Từ Rừng Thẳm Amazon Đến Quê Hương Bolero
Tác giả: Nguyễn Tập
10 năm sau tác phẩm Dặm đường lang thang (NXB Trẻ, 2006), cây bút du ký Nguyễn Tập lại cho ra mắt độc giả cuốn sách thứ hai: Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero.
Cuốn sách này như một bộ phim tài liệu đặc biệt, ghi chép lại hành trình dấn thân khám phá, thâm nhập Nam Mỹ của tác giả. Như trong lời mở sách (Tại sao Nam Mỹ?), tác giả viết đại ý, Nam Mỹ với những cô hoa hậu nóng bỏng, với những cầu thủ bóng đá mạnh mẽ, tài năng như Maradona từng hấp dẫn anh từ ngày thơ ấu. Nhưng giấc mơ chinh phục Nam Mỹ lại bùng lên khi anh xem cuốn phim Motocycle Diaries kể về chuyến du hành xuyên Mỹ Latinh của chàng sinh viên y khoa năm cuối Che Guevara.
Vậy là vác balô lên đường cho những chuyến đi dài ngày: năm 2008, Nguyễn Tập có 2 tháng ăn dầm nằm dề ở xứ sở của người Quechua – hậu duệ dân Inca; 2009, lại có hai chuyến đi Mexico; cuối năm 2011, anh dành 4 tháng thâm nhập vào những bộ lạc thổ dân vùng Amazon, Peru và Bolivia. Và gần đây nhất, anh trở lại đó với những ngày làm cư dân Cuba. Chuyến khám phá Cuba - quê hương xì gà và Bolero kết thúc chỉ trước khi ông Fidel Castro qua đời vài ba hôm.
Chất liệu thực tế đi vào cuốn du ký này ngồn ngộn. Những câu chuyện từ bùa chú, ma thuật, bói toán còn sót lại nơi những đô thị song trùng đời sống văn minh – hoang dã, những phong tục lạ lùng của những bộ lạc trong rừng thẳm, những thành phố đá, hòn đảo trôi dạt, đảo búp bê… được viết lại chân xác, vắn gọn cùng với các tranh ký họa cho thấy tác giả có một cách tiếp cận thực tế rất riêng, không hề giống những người viết hồi ký kiểu “tô vẽ” như thường gặp ở những cuốn du ký của các tác giả trẻ mới nổi gần đây. Ở mỗi vùng đất tác giả đi qua, anh cũng dành mối quan tâm đặc biệt đến thân phận những người Việt lang thang, lưu lạc, đôi chỗ dành mối liên tưởng đến sự tương đồng văn hóa với quê hương mình. Chính điều này làm cho cuốn du ký có nhiều cơ tầng liên tưởng.
Cuốn du ký này gồm 4 phần: Amazon (Trong rừng thẳm Amazon), Mexico (Xứ sở của những chiếc đầu lâu pha lê, Peru (Bay trên thành phố đá) và Cuba (Lang thang trên quê hương Bolero).
Chất du ký bụi bặm, phiêu lãng và mạnh mẽ truyền cảm hứng đủ để những độc giả trẻ sau khi gấp sách lại, có thể thu xếp những hành trình kỳ thú của riêng mình.
Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero trong lòng bạn đọc.
“Đi như không kịp thở…”
Dồn dập những cung đường, đặc quánh các chi tiết, như thể người đi không kịp đặt ba lô xuống để thở, để ngồi nhấp một cốc bia, thở một hơi xì gà. Kẻ lữ hành buộc Nam Mỹ vào trong vòng tay siết của 9 tháng sống, chuyên chú sống, hấp tấp sống, riết róng sống… Chính sự cần mẫn với đời sống này đã buộc người đọc theo tác giả không lơi 1 giây từ chuyến câu cá hổ trên sông Amazon đến những chiếc võng bạt ngàn tính dục, từ rờn rợn chuyện săn đầu người đến chất ma túy dùng trong đời sống tâm linh.
Nam Mỹ trong sách, cao hơn những bộ ngực trần, những lễ hội xập xòa lông chim, những nghi lễ thần bí với chất gây ảo giác, những giấc mơ hoang về nền văn minh đã mất… là những phận người rớt lại sau dấu chân của kẻ lữ hành. Người viết, một nhà báo, rất ít lý giải, kê cứu… anh dành phần chìm về vùng đất, phần sau trang sách cho người đọc.
Trần Vương Thuấn (Nhà báo)
“Nguyễn Tập mà không đi chắc không còn gì vui!”
Lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Tập là khi anh từ Haiti trở về sau trận động đất kinh hoàng, mặt mày bơ phờ, đầu tóc bù xù với một loạt bài tường thuật nóng bỏng. Lần thứ hai, anh đứng ở sân bay từ Cuba trở về và hét lên phẫn nộ: "Tại sao Fidel lại mất ngay khi anh đang bay về Việt Nam chứ?"
Nguyễn Tập mà không đi chắc không còn gì vui, dù mỗi chuyến tường thuật của anh thường đi kèm nhiều biến cố của đất nước và con người ở đó. Đi nhiều vậy, mà cuối cùng Nam Mỹ là nơi anh yêu nhất, hừng hực, vô tư, thong dong, hoang dã như bác thổ dân... trần truồng, hào sảng như cô gái Cuba trong vũ điệu chiều ở Havana. Amazon, Mexico của Nguyễn Tập chẳng bao giờ ngừng vui, với đảo búp bê, làng bịt mặt của chiến binh Zapatista, thầy pháp làng bí ẩn, rừng rậm đầy bất trắc.
Rồi anh viết hết ra, vì có lẽ khi thương quá một vùng đất xa lạ... thì người ta viết thành lời để không bao giờ quên được nhau...
Khải Đơn (Facebooker/ Tác giả của các cuốn sách: Sài Gòn, thị thành hoang dại, Đừng tháo xuống nụ cười, Ta có bi quan không?)
“Đọc rồi lại cuồng chân, muốn lên đường!”
Đọc du ký của anh Tập cũng giống như xem một cuốn phim của kênh Discovery, vừa kỳ bí, hồi hộp, vừa hào hứng như bản thân mình đang phiêu lưu qua miền ao ước đó.
Phải, chính là vùng đất ngày nhỏ mình đã mơ được một lần đặt chân đến khi cùng mấy đứa em bắt chước truyện Đô-rê-mon chơi trò thổ dân tế thần. Bây giờ vùng đất đó thu hết vào những trang sách này, hiện ra ngồn ngộn và sống động ngay trước mắt mình. Đọc rồi lại cuồng chân muốn lên đường. May quá, anh Tập không ở lại luôn với thổ dân Matsés, mình mới có cái mà đọc. Nhưng mình biết anh không chỉ đi như một khách lữ hành, anh còn sống cùng Nam Mỹ.
Nhất định rồi. Phải đi rồi mới hiểu. Phải hiểu rồi mới viết được đến thế.
Bùi Trần Ca Dao (First News/ Biên tập viên cuốn Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero)
“Qua bụi mù và đơn độc…”
Nếu bạn ở trên đường, đi qua bụi mù và đơn độc, thì cuốn du ký này sẽ ở bên bạn.
Nam Mỹ hiện lên không tô vẽ mượt mà, không giật gân hô hào mà chỉ có những con đường, trẻ mãi, dài mãi và cảnh đẹp khôn xiết trong lồng ngực. Cảm xúc của Nguyễn Tập bị tán nhỏ ra trên mặt đường với cảnh vật và thân phận con người. Nếu chỉ là khách du hành, thưởng ngắm những vẻ đẹp hùng vĩ là đủ, nhưng không, người viết du ký còn đẩy chính mình vào đời sống của những người nơi đất nước xa xôi này và thấm thía về sự nghèo khó của họ. Để rồi sau những chuyến đi, anh mang về không chỉ là những câu viết, những hình ảnh hay vật kỷ niệm mà là những con người - họ sống trong tim và bất diệt.
Bùi Thư (Phóng viên)
“Không thoáng qua như một du khách”
Đọc quyển sách "Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero" không chỉ là biết thêm một thông tin hay một câu chuyện du lịch mà bạn đã bước chân vào một trải nghiệm. Chuyến đi của anh đầy sự thử thách nhưng trở nên nhẹ nhàng và lãng mạn trong cách anh chia sẻ vì anh đã vượt qua nó.
Quyển sách của anh được viết bằng cả trái tim của một lãng tử ham mê khám phá, một người nghệ sĩ của âm nhạc và hội hoạ, một ký giả luôn tìm đến những gì chân thực sâu sắc của cuộc sống chứ không thoáng qua như một khách du lịch. Khi đọc xong hành trình Nam Mỹ của anh Tập xong, tôi không muốn viết gì thêm mà muốn chính mình là người ở trong những trải nghiệm đó.
Nguyễn Thanh Thùy (Một du khách)
FIRST NEWS – TRÍ VIỆT
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi