Khi những người phụ nữ bước vào giai đoạn làm mẹ, họ có thể bị xáo trộn tâm lý. Trước mắt họ có thể đầy những thử thách, những đêm mất ngủ, thời gian ở nhà nhiều và còn hiếm khi tìm thấy thời gian cho bản thân. Một số người có thể cảm thấy tức giận, mệt mỏi, thất vọng, thậm chí gây ra những hành động bạo lực không đáng có. Sự tức giận đó thật ra là vô ích và có hại.
Đã có nhiều cuốn sách chỉ dẫn việc nuôi dạy con cái, nhưng hiếm khi đề cập tới những bà mẹ vất vả đang chăm bẵm những đứa con của mình. Những tài liệu Phật giáo thì cũng ít chú ý đến hoàn cảnh của những bà mẹ.
Nhận thức được nỗi khổ, thậm chí là tuyệt vọng của nhiều bà mẹ, Sarah Napthali đã viết nên một cuốn sách có thể làm thay đổi cuộc sống của những người mẹ. Làm mẹ với tâm Phật: Cùng con chào đời của bà sẽ đưa đến những thực hành Phật giáo để giúp các bà mẹ bình tĩnh hơn, hạnh phúc hơn. Tác giả có cách tiếp cận không cứng nhắc, chọn lọc từ những trường phái Phật giáo nhằm giúp các bà mẹ tránh được những đau khổ và sự bất mãn. Napthali đã chỉ ra rằng: Để hạnh phúc, chúng ta cần thay đổi tâm trí mình.
MỤC LỤC:
Lời nói đầu
Chương 1: Phật giáo và việc làm mẹ
Chương 2: Làm mẹ và chánh niệm
Chương 3: Bình an
Chương 4: Đối phó với giận dữ
Chương 5: Lo lắng cho con trẻ
Chương 6: Xây dựng những mối quan hệ tràn ngập yêu thương
Chương 7: Chung sống với người bạn đời
Chương 8: Tìm kiếm hạnh phúc và đánh mất hình ảnh của bản thân
Chương 9: Thiền định
Chương 10: Thực hành
Phụ lục 1: Bát Chánh Đạo
Phụ lục 2: Trích dẫn từ kinh Phật
Phụ lục 3: Phật giáo dành cho các bà mẹ mới sinh con
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
PHẬT DẠY GÌ?
Cốt lõi lời dạy của Đức Phật được thể hiện qua Bốn Sự Thật Cao Quý. Bốn Sự Thật này đề cập đến đau khổ, có thể hiểu là bao gồm sự không thỏa mãn, bất toàn, lo lắng, khó chịu, bực bội – bất cứ điều gì dù là khó chịu nhỏ nhất.
Bốn Sự Thật Cao Quý là:
1. Đời là bể khổ.
2. Bám chấp gây ra đau khổ.
3. Đau khổ có thể chấm dứt.
4. Con đường để chấm dứt đau khổ.
Vì vậy, đau khổ và không thỏa mãn sẽ không kết thúc ngày hôm nay, nhưng bằng cách áp dụng một số thực hành Phật giáo, bạn có thể bắt đầu gieo hạt giống để cải thiện cuộc sống của mình.
ĐỜI LÀ BỂ KHỔ _ SỰ THẬT CAO QUÝ THỨ NHẤT
Sự Thật Cao Quý Thứ Nhất của Phật giáo là Khổ đế. Đức Phật đã sử dụng từ dukkha, có nghĩa là sự không thỏa mãn hoặc bất toàn. Vì vậy, Sự Thật đầu tiên là cuộc sống vốn dĩ không thỏa mãn và không hoàn hảo. Trước khi làm mẹ, chúng ta có thể thấy lời dạy này quá bi quan. Nếu chúng ta cảm thấy không hạnh phúc, chúng ta có thể xem một bộ phim, gọi điện cho một người bạn hoặc đánh lạc hướng bản thân bằng nhiều cách khác nhau để thoát khỏi bất kỳ nỗi đau nào. Khi có con, chúng ta có rất ít thời gian để thưởng thức những trò tiêu khiển như vậy. Hơn nữa, chúng ta đã trải qua những giai đoạn mang thai, chuyển dạ, trẻ sơ sinh và nuôi dạy con cái, do đó, cái nhìn như vậy về cuộc sống dường như không quá khoa trương. Giờ đây, tất cả các bà mẹ đều có nhiều nỗi thống khổ, thậm chí là tuyệt vọng.
Khi đã làm mẹ, chúng ta mới biết được rằng cuộc sống không phải là trải nghiệm nhẹ nhàng. Chúng ta có nhiều trách nhiệm, những khoảng thời gian cảm thấy bản thân thật đáng thương; những lo lắng tuyệt vọng về việc liệu con cái mình có khỏe mạnh, “bình thường” và có thể đáp ứng những phán xét của thế giới xung quanh hay không. Chúng ta phải chịu đựng cảm giác tội lỗi vì không làm hàng trăm việc mà lẽ ra bản thân đã có thể làm. Chúng ta đau khổ khi nghĩ đến sự nghiệp của mình và nhiều bà mẹ còn hy sinh cả sự nghiệp. Trong những khoảnh khắc đen tối, chúng ta vật vã kiếm tìm lại sự tự tôn khi phát hiện những vết nhăn nheo do lo lắng quá độ và cơ thể bắt đầu có dấu hiệu lão hoá.
Nhiều bà mẹ nói rằng có con làm thay đổi trải nghiệm của họ về việc cập nhật tin tức hàng đêm. Là những người mẹ, chúng ta cảm thấy trên thế giới có nhiều khổ đau hơn. Chúng ta nhìn nạn nhân của tội ác, chiến tranh và nghiện ngập như nhìn những đứa con quý giá của những bà mẹ đau khổ. Những câu chuyện về bắt cóc, ngược đãi trẻ em hoặc tự tử khiến chúng ta cảm thấy quá sức chịu đựng. Chúng ta hiểu rằng bất cứ cái chết hay sự mất mát nào đều mang đau khổ tới cho một gia đình. Những phản ứng như vậy là dấu hiệu của nhận thức sâu sắc về đau khổ và không thỏa mãn trong cuộc sống.
Sự không thỏa mãn bắt nguồn từ vô thường (theo cách gọi của Phật), nghĩa là mọi thứ đều thay đổi thành một thứ gì đó khác – không có gì như cũ. Tất cả mọi thứ trong cuộc sống – con người, hoàn cảnh, vật thể cho đến hạt nhỏ nhất – đều đang trong quá trình biến đổi, và điều này khiến chúng ta nhận ra không có gì bền vững và lâu dài. Phật giáo không phủ nhận rằng hạnh phúc có thể đạt được, vì thực tế là như vậy. Vấn đề là chúng ta không thể níu kéo hạnh phúc. Như mọi thứ khác, hạnh phúc cũng mất đi. Một cuộc sống thường bao gồm sinh ra, già đi, bệnh tật và chết. Chúng ta có thể dành cả cuộc đời để đánh lạc hướng bản thân khỏi những sự thật này nhưng không thể tránh khỏi chúng.
Bạn có thể đồng ý rằng cuộc sống có những đau khổ, nhưng ai muốn bị chìm đắm trong khổ đau? Phật giáo có thể giống như một con đường chán nản nếu bạn chỉ tìm hiểu đến đây. May mắn thay, ba Sự Thật tiếp theo đều là những tin vui; nhưng bây giờ, nếu bạn muốn hiểu tóm tắt về Phật giáo, hãy lấy câu nói của Đức Phật: Ta dạy về khổ đau và đoạn tận khổ đau.
TÂM YÊU THƯƠNG
Các bà mẹ đã đủ chín chắn để hưởng lợi từ Phật giáo còn là vì chúng ta đã tiến một bước lớn để đạt được điều Phật tử gọi là “tâm yêu thương”. Chúng ta biết rằng làm mẹ là chuyện vượt qua khổ đau, đó là trải nghiệm mở rộng tâm trí để yêu thương.
Tình yêu của người mẹ dành cho đứa con là tình yêu chân thật nhất. Con cái dạy cho chúng ta biết thế nào là tình yêu thương thực sự: vị tha, nhẫn nại và bao dung. Chúng ta học được rằng tình yêu là vô điều kiện, không phán xét và không mong được đáp lại. Tất nhiên có những lúc chúng ta bực bội với con cái mình, khi những mặt tối trong bản chất của chúng ta dần lộ ra. Nhưng nhìn chung, mối quan hệ giữa mẹ và con là một tình yêu nồng nàn. Như một người mẹ nói:
Sau khi có con, tôi nhận ra rằng tất cả tình yêu mà tôi đã trải qua trong quá khứ – đặc biệt là với bạn đời – đều là ích kỷ. Tôi đã từng không ngừng suy nghĩ: Điều gì trong mối quan hệ này đáng giá đối với tôi? Và nếu kỳ vọng của tôi không được đáp ứng thì bất kỳ cảm giác đẹp đẽ nào cũng sẽ biến mất hoàn toàn. Con gái tôi có đưa tôi xuống địa ngục cũng không thể khiến tôi ngừng yêu con bé.
Tình yêu của chúng ta dành cho con cái mang lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc. Thông qua việc yêu thương một đứa trẻ, chúng ta có khả năng trở thành một người biết yêu thương người khác. Từ tình yêu con cái, chúng ta có thể áp dụng vào các mối quan hệ khác. Nhiều bà mẹ tự mình khám phá ra điều này: Họ cảm thấy có lòng trắc ẩn hơn đối với người khác, nhận ra rằng mọi con người đều xứng đáng với sự tận tụy của người mẹ. Những bà mẹ này phát hiện ra mình có khả năng kiên nhẫn với cô thu ngân cáu kỉnh, người lái xe hung hăng hoặc người họ hàng hay hạch sách.
Tôi từng tham gia một khóa tu về cách xây dựng lòng nhân ái trong các mối quan hệ. Khi đưa ra một ví dụ về tình yêu thương chân chính, vị giảng sư luôn đề cập đến tình yêu thương của người mẹ dành cho đứa con. Cô ấy đã sử dụng mối quan hệ mẹ con để chứng minh tác động của tình yêu tới cách chúng ta cư xử cũng như những lợi ích mà tình yêu đích thực mang lại. Tôi cảm thấy vinh dự khi là một người mẹ, tôi có thể hiểu ngay được những lời dạy. Đối với tôi, nhận xét chính xác nhất về việc làm mẹ là nó khiến cuộc sống của bạn tệ gấp đôi và tốt gấp đôi. Có đau khổ và không thỏa mãn, nhưng tình yêu cứu rỗi chúng ta.
Những năm đầu con đi học có thể là khoảng thời gian tuyệt vời nhất cho nhiều bậc phụ huynh: Họ không phải chăm bẵm con nhiều như khi con còn chập chững; họ cũng chưa cần nghĩ tới khoảng thời gian “nổi loạn” khi các con bước vào tuổi dậy thì. Tuy nhiên, trong giai đoạn bắt đầu đi học của trẻ, những người mẹ vẫn còn có nhiều mối bận tâm khác.
Những người mẹ có thể lo lắng về sự thích nghi của trẻ trong môi trường mới. Họ cũng phải xem xét đến việc quản lý, sử dụng thời gian của bản thân như thế nào cho phù hợp với thời gian biểu của con. Rồi họ cũng gặp phải thử thách trong mối quan hệ với các hội phụ huynh, với những người cha người mẹ khác. Kể cả những lần con đặt ra các câu hỏi hóc búa về cuộc sống, họ cũng phải suy nghĩ, cố gắng đưa ra câu trả lời thỏa đáng, phù hợp với trẻ…
Những mối bận tâm đó dần có thể khiến những người mẹ bước vào một vòng lẩn quẩn của cảm xúc, cảm thấy tội lỗi, trở nên giận dữ… Và nếu những mối bận tâm đó cứ ngày một dồn lại, thì dần dần những người mẹ sẽ mất đi cảm giác hạnh phúc.
Làm mẹ với tâm Phật: Cùng con tới trường là cuốn sách sẽ giúp những người mẹ có con đang tuổi đến trường bỏ qua những cảm xúc tiêu cực và tìm thấy sự bình yên và hạnh phúc. Cuốn sách được viết dựa trên những trải nghiệm của tác giả Napthali từ cuộc sống gia đình của bà – một gia đình với hai cậu nhóc. Cuốn sách sẽ tập trung đến các nhu cầu của một người mẹ; giúp họ nhìn ra định hướng trong việc nuôi dạy con, cũng như tìm thấy sự mãn nguyện.
Cuốn sách sẽ đề cập đến những giáo lý, góc nhìn Phật giáo, lời giảng của Đức Phật; rồi từ đó chỉ ra những cách tiếp cận thiết thực, hữu ích cho các bà mẹ khi họ phải đối mặt với các vấn đề của con trẻ, cũng như trong cuộc sống. Những người mẹ sẽ hiều những lợi ích của việc an trú trong hiện tại, cảm nhận trọn vẹn từng khoảnh khắc – họ không còn quá buồn khổ, lo lắng cho quá khứ và tương lai. Họ sẽ trở nên tự do, và tận hưởng hạnh phúc lâu dài.
MỤC LỤC:
Lời nói đầu
Chương 1: Áp lực
Chương 2: Cân bằng
Chương 3: Sự buồn chán
Chương 4: Lý giải
Chương 5: Hòa nhập xã hội
Chương 6: Lan tỏa
Chương 7: Sợ hãi
Chương 8: Bản ngã
Chương 9: Khuôn phép
Chương 10: Hạnh phúc
Tôi có một ý tưởng thế này
Phụ lục: Mười bốn giới Tiếp Hiện của Thầy Thích Nhất Hạnh
TRÍCH ĐOẠN HAY:
CÂN BẰNG
Tại sao con người ta đều cảm thấy khó khăn mỗi khi muốn điều hòa cuộc sống của mình? Cuộc đời lắm gian truân khổ ải, vậy ta phải làm gì? Ta luôn tìm cách an ủi bản thân bằng việc trốn tránh ở nơi tận cùng của một phổ tư tưởng, trói buộc cuộc đời ta dưới cái bóng của một “chủ nghĩa” nào đó, như một số người chọn theo chủ nghĩa khoái lạc, chạy theo những thú vui tiêu khiển và lẩn trốn nỗi khổ đau; số khác thì lại chạy theo tư tưởng “tham công tiếc việc”. Suy cho cùng, chúng ta đều được quyền chọn lựa một lý tưởng sống cho mình, như chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tự tôn, chủ nghĩa độc tửu (hay còn gọi là chứng nghiện rượu), chủ nghĩa cơ yếu (là chủ nghĩa yêu cầu đặt niềm tin tuyệt đối vào một tôn giáo, đức tin) hay thậm chí là chủ nghĩa hoàn hảo.
Trên thế gian muôn trùng thái cực này, cuộc sống gia đình cũng không phải là điều ngoại lệ. Mặc dù thế hệ của chúng ta thường bị coi là “thế hệ phụ huynh bảo thủ”, thường giữ vững những quan điểm, lập trường chắc chắn và cứng nhắc về việc làm phụ huynh tốt là như thế nào, nhưng sự bảo thủ trong cách ta nuôi dạy con cái cũng chẳng giúp chúng ta tìm lại được sự bình thản, hạnh phúc hay nội tâm thanh tịnh nào. Với những bà mẹ ngày nay, họ đều đang phải chịu những loại áp lực chưa từng có trước đây, ví dụ như việc làm sao để trở thành một người mẹ tốt, những thứ áp lực phi thực tế và có thể gây ra hậu quả khôn lường, khiến người mẹ đánh mất lòng từ bi với chính bản thân. Ita Buttrose và Penny Adams đã miêu tả trong cuốn Mặc cảm người mẹ của họ như sau: “Những bà mẹ hiện đại thời nay đang phải chịu một cuộc khủng hoảng mặc cảm lớn, nó khủng khiếp vô cùng và đặc biệt chỉ những người nắm giữ thiên chức làm mẹ mới có – mặc cảm người mẹ!”
Đức Phật cũng không yêu thích gì chủ nghĩa cực đoan, chính vì vậy Ngài đã dạy chúng ta Trung đạo. Trước khi đắc đạo trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm đã từng được sống trong nhung lụa sau những bức tường hoàng cung kiên cố mà phụ vương của Ngài xây nên nhằm bảo vệ thái tử trẻ tuổi khỏi muôn sự đau khổ ngoài kia. Và đến khi được ra ngoài, thái tử đã chứng được nỗi đau của vòng luân hồi sinh lão bệnh tử mà chúng sinh đang phải chịu đựng. Tâm trạng u sầu, Ngài quyết ra đi tìm con đường giải thoát cho muôn vật khỏi dukkha, hay còn gọi là khổ – cái mà chúng ta hiểu là nỗi thống khổ, áp lực hay bất cứ tên gọi nào khác của sự bất mãn. Tất Đạt Đa đã dành ra sáu năm cuộc đời mình để sống với những nhà tu khổ hạnh khác, Ngài từ bỏ mọi sự sung sướng, điều mà hầu hết những nhà tu hành đều làm vào thời ấy. Sau cùng, Ngài nhận ra dù có làm vậy cũng không thể giải phóng Ngài khỏi vòng xoay luân hồi của nỗi thống khổ.
Vào thời điểm ấy, Ngài đã khám phá ra được rằng lối sống xa hoa vui thú mà Ngài có khi còn sống ở hoàng cung sẽ không bao giờ có thể chấm dứt khổ đau, và dù có tự hành xác khổ hạnh cũng không làm nỗi khổ kết thúc. Trong bài giảng đầu tiên của Đức Phật ngay sau khi giác ngộ, trước cả khi Ngài giảng dạy những bài kinh cốt lõi, Đức Phật đã gọi phương pháp của mình là Trung đạo, tức là tránh xa hai thái cực: đam mê trụy lạc và tự hành xác.
Dựa theo những hiểu biết của chính chúng ta về khổ, chúng ta bắt đầu tìm kiếm Trung đạo của chính chúng ta, một con đường đi giữa hai trạng thái phớt lờ sự bất mãn và ghét bỏ sự khốn khó. Trung đạo là cách ta quan sát những thứ cảm xúc ấy với lòng tò mò và một tâm hồn rộng mở. Nó đòi hỏi con người ta phải đối mặt trực diện với những sự việc xảy đến trong cuộc sống mà không cần phải núp bóng dưới một tư tưởng sống cực đoan nào, hay phải mượn những cơn nghiện ngập, những nỗi ám ảnh hoặc bất kỳ cách nào khác mà ta có thể nghĩ ra để trốn tránh sự khổ đau. Suy cho cùng, liệu chúng ta có nhận ra tất cả những phương pháp bản thân thường làm để lẩn trốn khỏi khổ đau lại khiến mình khổ thêm hay không?
Bài giảng của Đức Phật đều là những điều căn bản: Ngài dạy ta rằng để có thể chấm dứt khổ đau, ta không được dồn nén hay phớt lờ nó, mà hãy dành thời gian để làm quen với nó, tìm hiểu xem dấu hiệu của nó là gì và điều gì đã tạo nên nó. Và đây chính là một trong Bốn Sự Thật Cao Quý: Đời là bể khổ, thấu được nỗi thống khổ mới có thể giác ngộ. Điều này có nghĩa là ta chịu đựng gian khổ, cho dù chỉ là sự bức bối nhẹ trong lòng hay là nỗi buồn thấu tâm can, ta cần phải quan sát những cảm xúc, trải nghiệm ấy thật kỹ để có thể hiểu chính xác nó là gì. Việc này có thể mâu thuẫn với lẽ thường, sao ta có thể làm giảm sự đau khổ trong đời mình chỉ bằng cách quan sát nó chứ? Chúng ta phải làm bản thân sao nhãng mỗi khi gặp chuyện đau buồn mới phải chứ? Ấy vậy mà khi ta nghiên cứu về khổ, ta lại ngộ ra rằng mọi sự khổ đau trong đời ta đều không phải đến từ những biến cố, mà đến từ chính trong thâm tâm ta, khi ta cố gắng ngăn chặn hoặc chối bỏ nỗi khổ ấy, và cả khi ta tự lừa dối bản thân với những câu chuyện tự thêu dệt về nỗi khổ đau trong mình.
Đó là một buổi chiều bình thường như mọi ngày ở nhà tôi, tôi giục Zac đi làm bài tập về nhà ba lần liên tục rồi mà thằng bé vẫn ngồi đó đập bóng lên tường nhà, nhưng ít nhất thì nó và đứa em cũng đã ngưng cãi nhau về việc đứa em lén sử dụng máy tính không xin phép. Bây giờ muốn kéo Alex khỏi chiếc máy tính mà nó đang xem YouTube sẽ tốn rất nhiều thời gian, trong khi tôi còn đang bận chuẩn bị bữa tối. Lúc này, cơ thể tôi đã mệt mỏi quá sức do thiếu ngủ, cảm giác như sẽ bùng cháy bất cứ lúc nào, nhưng thực ra đó lại là lúc thích hợp nhất để tìm hiểu về nỗi khổ trong tôi, không cần phải ngồi trên bồ đoàn, tất cả những gì tôi cần làm chỉ là liên tục thái thức ăn mà thôi.
Tâm trí tôi ngừng lại một lúc, bản thân biết rằng dù mình có bận đến cỡ nào thì tôi vẫn có thể dừng việc suy tư lại khoảng 20 giây để hít thở và tập trung tâm trí vào toàn thân mình ngay lúc bấy giờ. Rồi tôi nhận ra sự căng thẳng đang có mặt ở khắp nơi trên thân thể mình: Những lần thở dài thườn thượt, những lần tôi nghiến răng, những thớ cơ vai và lưng đang căng như dây đàn. Lúc ấy, tôi thả lỏng và tìm hiểu sâu vào nỗi khổ của mình, cuối cùng, tôi nhận ra những suy nghĩ của mình: Mình không nên như vậy, đừng có cáu giận nữa, ước gì mình có thể sống sung sướng mà không lo lắng về những cảm xúc này… Đây chính là sự ác cảm, là sự nỗ lực cố dồn ép cảm xúc của bản thân tôi và chính nó đã góp phần tạo nên sự căng thẳng của tôi.
Rồi nhiều suy nghĩ khác cũng xuất hiện: Khi nào mấy đứa nhỏ mới biết cách chịu trách nhiệm cho hành động của chúng nó đây? Tại sao ngày nào mình cũng phải chịu đựng những chuyện như thế này chứ? Nhưng khi tâm can tôi đã thức tỉnh, tôi có thể chỉ cần để những suy nghĩ ấy trôi qua mà không cần khiến bản thân bị ảnh hưởng bởi chúng, hay khiến cảm xúc mình bị lệ thuộc vào chúng. Chẳng có nghĩa lý gì để phải tin vào những suy nghĩ này cả mặc dù chúng đang phản ánh đúng thực tại xung quanh tôi. Tôi chỉ cần cố gắng sống cùng với những cảm xúc của mình mà không cần phải động chạm đến chúng, đơn giản chỉ cần đón nhận tất cả với tâm trí rộng mở và tấm lòng hiếu kỳ. Vì những xúc cảm này là một phần của cuộc sống, tôi chấp nhận việc chúng đến và đi như gió thoảng qua, tôi tập trung tâm trí mình, lấy lòng từ bi không phán xét làm gốc. Và cách mà tôi sống hòa hợp với cảm xúc của mình dần dần chuyển hóa chúng.
Nếu tu tập chánh niệm đủ lâu, ta có thể sẽ quen với những lối suy nghĩ của bản thân, những thói quen phản ứng lại với biến cố đã góp phần kéo dài sự khổ đau. Lối suy nghĩ thường tùy thuộc vào chính con người nội tại của ta, lối suy nghĩ ấy có thể bao gồm phần lớn là sự tự ti, khổ nhục hoặc cả sự cứng nhắc giống như tôi đây. Ngoài ra còn tồn tại một số lối suy nghĩ cực đoan, như tự ghê tởm bản thân hoặc thích đổ lỗi cho kẻ khác mà không xem xét lại trách nhiệm của bản thân. Đức Phật dạy rằng khi nào ta nhận ra tất cả những nỗi khổ mà ta có đều do chính mình tạo ra, ta sẽ rũ bỏ được tất cả những mối phiền lòng tạo ra nó. Ta sẽ có thể từ bỏ được những thái cực hay cả những chủ nghĩa sống độc hại, ta sẽ có thể đi theo được Trung đạo.
Đối với các bà mẹ, Trung đạo là một giải pháp hữu hiệu cho mọi vấn đề. Hành trình làm mẹ thường đòi hỏi chúng ta phải tránh mọi thái cực: Ta sẽ càng gặp nhiều rắc rối nếu ta quá cứng nhắc hoặc nếu ta sống quá buông thả. Tương tự, các con ta sẽ trở nên hư hỏng, nếu ta bỏ mặc chúng hoặc nếu ta theo sát chúng quá đà. Vì vậy, ta cần phải tìm cách cân bằng giữa việc để các con tiếp xúc với thế giới bên ngoài và bao bọc chúng tránh khỏi xã hội ngoài kia. Ta phải giúp các con cảm thấy vui vẻ thoải mái và đồng thời khuyến khích các con, nhưng không phải lúc nào cũng nên làm thế, có thể ta luôn nhẹ nhàng và dịu dàng với các con nhưng không phải dịu nhẹ ngay cả trong những lúc ta cần nghiêm khắc và kiên định.
Nhiệm vụ của một người mẹ là luôn luôn tìm ra con đường cân bằng giữa mọi sự, giữa muôn vàn vấn đề xuất hiện, xoay vần chúng ta rồi biến mất, rồi lại một tràng những biến cố khác chuẩn bị xảy ra. Với bất kỳ vấn đề nào mà ta phải đối mặt, ta luôn tìm kiếm điểm cân bằng ẩn sâu trong đó và một khi tìm được, ta cần chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi nó để tạo cơ hội cho các yếu tố khác thay đổi. Ta đang sống trong cõi vô thường với đầy những thăng trầm, thế giới ngoài kia sẽ liên tục thay đổi, vì vậy ta cần giữ cho tâm ta luôn thanh tịnh và bất biến trước mọi sự xoay vần.
Dù bất cứ vấn đề nào xuất hiện, giả dụ như việc các con ta cần sự chú ý của mẹ, hay ta cần giao lưu với hàng xóm thường xuyên hơn, ta sẽ luôn tìm được câu trả lời nằm trong sự cân bằng mà ta tạo nên. Ví dụ, tôi từng băn khoăn rằng, với các con tôi – những cậu con trai hiếu động sẽ dành nửa ngày để chơi cùng một chiếc hộp kia, thì tôi nên để cho chúng xem tivi trong bao lâu là đủ. Và tôi đã tìm ra câu trả lời cho mình, nằm ngay trong cuốn sách Tại sao tivi lại tốt cho trẻ? của Catherine Lumby và Duncan Fine, hai chuyên gia truyền thông và đồng thời cũng là những bậc phụ huynh:
Sự cân bằng chính là chìa khóa để giúp những đứa trẻ có tài ở nhiều lĩnh vực khác nhau được phát triển toàn diện. Giống với các hoạt động thông thường khác, việc xem tivi của trẻ cũng nên được đặt dưới sự giám sát của người lớn, ta cần đặt giới hạn sao cho phù hợp với độ tuổi của trẻ, để trẻ vẫn có thời gian làm những việc khác.
Thật vậy, rất khó để có thể tưởng tượng ra việc ta sẽ giáo dục con trẻ như thế nào nếu sự cân bằng không được đặt làm giá trị cốt lõi, hay thậm chí cả việc ta dành sự chú ý của mình cho các con nhiều từng nào cũng vậy
Khi con mới sinh, những người mẹ chịu nhiều áp lực – họ phải cho con bú, thay bỉm cho con, hay bế con nữa. Lúc đó, họ có thể ước thời gian trôi qua thật mau. Theo năm tháng, những đứa con có thể tự chơi, tự tranh luận với những đứa trẻ khác; những người mẹ có thêm nhiều thời gian hơn cho bản thân. Nhưng đó cũng là lúc họ có một nỗi e sợ rằng, thời gian dường như đang trôi quá nhanh.
Những người mẹ cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho chính mình: Con mình sẽ lớn lên thành người như thế nào? Tôi hạnh phúc vì điều gì? Tôi đang đi đâu? Những nghi vấn đó nảy sinh khi họ có cơ hội sống chậm lại, thư thái hơn so với giai đoạn con mới sinh. Một người mẹ có thể đặt đứa con làm trung tâm để trả lời cho mọi câu hỏi họ tự đặt ra. Tuy vậy, mỗi câu trả lời cho từng câu hỏi này đều thay đổi theo thời gian, theo hoàn cảnh, và theo những đứa con của họ.
Theo những Phật tử, các nhà tâm lý học, triết gia, học giả thì điều quan trọng nhất một người mẹ nên làm là đảm bảo cách sống bản thân phù hợp với cái đích cuối cùng mà họ hướng đến. Những người mẹ cần học cách giữ cho tâm trí luôn cởi mở và tò mò trước mọi phương án khả thi. Như các Phật tử thường làm, họ luôn trau dồi tinh thần học hỏi, thay vì giả định mình đã khôn ngoan.
Tác giả Sarah Napthali đã tập hợp kinh nghiệm của bản thân cũng như của những bà mẹ khác, và truyền cảm hứng về việc những giáo lý đạo Phật có thể đi vào cuộc sống của một người mẹ như thế nào vào cuốn sách “Làm mẹ với tâm Phật – cùng con khôn lớn”. Phật giáo có thể giúp những người mẹ sống trong trạng thái tiếp thu, học hỏi, và trở nên hạnh phúc hơn mỗi ngày.
MỤC LỤC:
Lời nói đầu
Chương 1: Mình đang ở đâu thế này?
Chương 2: Tôi đang đi đâu?
Chương 3: Tôi là ai?
Chương 4: Con ta là ai?
Chương 5: Có vậy thôi sao?
Chương 6: Khoảnh khắc này đòi hỏi ở tôi điều gì?
Chương 7: Ta có thể làm gì với tất cả công việc nhà?
Chương 8: Liệu ta có thể thay đổi không?
Chương 9: Làm sao tôi hết tiêu cực được đây?
Chương 10: Làm sao tôi có thể trở thành phiên bản tốt nhất?
Kết luận
Phụ lục: Giáo lý về tính Không
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
Con ta là ai?
Việc ta tìm hiểu bản chất con người thật của chính các con mình khiến ta phải thừa nhận một thực tế rằng: ngay cả ta cũng chẳng rõ hoàn toàn con người của chúng, hay cả việc chúng đang phát triển theo hướng nào. Điều thực tế duy nhất ở đây chỉ có thể là việc ta giơ tay xin hàng trước những điều chưa rõ đó mà thôi. Chúng ta thường hay khẳng định là mình đã hiểu rõ con người của từng thành viên trong gia đình cũng như bạn bè ta. Nhưng lại chối từ việc thừa nhận rằng mỗi chúng sinh đều ẩn chứa những điều bí ẩn mà có thể giúp ta nhìn nhận hành vi của họ với một tâm hồn rộng mở hơn, như thể ta sẽ tin tưởng vào họ hơn mặc dù trong lòng ta vẫn còn những hoài nghi.
Ta hẳn sẽ nhiều lần bắt gặp bản thân đang ngồi miêu tả lại tính cách của các con cho người khác nghe, có thể là ngồi so sánh tính nết hai anh chị em với nhau hoặc với bạn của chúng chẳng hạn. Ta có thể sẽ đưa ra những nhận định rằng đứa này thì hòa đồng, đứa kia thì im thít rụt rè, đứa này thì mộng mơ hoài bão còn đứa kia hay phá bĩnh xóm làng. Mặc dù các bà mẹ có vẻ thích đi kể về tính nết các con cho người khác nghe, nhưng điều đó cũng chẳng thể giúp ta giải mã được bí ẩn con người nội tâm của các con mình là ai. Một chướng ngại thường hay bị các bậc phụ huynh lãng quên khi nuôi dạy con chính là việc nhìn nhận các con một cách rõ ràng mà không bám chấp lấy những quan điểm của mình. Điều đó cũng đồng thời giúp ta nhận thức được rằng những hy vọng, những nỗi sợ và kỳ vọng đang bóp méo quan điểm suy nghĩ của chính mình như thế nào.
CÁC CON KHÔNG ĐẶC BIỆT THUỘC VỀ RIÊNG TA
Có nhiều người trong số chúng ta hồi nhỏ đã phải sống xa gia đình và học cách tự mình làm những công việc nặng nhọc, vậy nên chúng ta đã tự phát triển một thói quen nhìn nhận bản thân mình như một trong hai, nếu không phải là duy nhất, người dưỡng dục các con. Dẫu vậy, người châu Phi có một câu ngạn ngữ rằng cả làng mới nuôi nổi một đứa trẻ, câu ngạn ngữ này càng ngày càng được người ta dần công nhận. Các nhà tâm lý học trẻ em đang khuyến khích các bậc phụ huynh phải phát triển những mối quan hệ của họ với những người trưởng thành khác, dù là bạn bè hay người thân, nhất là những người quan tâm đến con em chúng ta. Đây cũng là một cách để tu tập vô chấp trước con cái: Bằng cách nhìn nhận tụi nhỏ không hoàn toàn nằm trong sự sở hữu của ta. Sau cùng, trong phần lớn lịch sử phát triển của loài người, trẻ con luôn được nuôi dạy bởi rất nhiều người quan tâm đến chúng chứ không phải chỉ có một hai người.
Việc chia sẻ trọng trách nuôi dạy con với những người khác thực chất cũng là một phương pháp hữu hiệu bảo đảm cho sự phát triển của trẻ. Nếu các con ta lỡ có ngày gia nhập vào một hội bạn tuổi vị thành niên có tư tưởng tách mình với cha mẹ chỉ để có được quyền tự quyết thì ít nhất xung quanh tụi nhỏ vẫn còn nhiều người khác cho chúng dựa vào. Và như chúng ta đã được biết, đối tượng trẻ vị thành niên có nguy cơ sa đà hư hỏng nhất lại chính là những đứa sống tách mình, không có sự kết nối với cha mẹ.
Vì gia đình họ nội hiện đang sống tại Ba Lan, chỉ có một người bạn duy nhất thực sự yêu quý hai đứa con tôi là vợ cũ của Marek, người phụ nữ cùng anh sang đất Úc khi mới 20 tuổi. Cô ấy vô cùng yêu quý hai đứa nhóc và lúc nào cũng đối xử tốt bụng, hào phóng với tụi nhỏ. Rất nhiều người bạn của tôi cũng kinh ngạc khi biết tôi “công nhận” mối quan hệ này, nhưng dù mọi người có thuyết phục tôi đến đâu thì đúng là chỉ có điên mới cấm cản. Và thực sự đối với tụi nhỏ, cô ấy là một người dì đến từ Ba Lan cực kỳ yêu quý các cháu, có khi là bạn chí cốt của chúng nó luôn cũng được nữa.
Việc chia sẻ trách nhiệm săn sóc tụi nhỏ có thể đồng nghĩa với việc cho phép những người khác giúp ta chấn chỉnh lại tụi nhóc những khi tụi nhóc không nghe lời. Và tôi đã thử ngay ý tưởng này với bạn bè và người thân của tôi, tất cả những người mà tôi đồng ý cho họ được “chấn chỉnh và dạy bảo” đứa út Alex mỗi khi cháu nó hư. Như hầu hết chúng ta đều đã được nghiệm qua, mấy đứa nhóc hầu như sẽ ngoan ngoãn nghe lời hơn nếu như người nhắc nhở chúng nó là một người không Phải Là mẹ của chúng. Nếu chúng ta trở nên ám ảnh quá mức với các con mình, cố gắng nắm chặt lấy vai trò nuôi dạy chúng, hẳn ta sẽ coi những lời nhắc nhở của những người khác như những lời công kích cá nhân, và từ đó lại quên đi việc cảm ơn sự giúp đỡ của họ. Một số người sẽ hỏi rằng, ngộ nhỡ những lời nhắc nhở đó là những lời công kích cá nhân thì sao? Thì cứ cảm ơn họ thôi. Đó cũng là một cách tu tập theo lời khuyên của một vị tăng mà tôi quen; vị tăng nhắc tôi rằng, khi ta phải đối phó với những kẻ khó tính, hãy cứ “giết họ bằng lòng tốt của ta”.
Lũ trẻ không đặc biệt thuộc về bất kỳ ai cả, và sự thật đó dấy lên một câu hỏi rằng nếu vậy thì vai trò của ta sẽ là gì. Điều quan trọng là ta sẽ phải biết nắm bắt cơ hội để làm quen và kết nối với tụi nhỏ nhiều hơn − giống như cách làm thân với những đứa cháu trên với tư cách là những người cô, người dì. Là những người mẹ, ta hẳn sẽ cảm thấy biết ơn những người lớn khác đến nhường nào khi họ cũng trân quý con cái chúng ta như con cái họ.
Khi ta có thể san sẻ tình yêu thương của mình với nhiều đứa trẻ khác ngoài các con mình ra, ta đồng thời cũng đang tu tâm dưỡng tánh không chỉ với những đứa trẻ đó mà còn với cả người mẹ của chúng nữa. Ví như một người mẹ mà tôi đã có dịp được gặp, cô ấy đã bị mọi người xa lánh ghẻ lạnh bởi đứa con mới chập chững biết đi của cô hay đánh và cào cấu các bạn cùng trang lứa khác. Mặc dù vậy, vẫn có một bà mẹ khác ở trong hội phụ huynh của cô ấy yêu quý cậu bé, và thực sự đây là một niềm an ủi đối với người mẹ ấy. Việc ta kết nối với những đứa trẻ khác ngoài con cái mình sẽ tạo ra một cộng đồng đoàn kết, lành mạnh và đồng thời giúp chúng ta tu tập tâm buông xả, ban phát tình yêu của ta tới mọi chúng sinh đồng đều hơn.
Tâm buông xả là một trong Tứ Vô Lượng Tâm được Đức Phật dạy rằng đó chính là cánh cổng dẫn tới giác ngộ (trong đó bao gồm: từ, bi, hỷ và xả – tức là ta hòa chung niềm vui của những người khác). Đức Thế Tôn cũng miêu tả tâm buông xả tựa như “tâm vô chấp”, Ngài nói rằng: “Tâm vô chấp chính là cách ta nhìn tất thảy chúng sinh ngoài kia với sự rộng mở và công bằng.” Và kẻ thù “gần nhất” với tâm buông xả, hay còn gọi là một kiểu đặc tính dễ bị nhầm lẫn với tâm xả, chính là sự thờ ơ hay lãnh đạm với những người khác. Đối với những người mẹ, tâm xả có nghĩa rằng ta phải nhìn nhận ra được sự trân quý trong mỗi đứa trẻ không chỉ riêng con ta. Bản thân tôi đã tìm ra được một phương pháp hữu hiệu để tu tập tâm buông xả chính là trưng bày hết các ảnh chụp không chỉ của các con mà còn của cả những đứa trẻ khác nữa, hãy đặt chúng trong tủ kính hoặc trên kệ ở phòng khách đều được.
Tuy vậy, cám dỗ rằng ta phải tập trung vào con mình, tập trung vào những nhu cầu của con mình có thể khó cưỡng lạ thường. (Cho phép tôi xin một phút để phán xét những bà mẹ tuy là đến lớp để “giúp các cháu” nhưng lại chỉ tập trung quanh quẩn ở chỗ con của mình.) Và nếu ta cứ chỉ tập trung vào các con mình thôi thì có thể đến một giới hạn nào đó, những đứa trẻ khác sẽ trở nên vô hình trong mắt ta, hoặc ta chỉ đơn giản xem chúng như những sự vật khác mà thôi. Đồng thời, chúng cũng sẽ trở thành những sự vật đặt ra để con ta cạnh tranh cọ sát, những sự vật để con ta có thể tương tác cùng, hoặc không, hay là những “vật cản” đối với con ta. Trong cộng đồng phụ huynh của tôi, những người mẹ mà tôi thực sự rất kính trọng đều là những người hay làm những công việc tình nguyện khiêm tốn và có phần thầm lặng, sẵn sàng dạy kèm một-một cho các cháu trong trường. Những người mẹ ấy hẳn phải quan tâm sâu sắc đến nhu cầu chung của các bé trong trường chứ không chỉ một mình con của họ.
Bước vào một cuộc hôn nhân, có lẽ nhiều người sẽ vỡ mộng. Cuộc sống hôn nhân và gia đình có thể có nhiều trắc trở, va vấp nhất định. Rồi đến khi hai người có em bé, trách nhiệm, áp lực lại tiếp tục lớn dần lên, dường như xoáy sâu vào cuộc sống của những người phụ nữ. Những mong ước, niềm tin không mấy hữu ích có thế quấn vào trong tâm trí, rồi cả những cơn giận dữ có thể bùng lên bất cứ lúc nào ở cả người vợ lẫn người chồng. Cứ thế, một vòng lặp tẻ nhạt, một thói quen tiêu cực sẽ hình thành trong cuộc sống hôn nhân, rồi dẫn đến việc cả hai vợ chồng đưa nhau vào thế bí, khăng khăng với những định kiến về đối phương.
Mặt khác, Phật pháp đưa ra những kiến thức không chỉ áp dụng cho những những người tu hành, mà cho cả những người bình thường, đang trong một mối quan hệ hôn nhân. Một trong những kiến thức hữu ích đó là Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế). Bốn Sự Thật không chỉ là bài học vô giá cho con người 2.500 năm trước, mà cho cả con người ngày nay nói chung, và những cặp vợ chồng nói riêng.
Tác giả Sarah Napthali đã tập hợp những trải nghiệm của chính bản thân và nhiều người phụ nữ khác trong cuộc sống hôn nhân, đồng thời lồng ghép những triết lý Phật giáo và cả những yếu tố tâm lý để viết nên cuốn sách Vị Phật ở chung nhà. Cách áp dụng những giá lý nhà Phật mà tác giả đề cập sẽ giúp mỗi người vợ/chồng nhận ra những sai lầm bản thân mắc phải, từ bỏ những thói quen vô ích, và rồi giúp giữ gìn đời sống hôn nhân của họ. Cuộc sống hôn nhân sẽ trở nên hạnh phúc hơn.
MỤC LỤC
Lời mở đầu
1 Chung sống chẳng dễ dàng
2 Buông bỏ
3 Suy nghĩ sâu sắc
4 Đối đầu với tiêu cực
5 Nộ 75 6 Việc nhà
7 Giao tiếp
8 Giảm thiểu áp lực và lo âu
9 Người bạn đời của ta là ai?
10 “Dục”
11 “Ông ăn chả, bà ăn nem”
12 Chịu đựng những hành vi xấu xí
13 Tha thứ và thấu hiểu
14 Vực dậy lại mọi thứ
15 Hãy là người chân thật và luôn sát cánh bên người đó
16 Vun đắp tình yêu
17 Xác định đâu mới là điều quan trọng
Một vài lời kết
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
Từng có một câu chuyện về Phật pháp nổi tiếng như sau: “Hai nhà sư, một già, một trẻ đang đi hành hương khi họ ghé ngang qua một con sông chảy xiết. Trên bờ sông, một người thiếu nữ trẻ đẹp đang khóc than. Vì không biết bơi, nên cô không tài nào qua sông nổi. Cô liền nhờ hai sư thầy giúp mình vượt sông. Vị sư già liền cõng cô lên vai và đưa cô băng qua sông, trước khi nói lời chào tạm biệt. Hai tiếng sau, vị sư già để ý thấy bạn đồng hành có vẻ im lặng, liền cất lời hỏi lý do. Nhà sư trẻ nói: “Người đã phá luật khi cõng cô gái đó qua sông. Chúng ta đâu có được phép chạm vào người phái nữ?” Thấy vậy, nhà sư già đáp: “Vậy là người vẫn còn đưa cô ấy theo sao? Ta thì đã tạm biệt cô ấy từ hai tiếng trước rồi!”
Tôi thường nghĩ tới câu chuyện này khi thấy bản thân mình, cũng như vị sư trẻ tuổi kia, đắm chìm vào lỗi lầm đã qua của những người xung quanh. Đây cũng là một bài học: Nếu cứ cố chấp với quan niệm của mình, như sư thầy trẻ trước những nguyên tắc của bản thân, ta sẽ khó đối diện được tình hình thực tế một cách khôn ngoan.
Sự Thật Cao Quý Thứ Hai nói rằng càng vương vấn sẽ càng gặp nhiều khổ đau. Chính vì vậy, khi ta cứ bấu víu vào những điều mang nhiều biến động, chỉ vì những ảo tưởng ta đặt ra về chính mình, ta sẽ không tránh khỏi đau buồn. Phiên bản đầy đủ của Sự Thật Cao Quý Thứ Hai: “Nguyên do của khổ đau là chấp niệm, nên phải học cách buông bỏ”. Buông bỏ những chấp niệm, theo lời Phật dạy, chính là cách để thoát khỏi dukkha – đau khổ.
Ví dụ, ta có thể buông bỏ những mong đợi của bản thân về mối tình của mình. Điều này không có nghĩa là ta nhượng bộ, để mặc ai muốn làm gì tùy ý, mà biến những mong đợi này thành sở thích, thay vì trở thành những điều phải-có khiến ta trăn trở suy tính.
Trong cuốn sách Committed (tạm dịch: Gắn bó) của mình, nói về bản chất của hôn nhân qua các nền văn hóa và các niên đại khác nhau, tác giả Elizabeth Gilbert đã tìm tới phía Bắc Việt Nam, để phỏng vấn vài người phụ nữ thuộc dân tộc H’Mông. Những câu hỏi của cô về việc cưới xin, như “Với bạn, đâu là bí quyết để gìn giữ hạnh phúc gia đình?” hay “Chồng bạn có phải là một người chồng tốt không?”, đều được đáp trả bằng những tràng cười lớn, hoặc vẻ mặt khó hiểu của mỗi người. Cô kết luận: “Gặp được những người H’Mông ngày hôm ấy nhắc tôi nhớ về một câu ngạn ngữ cổ: ‘Gieo chờ mong, hái thất vọng’. Người bạn H’Mông của tôi từ tấm bé chưa từng được dạy rằng nghĩa vụ của chồng mình là khiến cô hạnh phúc… Chưa từng mong đợi những điều viển vông, nên cô cũng chẳng còn lạ lẫm gì trước thực tế của cuộc hôn nhân này”.
Người H’Mông chắc chắn không phải tộc người duy nhất có cái nhìn thực dụng như vậy về hôn nhân. Thật quá là “Tây” khi kỳ vọng quá nhiều ở đối phương. Những người Tây Âu thường mong chờ sự lãng mạn, sự hỗ trợ về mặt cảm xúc, một tình bạn, một đời sống tình dục viên mãn, những cuộc trò chuyện thú vị, sự chia sẻ trách nhiệm trong việc nuôi dạy con, và hơn thế nữa. Không cần bàn cãi, những kỳ vọng này là quá nhiều cho một mối quan hệ. Hơn nữa, con người mới chỉ mong muốn nhiều đến vậy trong khoảng 200 năm qua trong lịch sử loài người. Ngay cả phương Tây, suốt phần lớn các thời kỳ lịch sử, đều vô cùng thực dụng trong việc cưới hỏi nhằm mục đích vì tiền tài hay địa vị. Vậy nên, những mong đợi này không chỉ là nét đặc trưng trong đời sống phương Tây, mà còn khá mới mẻ trong dòng chảy của lịch sử. Và tỷ lệ ly hôn tăng chóng mặt đã cho thấy hệ quả khôn lường của lối tư duy này.
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.