Đúng Việc - Một Góc Nhìn Về Câu Chuyện Khai Minh - Bìa Cứng
“Đúng Việc” là con đường cho mọi đổi thay có tính cách mạng của cá nhân, gia đình, tổ chức và quốc gia. Sách “Đúng Việc” đề cập đến những vấn đề căn cơ và nền tảng nhất của con người, đó là: làm người (đạo sống), làm dân (đạo dân) và làm nghề (đạo nghề) bằng một văn phong rất dí dỏm, súc tích và có tính hệ thống cao. Từ đó, sách gợi mở phương pháp luận để mỗi người có thể tự đi tìm chân lý, tự thấu hiểu bản thân, tự tìm ra đường đời của mình, hình thành đạo sống, đạo dân và đạo nghề của riêng mình. Hay nói cách khác, “Đúng Việc” là một góc nhìn khai minh, một phương pháp luận nhằm góp sức cho mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức và mỗi xứ sở trên hành trình tự tìm ra “đích đến” và “con đường” cho sự đổi thay có tính cách mạng của riêng mình.
Trích đoạn trong sách:
"Công việc" của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm “Làm người”, “Làm dân” và “Làm nghề”. Lựa chọn “đúng việc” hay “sai việc” của mỗi người trong từng "công việc" ấy sẽ làm nên cuộc đời họ, cũng như góp phần làm nên gia đình, tổ chức và xã hội mà họ đang sống.
Bởi lẽ, con người thì khác với muông thú, cỏ cây và máy móc; con người tự do thì khác với con người nô lệ, con người công cụ, con người phận vị, con người hoang dã; công dân thì khác với thần dân hay nô dân; người thầy thì khác với thợ dạy hay máy dạy; trí thức thì khác với trí nô; nhà báo thì khác với bồi bút; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; lãnh đạo thì khác với cầm quyền; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn...
Nhưng làm sao lựa chọn nếu không hề biết đến sự tồn tại của những lựa chọn, không rõ đâu là sự khác biệt giữa chúng và đâu là "mình" giữa những lựa chọn đó? Làm sao có thể làm đúng việc khi chưa biết đâu là cái đúng? Làm sao "làm ra chính mình", làm sao "hãy là chính mình" khi chưa biết "đâu là mình"... Hành trình "tôi đi tìm tôi" đó cũng là câu chuyện khai minh của mỗi con người, mỗi nhà, mỗi tổ chức và mỗi xứ sở.
Quản Trị Bằng Văn Hóa - Cách Thức Kiến Tạo Và Tái Tạo Văn Hóa Tổ Chức
Thông qua cuốn sách, TS Giản Tư Trung cũng mong muốn góp phần cổ vũ và thúc đẩy cho sự phát triển của một phương cách quản trị mới, vừa nhân văn, vừa hiệu quả, đó là “Quản trị bằng Văn hóa / Quản trị bằng Tự trị” (Management by Culture /
Management by Self-Mangement). Bởi lẽ tác giả tin rằng, bên cạnh các phương cách quản trị truyền thống như Quản trị bằng Luật lệ (Mangement by Polices) hay Quản trị bằng Mục tiêu (Management by Objectives) thì Quản trị bằng Văn hóa (Management by Culture) chính là tương lai của quản trị và tương lai của lãnh đạo trong một thế giới đầy biến động và trong một thời đại mà con người ngày càng trở nên độc lập và tự do hơn. Cuốn sách này có sự tích hợp xuyên suốt từ tinh thần, tư tưởng và triết lý cho đến phương pháp và giải pháp, cũng như có sự kết nối 5 chủ thể văn hóa là cá nhân, bộ phận, tổ chức, kinh thương, và quốc gia. Đặc biệt, những tư duy và phương pháp cốt lõi về xây dựng và chuyển đổi văn hóa được chia sẻ trong cuốn sách này có tính nguyên lý, nên không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp, mà còn có thể áp dụng cho mọi loại hình tổ chức khác, bao gồm cả trường học, bệnh viện, báo chí, các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, hay các tổ chức phi chính phủ.
Về tác giả Giản Tư Trung:
Tác giả Giản Tư Trung hiện là Chủ tịch sáng lập Học viện Quản Lý PACE, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo Dục IRED, Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng Sách Hay và Chủ nhiệm IPL Scholarship. Ông nhận bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển tại Học viện Sau Đại học Geneva; Tu nghiệp về Chính sách Giáo dục Quốc tế tại Đại học Harvard; Tốt nghiệp Tiến sĩ về Giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore; và tốt nghiệp Tiến sĩ về Giáo dục tại Đại học London (UCL). Với những cống hiến của Ông cho giáo dục, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới đã vinh danh Ông là một Nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò là một Nhà hoạt động giáo dục.
Sư Phạm Khai Phóng - Thế Giới, Việt Nam Và Tôi
“SƯ PHẠM KHAI PHÓNG - THẾ GIỚI, VIỆT NAM & TÔI” là cuốn sách do Nhà giáo dục, Tiến sĩ Giản Tư Trung dày công thực hiện trong suốt nhiều năm, với sự trợ giúp của các cộng sự ở Viện Giáo Dục IRED.
Cuốn sách vừa chia sẻ mô hình giáo dục của tác giả, vừa tổng hợp những phương pháp sư phạm từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ thế giới đến Việt Nam, từ triết lý đến chính sách, từ nguyên lý đến phương pháp, từ đó mỗi người có thể tự hình thành nên một phương pháp sư phạm hiệu quả hơn và nhân văn hơn cho riêng mình trong mọi bối cảnh giáo dục; góp phần thúc đẩy sự tiến bộ trên phương diện “Phương pháp Sư phạm” và giúp các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh có thêm góc nhìn để làm công việc giảng dạy của mình tốt hơn.
Tác giả tin rằng, trở thành người giỏi hay người tốt có thể là điều vô cùng khó, nhưng ai cũng có thể trở thành người giỏi hơn hay tốt hơn, nếu mình muốn. Và cụ thể trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy, ai cũng có thể trở thành một người thầy tốt hơn, chỉ cần mình đủ muốn.
Dẫu biết rằng, nhà trường, thầy cô và phụ huynh dù có rất nhiều cố gắng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi chính mình; do vậy chúng ta không nên có tham vọng biến tất cả nhà trường, thầy cô, phụ huynh trở thành những hình mẫu hoàn hảo hay thay đổi hoàn toàn, để rồi chúng ta có thể cảm thấy thất vọng hay tuyệt vọng trong những nỗ lực của mình.
Nhưng sẽ luôn khả thi khi mỗi nhà trường, mỗi thầy cô hay mỗi bậc cha mẹ chúng ta có thể giảng dạy tốt hơn so với chính mình của ngày hôm qua, và liên tục nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải tiến phương pháp giảng dạy của mình theo hướng ngày một nhân văn hơn và hiệu quả hơn.
Đọc cuốn sách này, chúng ta sẽ cùng nhau du hành trong một chuyến đi của không gian và thời gian, từ nhìn ra thế giới, nhìn về Việt Nam, rồi nhìn lại chính mình; từ soi lại quá khứ, nhìn vào hiện tại và hướng tới tương lai để có thể vạch ra một “con đường sư phạm” phù hợp cho chính mình, cho ngôi trường mình và cho giáo dục của xứ sở mình trong bối cảnh mới.
“Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt của cuốn sách này là tư tưởng cốt lõi: “Dạy chính là giúp người khác học”, và “Khai phóng chính là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng con người”. Vậy nên, người dạy sẽ “giúp người khác học” thế nào để họ có thể biết cách “Tự lực Khai phóng” bản thân, có thể “Tự lực Khai mở Tâm trí và Giải phóng Tiềm năng” của chính mình suốt đời.
Với “Sư phạm Khai phóng - Thế giới, Việt Nam & Tôi”, chữ “Tôi” trong tựa sách chính là những ai đang nỗ lực trên hành trình dạy trò, dạy con và dạy mình. Cuốn sách này gợi mở một phương pháp luận để mỗi nhà trường, mỗi thầy cô và mỗi bậc phụ huynh có thể tham khảo và tự mình đưa ra triết lý giáo dục của mình để “dạy trò”, “dạy con” và cả tự “dạy mình”.
Trong sự học thời nay, tác giả cho rằng, học để biết nhiều là điều vô cùng đáng quý, nhưng đáng quý hơn là ta sẽ làm được gì và sẽ sống thế nào với những điều mình biết. Do vậy, đưa những gì mình biết (về giáo dục và sư phạm) vào cuộc sống (thực tế giảng dạy) mới là bước ngoặt thật sự trong sự học của các thầy cô giáo, của các bậc cha mẹ và những người làm giáo dục.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi