Dan Harris bắt tay vào một cuộc phiêu lưu bất ngờ, kỳ lạ, vui nhộn và hoài nghi sâu sắc qua thế giới tâm linh, và khám phá ra con đường có được hạnh phúc mà thực sự có thể thực hiện.
Sau khi bị hoảng loạn trên truyền hình toàn quốc, Dan Harris biết rằng anh phải thay đổi. Một người vô thần như anh bắt đầu dấn thân vào một cuộc phiêu lưu kỳ quái liên quan đến một mục sư bị thất sủng, một bậc thầy bí ẩn và một nhóm các nhà khoa học thần kinh. Cuối cùng, Harris nhận ra rằng nguồn gốc của những vấn đề là thứ mà anh luôn nghĩ là tài sản lớn nhất của mình: tiếng nói nội tâm, thứ đã đẩy vượt lên trên hàng ngũ của môi trường siêu cạnh tranh, nhưng cũng đẩy anh đến những quyết định cực kỳ ngu ngốc, kích động sự điên cuồng trong anh.
Cuối cùng, Harris tình cờ tìm ra một cách hiệu quả để kiềm chế giọng nói đó, một thứ mà anh ta luôn cho là không thể hoặc vô dụng: hành thiền. Đường về bản ngã đưa độc giả trên một hành trình từ thánh địa tin tức với cung đường Vành đai tôn giáo của Mỹ, và lưu lại một cuộc phiêu lưu có thể thực sự thay đổi cuộc sống của họ.
Nhận xét của độc giả uy tín:
Giật gân, khiêu khích và rất đỗi hài hước. . . [10% hạnh phúc hơn] sẽ thuyết phục ngay cả những độc giả hoài nghi nhất về tiềm năng thiền định. – Gretchen Rubin, tác giả của Dự án hạnh phúc
10% hạnh phúc hơn là cuốn sách hay về thiền định dành cho dân nghiệp dư, kẻ hoài nghi hoặc chỉ đơn thuần là tò mò. Cuốn sách mang đến cho chúng ta một chuyến tham quan sâu sắc, hấp dẫn và vui nhộn về những góc tối của tâm trí và những gì chúng ta có thể làm để tìm thấy niềm tĩnh lặng trong tâm trí. – Daniel Goleman, tác giả của Trí tuệ xúc cảm
Một góc nhìn cực kỳ thông minh, sáng suốt, dũng cảm và khá cá nhân về những lợi ích của thiền định. Cuốn sách mang đến những nét hiểu mới, sâu sắc về lợi ích của hành thiền với cuộc sống hiện đại. – Elizabeth Gilbert, tác giả của Eat, Pray, Love
Trong Đường về bản ngã, Dan Harris mô tả chi tiết về những căng thẳng khi làm việc trong vai trò một phóng viên tin tức và trạng thái tĩnh tại mà anh tìm thấy thông qua hành thiền. Đây là một cuốn sách cực kỳ dũng cảm, hài hước và sâu sắc. Những con người tham vọng nên đọc nó. – Sam Harris, tác giả của The End of Faith
Một câu chuyện đầy chân thực, thú vị về một người đàn ông rất thông minh. Hành trình thay đổi cuộc sống hướng tới sự hiểu biết sâu sắc hơn về những gì khiến chúng ta trở thành chính mình. Khi thiền định, tôi mong anh ấy sẽ hạnh phúc ít nhất 11%, hoặc hơn thế nữa. – Chade-Meng Tan, tác giả của Search Inside Yourself
Về tác giả:
Dan Harris là phóng viên của đài ABC News và là đồng đạo diễn chương trình Good Morning America phiên bản cuối tuần. Anh cũng thường xuyên tham gia thực hiện các chương trình như Nightline, 20/20, Điểm tin thế giới với Diane Sawyer và GMA của đài. Anh dấn thân vào nhiều điểm nóng trên thế giới để đưa tin như cuộc chiến tranh ở Afghanistan, xung đột ở Israel – Palestine và Iraq và thực hiện hàng loạt chương trình khắc họa bối cảnh đức tin tôn giáo tại Mỹ. Anh hiện đang sống cùng gia đình tại Thành phố New York.
Khi bạn nhận thức về bản thân sâu sắc hơn, có thể bạn sẽ thấy rằng một số mục tiêu sự nghiệp mà mình miệt mài theo đuổi không cho bạn cảm giác viên mãn, hài lòng trong cuộc sống, và rồi bạn sẽ tìm đến những mục tiêu khác mới mẻ hơn. Tuy nhiên, với tôi, điều này không phải là đánh mất thế mạnh của bản thân, mà là buông bỏ những ảo tưởng của chính mình.
Càng ít bị giọng nói trong đầu quyến dụ, bạn càng có nhiều không gian hơn cho những ý nghĩ và cảm giác mới mẻ. Tôi không còn là nô lệ cho những tham vọng và thái độ thù ghét, điều này đã cho tôi một nhãn quan rộng mở hơn và, đôi khi, được tận hưởng một cảm giác buông xả sâu sắc khó tả.
Một trong những điều đã thu hút tôi đến với thiền một cách mạnh mẽ nhất chính là việc nhận ra rằng: Giọng nói trong đầu tôi chịu trách nhiệm cho giây phút xấu hổ nhất trong đời tôi – cơn hoảng loạn trên sóng truyền hình. Chính vì cái bản ngã to đùng của mình mà tôi đã lao vào vùng chiến sự không một chút suy xét tới những hệ lụy về tâm lý, không đủ khả năng tự nhận thức được chứng trầm cảm xảy ra sau đó, và rồi mù quáng chọn cách tự điều trị.
Cá nhân mình, tôi nhanh chóng nhận ra ba ích lợi chủ yếu của thiền, theo thứ tự quan trọng tăng dần:
1. Bình an
Việc bước ra khỏi những bộn bề thường ngày trong vòng vài phút và chỉ đơn thuần là hít thở mang đến cho tôi sự sáng suốt, ngay cả trong những ngày bận rộn và hối hả. Nó giúp ngắt ngang, dẫu ngắn ngủi, cái dòng chảy vô thức vô minh đang cuốn trôi tôi. Dù vậy, chuyện bình tâm cũng có chút khó khăn. Nhiều người bị thu hút vào thiền vì muốn thư giãn, nhưng rốt cuộc họ sẽ thất vọng vì tiếng nói bên trong liên tục lải nhải hoặc vì những cơn đau nhức, ngứa ngáy đâu đó thường xuyên xuất hiện. Dẫu thiền thường có tác dụng giúp bạn định tĩnh, nhưng tốt hơn hết là bạn đừng thiền với kỳ vọng nó sẽ thế này hay thế kia. Và, điều quan trọng là, kể cả khi có một thời thiền không mấy dễ chịu, tôi nhận thấy rằng tác dụng tổng thể khi thực hành thiền mỗi ngày, nói chung, chính là chỗ tâm trạng của tôi đã đỡ hơn hẳn.
2. Chú tâm
Chúng ta đang sống giữa một thời đại được định nghĩa bằng cái gọi là “kết nối toàn diện”, đến nỗi nhiều người trong chúng ta liên tục bị bủa vây bởi những email, tin nhắn, cập nhật trạng thái, và các thông báo tự động. Điều này có thể khiến chúng ta tả tơi và kiệt sức. Trong công việc, quả tình tôi nghe thấy giọng nói của người khác dộng thẳng vào đầu, và tôi buộc phải nói đúng và nhạy bén, trước rất nhiều khán thính giả chỉ trong khoảng thời gian ít ỏi. Tôi thấy việc mỗi ngày rèn luyện khả năng mỗi lúc chú tâm vào một thứ thôi, là hơi thở, sau đó khi thấy tâm trí đi lang thang thì chú tâm trở lại (và trở lại, rồi trở lại lần nữa) giúp tôi tập trung vào công việc của mình suốt cả ngày. Các nghiên cứu cho thấy rằng thiền càng nhiều, bạn càng kích hoạt các vùng não liên quan đến khả năng chú tâm, tập trung, đồng thời vô hiệu hóa những vùng não liên quan đến việc bị phân tâm.
3. Tỉnh thức
Khái niệm nghe khá là êm ái này đã được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Giờ đây có vô số sách báo viết về ăn trong tỉnh thức, dạy con trong tỉnh thức, làm tình trong tỉnh thức, rửa chén trong tỉnh thức, sơn trong tỉnh thức, chia động từ tiếng Esperanto (quốc tế ngữ) trong tỉnh thức, vân vân và mây mây. Đôi khi, sự quá đà của truyền thông đã biến cái khái niệm vốn dễ hiểu và rất gần gũi với thực tế thành một thứ gì đó vô cùng cao siêu, xa vời, và tạo nên một sự phản pháo không phải hoàn toàn vô cớ. Thế nhưng, nếu bạn có thể bỏ qua những dòng tít và thông cáo báo chí gây sửng sốt, tỉnh thức lại là một kỹ năng vô cùng hữu dụng.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi