Khi Trẻ Người Ta Nghĩ Khác
Một người ngoại quốc kẹt ở thung lũng A Shau chết chóc; cô gái vùng Tam Biên huyền bí; người đàn ông thấy quá khứ chạy ngang xa lộ rặng đồi đá đen; một kẻ hoang tưởng như bước ra từ sách Modiano đi dạy người khác viết sách; hai kẻ bất thường ở một thành phố vốn đã trở thành bình địa và trở lại bản vẽ ... Đọc các truyện ngắn của Lê Khải Việt, ta tự hỏi đâu là một hiện thực có thể sờ nắn được và đâu là mộng ảo của các nhân vật lúc nào cũng như lang thang trong một thế giới thiếu điểm tựa chắc chắn. Dường như chính tác giả thông qua các truyện ngắn của mình, không cố khắc họa một hiện thực mà dệt một sợi dây để lần mò thoát ra khỏi vùng mơ hồ của tâm thức.
Cuốn sách là tác phẩm đầu tay của tác giả Lê Khải Việt. Với 13 truyện ngắn cùng một lối viết tỉnh táo và khúc chiết, tác giả đã làm hiện lên ở đó những số phận con người. Và, dù ít dù nhiều, thì cuộc chiến kết thúc tại Việt Nam năm 1975 cũng xuất hiện trong mỗi truyện, lật lại những mảnh ký ức cũ xưa để từ đó đem đến cho người đọc những cảm nhận riêng. “ Thành phố biến màu, ngã ba biên giới bụi bặm, văn khố với những tài liệu phủ bụi, tung tích những trận đánh, những cựu binh mắc kẹt trong cuộc lần tìm ký ức, bức ảnh về chuyến bay định mệnh... là các dấu chỉ tản mát mà hợp nhất để quá khứ được tương thông theo cách của văn chương. Không với tham vọng phát lộ rõ thêm về cuộc chiến hôm qua (các sử gia chân chính sẽ làm điều này), người viết biết tiết chế và tránh diễn giải về những lằn ranh hư ảo; xác lập một lối viết gọn gàng, tỉnh táo, ấn tượng với các lớp chuyển bối cảnh khéo léo. Ở đó, cuộc sống tinh thần đa chiều, phức hợp của thực tại hậu chiến được hiện ra một cách tự nhiên.” PHANBOOK
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi