhở mọi người nhìn vào nội tâm, nhìn thế giới qua chính mình, để tự giải thoát bản thân khỏi những sự khuôn định, khỏi những tư tưởng và thẩm quyền. Và để bắt đầu hành trình đó, chúng ta không cần tìm kiếm đâu xa cũng không cần cầu viện bất kỳ ai, chúng ta có thể bắt đầu từ chính mình, bằng thiền định đúng và tư duy đúng.
4. Cuộc Đời Phía Trước
CUỘC ĐỜI PHÍA TRƯỚC - Những suy ngẫm về giáo dục và hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống -
“Cuộc đời phía trước” là một cuốn sách vô cùng phù hợp với học sinh, sinh viên, bởi đây là tập hợp nội dung từ các buổi diễn thuyết mà Krishnamurti dành cho những bạn trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường, sắp bước chân vào ngưỡng cửa đại học và rồi sẽ giáp mặt với cuộc đời.
“Cuộc đời phía trước” là cuốn sách đầu tiên tập hợp những bài phát biểu và chia sẻ của Krishnamurti về vấn đề giáo dục cũng như hành trình tìm hiểu cuộc sống. Krishnamurti khơi gợi nhiều vấn đề và trăn trở về cách mà nhà trường và xã hội đang nhìn nhận quá trình truyền đạt kiến thức cho học sinh. Quá trình dạy và học mà ông đề cập trong cuốn sách này vượt xa mô hình giáo dục truyền thống mà chúng ta có thể tìm thấy trong nhà trường hay trong hệ thống dạy học của các cao đẳng, đại học ngày nay.
Học hỏi, theo Krishnamurti, không chỉ đơn thuần là quá trình thu thập thông tin và tích lũy kiến thức, “mà học là cái năng lực tư tưởng sáng suốt và hợp lý, không ảo tưởng, bắt đầu từ những sự kiện chứ không phải từ những niềm tin và lý tưởng”. Quá trình này cần được diễn ra một cách tự nhiên, không miễn cưỡng đối với người học. Còn đối với người dạy học, bản thân họ phải là những người thầy yêu nghề, sẵn sàng gạt bỏ xu hướng thỏa mãn tính tự cao của bản thân, nhằm giúp đối phương trau dồi để có một bộ não với khả năng truy vấn - thay vì chỉ là truyền đạt thông tin một cách rập khuôn.
Với hình thức vấn đáp cùng nội dung súc tích, thông qua 24 chương sách, bạn đọc sẽ được tìm hiểu về tác hại của tính đố kỵ, tầm quan trọng của việc hiểu được trí não của chính mình, sự khác biệt lớn giữa chú tâm và hành động lắng nghe thông thường, giữa thu thập thông tin và học hỏi… Với kiến thức uyên thâm của mình, Krishnamurti cũng lý giải căn nguyên của nỗi sợ, tham vọng, phẩm chất của tình yêu thương thật sự...
Cũng theo ông, cuộc đời phía trước đòi hỏi con người phải tiến hành một cuộc cách mạng thật sự. Cuộc cách mạng này không bắt đầu với lý thuyết hay ý niệm, lại càng không phải bằng những cải cách trong kinh tế hay chính trị, mà phải bắt nguồn bằng “một cuộc biến đổi triệt để ngay trong tự thân trí não”. Qua những bài phát biểu được ghi chép trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ có cơ hội tiếp cận với những lý giải cặn kẽ, rằng tại sao một cuộc biến đổi như thế chỉ-có-thể xảy ra thông qua một nền giáo dục chân chính và sự phát triển toàn diện con người.
Đặc biệt, trong chương cuối Cuộc cách mạng duy nhất, độc giả sẽ đọc được những nhận định của Krishnamurti về giá trị của thiền định, từ đó biết rõ rằng thiền là một trong những cách để hiểu về thế giới, cũng như mọi đường đi nước bước của nó.
Không giáo điều hay khuyên răn, “Cuộc đời phía trước” được trình bày dưới dạng một cuộc thảo luận giữa thầy và trò, với văn phong mộc mạc nhưng đầy súc tích vốn quen thuộc của Krishnamurti, khơi gợi nhiều vấn đề mà các nhà giáo dục, những người thầy và cả các bậc phụ huynh có lẽ sẽ muốn chiêm nghiệm thêm về cách dạy và học hiện nay.
5. Bạn Đang Nghịch Gì Với Đời Mình?
Bạn có biết cuộc đời là gì không? Cuộc đời của chúng ta kéo dài từ khoảnh khắc ta được sinh ra cho đến khoảnh khắc ta chết đi, và có lẽ còn hơn thế nữa. Bạn đang nghịch gì với đời mình do triết gia Jiddu Krishnamurti viết giúp bạn hiểu và đi tìm ý nghĩa - mục đích của cuộc sống.
Bạn đang nghịch gì với đời mình xoay quanh những suy nghĩ của J.Krishnamurti về nhiều vấn đề trong cuộc sống của các bạn trẻ là những ý kiến đóng góp độc đáo và chân thực nhất cho tư tưởng giáo dục thế kỷ 21. Những điều mà ông cố gắng truyền tải không can dự gì đến triết lý cuộc đời, chúng là nghệ thuật khám phá cả thế giới bên ngoài lẫn những suy nghĩ và hành vi bên trong mỗi chúng ta; là sự hiểu biết về tâm trí và trái tim, cũng như về tính toàn thể, vẹn tròn của cuộc sống.
Khi còn trẻ, bạn hay tôi thật khó để biết mình yêu thích công việc gì, bởi vì chúng ta muốn làm rất nhiều thứ. Bạn muốn trở thành một kỹ sư, một người lái tàu, một phi công mang mơ ước bay vào trời xanh; hoặc có thể bạn muốn trở thành một nhà hùng biện hay một chính khách nổi tiếng. Bạn cũng có thể muốn trở thành một nghệ sĩ, một nhà hóa học, một nhà thơ, hay một thợ mộc. Bạn có thể muốn làm việc trí óc hay làm việc chân tay. Liệu những công việc này có phải là những việc mà bạn thực sự yêu thích, hay sự hứng thú với chúng chỉ đến từ phản ứng trước áp lực của xã hội? Làm thế nào để có thể tìm thấy công việc mình yêu thích?
Bạn đang nghịch gì với đời mình bao gồm bốn phần – Bản ngã và cuộc đời của bạn – Hiểu biết bản thân, chìa khóa của tự do – Giáo dục công việc và tiền bạc – những mối tương quan. Qua mỗi phần sẽ có nhiều chương nhỏ để triết gia J. Krishnamurti dẫn dắt người đọc đến những vấn đề thực tiễn từ suy nghĩ, thấu thị, hiểu biết, đến hành động cụ thể. Ông chỉ ra rằng ngay với cả nỗi sợ hãi, sự buồn chán, hạnh phúc hay đau khổ, thành công thất bại đều có thể hòa giải trong ý nghĩ của một tâm hồn biết tĩnh lặng.
Bạn sao, thế giới vậy, và vấn đề của bạn là vấn đề của thế giới, thế nhưng bằng một cách nào đó chúng ta dường như luôn lãng quên điều này. Vậy thì hãy bắt đầu học cách tĩnh lặng trong phạm vi gần gũi thôi, hãy lưu tâm đến sự hiện hữu hằng ngày của chính mình, từ ý nghĩ, cảm xúc cho đến những hành vi, hoạt động sống cơ bản, cũng như lưu tâm đến mối tương quan giữa chúng ta và các ý tưởng hay niềm tin.
Đọc Bạn đang nghịch gì với đời mình - bạn sẽ khám phá được rằng những ai phải đủ thông minh, sự khôn ngoan, không sợ hãi và từ chối bước trên lối mòn truyền thống của xã hội mới tìm thấy điều mình yêu thích.
Cuộc sống là một nguồn nước sâu. Người ta có thể đến với nó với những cái xô nhỏ và chỉ múc được một ít nước, hoặc người ta có thể đến với nó với những cái thùng lớn, múc nhiều nước để sinh hoạt và dự trữ. Thời trẻ là quãng thời gian lý tưởng để người ta tìm tòi và trải nghiệm mọi thứ. Chúc bạn thành công.
6. Đôi Điều Cần Suy Ngẫm
“Bạn thấy đó, khi bạn còn trẻ, bạn dư thừa năng lượng đến mức muốn nhảy vọt qua đồi núi, lên đến tận trăng sao. Rồi xã hội bước vào và bảo bạn hãy kìm hãm năng lượng đó bên trong bốn bức vách của nhà tù mà nó gọi đó là sự kính trọng. Thông qua giáo dục, thông qua mọi hình thái thưởng phạt và kiểm soát, năng lượng đó dần dần bị nghiền nát.”
Krishnamurti một lần nữa mang đến cho độc giả một cuốn sách bàn về giáo dục, văn hóa, tham vọng, sự đố kỵ và nhiều khía cạnh khác của xã hội. “Đôi điều cần suy ngẫm” là tập hợp các bài nói chuyện giữa Krishnamurti với học sinh, giáo viên và phụ huynh ở Ấn Độ, nhưng sự thấu suốt mà nó mang lại có thể chạm đến tất cả những ai có một tâm thức ham học hỏi và tìm tòi. Krishnamurti sẽ dẫn dắt bạn xem xét những khái niệm mà chúng ta gọi là văn hóa, giáo dục, tôn giáo, chính trị và truyền thống; đồng thời làm rõ những động cơ căn bản như tham vọng, lòng tham, tính đố kỵ, khao khát được an toàn và ham muốn quyền lực - tất cả những thứ mà ông cho là những yếu tố khiến xã hội loài người trở nên sa đọa.
Những đoạn hỏi - đáp trong cuốn sách được chia theo từng đề tài: từ giáo dục, tự do, tình yêu, sự bình đẳng, cho đến cách lắng nghe, sự sáng tạo, tham vọng, cách tư duy, tinh thần cởi mở và tính toàn vẹn của cuộc sống. Mỗi phần đều chứa đựng những lập luận sâu sắc và thường bắt đầu bằng những câu hỏi dẫn dắt người đọc tự suy ngẫm, chứ không định hình lối tư duy của độc giả hay cố đưa ra một kết luận rập khuôn, bởi theo Krishnamurti, “một trí não thông minh là một trí não luôn luôn học hỏi, chứ không bao giờ kết luận”.
Thêm vào đó, mỗi vấn đề sẽ được lồng ghép và liên hệ với nhiều vấn đề khác, từ đó người đọc sẽ có được một cái nhìn bao quát và được khơi gợi để tìm hiểu nhiều hơn. Chẳng hạn, nếu bạn hỏi tại sao đa số chúng ta thích cuộc sống xa hoa, Krishnamurti sẽ hỏi lại “Ý bạn là gì khi nói đến xa hoa? Mặc quần áo sạch sẽ, giữ thân thể sạch sẽ, ăn uống thực phẩm thích hợp - bạn có gọi đó là sống xa hoa không?”; và rồi sẽ cho bạn biết “khái niệm xa hoa thay đổi tùy theo khao khát của mỗi người; đó là vấn đề cấp độ”.
Theo một cách nào đó, 27 phần trong cuốn sách này giống như 27 chiếc gương - nơi bạn có thể tự soi chiếu lại chính mình trong đó. Nó khiến bạn phải quan sát rồi buộc bạn tự vấn bằng những câu hỏi xoay quanh những điều mà bạn nghĩ mình đã hiểu, về cách bạn nhìn nhận cuộc sống, các mối quan hệ và quan trọng hơn cả, là về chính mình.
“Khi bạn vào rạp xem phim, bạn không tham dự vào bộ phim; các diễn viên mới là người đang thủ vai của họ, còn bạn chỉ quan sát. Tương tự, hãy quan sát trí não bạn hoạt động. Điều này thực sự rất thú vị, thú vị hơn xem bất cứ bộ phim nào, bởi vì trí não bạn là tàn dư của toàn bộ thế giới và nó chứa tất cả những gì mà con người đã trải nghiệm. Bạn hiểu chứ? Trí não bạn là nhân loại, và khi bạn nhận ra điều này, trong lòng bạn sẽ có một tình yêu mênh mông không bờ bến. Từ hành động thấu hiểu này sinh ra một tình yêu lớn lao; và rồi bạn sẽ biết, khi bạn thấy mọi vật đều đáng yêu, rằng cái đẹp là gì”, Krishnamurti chia sẻ.
Với những nét đặc trưng ấy, “Đôi điều cần suy ngẫm” không chỉ phù hợp với những độc giả trung thành, mà còn là một cuốn sách thích hợp cho những ai lần đầu tiên tìm hiểu về Krishnamurti cùng những triết lý của ông.
“Đôi điều cần suy ngẫm” khiến bạn nhận ra mình chưa bao giờ thật sự hiểu và sử dụng triệt để trí não của mình để nhìn nhận cuộc sống. Bạn cũng sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn, lạc lối, bối rối hay trống rỗng như trước kia nữa, bởi giờ đây, bạn đã biết cách lèo lái cuộc đời để tìm được hạnh phúc đích thực của riêng mình: “Hạnh phúc không xuất hiện khi bạn tìm kiếm nó; hạnh phúc là một sản phẩm phụ, nó xuất hiện khi có cái thiện, khi có tình yêu, khi không còn tham vọng, khi trí não khám phá một cách lặng lẽ cái chân thực”.
7. Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống
Krishnamurti là tác giả của rất nhiều cuốn sách. Ở tuổi 90, Krishnamurti đã diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc về chủ đề hòa bình và nhận thức. Được trao tặng Huân chương Hòa bình của Liên Hợp Quốc vào năm 1984, ông được xem là một hiền nhân, triết gia và nhà tư tưởng đã tạo ra ý nghĩa căn bản và mới mẻ cho tôn giáo bằng cách chỉ rõ một cách sống vượt khỏi tất cả các tôn giáo. Ông can đảm đối diện với những vấn đề của xã hội và phân tích bằng sự rõ ràng, tính khoa học những hoạt động của tâm trí con người. Ông không trình bày bất kỳ triết thuyết nào, trái lại chỉ nói về những sự việc có liên quan đến tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.
Khi phát biểu rằng: nếu ta được giáo dục chỉ để trở nên khác biệt, giành lấy một công việc tốt hơn, có nhiều năng lực hơn, thống trị người khác nhiều hơn, thì cuộc sống của ta sẽ trở nên hời hợt và trống rỗng vô cùng, J.Krishnamurti đã tạo nên sự rúng động không chỉ ở Ấn Độ, quê hương ông, mà còn với cả thế giới.
Càng đi sâu vào tác phẩm, càng nhận ra, Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống mang đến câu chuyện hoàn toàn mới về giáo dục. Theo đó, con người là một tổng thể hài hòa được tạo thành từ nhiều khía cạnh khác nhau. Nền giáo dục phải mang đến sự hợp nhất các khía cạnh riêng biệt này – vì nếu không có sự hợp nhất ấy, cuộc sống sẽ trở thành một chuỗi những cuộc xung đột và nỗi bất hạnh. Muốn tạo dựng một nền giáo dục đúng đắn, ta phải hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống trong tính toàn thể của nó.
Bằng lối hành văn khúc chiết, gần gũi, J.Krishnamurti cho rằng “dạy học” không nên trở thành một nghề của những chuyên gia như nó đang là như vậy, bởi vì khi đó tình thương sẽ phai tàn, trong khi tình thương chính là yếu tố cốt lõi của quá trình phát triển toàn diện. Thông điệp cuốn sách đưa ra rất nhân văn: Tất cả chúng ta nhất thiết phải học cách trở thành người có lòng trắc ẩn, biết bằng lòng với những cái tối thiểu và tìm kiếm cái tối cao. Chỉ khi đó nhân loại mới thực sự được cứu rỗi. Đó chính là lý do Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống trở thành tác phẩm có lượng phát hành cực kỳ ấn tượng trên thế giới suốt nhiều năm qua.
8. As One Is - Như Ta Là
NHƯ TA LÀ
- Giải thoát tâm trí khỏi mọi sự quy định -
Đã bao giờ bạn từng nghĩ, vì sao trên thế giới, có nơi chìm đắm trong nghèo khó nhưng cũng có nơi giàu có vô cùng? Vì sao những nỗ lực cải thiện bản thân, thôi thúc ta gặt hái thành công, lại đi kèm với những nỗi sợ hãi, thất bại và khổ đau?
Theo triết gia Jiddu Krishnamurti, cấu trúc xã hội ngày nay được xây dựng dựa trên sự ganh tị, sự tích lũy, trong đó bao hàm sự tuân thủ, chấp nhận quyền lực, thỏa mãn tham vọng, mà về cốt lõi chính là cái “tôi”, cái bản ngã đang nỗ lực để trở thành điều gì đó. Xã hội được tạo nên từ chất liệu đó và nền văn hóa của nó – vui và khổ, đẹp và xấu, toàn bộ những nỗ lực của xã hội – quy định trí não con người.
Vậy làm thế nào để tâm trí chúng ta thoát khỏi tất cả sự quy định này? Câu trả lời sẽ được tìm thấy trong quyển sách “Như ta là” (tựa gốc: “As One Is”) của Krishnamurti.
Quyển sách tường thuật nội dung tám buổi nói chuyện có tính ngẫu hứng của Krishnamurti trước hàng trăm người, diễn ra dưới bóng râm của một rừng sồi nhỏ nơi thung lũng Ojai (California, Hoa Kỳ) vào mùa hè năm 1955. Tại đây, Krishnamurti đã dẫn dắt người nghe nhìn thẳng vào sự hỗn loạn, những thói quen và tư tưởng của một trí não bị ảnh hưởng bởi mọi sự quy định, đồng thời khám phá ra rằng đây là gốc rễ của mọi bạo lực cũng như khổ đau trên toàn thế giới.
Xuyên suốt tác phẩm, Krishnamurti nhấn mạnh con đường duy nhất để khám phá ra sự thật cốt lõi của tất cả những điều trên, đi đến sự giải thoát, là tự biết mình; thấy chính ta như “ta là” trong thực tại, chứ không phải “ta phải là” hay “ta nên là”. Ông chỉ ra rằng bằng cách tự nhìn thấy trí não của mình đang bị chi phối ra sao bởi những uy quyền, khuôn khổ, phạm vi, truyền thống, quy định…, con người mới có thể thoát ra khỏi tất cả những điều đó.
Một cách rốt ráo, Krishnamurti yêu cầu người nghe xem xét để nhận ra rằng tất cả mọi biểu hiện có vẻ tiến bộ của bản ngã không phải là sự tiến bộ dẫn đến tự do mà chỉ là guồng quay cũ của ảo tưởng; rằng sự hiểu biết trí não của chính mình, tự biết mình là con đường duy nhất dẫn đến tự do.
Ông can đảm đối diện với những vấn đề thiết yếu của xã hội và dẫn dắt người nghe nhìn nhận chúng bằng minh triết để tự mình thấu hiểu, khám phá mọi sự thật bằng một tâm thức tự do hoàn toàn. Trong “Như ta là”, Krishnamurti đã lần lượt đề cập đến những vấn đề cốt lõi như: bản chất của bạo lực, vấn đề thay đổi, sự quy định của trí não, nền hòa bình thực sự, bản chất của sự sùng bái, sự tu tập tâm linh, và thế nào là thực sự lắng nghe…
Ông cũng giúp cử tọa giải đáp một số thắc mắc “tại chỗ” như: dục vọng; tình trạng phạm tội ở tuổi thanh thiếu niên; bản chất của sự nhiễu loạn trong tâm trí; ý nghĩa, mục đích sống; việc nuôi dạy con cái; sự tái sinh... Với lối tiếp cận vấn đề một cách trực diện, Krishnamurti đã phơi bày tận căn nguyên gốc rễ của vấn đề, đồng thời hướng dẫn người nghe thấu hiểu cách chúng ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta, ngăn trở ta tìm ra sự thật.
Với ngôn từ giản dị, cách tiếp cận trực diện cùng những lập luận thuyết phục vốn có của Krishnamurti, “Như ta là” mang đến cho người đọc những kiến thức khai sáng đầy thông tuệ, những nhận thức mới mẻ về mặt tâm linh. Những điều suy nghiệm này tuy đã được nói ra từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng vẫn chứa đựng những giá trị mới mẻ và thiết thực đối với thế giới cho đến ngày hôm nay.
Khép lại cuốn sách, hy vọng mỗi người có thể tự tìm ra cho mình những sự thật bên trong bằng sự chú tâm trọn vẹn và quan sát chính mình từng phút giây. “Như ta là” chính là hành trang không thể thiếu cho tất cả những ai thực sự nghiêm túc trên con đường tìm kiếm hiểu biết tâm linh qua những lời dạy của Krishnamurti.
9. The Awakening Of Intelligence - Đánh Thức Trí Thông Minh
- Cuộc cách mạng nội tâm khai phá tiềm năng bên trong bạn -
Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, kiến thức tưởng chừng có thể được tìm thấy ngay lập tức, ở khắp mọi nơi. Nhưng điều đó có đem lại cho chúng ta trí tuệ?
Trong quyển sách “Đánh thức trí thông minh” (tựa gốc: “The Awakening Of Intelligence”), triết gia Jiddu Krishnamurti cho rằng, khủng hoảng không nằm ở thế giới bên ngoài mà nằm trong ý thức của chính chúng ta. Chỉ đến khi nào ta hiểu được cuộc khủng hoảng này - không phải theo cách nông cạn, hời hợt, hay rập khuôn theo một triết gia nào - mà là thật sự thấu hiểu một cách thâm sâu bằng cách nhìn vào đó và xem xét nó, ta mới có thể tạo ra một cuộc thay đổi.
Quyển sách gồm 6 chương, tập hợp 23 bài nói chuyện được trình bày dưới dạng hỏi đáp giữa Krishnamurti với các giáo sư, học giả nổi tiếng và công chúng ở Mỹ, Ấn Độ, châu Âu. Trong đó, ông đã cùng họ xem xét, bàn luận các vấn đề chính yếu trong cuộc sống như: cuộc cách mạng nội tâm, thấu hiểu chính mình, về thiện và ác, sự đấu tranh của con người, trải nghiệm tôn giáo và thiền,…
Thông qua sự dẫn dắt đầy tính khai mở và cái nhìn trực diện của Krishnamurti, người đọc có thể tự suy nghiệm để thấu hiểu bản thân, nhận ra bản chất của những vấn đề chính yếu của đời sống con người, từ đó hiểu được khái niệm “trí thông minh” - yếu tố cốt lõi quyết định nhận thức của chúng ta. Đối với ông, trí thông minh là sự nhạy cảm ở mức cao nhất, khi trí não hoàn toàn tịch lặng, để không còn có khoảng cách giữa nhận thức và đối tượng được nhận thức.
Thế nhưng làm thế nào để trí não hoàn toàn tịch lặng? “Đó là khi có sự hòa hợp giữa thân, tâm và trí, không bất hòa hay xung đột”, Krishnamurti diễn giải. Lúc này, giữa ta và cái ta quan sát không còn có hình ảnh, khái niệm, kiến thức, kinh nghiệm, ký ức hay sự phán xét chủ quan nào xen vào. Chỉ khi đó, trí thông minh mới khám phá ra sự thật - loại sự thật tuyệt đối vượt lên mọi ngôn từ, khái niệm.
Với ngôn từ giản dị được trình bày bằng phương pháp tiếp cận trực diện đầy thuyết phục, Krishnamurti đã dẫn dắt cử tọa tập trung vào vấn đề chính yếu, không sa đà vào những nội dung không thiết thực, từ đó từng bước giúp người nghe nhận biết chính mình thông qua cuộc cách mạng khai phá nội tâm.
Xuyên suốt những cuộc đối thoại đó, Krishnamurti thường xuyên đặt ra câu hỏi: Chúng ta có hiểu chính mình không? Từ đó, ông hướng người nghe tập trung đi vào sâu tận gốc rễ của những vấn đề vốn đã ăn sâu vào tiềm thức con người, ngăn trở họ tiếp chạm sự thật.
Quyển sách dẫn dắt người đọc khám phá những yếu tố gây cản trở trí não đạt đến trí thông minh tột cùng – như thói quen tư duy theo khuôn mẫu, nhận thức trong giới hạn của thời gian và cái “tôi”, sự giới hạn của thói quen chia tách hay phân chia manh mún trong nhận thức của người tư duy… Bên cạnh đó, các cuộc nói chuyện còn đi sâu vào nhiều vấn đề thiết thực trong cuộc sống, như: vai trò của người thầy, trật tự, xung đột, nỗi sợ hãi, nỗi đau về thể xác và tinh thần, tình yêu, cái chết…
Tuy được viết dưới dạng những cuộc trò chuyện thân mật, “Đánh thức trí thông minh” vẫn không phải là một quyển sách dễ đọc. Những cuộc nói chuyện này, theo Krishnamurti, “không chỉ là những cuộc trao đổi ý kiến cho nhau bằng phương pháp biện chứng, mà là thật sự cùng nhau nghiên cứu, suy nghĩ thấu đáo vấn đề của mình”. Xuyên suốt quyển sách, chúng ta luôn cảm thấy bị thôi thúc phải xem xét lại những truyền thống, những lối mòn của tư duy và niềm tin cố hữu mà ta thường xuyên chấp nhận như một phần của cuộc sống.
Khép lại quyển sách, chúng ta nhận ra Krishnamurti hầu như không đưa rất bất kỳ câu trả lời rõ ràng nào hay lời khuyên rằng bạn cần phải làm gì. Điều ta thu nhận được chính là nhận thức về chính mình và khả năng tự mình xem xét để thấu hiểu những vấn đề cốt lõi trong cuộc sống. Chúng ta cũng nhận ra trí thông minh sẽ được thức tỉnh thông qua việc khám phá, học hỏi trong cuộc sống hằng ngày.
1. Tự Do Vượt Trên Sự Hiểu Biết
2. Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng - The First and Last Freedom
3. Thế Giới Trong Bạn - The World Within
4. Bạn Đang Nghịch Gì Với Đời Mình?
5. Cuộc Đời Phía Trước
6. Đôi Điều Cần Suy Ngẫm
7. Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống (Tái Bản 2022)
8. As One Is - Như Ta Là
9. The Awakening Of Intelligence - Đánh Thức Trí Thông Minh
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi