Vào tháng Chín năm 2014, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc đã thu về 25 tỉ đô-la trong sự kiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Sau đó, hàng triệu nhà đầu tư và quản lý trên toàn thế giới đều suy nghĩ về một câu hỏi: Điều gì đang thật sự xảy ra với làn sóng mới tới từ Trung Quốc?
Alibaba không phải ngoại lệ - đó là một trong những làn sóng dâng cao mạnh mẽ từ các công ty Trung Quốc, đa phần nhưng không phải duy nhất trong lĩnh vực công nghệ. Ngay trong đêm đó, người sáng lập Jack Ma xuất hiện trên trang bìa tạp chí như một biểu tượng cho các doanh nghiệp Mỹ như Mark Zuckerberg. Theo sau Jack Ma rất nhanh sau đó là những nhà sáng lập của các công ty ít tên tuổi hơn, như Baidu, Tencent và Xiaomi.
Trong khoảng hai thập kỷ, sự bùng nổ khởi nghiệp đã chuyển hóa Trung Quốc từ nền kinh tế đóng cửa, nghèo nàn, bị chính phủ kiểm soát thành một nền kinh tế mạnh trên toàn cầu. Các sản phẩm của Trung Quốc ngày càng trở nên tinh xảo, và các công ty nội địa phát triển mạnh về công nghệ, chúng ta sẽ chứng kiến hàng hóa Trung Quốc trở thành tiêu chuẩn trên toàn cầu. Trong khi đó, các công ty còn lại trên thế giới đang tìm cách để xâm nhập vào thị trường tăng trưởng cao của Trung Quốc với 1.3 tỉ người tiêu dùng.
Edward Tse, một chuyên gia về chiến lược dẫn đầu toàn cầu, vén mở cách thức Trung Quốc đã làm để thực hiện những điều ấy, và sự tăng trưởng của quốc gia này có ý nghĩa thế nào đối với Mỹ và cả thế giới. Tse đã dành hơn 20 năm làm việc với những nhà lãnh đạo đứng đầu Trung Quốc, học hỏi cách các công ty hàng đầu Trung Quốc vận hành. Ông là một chuyên gia về cách các công ty tư nhân phát triển trong một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Quyển sách này đưa ra những bài phỏng vấn đặc biệt và ví dụ thực tế để trả lời những câu hỏi như:
- Điều gì điều khiển các doanh nhân Trung Quốc? Danh tiếng cá nhân và sự giàu có – hay nhiệm vụ về việc đem lại niềm tự hào quốc gia và những thành tựu chung cho toàn xã hội?
- Làm sao các công ty này có thể phát triển nhanh như vậy? Trong năm 2005, Lenovo chỉ bán một mặt hàng thuộc phân khúc máy tính cá nhân cho duy nhất một thị trường là Trung Quốc. Ngày nay, không chỉ là công ty bán PC lớn nhất thế giới, họ còn là công ty bán điện thoại thông minh lớn thứ ba thế giới.
- Văn hóa Trung Quốc đã hình thành nên các chiến lược và phép dụng binh của các doanh nhân như thế nào? Liệu những nhà lãnh đạo từ bên ngoài có thể bắt chước những gì người Trung Quốc đang làm không?
- Liệu các nhà tư bản có thật sự phát triển trong một hệ thống xã hội chủ nghĩa? Làm cách nào để Pony Ma của Tencent có thể vừa là một thành viên trong Quốc hội Trung Quốc, vừa vận hành một công ty thống trị mảng game trực tuyến và tin nhắn?
- Trung Quốc có tác động thế nào đến phần còn lại của thế giới khi các công ty tư nhân của họ xâm nhập thị trường mới, thâu tóm các công ty nước ngoài, và đe dọa đến các công ty đang hoạt động ở vô số các ngành công nghiệp khác?
Như Tse kết luận: “Tôi tin rằng nhờ kết quả của việc mở cửa cho các doanh nhân Trung Quốc, chính sách thúc đẩy đầu tư vào khoa học, nghiên cứu, và phát triển, và sự tự do mà nhiều người đang tận hưởng xuyên suốt quốc gia, Trung Quốc đã phục hồi và chạm tới thời kỳ có thể so sánh với thời kỳ mạnh mẽ nhất trong lịch sử - thời nhà Đường. Những doanh nghiệp này đang chất chứa khát khao thành công mãnh liệt. Họ sẽ có những ảnh hưởng rõ rệt hơn với nền kinh tế toàn cầu trong tương lai, trong suốt thập kỉ này và cả thời gian sau đó nữa.”
Mục lục:
Lời tác giả
Lời mở đầu
1. Điều gì cũng có thể
2. Rộng mở
3. Làm hay là chết
4. Ra khơi
5. Thay đổi trung quốc
6. Phản ứng phù hợp
7. Mảnh đất của những cơ hội
Trích đoạn sách:
ĐIỀU GÌ CŨNG CÓ THỂ
Có điều gì là không thể với Jack Ma hay không? Tháng Chín năm 2014, ông đưa Alibaba lên sàn giao dịch chứng khoán New York và thu về 25 tỉ đô-la, cao hơn giá trị IPO của bất kỳ công ty nào trước đó trên thế giới, đưa Alibaba trở thành công ty công nghệ lớn thứ tư trên thế giới dựa trên vốn thị trường, và xác nhận vị trí của Alibaba với tư cách là người giàu nhất Trung Quốc, với giá trị tài sản 27 tỉ đô-la.
Alibaba thống lĩnh thị trường mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc. Tổng giá trị đơn hàng trên các website của công ty này phải chiếm đến khoảng 80% giá trị ngành thương mại điện tử của Trung Quốc, lớn hơn cả eBay và Amazon cộng lại. Doanh thu của Alibaba – 7,5 tỉ đô vào năm 2013 – ngang ngửa với Facebook; còn lợi nhuận năm đó là 2,85 tỉ đô, gần gấp đôi lợi nhuận của Facebook. Vào ngày 11 tháng Mười một năm 2014, ngày Độc thân và cũng là ngày mua sắm lớn nhất của Trung Quốc, Alibaba đã đạt được 9,3 tỉ đô giá trị giao dịch thông qua các website của mình, gấp ba lần giá trị giao dịch online của ngày Cyber Monday (thứ hai đầu tiên sau lễ Tạ ơn) diễn ra ba tuần sau đó tại Mỹ.
Dĩ nhiên có nhiều yếu tố dẫn đến sự thành công của Alibaba, bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc của Trung Quốc và những cơ hội mà sự tăng trưởng này đã đem lại. Nhưng Jack Ma có những tố chất khiến người khác tin rằng ông có thể thành công ở bất kì môi trường nào. Có một sự kiện mà tôi cho rằng có ý nghĩa đặt nền móng cho quỹ đạo của Alibaba – không chỉ là bước ngoặt trong sự phát triển của công ty mà còn nói lên phong cách điều hành của Jack Ma.
Năm 2004, công ty gốc của Ma là alibaba.com, một trang web B2B kết nối các nhà sản xuất vừa và nhỏ của Trung Quốc với những khách hàng tiềm năng trên thế giới, bắt đầu có lợi nhuận, chỉ năm năm sau khi ra đời. Không may, lúc đó eBay sắp vào Trung Quốc và điều này có thể sẽ khiến Alibaba mất khách hàng và không còn lợi nhuận nữa.
Ma quyết định sẽ chiến đấu lại, ông tuyên bố “eBay có thể là con cá mập của đại dương, nhưng tôi cũng là con cá sấu của sông Dương Tử. Nếu chiến đấu ở đại dương thì tôi thua, nhưng ở sông thì tôi sẽ thắng.” Để đấu lại eBay, Ma và nhóm của mình đã sáng lập ra Taobao (có nghĩa là “đào kho báu”), một trang web C2C học tập mô hình của eBay nhưng với một điểm khác biệt lớn: không thu phí trên mỗi giao dịch giống như đối thủ đến từ Mỹ mà cung cấp dịch vụ miễn phí cho cả người bán lẫn người mua.
Bước này vẫn khá dễ dàng. Trở ngại lớn hơn nhiều đối với Taobao cũng như mọi dịch vụ C2C khác ở Trung Quốc là việc thiếu một hệ thống thanh toán trực tuyến. Hồi đó chỉ có 1% dân số Trung Quốc sở hữu thẻ tín dụng, thương mại điện tử dành cho người tiêu dùng đơn giản là không tồn tại.
Sau đó Ma đã có một bước đi có lẽ là niềm cảm hứng lớn nhất trong sự nghiệp của ông. Nếu Trung Quốc không có hệ thống thanh toán thì tại sao ta không tạo ra một cái?
Ngay lập tức, ông chỉ đạo cấp dưới dồn sức vào việc này. Trên khắp Trung Quốc, Taobao mở tài khoản tại các chi nhánh của tất cả ngân hàng ở mỗi thành phố, nạp đủ tiền vào mỗi tài khoản để đảm bảo rằng các giao dịch sẽ được thông suốt.
Đằng sau đó là các lập trình viên Alibaba xây dựng các hệ thống để ghi lại và rà soát những giao dịch cần thiết. Khi mua hàng, người mua chuyển tiền vào một trong những tài khoản của Taobao. Khi nhận được tiền, Taobao sẽ thông báo cho người bán để xuất hàng đi. Taobao chỉ trả tiền cho người bán khi người mua đã xác nhận việc nhận hàng. Chỉ vài tuần sau tuyên bố của Jack Ma, Trung Quốc đã có hệ thống thanh toán trực tuyến đảm bảo đầu tiên. Việc này gần như ngay lập tức thay đổi văn hóa Trung Quốc. Thông qua việc đứng ra làm bên thứ ba trong quá trình giao dịch, và từ đó đảm bảo khả năng đáp ứng yêu cầu thanh toán của khách hàng, Taobao đã xây dựng niềm tin vào khái niệm thương mại điện tử. Taobao đã phát triển nhanh chóng nhờ một chiến dịch quảng cáo toàn quốc và cộng thêm việc eBay quyết định sẽ không đem mô hình Mỹ của mình áp dụng cho nhu cầu và thị hiếu của thị trường Trung Quốc. Đến cuối năm 2006, thị phần của Taobao trên thị trường C2C của Trung Quốc đã tăng từ 8% lên gần 70%, và eBay đã rút khỏi đất nước này.
Bảo toàn lãnh thổ, con cá sấu sông Dương Tử đã hoàn toàn đẩy lùi con cá mập Mỹ, và Jack Ma lúc này đang trên đường xây dựng một đế chế có khả năng tiếp cận đến mọi người dân Trung Quốc có kết nối mạng.
Ngày nay hệ thống thanh toán của Ma, được biết đến dưới cái tên Alipay, chịu trách nhiệm xử lý một nửa trên tổng số giao dịch trực tuyến ở Trung Quốc. Nghĩa là nó xử lý hơn nửa nghìn tỉ đô-la mỗi năm – cao gấp 5 lần hệ thống lớn thứ hai ở Trung Quốc là Tenpay của Tencent, và gấp hơn 20 lần China Unionpay, cơ quan sở hữu bởi nhà nước độc quyền về mạng lưới cấp phép thẻ ngân hàng. Alibaba giờ đây là nền tảng thương mại trực tuyến B2B lớn nhất thế giới, kết nối hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ hơn 240 quốc gia. Tuy nhiên về mặt kinh doanh thì trang web này lại không thấm tháp gì so với doanh thu kiếm được từ quảng cáo và phí giao dịch của Taobao cùng một trang web hướng đến người dùng khác của Alibaba là Tmall, trung tâm thương mại trực tuyến đông đúc nhất Trung Quốc, mà Ma lập ra vào năm 2008 để làm nơi bán hàng cho các nhà bán lẻ và chủ thương hiệu.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi