Tủ Sách Văn Học Trong Nhà Trường - Mùa Lá Rụng Trong Vườn
“Tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn là chuyện xảy ra chủ yếu giữa mấy con người trong cùng một nhà. Thời gian xảy ra các chuyện trong ngôi nhà ấy là giữa hai mùa lá rụng, tức là gọn trong một năm. Với một tiểu thuyết, thời gian, địa điểm và số lượng nhân vật như vậy là ít, là gọn. Vậy mà nói với độc giả được rất nhiều điều về thời đại, về đất nước, trong đó có điều rất hệ trọng. Chính vì vậy mà chuyện một nhà cũng là chuyện xã hội, không là tất cả thì mang đầy đủ dấu ấn của xã hội. Bởi vậy, tôi gọi Mùa lá rụng trong vườn là chuyện một nhà và chuyện một thời!”
- Nhà văn PHẠM NGỌC CHIỂU
“Có thể gọi Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng là một cuốn từ điển đầy đủ nhất của cái quãng thời gian kể từ những năm 70 cho tới cuối những năm 80 thế kỉ trước, cuộc đời này đã có những gì, người ta đã sống ra sao, thẩy đều được quy chiếu vào cuốn tiểu thuyết này.
Nói chính xác, Mùa lá rụng trong vườn đã thật sự giữ cho mình sự vinh danh: Là cuốn tiểu thuyết đáng kể vào hạng mẫu mực và mẫu mực này hàm chứa tính cách sư phạm. Riêng tôi thì tôi tin nó sẽ hết sức có ích cho những cây bút nào muốn mon men đến lập nghiệp ở vùng đất của tiểu thuyết.”
- Nhà văn BÙI BÌNH THI
---
Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh ngày 01 tháng 12 năm 1936 tại làng Kim Liên, Hà Nội.
Với hơn 20 tiểu thuyết và hơn 200 truyện ngắn, ở tuổi tám mươi, Ma Văn Kháng vẫn tiếp tục viết để hướng về bạn đọc và “cuộc sống mãi mãi xanh tươi”. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Văn học ASEAN (năm 1998), Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (năm 2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (năm 2012).
Ma Văn Kháng là một tên tuổi lớn của văn học đương đại Việt Nam, đạt thành tựu cả về truyện ngắn và tiểu thuyết, xuất sắc với đề tài miền núi cũng như đề tài đô thị. Điều đáng kể hơn nữa, trong tác phẩm của Ma Văn Kháng, chủ nghĩa nhân đạo và lẽ sống cao thượng luôn được đề cao, tỏa sáng cứu rỗi, giúp người đọc có hi vọng vào tình người, tình đời.
Tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn của ông từng được trích giảng trong chương trình Ngữ Văn lớp 12.
Tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng:
*Truyện ngắn: Phố cụt (1961), Xa Phủ (1969), Ngày đẹp trời (1986), Vệ sĩ của Quan Châu (1988), Trái chín mùa thu (1988), Heo may gió lộng (1992), Trăng soi sân nhỏ (1994), Ngoại thành (1996), Truyện ngắn Ma Văn Kháng (tuyển tập, 1996), Vòng quay cổ điển (1997), Một chiều giông gió (1999), Một mối tình si (2000), Cỏ dại (2005), Bà ngoại (2005), Trốn nợ (2008), Mùa thu đảo chiều (2012), Những truyện hay viết cho thiếu nhi (2013), Nỗi nhớ mưa phùn (2015), 100 truyện ngắn Ma Văn Kháng (3 tập, 2017), Bãi Vàng (2018), Người khách kì lạ (2019)…
*Tiểu thuyết: Đồng bạc trắng hoa xòe (1979), Mưa mùa hạ (1982), Vùng biên ải (1983), Võ sĩ lên đài (1983), Trăng non (1984), Mùa lá rụng trong vườn (1985), Côi cút giữa cảnh đời (1989), Đám cưới không có giấy giá thú (1989), Chó Bi, đời lưu lạc (1992), Ngược dòng nước lũ (1999), Gặp gỡ ở La Pan Tẩn (2001), Một mình một ngựa (2009), Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương (hồi kí, 2009), Chuyện của Lý (2014), Người thợ mộc và tấm ván thiên (2015), Chim én liệng trời cao (2017), Con của nhà trời (2 tập, 2018), Mãi mãi một thời thiếu sinh quân (2019)…
Chim Trời Bay Về Sau Cơn Mưa
Chim trời bay về sau cơn mưa là tập 10 truyện ngắn của nhà văn Ma Văn Kháng với hai đề tài quen thuộc, đã trở thành dấu ấn của tác giả: miền núi Tây Bắc và những câu chuyện về sự biến chuyển của cảnh vật, con người trong cuộc sống hiện đại.
Dưới những bóng cau, Bài ca Trăng sáng, Hạng A Tráng, Mùa gặt ở Na Lin, Vợ chồng Mìn và những đứa con, Bên bờ suối Vạch là những truyện ngắn cho thấy cảm hứng bất tận của nhà văn với vùng núi Tây Bắc, nơi linh giác của ông ngay lập tức được phát động từ lần đầu ông đặt chân đến miền cận trên của tổ quốc này, với sự mê hoặc với thiên nhiên, cảnh vật và con người nơi đây. Năm truyện ngắn này ghép thành một bức tranh nhiều màu sắc và tuyệt đẹp về giai đoạn cuối những năm kháng chiến chống Mỹ đến tận mới sau giải phóng của mảnh đất Lào Cai (mà tên gọi thân thuộc hơn và từng được sử dụng là Lao Cai). Chọn lựa giai đoạn 1970 - 1980 này, tập truyện như phần nào nhấn vào sự thay đổi, biến động của hoạt động cách mạng cũng như cách nhìn nhận về cuộc sống và thời cuộc của những dân tộc miền núi nơi đây. Ở họ vẫn toát lên tinh thần đấu tranh thuần khiết, mãnh liệt, chân thành và anh dũng cho đất nước, vẫn hướng mình tới những đổi mới sau khi giải phóng với ước mong cuộc sống tốt đẹp trong một niềm tin vào Đảng, nhà nước. Nhưng cũng ở những con người chất phác đó, họ kín đáo, giấu mình trong những phong tục, tập quán cổ xưa nhất, lấy đó làm nguồn lực tinh thần, làm giá trị cốt lõi để tiếp nhận thời đại mới, để chủ động phá bỏ biết bao định kiến, áp buộc của thời chiến đã qua.
Rời xa miền núi Tây Bắc, nhà văn Ma Văn Kháng dẫn dắt người đọc vào hành trình ngược không gian và thời gian trong tâm trí những con người đã đi qua một thời xưa cũ, nơi còn đó một giai đoạn kháng chiến anh hùng, bom đạn khốc liệt của đất nước, ở lại đó những người lính, người con anh dũng đã hi sinh, những nhân tài đất nước giờ chỉ thuộc về miền kí ức. Tròng trành trong nỗi nhớ là sự cô đơn của những con người đã đi qua tháng năm như ông Nam trong Thành phố miền biên, người luôn hoang hoải một nỗi nhớ về người bạn, liệt sĩ, nhà văn, nhà báo Bùi Nguyên Khiết. Hay cũng là Nam, người bị bỏ lại sau chiến tranh, mình mang thương tật, bươn chải giữa chốn đô thị tấp nập, thiếu sự ấm áp của tình người trong Những ngày xa xưa...
Nhà văn Ma Văn Kháng say mình trong những câu từ khắc tả thiên nhiên hùng vĩ Tây Bắc, cũng như muốn dẫn dụ người đọc vào không gian văn hóa đa sắc màu nơi đây, với những lễ hội hoa ban, lồng tồng, hay những chi tiết nhỏ nhất, khơi lên sự tò mò về trang phục, lao động, huyết tộc và sự bình dị, hoang sơ tuyệt đẹp của con người miền núi. Sau đó, dòng văn của ông lại trầm lắng, u buồn và đượm đầy tiếc nuối khi khơi lên những chiêm nghiệm về cuộc đời trải nhiều thăng trầm, cách con người đối diện với mọi đổi thay, khi thì lạc quan, lúc lại buông xuôi mà uất ức. Nhưng tựu lại vẫn là những niềm hi vọng vào tình người – thứ gắn kết vô hình nhưng lại bền chặt nhất của nhân loại, để con người ta sống tiếp, sống cho trọn đời người.
Những Truyện Hay Viết Cho Thiếu Nhi - Ma Văn Kháng
Tập truyện bạn đọc đang cầm trên tay đây là những truyện ngắn có nội dung gần gũi với tuổi thơ. Được chọn lọc từ hơn hai trăm truyện ngắn của Ma Văn Kháng, những trang văn có nhân vật là trẻ em hoặc những nhân vật, sự việc xoay quanh thế giới tuổi thơ cũng đã được viết từ nguồn cảm hứng , niềm mến yêu cuộc sống và lòng yêu thương dành cho con trẻ và tuổi trẻ của nhà văn.
Từ Ông Pồn và chú hổ con, Giấc mơ của bà nội, Hoa gạo đỏ… cho tới Con chó lạc nhà, Khu vườn tuổi thơ, Đồng cỏ nở hoa, Ông nội cổ giả và quê mùa, Kiểm – Chú bé – Con người… tất cả những truyện ngắn được giới thiệu trong cuốn sách này hầu hết đều mang âm hưởng của những số phận nhiều lo toan, vất vả, nhọc nhằn, có hoàn cảnh éo le và chịu nhiều thiệt thòi; nhưng đó cũng là những con người có nhiều phẩm chất tốt đẹp mà nổi bật hơn cả là lòng nhân hậu, nết can đảm và ý chí kiên cường. Bỏ lại phía sau giọng điệu gai góc, ưu tư, phiền muộn, truyện ngắn viết cho trẻ em và viết về trẻ thơ của Ma Văn Kháng vẫn vang lên giai điệu lạc quan về cuộc sống, ước mơ và tình đời cao thượng.
Nếu Chúng Ta Không Cháy Lên
Với 40 bài viết, mỗi bài là một câu chuyện chất chứa những suy tư, chiêm nghiệm của tác giả trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội và thời đại, những vấn đề còn cần phải bàn đến trong công tác xây dựng Đảng như: trách nhiệm công dân, gương người tốt, việt tốt, nhận thức về lý tưởng của người vào Đảng, trách nhiệm của người đảng viên, sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, trọng dụng người tài đức, các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, đảng viên…
Tập hồi kí này của Ma Văn Kháng được viết ra từ cả hai nguồn cảm hứng thật rõ:
1. Nói về những nhọc nhằn;
2. Kể lại những yêu thương.
Ta có thể so sánh những nhọc nhằn mà ông đã trải, với cả khối yêu thương mà ông được nhận và ban phát. Sách gồm 5 phần: Miền xa vẫy gọi, Lao Cai miền quả vàng, Hà Nội, những năm tháng nhọc nhằn và mê mải với văn chương, Bạn bè đồng nghiệp thân yêu, Một chốn nương thân…
Tập hồi kí Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương này sẽ cho ta nhận ra nhiều chuyện, nhiều điều mà nghĩ tiếp về văn chương và cuộc đời. Tập Hồi kí không chỉ dừng lại trong sự kể lại một cách trung thực, mắt thấy tai nghe và nhớ lại theo cách viết và yêu cầu của hồi ký, mà hơn thế, nó còn được miêu tả, dựng lại một cách tạo hình, sống động với ngôn từ, bút pháp, phong cách của một cây bút văn xuôi tài hoa, lão luyện. Qua từng trang của sách, hiện lên rõ nét bức tranh của đời sống xã hội trải dài trong gần một thế kỷ với chân dung phong phú các loại người xuất hiện trong mối quan hệ với tác giả hoặc trong sự quan sát chăm chú của ông theo góc nhìn của nghề viết văn.
Trích dẫn:
“Không thể kể hết những gì đã trải qua, những ngẫu nhiên nữa, đã góp phần đưa mình vào con đường văn chương. Đường đời là không thể định trước và mọi việc đều không thể rạch ròi, kể cả khi nó đã hoàn thành”.
"Sống thế nào đây lúc này? Với tôi, chỉ còn một cách là cắn răng lại nhịn nhường. Nhịn nhường người thân thì có gì là xấu. Và cắn răng lại để làm việc, để kiên trì nhẫn nại từng bước một đi tới. Tôi không nói ngoa. Vì quả thật những truyện ngắn và những cuốn tiểu thuyết dài hơi, chính những mơ ước, dự định về chúng đã nuôi dưỡng niềm vui sống của tôi, để tôi vượt qua tất cả thử thách cay nghiệt trong thời gian này. Tôi vẫn viết. Ngồi trong căn buồng chật hẹp mùa hè như cái lò thiêu, tôi viết, được trang nào lại dúi xuống cất giấu ở dưới gầm giường cùng lũ nồi niêu soong chảo nhọ nhem. Cuộc sống vốn dĩ có đâu là dễ dãi. Phải biết sống cả những khi tưởng như không chịu đựng được nữa".
“Ý nghĩ phải viết một cuốn tiểu thuyết về những ngày đất nước xã hội hỗn tạp, ở chênh vênh bên bờ vực thẳm này, ngày đêm sôi sục trong tôi. Cũng đã đến bốn năm nay, kể từ ngày chuyển vùng về Hà Nội, thay đổi địa bàn và môi trường sống, tôi chưa bắt tay vào viết một cuốn sách dài hơi nào rồi. Thêm nữa, lâu nay tôi chỉ quen viết về cuộc sống và con người miền núi, nay tôi muốn thử sức mình ở một địa hạt khác. Và thật tình trong những ngày sống khó khăn này, dẫu nhận thức lí trí còn lờ mờ, chưa hiểu hết được thực cảnh hôm nay còn là hệ quả tất yếu của con đường lịch sử hiện thực, chứ không phải chỉ là lỗi lầm của tệ quan liêu, của chế độ kinh tế tập trung bao cấp của người lãnh đạo, tôi vẫn muốn khẳng định cái đẹp trong bản chất vững vàng và tính chất bi tráng của cuộc sống vĩnh hằng bằng một thể loại lớn của văn xuôi là tiểu thuyết. Cái ngõ 221 cho tôi bao tư liệu sống. Cuộc sống quanh tôi, ở ngay cơ quan tôi, sống động bao chất liệu, kể cả những giai thoại và những số phận kì quặc của con người.”.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi