ây những truyện ngắn "định danh" cái tên nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thời kì đầu cầm bút. Tác phẩm giúp ta ngoái nhìn lại một chặng lịch sử văn học Nguyễn Xuân Khánh, để hiểu hơn về hành trình cầm bút của nhà văn và sâu hơn nữa là nhìn lại "một thời kì lí tưởng" của dân tộc Việt.
Tất cả các truyện ngắn này được Nguyễn Xuân Khánh viết trong những năm 60 của thế kỉ trước. Cũng xoay quanh đề tài phẩm chất "con người mới xã hội chủ nghĩa" trong bầu không khí tinh thần, tư tưởng và thẩm mĩ như nhiều nhà văn lúc bấy giờ, tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh vẫn được yêu mến bởi con mắt nhìn đời chân thực và giọng văn bình dị.
Trong những truyện ngắn của mình, tác giả chú ý đến tình tiết, chi tiết nhiều hơn là chú ý đến câu văn, giọng văn. Hình tượng con người nổi rõ phẩm chất con người mới xã hội chủ nghĩa: tinh thần thép và đức hi sinh. Không khua chiêng đánh trống để hô hào, Nguyễn Xuân Khánh là người làm chữ thầm lặng, dùng cái nhìn lặng lẽ đầy trìu mến và ngòi bút bình dị để "ghi chép" cuộc sống đời thường của con người trong chiến đấu và xây dựng quê hương đất nước. Các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh là nốt lặng đưa ta nhìn lại những điều bé nhỏ ấy: thời buổi khó khăn, một tạ gạo để cho các em thiếu nhi đi học múa rối là vấn đề quan trọng phải đem ra thảo luận kĩ ngay cả khi trời mưa gió (Một chuyện ở Đô Lương), chuyện công việc trong một ngày mưa (Ngày mưa), chuyện người đàn bà đi làm cách mạng (Những gốc đa đầu làng). Nhiều câu chuyện nhỏ được ghi lại bằng giọng văn bình dị, tưởng như không phải viết văn mà Nguyễn Xuân Khánh đang kể lại hơi thở cuộc sống những năm 60 của thế kỉ trước.
Chiến tranh hay thời nào cũng thế, con người vẫn mang những nét tính cách của mình, có khác thì trong chiến tranh, đôi khi những thứ nhỏ bé bị "xem nhẹ" hơn, thậm chí được nhấc tạm sang một bên vì mục đích lớn lao của toàn dân tộc. Cái nhìn của Nguyễn Xuân Khánh là cái nhìn đời lặng lẽ mà đầy trìu mến, là một tấm lòng thơm thảo với con người và cuộc đời. Con người là những tấm gương sáng, bức tượng đồng, còn truyện kể của Nguyễn Xuân Khánh là một khúc ca về những "con người mới" anh hùng ấy.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng được giới thiệu cùng bạn đọc.
Tác giả
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
Sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ Tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì ra vùng tự do tham gia bộ đội. Trong khoảng mười năm, ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hoá tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1966, ông là phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973. Hiện ông sống ở Hà Nội.
Tác phẩm chính:
- Rừng sâu (tập truyện ngắn, 1963)
- Miền hoang tưởng (tiểu thuyết, 1990)
- Hồ Quý Ly (tiểu thuyết, 2000)
- Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi (tập truyện ngắn, 2002)
- Mưa quê (tập truyện ngắn, 2003)
- Mẫu Thượng ngàn (tiểu thuyết, 2005)
- Đội gạo lên chùa (tiểu thuyết, 2011)
- Chuyện ngõ nghèo (tiểu thuyết, 2016)
Ngoài ra ông còn là dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng.
Giải thưởng
- Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998 - 2000 với tiểu thuyết Hồ Quý Ly.
- Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2001 với tiểu thuyết Hồ Quý Ly.
- Giải thưởng Thăng Long của UBND TP, Hà Nội 2002 với tiểu thuyết Hồ Quý Ly.
- Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006 với tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn.
- Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội, 2018.
- Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2017.
Một số trích đoạn hay
"- Nhưng một tạ thóc bây giờ to quá.
- Lãng phí!
- Sao lại gọi là lãng phí?
- Hay là bớt người học vậy. Chỉ cần cử đi 3 em. Lúc về trẻ nó sẽ dậy nhau.
- Đời chúng nó không giống đời chúng ta xưa đâu. Chúng ta chỉ biết ăn, biết làm là chính. Còn con trẻ hiện nay phải cho chúng nó vui chơi nữa. Không nên hà tiện đối với cái vui của trẻ em. Dù đánh nhau khổ cực thế nào cũng phải nghĩ đến cái vui của các em. Một tiếng cười của trẻ nhỏ là một điều sung sướng của người lớn. Đừng hà tiện để rồi sau này lũ trẻ lớn lên chúng sẽ trách cha anh là những lão thiển cận.
Một tạ gạo trong chiến tranh dành ra cho thiếu nhi đi học múa rối! Thật không ngờ cái chuyện tưởng như trò chơi ấy lại được một ban quản trị thảo luận kỹ càng như vậy. Điều không ngờ nữa là người ta đã đồng lòng quyết định làm việc đó hết sức nhanh chóng."
(Một chuyện ở Đô Lương)
"Cái bước chân đầu tiên của tôi vào con đường cách mạng như thế đấy. Mới đầu tôi rất ngỡ ngàng, tưởng rằng làm cách mạng phải tài giỏi lắm, khó khăn lắm, nhưng rồi tôi hiểu ra một người như tôi cũng có thể làm cách mạng được. Anh Bẩy giao cho tôi mang tài liệu truyền đơn đến những cơ sở khác. Tôi giấu tài liệu trong thúng gạo, dưới đáy những sọt lá dâu rồi kĩu kịt trên vai gánh đi những chợ xa chợ gần, lắm lúc phải qua mặt cả những thằng Tây. Tôi chợt hiểu ra làm cách mạng cũng giống như việc gánh gạo đi chợ nuôi chồng nuôi con. Có lúc anh Bẩy lại giao cho tôi ra đê bắt liên lạc đón những đồng chí ở nơi khác về. Trước khi đi nơi khác, đến tạm trú ở nhà tôi. Đêm khuya ngồi bên bếp lửa thổi bát cơm trộn khoai trộn ngô cho đồng chí của mình ăn, tôi lại ngẫm nghĩ thấy việc làm cách mạng còn giống như công việc của người chị người mẹ trong gia đình chăm sóc cho đàn con đàn em thân yêu của mì"
(Những gốc đa đầu làng)
Trích đoạn giới thiệu/ phê bình của nhà nghiên cứu văn học Lã Nguyên:
- Tôi muốn mách độc giả rằng hãy đọc cuốn sách này của Nguyễn Xuân Khánh rồi các bạn sẽ tìm thấy nhiều điều lí thú về những sáng tác văn nghệ ở những ngày đã xa. Điều thú vị lớn nhất mà độc giả có thể tìm thấy ở đấy là thế giới quan và ý thức nghệ thuật của một thời đại văn học.
- Mười mấy truyện ngắn trong tuyển tập này của Nguyễn Xuân Khánh đều thuộc về truyện kể - khúc ca có nguồn gốc từ thời cổ đại, nội dung trần thuật của nó là chiến công của người anh hùng () Điểm nhấn về mặt thi pháp của truyện chiến công là tổ chức sự kiện như một chuỗi thử thách và kết thúc có hậu. Kết thúc có hậu sau chuỗi thử thách trong tổ chức sự kiện biến mười mấy thiên truyện kể của Nguyễn Xuân Khánh thành những khúc ca khải hoàn.
- Mô tả nhân vật như những chiến sĩ, truyện ngắn của Nguyễn Xuân Khánh làm nổi rõ hai phẩm chất cốt lõi của “con người mới xã hội chủ nghĩa”: tinh thần thép và đức hi sinh () Đức hi sinh quên mình và tinh thần thép khiến hình tượng “con người mới xã hội chủ nghĩa” hiện lên trong sáng tác văn học như những tấm gương sáng, những pho tượng đồng trường tồn, bất hủy bất hoại.
- Tôi đang giới thiệu những truyện ngắn của Nguyễn Xuân Khánh mà chắc giờ đây đã trở nên xa lạ với công chúng độc giả, nhất là những ai không làm công việc nghiên cứu văn học.
Tôi chia đường văn của Nguyễn Xuân Khánh thành ba chặng và tạm gọi tên như sau:
- Chặng thứ nhất (1958 - 1968) - Truyện ngắn hiện thực xã hội chủ nghĩa,
- Chặng thứ hai (1969 - 1990) - Tiểu thuyết trào phúng hiện thực,
- Chặng thứ ba (từ 2000) - Tiểu thuyết dụ ngôn tân cổ điển.
Tôi hi vọng, đọc xong tập truyện ngắn này, các bạn sẽ có cái nhìn toàn diện đối với đời văn của Nguyễn Xuân Khánh như một chỉnh thể. Tôi cũng hi vọng đọc xong tập truyện ngắn này mỗi độc giả có thể tự lí giải vì sao sau năm 1975 nhu cầu đổi mới văn nghệ trở thành cấp thiết và sự đổi mới đã diễn ra sôi nổi như một tất yếu.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi