Phác Thảo Điện Ảnh Việt Nam Thời Đổi Mới Và Hội Nhập
“Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” là cuốn sách thứ ba của TS Ngô Phương Lan nhưng là cuốn thứ tư được xuất bản. Trước đó, bà đã thành công với 2 cuốn là “Đồng hành với màn ảnh” (1998) đạt giải thưởng chính của Hội Điện ảnh Việt Nam cho công trình lý luận, phê bình và “Tính hiện đại và tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam” (2005) đạt giải Cánh diều vàng cho công trình lý luận, phê bình của Hội điện ảnh Việt Nam, cũng đã được xuất bản bằng tiếng Anh và phát hành quốc tế năm 2007.
Trong cuốn tập tiểu luận ra mắt lần này, TS Ngô Phương Lan đã chia cuốn sách thành hai phần khác nhau, trong đó, phần 1 có thể xem là phần phê bình, phần 2 là giới thiệu sự phát triển, thăng trầm của điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh.
Phần 1, ngoài khái quát về tác phẩm điện ảnh và phong cách của các đạo diễn, còn có những bài phê bình một số bộ phim chọn lọc, ít nhiều ghi dấu ấn trong thời kỳ đổi mới như “Tướng về hưu”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”, “Thị trấn yên tĩnh”, “Thằng Bờm”, “Gánh xiếc rong”, “Chung cư”, “Mê Thảo thời vang bóng”, “Ai xuôi vạn lý”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Chuyện của Pao”… Theo đó, kịch bản và cấu trúc phim, các tình huống trong phim, cách xử lý các cảnh quay, âm nhạc, nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật và diễn xuất của các diễn viên… được TS Ngô Phương Lan phân tích và phê bình bằng chuyên môn hàn lâm nhưng lại diễn đạt với ngôn ngữ giản dị, mực thước, dễ dàng phù hợp với bất cứ ai quan tâm và yêu thích các tác phẩm điện ảnh nước nhà. Ở phần 2 của cuốn sách, tác giả phác thảo sơ đồ các liên hoan phim quốc tế, chặng đường đến với quốc tế của điện ảnh Việt Nam, những thách thức và bài học kinh nghiệm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt, tác giả luôn trăn trở với câu chuyện quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới bằng điện ảnh.”
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi