Cuốn sách đầu tay của tôi là tập ký sự Vì sự sống con đường (NXB Thanh Niên, 1968) viết về cuộc chiến đấu anh hùng của đội quân thanh niên xung phong và công nhân bảo vệ đoạn đường chiến lược trọng yếu dưới chân đèo Mụ Giạ nổi tiếng. Nhờ có tập sách này, tôi được đi học Lớp Bồi dưỡng những cây bút trẻ, được các nhà văn đàn anh khuyến khích, động viên, nên đã bước tiếp trên con đường văn 50 năm qua. Đến nay, tôi đã xuất bản trên hai mươi đầu sách, gồm nhiều thể loại, nhưng số trang nhiều nhất là tiểu thuyết với 9 tác phẩm, trong đó 2 tiểu thuyết Đường giáp mặt trận và Những cánh cửa đã mở đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.
Tuy vậy, cho đến hôm nay, tôi vẫn “chung thủy” với thể loại bút ký - ghi chép đã đưa tôi vào đường văn - một thể loại đáp ứng được nhu cầu nắm bắt sự thật của đông đảo bạn đọc, khi cuộc sống tuôn chảy không ngừng với những biến đổi đến chóng mặt. Sau tập ký sự đầu tay, gần chục tập sách về sau như hai tập tản văn, tập ký chân dung Tài danh và số phận, ký sự Những người mở đường ngày ấy và một số cuốn sách trước đó như Những chặng đường từ Huế, Lê Văn Miến - người họa sĩ đầu tiên, người thầy đầu tiên... đều là văn xuôi “phi hư cấu”.
Năm nay, tôi lên tuổi 80 (kể cả tuổi Mụ); đã đến lúc chuẩn bị “tổng kết” đời viết của mình; tôi đã viết Tự truyện và đây là tập ký cuối cùng gồm những bài viết trong khoảng chục năm qua, chưa đưa vào các tập sách kể trên. Có thể sức nóng cũng như sự mượt mà trong các bài ký không bằng những cây bút trẻ xông xáo hôm nay, nhưng với cách nhìn đời của một người đã trải qua nhiều biến động trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, có lẽ một số trang viết của tôi cũng đem lại chút ít bổ ích và thú vị đối với bạn đọc, giúp bạn đọc hiểu thêm lẽ được - mất, quy luật bù trừ của tạo hóa và biết bao nhiêu là tình nhân ái qua những vùng đất, những con người mà bạn chưa có điều kiện gặp gỡ.
Trong cuốn sách này, có chuyện nhà vua và tướng lĩnh, có người mù và danh nhân; có cảnh ở Mát - xcơ - va và cảnh ở Lào, Campuchia, hoặc chỉ là suy nghĩ bất chợt về một loài hoa, một chuyến tàu...
Với đề tài và cả thể loại nhiều vẻ như trên, cũng có thể chia phần (như tách du ký, ghi chép chân dung, rồi tản văn...) nhưng tôi nghĩ là cuộc sống vốn đa dạng và sắp xếp xen kẽ như một mâm cơm nhiều món, để độc giả có thể “đổi vị” lúc đọc sách...
Bạn cũng có thể xem đây là kết quả “đãi cát lấy vàng” của tôi. Đã đành, thời “vàng thau lẫn lộn”, có thể bạn sẽ nghi ngại, không biết thứ “vàng” tôi trưng ra đây là “vàng tây” hay “vàng SJC”, thậm chí là “vàng mã”! Đó là chưa nói tới những bạn đọc “khó tính”, có thể cuốn sách này chỉ là “thúng cát”, chịu khó lắm mới nhặt được vài hạt “vàng”. Nhưng bây giờ đến cát cũng quý (thế mới sinh ra “cát tặc”!), nên biết đâu, tôi may mắn gặp được người đang cần “cát”, thì những trang sách này sẽ không bị bỏ qua. Thế cũng có thể gọi là niềm hạnh phúc của tác giả...
Nói cho vui một chút, chứ tôi nhớ, có nhà nghiên cứu kể rằng, nhà văn Tô Hoài là người đọc “thượng vàng hạ cám”, vì một cuốn sách không hay cũng có điều cho ta học hỏi... Vậy nên, hy vọng cuốn sách ít ra cũng có vài “hạt vàng” này sẽ tìm được bạn “tri âm”...
Trường An - Huế, tháng 4/2018
Tác giả
SỐ PHẬN KHÔNG ĐỊNH TRƯỚC
... Số phận không định trước không chỉ là câu chuyện của nhà văn Nguyễn Khắc Phê, mà còn là số phận éo le của nhiều người khác nữa trong đại gia đình ruột thịt của anh, có đến 17 người... Nói là “Số phận không định trước” nhưng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù bất ngờ, buồn đau, bi đát đến mấy, anh và các thành viên trong gia đình đại quan triều Nguyễn
cũng đã “cắn răng” chấp nhận đối diện, sống với nó để vượt qua chướng ngại...
Nhiều điều thú vị lần đầu được tác giả “công bố”: chuyện về ông bố, Nguyễn Khắc Niêm, từ nho sĩ “thần đồng” ở làng Gôi Vị, Hương Sơn, Hà Tĩnh trở thành đại quan triều Nguyễn, nổi tiếng với Tứ tôn châm, rồi là nạn nhân của “Cải cách”...; chuyện về người mẹ, người Mự không biết chữ mà thuộc gần hết Truyện Kiều; chuyện chưa kể hết về anh chị em,
chuyện anh Phê, thủa nhỏ, từ Hương Sơn, Hà Tĩnh trốn ra Hà Nội “Kiếm sống và kiếm chữ”; chuyện “Những trang viết đầu tay”, tiểu thuyết đầu tay, người tình đầu... tay... Hấp
dẫn hơn nữa là những chuyện “đánh”, “đấm” trong văn đàn; chuyện bị ngành chức năng “huýt còi” khi ra tiểu thuyết Mười ngày và cả mười năm (NXB Thanh niên,1997), chuyện “đóng cửa” Tạp chí Sông Hương (Huế) vì in bài thơ Người đàn ông 43 tuổi của Trần Vàng Sao và bức vẽ... của họa sĩ Bửu Chỉ với “trò chơi” trí tuệ “Đặt tên cho tranh”, khi Nguyễn Khắc Phê là Tổng biên tập tạp chí ấy (1990-1991)... Nỗi đau, sự sợ hãi của người cầm bút Việt Nam ta thật khó tả xiết. Tuy nhiên hai vụ “tai tiếng” kể trên lại có... hậu vui vẻ...
(Nhà báo Bùi Ngọc Quỳnh – Báo Tuổi trẻ, ngày 22/12/2016)
Sức hấp dẫn của tác phẩm Nguyễn Khắc Phê nói chung, tự truyện Số phận không định trước nói riêng, là sự chân thành, giản dị, sâu lắng, tinh tế, không kể đến sức chứa khổng lồ của những sự kiện, những số phận... Một điều cũng thú vị là trước nhiều vấn đề, trước nhiều biến cố của dân tộc hoặc trong gia đình tác giả, Nguyễn Khắc Phê đã đưa ra những cách nhìn nhận khác nhau (nói theo ngôn ngữ các nhà phê bình là “điểm nhìn đa chiều”) và dành quyền “phán xét” cho bạn đọc và... thời gian!
(Nhà giáo Nga Vũ – Báo Người lao động, 1/2017)
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.