Đi qua hai mùa dịch
“Ai cũng sẽ có những ký ức để nhớ. Nó đẹp đẽ hay xấu xí không quan trọng. Quan trọng là nó làm ta trưởng thành hơn.”
Đi qua hai mùa dịch là ký ức đặc biệt khó quên trong đời của tác giả Dy Khoa. Anh chia sẻ: “Ngày tôi gõ những dòng đầu tiên cho cuốn sách này khi bắt đầu thực hiện “cách ly toàn xã hội” theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Cuốn sách được viết ra trong giai đoạn này.
Tôi cũng chẳng biết mình may mắn hay là xui xẻo nhưng lại được cơ hội trải nghiệm đi qua hai mùa dịch: Cúm A/H1N1 và COVID-19. Cúm A/H1N1 thì diễn ra từ hơn 10 năm trước (năm 2009), thời điểm ấy tôi đã sốt rất cao và được yêu cầu nhập viện ngay lập tức. Sau đó là gần một tuần cách ly điều trị.
Còn năm nay (năm 2020), tôi cũng như nhiều người khác không có kết quả dương tính SARS-CoV-2 thì rơi vào những trạng thái, cảm xúc khác nhau; bình thản, lo sợ rồi lạc quan, lại quay ngược lại lo sợ… Hay đúng hơn là sợ giảm, thậm chí mất thu nhập và hơn hết là ảnh hưởng đến sức khỏe bởi thế giới chưa tìm được thuốc điều trị đặc hiệu cho loại bệnh mới này.
Đi qua hai mùa dịch và chuyển biến về nhạy cảm cuộc sống, nhận thức xã hội cho tôi trải nghiệm khác biệt. 1 năm sau, tức bây giờ, tôi đã nhìn thấy và thấu hiểu những giọt nước mắt rơi vì ảnh hưởng của dịch đến sinh kế. Tôi cũng nghe và biết buồn bởi những câu chuyện diễn ra xung quanh.
Cuốn sách nhỏ này ghi lại một chút những trải nghiệm vô tìn mà tôi đã trải qua. Tất cả những câu chuyện trong đây đều là trải nghiệm cá nhân, ghi chép từ góc nhìn của cá nhân. Có thể thái độ của bạn sẽ khác nhưng nếu đã cầm trên tay cuốn sách này thì xin chia sẻ cùng điều tôi nghĩ.
Lưu ý quan trọng của tác giả:
Cuốn sách này không phải là tài liệu y khoa.
Các chi tiết liên quan đến y học trong cuốn sách không được trình bày đầy đủ theo phác đồ điều trị của ngành y tế. Thông tin này không có giá trị trong việc điều trị; khuyến cáo không tự điều trị. Cần đến bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường của cơ thể để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.
Tây Ninh,
Ngày 3 tháng 4 năm 2020
Hãy kết nối Fanpage trên Facebook và tài khoản Instagram của Đi qua hai mùa dịchđể tiếp tục theo dõi hành trình chúng ta chiến thắng dịch COVID-19.
Đừng ngại chia sẻ câu chuyện của bạn:
@diquahaimuadich
Ngày tôi gõ những dòng đầu tiên cho cuốn sách này khi bắt đầu thực hiện “cách ly toàn xã hội” theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Cuốn sách được viết ra trong giai đoạn này.
Sau khi khóc hết cả nước mắt khi quay lại đưa tôi balo quần áo thì mắt mẹ sưng húp. Chi tiết này chị điều dưỡng nhận đồ thay tôi kể lại. Chứ lúc đó tôi cũng không dám di chuyển vì người còn mệt.
DƯƠNG TÍNH
Tôi được lấy mẫu xét nghiệm bằng que phết dịch họng để xác định có nhiễm virus A/H1N1 hay không. Bạn thử tưởng tượng một vật thể dài dài được đưa thẳng vào cuống họng của mình sẽ như thế nào. Tôi đã muốn nôn ra ngay lập tức. Các y tá, điều dưỡng thì cứ vừa thao tác vừa nhẹ nhàng bảo: “Ráng lên em!” Chiếc que ấy cũng nhỏ thôi, không quá to đâu, nãy giờ các bạn tưởng tượng cũng thấy sợ theo mình nhỉ? May mà việc lấy dịch họng nó diễn ra cũng nhanh thôi.
Ngay đêm đầu tiên nằm viện thì tôi bắt đầu thấy khỏe hơn. Đêm ấy cũng là lần đầu tiên tôi ăn cơm được cấp dưỡng miễn phí cho trường hợp điều trị cách ly tập trung. Phần ăn đầy đủ, có thức ăn mặn và thêm canh.
Mọi chi tiết trong khu điều trị của bệnh viện đều được tôi tường thuật ra bên ngoài với mẹ bằng chiếc điện thoại di động trắng đen con con.
Đến bây giờ, khi sinh sống và làm việc xa mẹ thì tôi vẫn duy trì thói quen ngày nào cũng sẽ gọi về tâm sự. Hai mẹ con có thể nói chuyện với nhau cả đêm. Thời điểm đó, mẹ ở bên ngoài có vẻ lo nhiều hơn tôi đang điều trị trong này. Mẹ mua thêm đồ ăn, gửi thêm quần áo… vào bên trong. Những đồ dùng này không được giao nhận trực tiếp mà nhận gián tiếp từ bàn đứng giao đồ của người nhà gửi vào. Tôi trên ban công nhìn ra, mẹ thì đứng xa phía dưới. Hai mẹ con giao tiếp với nhau như vậy để thấy mặt nhau và nói chuyện qua điện thoại. Bác sĩ và các nhân viên y tế vẫn túc trực liên tục.
Cứ sáng, chiều là thăm khám hoặc hỏi han tình hình sức khỏe. Họ thật tuyệt vời! Đến lần thăm bệnh tiếp theo thì tôi cảm thấy mình đã đỡ hơn; không còn sốt bưng bưng như hồi mới nhập viện.
“Em mắc cúm A/H1N1”, bác sĩ trực tiếp thăm khám thông báo như vậy.
Câu chuyện mùa dịch Covid-19
DUYÊN Y TẾ
Ước mơ khi nhỏ của tôi là được trở thành những “chiến sĩ áo trắng” đương đầu với những “quân thù bệnh tật” để cứu chữa bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái của tử thần hay đơn giản hơn là giúp tất cả mọi người được khỏe mạnh.
Nghe thật lý tưởng!
Và mọi thứ trở nên gần giống những gì tôi tưởng tượng trong trí não hồi bé là được làm việc với bác sĩ, tiếp xúc với bệnh nhân. Năm ngoái, tôi bắt đầu làm công việc quan hệ công chúng và quản lý truyền thông tại một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế kỹ thuật số. Đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới tại Việt Nam. Vừa liên quan đến cả chăm sóc sức khỏe lại còn kết hợp với cả công nghệ.
Tôi vẫn nhớ thời điểm đầu mới gia nhập công ty thì phải cố gắng tiếp thu cả hai khối kiến thức về hai lĩnh vực này. Một khối lượng kiến thức khổng lồ! Nhưng rất hay ho. Vì thỏa được đam mê của tôi ngày bé.
Tôi được gần hơn với những người đang làm nghề mà tôi thần tượng, muốn trở thành họ, khi xưa. Họ cũng bằng xương bằng thịt, họ cũng nhỏ bé và có những lúc yếu lòng. Và từ đây tôi lại có thêm nhiều người bạn mới.
Họ, những người làm nghề y, cũng nhiều áp lực lắm. Trước khi là đồng nghiệp, làm bạn của họ đâu ai biết được họ cũng trăn trở với nghề rất nhiều. Một số trở thành bác sĩ vì đam mê thật sự. Nhưng cũng có nhiều người do những nguyên nhân khác đưa đẩy do yếu tố xung quanh. Tôi từng nghe một chị bác sĩ tâm sự là chị học nghề này vì gia đình mong muốn. Bác sĩ cũng có nhiều nỗi buồn không đếm xuể. Có cơ hội làm việc, làm bạn cùng họ, thì cũng hiểu được phần nào để sau này nếu rơi vào những tình huống tương tự mình có thể nhẹ nhàng đón nhận hơn.
“Thật ra mình cũng muốn khóc lắm. Nhưng ca nào cũng khóc thì không còn sức để làm việc”, câu nói của một bác sĩ cấp cứu làm tôi nhớ mãi. Hay đừng vội kết luận khi bác sĩ bực bội, lớn tiếng với một bệnh nhân nào đó, lúc đó có thể vì bệnh nhân đã không tuân thủ đầy đủ chỉ định của người thầy thuốc. “Nhiều người không hiểu lại trách chúng tôi”, đấy, thông cảm hơn cho nhau một xíu thì có phải dễ sống hơn không.
DIỄN BIẾN CẢM XÚC
Tình hình diễn biến của bệnh kéo theo diễn biến cảm xúc của mỗi người, mỗi gia đình hay cả xã hội cũng biến chuyển theo. Mọi người ngóng đợi từng ngày tin tức về những con số tăng hay đứng yên của các ca dương tính được báo cáo, số người qua đời vì bệnh như thế nào…
Đó là những suy nghĩ xa.
Còn suy nghĩ gần là bạn mình vừa bị giảm lương, nghỉ dài không lương, ngưng làm việc tạm thời… Ấy là những câu chuyện buồn trước một đại dịch toàn cầu, ảnh hưởng đến tất cả khía cạnh kinh tế, xã hội thì cảm xúc của chúng ta sao không bị ảnh hưởng được cơ chứ.
Khi Việt Nam không công bố ca mắc mới trong hai buổi sáng liên tiếp thì tinh thần của mọi người phấn chấn hơn hẳn. Nhưng sau đó thông tin phát hiện ca nhiễm mới với lịch trình di chuyển phức tạp thì nỗi lo quay trở lại. Giống như khối thông tin đen tối đó chỉ chực chờ để được tấn công vào cảm xúc của chúng ta.
Chưa kể cũng có người còn đang lạc quan, ung dung nghĩ cái tác động bên trên ngỡ như sẽ không ảnh hưởng đến mình thì bỗng dưng một buổi chiều bộ phận nhân sự gửi email thông báo toàn bộ công ty bị giảm lương!?!
Lúc này chắc rằng bạn không còn đủ mạnh mẽ.
Những bất an, sợ hãi kéo dài có thể làm sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng, trong đó có chứng rối loạn lo âu cần phải điều trị. Nó còn kinh khủng và ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn những đồng lương bị mất. Khi hết dịch, chúng ta sẽ kiếm lại bù thôi mà.
Hãy biến việc làm ở nhà thành một cơ hội tốt cả cho công việc và cho gia đình. Thời gian ở nhà lại là thời gian mà đã lâu rồi mọi người trong gia đình mới có dịp cùng nhau dùng chung một bữa cơm đoàn viên do trước kia con cái thì làm tối muộn mới về, ba mẹ thì nghỉ ngơi sớm.
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.