Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới. Mỗi người trong chúng ta đều có thể học được cách nuôi dưỡng và phát triển sự an lạc; đây là món quà và cũng là lời mời gọi từ chánh niệm. Chúng ta không cần có nhiều thời gian trong ngày hơn để sống chánh niệm. Ta chỉ cần đơn giản là làm những điều vẫn thường làm, nhưng với sự chú tâm sâu sắc, với sự thư giãn và niềm vui. Chúng ta không thể truyền đi chánh niệm nếu nếu trước hết chúng ta chưa phải là hiện thân của chánh niệm.
Điều quan trọng nhất mà ta có thể mang tới cho người khác là sự an lạc và bình yên của chính mình. Chúng ta có thể làm được điều này, trước hết bằng việc mang chánh niệm và buông thư vào đời sống hàng ngày của mình, rồi sau đó chia sẻ những điều quý giá này với học sinh và đồng nghiệp. Cuốn sách được viết bởi một giáo viên giàu kinh nghiệm này sẽ chỉ dẫn chúng ta cách làm thế nào để thực hiện được điều đó.
Lớp học hạnh phúc là một chỉ dẫn thực hành giúp các nhà giáo dục có thể tìm ra con đường của riêng họ để đạt được sự hiệu quả và trọn vẹn sâu sắc hơn trong cuộc sống và công việc. Meena là một đại sứ của chánh niệm, sẽ chỉ dẫn cho chúng ta một cách cụ thể về việc làm thế nào để đưa chánh niệm thành nhiệm vụ ưu tiên trong lớp học, trong phòng nghỉ của giáo viên, và bất cứ nơi đâu mà ta tới trong suốt một ngày.
Tri thức trong cuốn sách này có nền tảng là những trải nghiệm cá nhân của Meena trong việc sử dụng chánh niệm và thấu hiểu thay vì phản ứng với hoàn cảnh, từ đó nuôi dưỡng những gì tốt nhất trong bản thân chúng ta và trong học sinh, và có thể khéo léo chăm sóc cho những giây phút khó khăn.
Những bài giảng này phản ánh những phẩm chất căn bản của chánh niệm và từ bi, không mang tính tôn giáo. Những bài thực hành và chương trình dạy học trong cuốn sách chứa đựng những nền tảng cho việc tạo dựng bình an đích thực trên thế giới. Đó là sự giáo dục bình an mà học sinh, những nhà giáo dục, các gia đình và cả xã hội đều thực sự cần có.
Tôi vô cùng mãn nguyện khi giờ đây đã có một nguồn tài liệu quý báu dành cho những nhà giáo dục và những người chăm sóc.” Lời đề tặng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh dành cho cuốn sách, được viết tại Làng Mai năm 2014.
Mục lục:
Những lời khen tặng
Lời giới thiệu
Phần i: Thực hành chánh niệm
Chương 1: Chánh niệm là gì?
Chương 2: Giá trị của từng hơi thở
Chương 3: Bước chân chánh niệm
Chương 4: Thư giãn sâu
Chương 5: Ăn trong chánh niệm
Chương 6: Chánh niệm trong hoạt động hàng ngày
Chương 7: Tưới tẩm hạt giống tốt lành
Phần ii: Chia sẻ chánh niệm
Chương 8: Dẫn dắt với tình yêu thương
Chương 9: Người khác cũng giống như ta
Chương 10: Những chiến lược bạn sẵn có
Chương 11: Biết ơn và tương tức
Chương 12: Tạo lập một nhóm thực hành chánh niệm
Phần iii: Chánh niệm là kĩ năng có thể rèn luyện:
CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY
Chương 13: Những bài dạy về chánh niệm
Chương 14: Bài một: Hiện diện qua hơi thở chánh niệm
Chương 15: Bài hai: Hiện diện qua ý thức về cơ thể
Chương 16: Bài ba: Tương tức, lòng tốt và sự biết ơn
Chương 17: Bài bốn: Điều phục cảm xúc và tưới tẩm hạt giống tốt lành
Chương 18: Bài năm: Nói lời chánh niệm và đưa ra quyết định đúng đắn
Chương 19: Bài sáu: Sử dụng công nghệ trong chánh niệm.
Chương 20: Bài bảy: Hoà bình
Chương 21: Bài tám: Những tự ngẫm cuối cùng
Lời bạt
Phụ lục: phiếu học tập và bài về nhà
Trích đoạn sách:
GIÁ TRỊ CỦA TỪNG HƠI THỞ
“Hơi thở là người bạn tốt nhất của ta.” – Giáo sư Ramchandra Gandhi
Giáo sư Ramchandra Gandhi là một trong những nhà triết học đương đại và nhà tư tưởng khai phá sáng giá nhất Ấn Độ. Điều này không chỉ bởi ông là cháu trai của Mahatma Gandhi, mà còn vì ông là nhà triết học được đào tạo tại Oxford, đã giảng dạy tại nhiều học viện giáo dục danh tiếng, trong đó có trường Shantikiketan – ngôi trường nổi tiếng mà Rabindranath Tagore từng theo học. Tôi gặp ông trong những ngày ở New Delhi, và với tôi, sự gặp gỡ này cứ như được định sẵn một cách thần kì. Khoảng thời gian ngắn tôi học tập dưới sự hướng dẫn của ông là sự hòa trộn đẹp đẽ giữa tinh thần và sự tham gia vào những ý tưởng quan trọng, và tôi cảm thấy thật may mắn khi đã có một sự kết nối thân tình với ông. Đáng buồn là ông qua đời chín tháng sau cuộc gặp gỡ đó, nhưng sau khi ông mất, tôi còn cảm thấy có sự kết nối mạnh mẽ với ông hơn nữa. “Hơi thở là người bạn tốt nhất của ta” là một trong rất nhiều bài học hàm súc mà giáo sư Gandhi đã truyền tải; và chỉ đến khi được tiếp xúc với những bài giảng của thầy Thích Nhất Hạnh, tôi mới thực sự hiểu điều giáo sư muốn nói là gì.
Hơi thở luôn ở đây với chúng ta. Quan sát hơi thở là một trong những cách dễ dàng nhất, đơn giản nhất để bắt đầu thực hành chánh niệm. Hít thở trong chánh niệm có thể được thực hiện ở bất kì nơi đâu, vào bất kì lúc nào. Bằng việc mang ý thức vào từng hơi thở, bạn có thể nhẹ nhàng đưa tâm trí đang đi lang thang trở về với giây phút hiện tại. Trong khi thiền niệm hơi thở để làm an thân tâm, bạn cũng có thể tụng các câu kệ, những lời thơ ngắn đầy trí tuệ của truyền thống Thiền tông. Thì thầm những lời tích cực này với bản thân cũng có thể giúp bạn có cái nhìn bình an, tích cực hơn về mọi thứ xung quanh.
Nếu chúng ta thực sự chú ý đến việc chăm sóc thân tâm mình, thì bắt đầu ngày mới bằng việc gác danh sách những việc cần làm sang một bên và thực hành hít thở có chánh niệm sẽ là một cách tuyệt vời để đổ đầy bình năng lượng của mình. Khi thực hành hơi thở chánh niệm, tôi thường đặt tay lên phần bụng hoặc ngực để có thể cảm nhận cơ thể mình đang mở ra và thu vào cùng với hơi thở. Tôi để lưng thẳng nhưng dễ chịu, ngồi trên sàn với đệm êm thoải mái và đầu gối xếp gọn dưới cơ hoành, hoặc ngồi trên ghế và bàn chân đặt trên sàn. Chồng tôi, Chihiro, và tôi đã thiết kế một không gian nhỏ nhưng thiêng liêng trong nhà, với nến và những câu trích dẫn ý nghĩa để tạo cảm hứng khi bắt đầu thực hành thở cùng nhau. Chúng tôi thường nhắm mắt, nhưng nếu bạn cảm thấy thoải mái hơn khi mở mắt, bạn vẫn có thể duy trì sự tập trung nhẹ nhàng khi đang nhìn. Tôi và chồng sống rất gần một cảng nhỏ, thỉnh thoảng chúng tôi sẽ thiền ở đó, với đôi mắt mở để nhìn ngắm khung cảnh. Hãy thử thực hành ở nhiều nơi khác nhau và xem nơi nào phù hợp với bạn nhất.
Khi tôi ngồi ở “góc thở” vào buổi sáng, sự thực hành có thể kéo dài suốt thời gian còn lại trong ngày. Sẽ dễ nhất nếu bạn bắt đầu thực hành với năm phút mỗi ngày, rồi mỗi tuần lại tăng dần thêm năm phút. Lý tưởng nhất là có thể dành ra 30 đến 45 phút mỗi ngày, nhưng vì chúng ta còn nhiều công việc khác nên điều này dường như hơi khó khăn. Ngay cả khi bạn chỉ có 10 đến 15 phút để thực hành hít thở chánh niệm, bạn vẫn có thể dành cả ngày còn lại để tiếp tục thực hành. Bất cứ khi nào xếp hàng, ví dụ như đợi máy photo, đợi ở quán cà phê hoặc dừng xe, hãy dùng thời gian đó để quay về với bản thân và thực hành thở có chánh niệm.
Trong ngày, bạn có thể kiểm tra và để ý xem hơi thở ngắn hay dài, nông hay sâu. Khi thực hành thở chánh niệm, bạn có thể dễ dàng kích hoạt hệ thống thần kinh phó giao cảm, thứ kết nối với một trạng thái thư giãn hơn của cơ thể và tâm trí. Một học sinh của tôi từng nhận thấy hơi thở của mình ngắn và nông trong khi làm bài thi toán và cô bé ngay lập tức thực hành thở có chánh niệm để giúp bản thân giữ bình tĩnh và tập trung hơn vào bài thi. Tôi cũng nhận thấy rằng, với việc thực tập liên tục, tôi có thể tạm thời ngưng lại những suy nghĩ ngay khi tôi tập trung vào những sắc thái của hơi thở và có mặt trọn vẹn trong mỗi hơi thở vào và hơi thở ra. Với những ai có một tâm trí rối bời và luôn rượt đuổi tìm kiếm, những giây phút nghỉ ngơi này thực sự thư giãn và có sức phục hồi.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi