1. Sách
  2. ///
Logo Banner Home

Tác Giả nguyễn đức tùng

Tổng hợp sách của tác giả nguyễn đức tùng tại KhoSach.com.vn
name

Đối Thoại Văn Chương

Đối thoại văn chương là một tác phẩm luận về thơ bằng văn xuôi, được nhà thơ Trần Nhuận Minh thực hiện với nhà thơ hải ngoại Nguyễn Đức Tùng. Đây là hai tác giả, hai nhà phê bình và nghiên cứu văn học và lịch sử kì cựu ở Việt Nam.

Bằng hiểu biết và sự nghiên cứu chuyên sâu của mình, hai tác giả đã đưa ra nhiều câu chuyện thú vị trong văn học trong nước và thế giới. Bên cạnh đó còn có cả những chi tiết nhân văn trong cuộc sống đời thường của nhà thơ Trần Nhuận Minh.

Với 265 câu hỏi - câu trả lời kéo dài, cuộc đối thoại giữa hai nhà thơ đi từ những cảm xúc khi sáng tác, đề tài, bình phẩm thơ hay - thơ dở, thơ theo từng vùng miền, đến tính chất và đặc điểm của từng thể loại thơ. Tất cả đều được hai ông đề cập một cách thấu đáo nhưng không kém phần dí dỏm.

Bởi thế bạn đọc yêu thơ, những người muốn nhập cuộc thơ đều có thể coi đây là “cẩm nang nghề nghiệp” hoặc “cuốn từ điển về thơ”.

Mở đầu tác phẩm, nhà thơ Trần Nhuận Minh cho rằng thơ là sự tương ứng giữa ý và lời. Lời và ý song song nhau, lời hết ý cũng hết là thơ trung bình. Còn khi lời hết mà ý vẫn còn, ý tràn ra cả ngoài lời là thơ hay. Có thơ hay của một nhà, có thơ hay của một thời, có thơ hay của nhiều thời, và lại có thơ hay của tất cả mọi thời.

Đáng chú ý là cuộc đối thoại của hai nhà thơ này đi sâu vào bình phẩm, đưa ra ý kiến về thơ tự do và thơ thế sự. Cùng với đó, nhiều câu chuyện đời tương đối riêng tư liên quan đến thơ của Trần Nhuận Minh cho ta thấy ông yêu thơ da diết. Chẳng hạn như chuyện ông đi tìm bài thơ “Ngự chế Thiên Nam động chủ đề” của Lê Thánh Tông trên vách đá núi Truyền Đăng viết tháng 2 năm Quang Thuận thứ 9 (tháng 3/1468). Do sự kiện này mà nhân dân đã đổi tên núi Truyền Đăng thành núi Bài Thơ.

Hằng năm, Ngày thơ Việt Nam làmột sự kiện văn hóa quan trọng được nhiều người yêu thích, được Hội Nhà văn Việt Nam và ngành Văn hóa tổ chức sôi nổi trên cả nước vào dịp tết Nguyên tiêu hàng năm. Riêng ở Hạ Long có Đường Lê Thánh Tông - một con đường đẹp nhất thành phố, dài hơn 8km, chạy từ bến phà Hồng Gai cũ, lượn bên chân núi Bài Thơ di tích và danh thắng, đến tận Cầu Trắng, Cột 8.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh chính là người đề xuất tên đường này, cũng là người đề xuất xây dựng Văn Miếu Bài Thơ, có tượng thờ Lê Thánh Tông để tôn vinh sự học và người tài (nay là Khu Văn hóa Núi Bài Thơ).

Từ những trao qua đổi lại giữa hai tác giả, chúng ta còn biết thêm nhiều chuyện “động trời” khác, như chuyện chiếm đoạt ngôi nhà cũ của đại thi hào Nguyễn Du để làm nhà trẻ, chuyện khu lăng mộ các vua Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh bị tàn phá đến hai lần mới xong (từ tư liệu cung cấp của một lãnh đạo địa phương), đến ngôi mộ tổ của họ Trần Điền Trì (cũng là cụ tổ trực hệ của 2 anh em nhà thơ Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa).

Đáng chú ý hơn nữa, bên cạnh cuộc đối thoại về “nghề”, cuốn sách Đối thoại văn chương còn bật mí chuyện đời tư của nhà thơ Trần Nhuận Minh. Ông kể: Năm 1959 dân làng ông bị đói, cái gì cũng ăn. Ví như lá sắn, lá sung, củ chuối, gốc rau muống, lá và thân cây đu đủ đều đem luộc, ăn tất. Làng cứ nháo nhác cả lên. Vì gặp cái gì cũng ăn, rồi uống nước lã, nên cả làng đi tả, tức là chết vì bệnh tả (người ta báo cáo lên cấp trên vậy) chứ không phải vì đói, để cấp trên cứu đói, thóc gạo vẫn bội thu cơ mà. Làng xóm lúc nào cũng hát: “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa…”. Nhưng thực ra ở đây là dân đang chết đói.

Ông cũng kể về nhà thơ Trần Đăng Khoa như sau: “Năm ấy, chú Khoa một tuổi, cũng bị đói rồi lả đi, tôi lay mãi vẫn bất động. Tôi kêu lên. Mẹ tôi vừa đi làm đồng về, òa khóc. Anh Luận, hàng xóm liền nhà, dứt một sợi tóc của Khoa đặt ngang lỗ mũi không thấy sợi tóc lay động, bèn kêu to lên là thằng cu đã chết rồi. Anh lấy cái chiếu võng, bó Khoa tròn lại, rồi buộc rất chặt ba nút lạt, pha ra từ một cây tre non, chuẩn bị đem chôn, vì sợ lây, nhưng mẹ tôi bảo chờ chút đã…”.

Và Trần Nhuận Minh cũng vậy, ông đã “chết lâm sàng” đến 4 tiếng đồng hồ (từ 22 giờ ngày 5 đến 2 giờ ngày 6/8/2001) trên đường 5, vì một tai nạn ô tô.

Có thể nói, Đối thoại văn chương là sách của hai tác giả, nhưng chủ yếu nói về nhà thơ Trần Nhuận Minh. Trong sách, nhà thơ Trần Nhuận Minh còn bật mí những điều ít biết và rất thú vị về nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Về văn học thế giới thì ông đưa ra những phân tích về Hồng Lâu Mộng.

Cuốn sách Đối thoại văn chương đã đạt được Giải thưởng Đào Tấn năm 2023 của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc.

name

”Cuốn sách nhỏ này tập hợp những bức thư viết rải rác trong nhiều năm, nhân vật trong ấy mới đầu là một cậu bé nhỏ tuổi. Các cậu bé ấy ngày một lớn lên, khác đi, người viết cũng ngày một lớn lên và già đi. Không có gì trên đời là vĩnh viễn. Hãy nghĩ khác đi. Hãy cảm xúc khác đi. Chúng ta có một mùa để sống, một mùa để yêu thương, một mùa để nhớ lại. Tôi gởi đến các con lời cảm ơn của người có được may mắn làm bổn phận của cha mẹ, dẫn các con đi qua một đoạn đường ngắn mà lòng đầy hy vọng. Kỷ niệm ấy, niềm hy vọng ấy là tia mặt trời ấm áp chiếu rọi cuối một ngày cho một người.”

Đây là tâm sự của tác giả Nguyễn Đức Tùng, trong “Lời nói đầu” của cuốn sách “Thư gởi con trai – Những bài học về sự tử tế”. Bằng những câu chuyện thủ thỉ với con, về mọi việc diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, tác giả đã đưa vào đó những suy nghĩ, chiêm nghiệm của một người đàn ông từng trải, một người cha muốn con mình “nghĩ khác đi”, “cảm xúc khác đi”, và trên hết là hiểu “không có gì trên đời là vĩnh viễn”, để con biết trân trọng, yêu thương những gì còn có trong tầm tay.

Gọi là “Thư gởi con trai”, nhưng 80 lá thư trong tập sách là 80 lá thư mà ai cũng cần được đọc. Các bạn nhỏ đọc để cảm nhận được tình yêu thương vô bờ mà bố mẹ dành cho mình, để học cách “nghĩ khác đi” trước khi đòi mua một món đồ đắt tiền để khoác lên mình cho bằng bạn, bằng bè… Những người làm cha, làm mẹ đọc để thêm trân trọng “món quà của thượng đế” là những đứa con: “Bất cứ cha mẹ nào khi nghĩ đến con, không phải chỉ nghĩ đến lời cảm ơn của chúng dành cho mình, mà còn nghĩ đến lòng biết ơn của họ đối với con cái. Nhờ trẻ con mà chúng ta lớn lên, nhờ có chúng mà chúng ta được hạnh phúc làm người đi trước, che chở, chỉ đường. Nhờ có lời nhắc của con, hôm ấy ta về nhà sớm, và có một buổi tối cả nhà cười phá lên trước cái tivi vui nhộn, những câu hỏi hóc búa. Những cha mẹ đi làm việc thỉnh thoảng nên nhận được lời nhắc về nhà sớm như vậy, vì tuổi thơ chóng qua, khi bạn thu xếp được thì giờ thì bọn trẻ đã lớn, không cần chúng ta nữa”.

Mỗi bài viết đều là những bài viết ngắn, đề cập đến những việc đơn giản thường ngày nhưng đều có những khoảng lặng đáng suy ngẫm, không chỉ là câu chuyện cha nói với con mà còn là lời nhắc đối với mỗi người trong những vội vàng, bộn bề của cuộc sống, được sống chậm lại, lặng yên để ngắm nhìn lại mình và cuộc sống xung quanh. Đúng như tác giả viết: “Những bức thư này là câu chuyện, không phải những bài giảng luân lý hay lời khuyên đạo đức. Chúng chỉ kể lại những kinh nghiệm, những cảm xúc, những suy nghĩ. Nếu con tìm thấy ở đó bài học của ký ức, những kết luận về lối sống, thì đó là lời khuyên của chính những câu chuyện ấy, những cuộc đời ấy, tình huống ấy”.

Cuốn sách được viết bởi một người Việt xa xứ đã lâu, một người Việt có tâm hồn của một thi sĩ và cái nhìn chiêm nghiệm của một bác sĩ, mỗi dòng mỗi chữ viết về ngôn ngữ mẹ đẻ, về kí ức tuổi thơ, về hai tiếng “Việt Nam”, đều thấm đẫm yêu thương. Văn viết chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng lại là những khoảng lặng đáng quý để ai cũng có dịp được nhìn lại, được lắng nghe mình và lắng nghe cuộc sống.

1
Kiến Thức Chia Sẻ là chuyên trang chia sẻ tài liệu học tập hay và sách PDF miễn phí, giúp người học tiếp cận nguồn kiến thức phong phú và đa dạng. Từ sách giáo trình, tài liệu ôn thi đến ebook chuyên ngành, trang web cung cấp đầy đủ nội dung chất lượng, hỗ trợ học tập hiệu quả. Với giao diện thân thiện và kho tài nguyên cập nhật liên tục, đây là địa chỉ tin cậy cho mọi đối tượng học sinh, sinh viên, và người đam mê tri thức. Truy cập ngay để khám phá và tải sách PDF hoàn toàn miễn phí!

VỀ KIENTHUCCHIASE.COM