Nhạc Sĩ Hoàng Vân - Cho Muôn Đời Sau
Nhà xuất bản Kim Đồng và gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân xin trân trọng gửi đến bạn đọc và bạn yêu nhạc Việt Nam cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…” Cuốn sách được con gái ông − Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh chấp bút và biên soạn.
“Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…” giống như một cuốn tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân, Tiến sĩ Lê Y Linh đã lần ngược lại thời gian để kể về cuộc đời và sự nghiệp của cha mình.
Với tư cách một nhà nghiên cứu âm nhạc vừa là một người con của nhạc sĩ, Tiến sĩ Lê Y Linh ‘phục dựng’ cuộc đời của ông bằng phương pháp khoa học hiện đại. Cô đã sưu tầm các tài liệu, từ lí lịch tự thuật của ông, phỏng vấn, tìm hiểu, ghi chép những lời kể, kí ức của những người thân, bạn bè đồng nghiệp của nhạc sĩ; sưu tầm các tác phẩm, sưu tầm các bài báo, các phỏng vấn được ghi âm, ghi hình. Các thông tin về nhạc sĩ và các tác phẩm đều được xác minh. Tiến sĩ Lê Y Linh khẳng định: “Cuộc đời bố tôi là cuộc đời của một con người dành cho âm nhạc, thế nên tôi nghĩ ‘chỉ cần’ điểm tác phẩm là đã có thể phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần cuộc sống đời thường của ông”.
Với quan niệm đó “Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…” không chỉ cho người đọc biết về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân như một cá nhân riêng tư − một nhà văn hóa − một chứng nhân lịch sử mà còn giúp bạn đọc tiếp cận sinh động với lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam giai đoạn sau 1945.
Phạm Văn Kiêm Và Trăm Năm Hầu Bóng - Nhạc - Văn
Là câu chuyện lịch sử trăm năm của tín ngưỡng hầu bóng và nghệ thuật hát văn, đồng thời là tuyển tập đầy đủ nhất hàng trăm bài hát chưa công bố của một trong những “cây đại thụ” trong làng nhạc văn - hầu bóng: thầy Phạm Văn Kiêm. Khi nói về thầy, cung văn, nhà đạo gọi thầy là “ông Kiêm chùa Vua”. Những di sản thầy để lại xứng đáng trở thành nguồn tư liệu quý giá trong hành trình phụng sự nhà Thánh.
Cuốn sách dày 800 trang, bao gồm hai phần: phần thứ nhất miêu tả, chú giải, phân tích, tổng kết ngôn ngữ âm nhạc và cấu trúc nghi lễ thực hành hầu bóng trước năm 1990; phần thứ hai công bố toàn bộ bộ sưu tập gần hai trăm bản văn được chú giải chi tiết của thầy Phạm Văn Kiêm. Ngoài ra, những bản văn của thầy được đối chiếu với những bản văn cổ được xuất bản bằng chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX, một giai đoạn then chốt trong sự biến thân của thực hành tín ngưỡng.
Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng – nhạc – văn là sự đúc kết từ những năm dài đi theo đạo, theo lễ, kết hợp với những tài liệu xưa, những kỳ điền dã bền bỉ của tác giả Lê Y Linh. Là trăm năm để hiểu được lịch sử của một tín ngưỡng đã trải qua nhiều chông gai của thời cuộc mà nghi lễ vẫn còn kiên cường tồn tại.
Tín ngưỡng hầu bóng đã chứng tỏ được rằng mình là một phần của lịch sử, văn hóa Việt Nam, và nhạc - văn đã trở thành hệ thống kinh điển của tín ngưỡng. Cuốn sách sẽ là một tài liệu quan trọng đối với những độc giả quan tâm và các nhà nghiên cứu tín ngưỡng hầu bóng.
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.