Cùng Con Tung Cánh - Cùng Con Phá Vỡ Giới Hạn Của Bản Thân Để Tạo Ra Kỳ Tích
Đây là một cuốn sách khá đặc biệt, vì hầu hết nội dung của nó là những trải nghiệm thực tế, những bài học được đúc rút thông qua quá trình nuôi dạy con cái của một người cha. Người cha ấy đặc biệt quan tâm tới sự phát triển nhân cách của con, xem nuôi dạy con cái là một công việc quan trọng bậc nhất, một ưu tiên hàng đầu để hình thành phẩm chất và những thói quen tốt, tạo hành trang theo con cả cuộc đời.
Quan điểm giáo dục con cái của tác giả là khi tròn 18 tuổi, con cần được trang bị “đủ lông đủ cánh” nhất, để con tự tin vững bước vào đời; đủ mạnh mẽ đối mặt với các thách thức; đủ nhân từ, bao dung để biết yêu thương, tha thứ;... Và điều quan trọng hơn cả là con có quyền được sống, được lựa chọn con đường đi phù hợp với sở trường, với ước mơ của chính con. Cha mẹ ở đây sẽ đóng vai trò như những người định hướng, dẫn đường chỉ lối, chịu trách nhiệm khi các con còn bé; đến khi con trưởng thành, Cùng con tung cánh cha mẹ sẽ trở thành những người bạn đồng hành cùng các con. Nuôi dạy con cái là một hành trình gian nan nhưng đầy “hạnh phúc” của các bậc cha mẹ. Khi các con trưởng thành là lúc chúng ta có thể sống an nhiên. Do vậy, dù khó khăn, các bậc cha mẹ cũng cần tạo lập cho con sự tự chủ,
mạnh mẽ, quyết đoán ngay từ khi còn nhỏ, để sau này, con có thể tự sống cuộc đời của mình. Tôi rất thích một đoạn trong cuốn sách này: “‘Áp lực tạo ra kim cương’, nhưng quá áp lực, thiếu thấu hiểu, không chừng lại tạo ra bi thương. Cha mẹ hãy chấp nhận tất cả những gì xấu xí nhất mà con đang sở hữu và đừng quên là con còn có một kho tàng vô cùng tốt đẹp bên trong, đang cần được khai phá”.
Bố cục của cuốn sách được xây dựng theo trình tự các năm trưởng thành của con, từ khi sinh ra tới khi tròn 18 tuổi. Mỗi chương là một nhóm vấn đề cốt lõi ở từng độ tuổi mà tác giả cho là hữu ích và cần được cha mẹ lưu tâm để giáo dục con cái. Thay vì trình bày bằng lý thuyết triết lý khô khan và khó tiếp thu thì ở cuốn sách này, tác giả dẫn dắt người đọc bằng những câu chuyện thực tế về những đứa con của mình, những người bạn của con, những người hàng xóm xung quanh, đan xen là những thông điệp cần truyền tải rõ ràng, những bài học, hàm ý triết lý giáo dục, tạo sức lôi cuốn và gợi nhớ nhiều hơn cho người đọc. Điểm mới của cuốn sách là tác giả đã đưa vào và nhấn mạnh khái niệm “Miễn nhiễm”, đó là một trạng thái trong trí tuệ và bản lĩnh của con người khi đạt tới độ trưởng thành, có đủ sức “đề kháng” ở cột mốc quan trọng – cột mốc tròn 18 tuổi. Trong quá trình nuôi dạy con, có những phẩm chất dễ dàng để hình thành nhưng cũng có những phẩm chất phải cần rất nhiều thời gian mới tu dưỡng nên.
Đạt tới “Miễn nhiễm hoàn chỉnh” là một hành trình kiên trì rèn giũa cho tới khi con có được khả năng tự chủ và “sức đề kháng” cần thiết để sẵn sàng đối mặt với mọi vấn đề trong cuộc sống. Như câu chuyện của chính tác giả về hành trình rèn luyện để con trở thành một “cầu thủ xuất sắc” – một người thủ lĩnh – là cả một hành trình kỳ công mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn làm được.
Cuốn sách là trải lòng của chính tác giả, với tình yêu thương đong đầy của một người cha và thật ý nghĩa nếu đến tay các bậc cha mẹ trẻ đúng thời điểm, trong chặng đầu tiên của hành trình làm cha làm mẹ. Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc xa gần cuốn sách Cùng con tung cánh và chúc tác giả sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm ý nghĩa! Chia sẻ của TS. Nguyễn Thị Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và môi trường về cuốn sách.
MỤC LỤC:
Lời giới thiệu
1 Để con được bước trên đường đời thênh thang
2 Cha mẹ thông thái giúp con tỏa sáng
3 Có phải khu vườn nhân cách được tạo ra từ đây?
4 Vấn đề nổi cộm của thời đại 4.0
5 Nhân vật tuổi thơ góp phần hình thành nhân cách của một con người
6 Môi trường sống – món quà tuyệt vời nhất mà cha mẹ dành tặng cho con
7 Thắp “ngọn lửa sớm” cho niềm đam mê học tập suốt đời
8 Duy trì sự gần gũi – bí quyết thành công trong giáo dục gia đình
9 Cha mẹ là của cải, anh em là chỗ dựa, bạn thân là cả hai thứ đó
10 Trong con luôn có một con người phi thường
11 Trở thành thủ lĩnh Dazzle – phần thưởng cho những năm tháng nỗ lực đổi thay
12 “Cốc cốc cốc, bố có thể vào được không?” – Giúp con trưởng thành qua việc sống
tự lập ở không gian riêng
13 Đừng để tàn tích của khủng hoảng tuổi dậy thì là “những cái lưng gù”
14 Bài học về đồng tiền mà nhà trường không dạy cho con
15 Bố mẹ ơi, bao giờ thì trao quyền cho con?
16 Làm sao để tình yêu luôn mang hương vị của thỏi sô-cô-la?
17 “Con là ai trong tương lai?”
18 Hành trình tới “miễn nhiễm” – cột mốc của trưởng thành
Lời cuối
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
CHA MẸ THÔNG THÁI GIÚP CON TỎA SÁNG
“Tỉnh thức” một chân lý để thoát khỏi nỗi đau
Ở khu nhà tôi sống, ai ai cũng cảm mến chị N, một người mẹ đơn thân đang nuôi nấng cậu con trai đặc biệt. Cuộc đời quá éo le với chị khi cậu bé sinh ra đã mắc Hội chứng Down, tới giờ cậu cũng chừng 20 tuổi. Tôi thường thấy hình ảnh cậu bé được mẹ che chở, chăm sóc bằng tình thương vô bờ bến. Mặc dù con rất khó khăn trong việc giao tiếp với bên ngoài, nhưng chị N luôn cố gắng cho con được sống một cuộc đời bình thường. Chị thường xuyên
đưa con đi ăn, đi chơi, mua sắm vào bất kỳ lúc nào rảnh rỗi; thể hiện tình cảm với con cả lúc ở nhà lẫn khi đến nơi công cộng; dùng nhiều cách để con trai cảm nhận đang được yêu thương và sự bảo vệ ngay cả khi cậu có những hành động khác thường.
Cùng là người làm cha mẹ, tôi thấu hiểu nỗi đau của chị N khi đứa con mình sinh ra không được như bao nhiêu đứa trẻ khác. Hai mươi năm cậu bé sống trên đời cũng là hai mươi năm chị nhọc nhằn, vất vả. Thế nhưng sau tất cả, chị vẫn vững vàng trước sóng gió; ở chị toát lên vẻ đẹp của một người phụ nữ thông minh, nhân ái và độc lập.
Trạng thái mà chị đạt được ngày hôm nay chắc hẳn chính là kết quả của hành trình tỉnh thức sau những tháng ngày tận cùng đau khổ, sau cả những cơn ác mộng lặp lại bao đêm thâu. Dường như, chị đã vượt qua được số phận để tự dung dưỡng sự trưởng thành bên trong, sẵn sàng chấp nhận thực tại. Chị đã chiến thắng giới hạn của bản thân mình, trở thành một chiến binh mạnh mẽ để đồng hành cùng con, cho con một tương lai tươi sáng nhất. Tuy con sinh ra không may mắn như bao người, nhưng mẹ sẽ làm cuộc đời con tốt đẹp hơn bội phần.
Dịp Tết năm ngoái, tình cờ tôi gặp chị và gia đình đang quây quần bên nhau trong một quán cà phê. Khi tôi chào hỏi, chị cũng vui vẻ giới thiệu với tôi về cô con gái, vốn là một học sinh xuất sắc, năm trước nữa cô bé trúng học bổng toàn phần, hiện đang du học tại một trường đại học hàng đầu thế giới. Tôi càng thêm khâm phục và ngưỡng mộ chị. Việc chị có thể một mình nuôi dạy con gái khôn lớn, tài giỏi bất chấp gánh nặng của đứa con khuyết tật quả thực là một kỳ tích. Qua cuộc trò chuyện thân tình và cởi mở, tôi đã hiểu nhiều hơn về quá trình nuôi con của chị, đằng sau khuôn mặt hiền hậu ấy là một người phụ nữ đã phải trải qua bao sóng gió, bất hạnh. Điều đáng nể phục hơn cả chính là chị đã sống vì con, sống với trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ.
Mỗi con người sinh ra đều có số phận của riêng mình, con cái chúng ta cũng không nằm ngoài vòng quay ấy. Sinh con ra khỏe mạnh bình thường đã là một diễm phúc của cha mẹ, nhưng nếu con không may ra đời với những khiếm khuyết bẩm sinh, cha mẹ cũng nên bình tâm chấp nhận và dũng cảm đối mặt với thử thách. Không đứa trẻ nào được lựa chọn số mệnh của mình, cũng không đứa trẻ nào có thể lựa chọn nơi con sinh ra, vì thế cha mẹ chính là chỗ dựa vững chắc của con, tiếp cho con sức mạnh để đối diện với sự trái ngang của số phận. Bằng tình yêu thương cao cả của bậc làm cha làm mẹ, chúng ta hãy đồng hành và tạo dựng cho con những nền tảng tốt đẹp nhất. Nuôi dạy một đứa trẻ bình thường đã là một hành trình khó khăn, vất vả, nuôi dạy một đứa trẻ khiếm khuyết lại thêm muôn phần gian nan. Quan trọng hơn cả, cha mẹ trong hoàn cảnh này cần “tỉnh thức” một chân lý rằng: Thay vì cứ mãi gặm nhấm nỗi đau, nếu cha mẹ vui vẻ thỏa hiệp với số phận, con cũng cảm nhận được điều ấy và sẽ hạnh phúc hơn. Hãy sống tốt nhất cuộc đời của mình, nỗ lực hết sức và giữ một tâm thế lạc quan để có thể trở thành bến bờ của đời con.
Những ông bố hay bà mẹ đơn thân chắc hẳn luôn gặp vô vàn thử thách trong cuộc sống. Trong các gia đình đó, một người có thể sẽ phải đảm đương hai vai trò của cả cha và mẹ, bao nhiêu khó khăn trong quá trình nuôi dạy con chỉ có một thân một mình gánh vác. Nhưng bằng tình yêu thương vô bờ bến, người cha/người mẹ đơn thân đó sẽ làm tất cả vì con, vượt qua nghịch cảnh để bước đi cùng con. Những khoảng trống tình cảm đó sẽ được bù đắp bằng sự nỗ lực và tình thương, và đứa con dù gặp nhiều trở ngại so với bạn bè cũng sẽ trưởng thành trong hạnh phúc. Khi có đủ nhận thức, đứa con ấy sẽ càng trân trọng, biết ơn sâu sắc những gì đã được nhận và thấu hiểu cho người cha hay người mẹ của mình hơn ai hết.
Nhưng trên thực tế, vẫn tồn tại nhiều đứa trẻ bất hạnh ngay trong những gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Các bậc cha mẹ ấy thường xuyên cãi cự bằng bao lời lẽ thậm tệ, thậm chí là bạo hành trước mặt con cái. Có nhiều trường hợp chính những đứa con phải chịu hậu quả từ dư chấn nặng nề, hứng lên người nhiều trận mưa đòn roi, làm cho con đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Khi phải sống trong một gia đình như vậy, các con sẽ lớn lên trong sự sợ hãi, áp bức từ chính người sinh ra mình. Đến tuổi trưởng thành, chúng sẽ có thể trở nên chán ghét cuộc sống gia đình, thiếu niềm tin vào con người. Những sang chấn của tuổi ấu thơ trở thành nguyên nhân của căn bệnh trầm cảm hay chứng rối loạn tâm thần về sau, biến cuộc đời của một con người trở thành địa ngục đen tối trong khi lẽ ra, chúng đáng được hưởng thiên đường hạnh phúc.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi