Hoàng tử bé - Chuyến du hành tìm kiếm tình bạn và ý nghĩa cuộc đời
Câu chuyện về một hoàng tử bé và chuyến du hành kỳ lạ
Toàn bộ cuộc hành trình của Hoàng tử bé được tác giả kể lại với một tình cảm yêu mến chứa chan, như một mối nhân duyên kỳ lạ với kí ức tuổi thơ thuở lên sáu, của một cậu bé lớn lên trong cô độc vì xung quanh không có một ai hiểu được mình. Cậu bé sống một mình trên tiểu hành tinh B612 bé nhỏ, cùng với ba ngọn núi lửa, trong đó một ngọn đã tắt, và một bông hoa hồng đỏm dáng. Được cậu coi sóc chăm bẵm hết mực, nhưng bông hoa vẫn thường xuyên tỏ ra cáu bẳn, khó chịu. Không hiểu duyên cớ vì đâu, cậu rất đỗi hoang mang, buồn rầu, và quyết định du hành sang các hành tinh khác để tìm kiếm một người bạn.
Niềm day dứt khôn nguôi ấy đeo đuổi Hoàng tử bé suốt cuộc hành hành trình, giống như cách cậu đặt câu hỏi và lặp đi lặp lại câu hỏi chừng nào còn chưa nhận được câu trả lời. Mối nhân duyên kỳ lạ giữa tác giả và nhân vật chính của mình cũng hiển hiện rõ qua từng cuộc gặp gỡ ở mỗi hành tinh Hoàng tử bé ghé chân, qua cách đối đáp và nhìn nhận mọi việc xung quanh ở lớp nghĩa đơn sơ mà cốt lõi nhất.
Cuộc gặp gỡ định mệnh với con cáo
Như khi đến hành tinh thứ bảy là Trái Đất, Hoàng tử bé gặp một con cáo cũng đang rất lẻ loi cô độc, muốn cậu đến chơi cùng. Nhưng câu hỏi "Qu’est-ce que signifie “apprivoiser”?" (tiếng Anh: What does that mean – ‘tame’?) phải được lặp đến lần thứ ba, con cáo mới chịu trả lời khi biết rõ mục đích tìm kiếm tình bạn chân thành của cậu: "Ça signifie “créer des liens…” (tiếng Anh: It means ‘to establish ties’).
Cuộc gặp gỡ giữa Hoàng tử bé và con cáo để sau đó cả hai kết thành bạn bè là đoạn kết tinh ý nghĩa của toàn bộ câu chuyện. Và câu hỏi nêu trên là đường dây dẫn dắt toàn bộ tác phẩm, với câu trả lời chính là lời giải cho chuyến viễn du xuất phát đầy đau khổ dằn vặt của Hoàng tử bé, cũng như cho chuyến trở về đượm buồn mà êm đềm thanh thản không nhuốm màu bi thương.
"Apprivoiser" - Nghĩa là gì?
Để hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của câu hỏi đó, trước tiên cần biết rằng "apprivoiser" trong tiếng Pháp và "tame" trong tiếng Anh có nghĩa đen là thuần hoá các loài vật hoang dã, và nghĩa bóng là làm biến đổi tâm tính con người, khiến họ trở nên gần gũi, dễ kết nối hơn, thân thiện hơn.
Sự kết nối gần gũi thân thiện ấy tạo ra những mối dây liên hệ (“créer des liens” trong tiếng Pháp và “establish ties” trong tiếng Anh) tuy vô hình mà bền vững, duy trì tình cảm giữa những người ban đầu còn xa lạ. Họ cảm hoá lẫn nhau. Câu hỏi của Hoàng tử bé có thể hiểu là: “Cảm hoá” nghĩa là gì? và câu trả lời của con cáo là: Nghĩa là “làm cho gần gũi hơn”.
Cảm hoá - Chìa khoá cho tình bạn đích thực
Ở cuối cuộc hành trình, Hoàng tử bé và con cáo, cũng như Hoàng tử bé và người kể chuyện, đã gần gũi với nhau, cảm hoá lẫn nhau, để trở thành bạn bè, chiếm vị trí duy nhất trong lòng nhau mà không gì có thể thay thế được. Nhờ sự cảm hoá đó mà Hoàng tử bé đã tự khám phá ra được ý nghĩa chân thực của tình bạn, của lòng yêu thương, đối với bản thân mình cũng như đối với bông hoa mà mình đã dứt lòng bỏ lại. Để hiểu rằng cuộc hành trình khởi đầu bằng nỗi đau buồn sẽ kết thúc bằng một chuyến trở về đong đầy yêu thương.
Nếu một ai đó nói với bạn rằng tác phẩm này khó hiểu, đừng vội lo lắng nhé! Bạn hoàn toàn có thể “cảm hoá” họ, “làm cho gần gũi hơn”, để họ cùng đồng hành với bạn trong cuộc viễn du tìm kiếm một tình bạn, với một tấm lòng yêu thương vô tận. Hãy bắt đầu câu chuyện bằng lời kể: “Ngày xửa ngày xưa, có một chàng hoàng tử bé sống trên một tiểu hành tinh chỉ vừa lớn hơn người cậu, và cậu mong ước có một người bạn…” Và bạn sẽ thấy mọi sự khác biệt.
Về tác giả Antoine de Saint-Exupéry
Antoine de Saint-Exupéry sinh ngày 29 tháng 6 năm 1900 tại Lyon (Pháp), trong một gia đình danh giá lâu đời. Cha ông, bá tước Jean Marie de Saint-Exupéry, mất khi ông được 4 tuổi. Cả đời ông đã dành trọn tình yêu thương cho người mẹ yêu quý của mình (“Thư gửi mẹ”, xuất bản năm 1954).
Thuở đi học, ông là một cậu học trò khó bảo, nhưng hơi mơ mộng và say mê thơ ca. Năm 1921, ông tham gia lực lượng không quân và học lái máy bay. Bầu trời đã trở thành một niềm đam mê lớn trong đời ông.
Năm 1926, ông được tuyển làm phi công vận chuyển thư trên tuyến Toulouse (Pháp) – Casablanca (Maroc) cho công ty hàng không Latécoère (“Tàu thư phương Nam”, 1929). Hai năm sau, ông sang Buenos Aires điều hành “Bưu điện Hàng không Argentina”. Từ năm 1931, ông quay trở lại thực hiện các chuyến bay đưa thư ban đêm và sau đó là các chuyến bay thử nghiệm cho Latécoère (“Bay đêm”, giải thưởng Fémina 1931). Năm 1939, ông cho xuất bản tác phẩm “Cõi người ta” và được tặng giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Quốc gia Pháp.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, ông được gọi tái nhập ngũ và trở thành phi công chiến đấu. Năm 1941, ông sang định cư tại Mỹ. Ở đây, ông đã viết nhiều thư từ trao đổi với một người bạn đang sống lưu vong tên là Léon Werth. Về sau các bức thư này đã được tập hợp lại trong tác phẩm “Thư gửi một con tin” (1944). Cũng tại Mỹ, ông đã cho ra đời các tác phẩm “Phi công chiến đấu” (1942) và “Hoàng tử bé” (1943).
Một năm trước khi kết thúc chiến tranh, ông tham gia lực lượng Đồng minh đổ bộ lên Bắc Phi. Ngày 31 tháng 7 năm 1944, trong chuyến bay thực hiện nhiệm vụ lần thứ 10 của mình, ông đã không bao giờ trở lại.
Sau khi ông mất tích, các tác phẩm ông chưa kịp công bố đã lần lượt được xuất bản: “Thành trì” (1948), “Thư thời tuổi trẻ” (1953), “Sổ tay” (1953), “Ý nghĩa cho cuộc đời” (1956), “Chuyện thời chiến” (1962).
Ông được biết đến nhiều nhất với tác phẩm “Hoàng tử bé”, đã được dịch ra hơn 100 thứ tiếng và hiện nay vẫn còn bán được hàng triệu bản mỗi năm. Một cậu bé tóc vàng du hành qua các vì sao đi tìm kiếm một người bạn, tìm kiếm một ý nghĩa thật sự cho cuộc đời mình…
Về bản dịch và sự lan tỏa của tác phẩm
Tác phẩm này có tên gốc tiếng Pháp là “Le Petit prince”, được phát hành lần đầu năm 1943 tại New York, Hoa Kì, nơi Antoine de Saint-Exupéry lưu vong trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới lần II đang diễn ra ác liệt. Bản dịch tiếng Anh của Katherine Woods được phát hành đồng thời với tựa “The Little Prince”. Đây là bản duy nhất phát hành lúc sinh thời của tác giả, vì sau đó đúng một tuần lễ ông được huy động làm phi công chiến đấu cho quân kháng chiến Pháp và đã mất tích trong một chuyến bay làm nhiệm vụ ngày 31/07/1944. Sau khi Chiến tranh Thế giới lần II kết thúc, tác phẩm mới được phát hành chính thức tại Pháp, vào tháng 04/1946.
Đến năm 2013, tức sau 70 năm ra đời, “Hoàng tử bé” đã có hơn 1.300 bản dịch khác nhau với trên 270 ngôn ngữ, bán ra khoảng 145 triệu bản sách. Trong giới nghiên cứu và phê bình cả về văn chương lẫn sư phạm, người ta đã đúc kết rằng “Hoàng tử bé” là một tác phẩm mà người đọc ở mọi lứa tuổi, thuộc mọi chủng tộc, qua mọi nền văn hoá đều có thể đọc được và hiểu được một cách dễ dàng. Điều đó cho thấy đây là một tác phẩm mà trẻ em sẽ hiểu được theo cách của trẻ em, người lớn tất hiểu được theo kiểu người lớn, người già lại hiểu được những lớp ngữ nghĩa tiềm ẩn chỉ lộ ra qua trải nghiệm sống của mình.
"Hoàng tử bé" - Một tác phẩm vượt thời gian
Ở Việt Nam, từ bản dịch đầu tiên phát hành năm 1966, tính đến nay đã có đến cả chục bản dịch của các dịch giả khác nhau. Sự đa dạng trong dịch thuật là điều bình thường hiển nhiên, như trong tiếng Anh có 5 bản dịch, tiếng Ba Lan có đến 12 bản dịch, thậm chí trên 15 bản dịch như trong tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hoa. Nhưng điều quan trọng nhất cần có ở mọi bản dịch là làm sao chuyển tải được những đặc trưng cơ bản nhất giúp “Hoàng tử bé” trở thành một tác phẩm văn chương của mọi lứa tuổi, mọi thời đại, phi không gian, phi thời gian, vượt mọi khuôn khổ văn hoá và trình độ học vấn. Đó là văn phong đơn giản, nhẹ nhàng. Đó là câu từ trong sáng, dễ hiểu. Đó là thể thức kể chuyện độc đáo, là sự pha trộn tuyệt hảo giữa ngụ ngôn và cổ tích. Đó là lối phúng dụ tiềm tàng những quan niệm sống chân thành, chứa chan tình yêu thương và lòng nhân bản.
Ở Việt Nam, có người nói rằng tác phẩm này quá cao siêu, phức tạp, lứa tuổi học sinh không thể nào cảm thụ nổi. Trong khi đó ở Pháp và Canada, nơi giáo viên có quyền lựa chọn tác phẩm nào để dạy môn ngữ văn, “Hoàng tử bé” thuộc nhóm những tác phẩm được lựa chọn nhiều nhất ngay từ bậc tiểu học, dù danh sách rất dài với nhiều tên tuổi nổi tiếng. Không chỉ về văn chương, tác phẩm này thậm chí còn được dùng để dạy triết học cho trẻ em. Liên tục từ tiểu học lên trung học, “Hoàng tử bé” được dùng để dạy ở nhiều lớp, với nhiều tầng nội dung khai thác từ đơn giản đến phức tạp. Có thể xem đây là một tác phẩm kinh điển trong giai đoạn chuyển tiếp từ chương trình “văn học thiếu nhi” (cuối tiểu học, đầu trung học cơ sở) sang chương trình “văn học người lớn”.
Lời kết
"Hoàng tử bé" là một tác phẩm kinh điển, là câu chuyện về tình bạn, về lòng yêu thương, về cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Nó là một bài học về sự đơn giản, sự bao dung, và lòng nhân ái. Bất kể bạn ở độ tuổi nào, hãy dành thời gian để đọc "Hoàng tử bé", bạn sẽ tìm thấy trong đó những điều kỳ diệu và ý nghĩa cho chính cuộc sống của mình.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi