Shouko Yoshimoto, tác giả cuốn sách Mẹ thông thái dạy con tại nhà đã đặt mục tiêu thực hiện được những điều mong mỏi của cha mẹ là giúp con có những năng lực cần thiết khi ra xã hội thông qua việc học tập. Tác giả đã có cơ duyên tiếp cận với nền giáo dục Phần Lan. Và nhận ra rằng những ông bố bà mẹ có những đứa con vượt trội đã rất coi trọng “những trải nghiệm thời thơ ấu”, trong đó có cả việc chơi và họ cũng dành rất nhiều tâm sức để giúp con phát triển năng lực sử dụng ngôn từ, năng lực tư duy cũng như giúp con nhận thức đúng tầm quan trọng của việc được nói lên ý kiến của mình. Từ đó, bà đã quyết định sẽ chung sức cùng học sinh và gia đình các em để thực hiện một chương trình học có thể nuôi dưỡng được những năng lực ấy. Trong cuốn sách, chúng được giới thiệu dưới cái tên là Trải nghiệm đón đầu.
Trải nghiệm đón đầu được thiết kế nhằm mục đích gieo cho trẻ hạt mầm động lực, giúp trẻ nghĩ rằng: “Mình làm được”, “A, mình biết cái này rồi” thông qua các trải nghiệm trong đời sống hằng ngày, ví dụ như trải nghiệm giúp mẹ chuẩn bị đồ ăn trong bếp. Với trẻ, có thể giúp ích cho mẹ là một việc rất đáng tự hào.
Ngoài ra trẻ cũng có được ý thức về sự ưu việt của bản thân có thể hoàn thành được một công việc giống như người lớn. Sẽ có người cho rằng nhờ trẻ giúp thì chỉ tổ vướng chân vướng tay, nhưng các bà mẹ nhất định phải tận dụng cơ hội này, vì đó là lúc trẻ đang rất sẵn lòng và tràn đầy hứng khởi để học hỏi những điều mới.
Do đó, các bậc phụ huynh cũng nên bỏ thêm chút công sức vào những câu chuyện hằng ngày với trẻ như:
- Miếng đậu phụ hình chữ nhật này con.
- Hãy chia thành một phần hai nhé.
- Chỗ đậu này mẹ muốn chia đều cho 5 người, vậy không biết mỗi đĩa bày bao nhiêu miếng là đủ nhỉ?...
Cứ như vậy, ban đầu, thông qua trải nghiệm thực tế và qua việc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái, trẻ sẽ tiếp xúc và có được chút hiểu biết đầu tiên về những kiến thức như khái niệm hình học, phân số trong số học, về vùng sản xuất trong địa lý. Làm như vậy thì sau này, khi trẻ học ở lớp hoặc học trong sách giáo khoa, những kí ức lưu lại của Trải nghiệm đón đầu sẽ được “gọi về”, trẻ sẽ ngay lập tức hiểu ra vấn đề và trở nên hào hứng bắt tay vào việc học.
Nội dung của những Trải nghiệm đón đầu cũng như các bài Luyện tập lặp lại được giới thiệu trong Mẹ thông thái dạy con tại nhà bao trùm từ những kiến thức được học trong chương trình Tiểu học cho đến những kiến thức phổ thông trong đời sống.
Mục lục:
Lời nói đầu
Chương 1: Học tập tại nhà giúp nâng cao năng lực của trẻ
Chương 2: Gieo hạt mầm tinh anh bằng những Trải nghiệm đón đầu
Chương 3: Đánh thức năng lực thực sự của trẻ bằng các bài Luyện tập lặp lại
Chương 4: Nuôi dạy một đứa trẻ có trái tim vững vàng
Lời kết
Thông tin tác giả:
Shouko YoShimoto: Có hơn 25 năm kinh nghiệm trong giáo dục ở trung học cơ sở. Trong suốt quá trình tìm kiếm ý nghĩa của năng lực học tập thực sự, khi nhận thấy rõ tính hiệu quả của những Trải nghiệm đón đầu được thực hiện tại nhà giữ cha mẹ và con cái nhằm nuôi dưỡng những năng lực chuẩn mực cần có ngay cả khi con trẻ bước ra ngoài xã hội, tác giả đã đưa ra được những phương pháp giáo dục đặc sắc của mình.
Trích đoạn sách:
Học tập tại nhà giúp nâng cao năng lực của trẻ
Thói quen học tập là thứ cần được định hình cho trẻ ngay tại gia đình, khi trẻ còn chưa đi học. Có một phương pháp giúp tránh những va vấp trong quá trình học, nâng cao năng lực của trẻ mà không ai khác, chính những ông bố bà mẹ luôn kề cận con mình có thể thực hiện được mỗi ngày.
TẠI SAO VIỆC HỌC TẬP TẠI NHÀ LẠI CẦN THIẾT?
Những năng lực cần có khi ra xã hội có thể được nuôi dưỡng tại gia đình
Với trẻ em ngày nay, để ra xã hội, có ba năng lực cần phải được trang bị: Năng lực tư duy, năng lực sử dụng ngôn ngữ và năng lực biểu đạt. Những năng lực này hoàn toàn có thể được bồi đắp tại gia đình thông qua các hoạt động giữa cha mẹ và con cái, mà xuất phát điểm là các Trải nghiệm đón đầu. Thông qua nhiều các trải nghiệm này, trẻ sẽ tích lũy được kinh nghiệm tư duy khi tiếp cận với tri thức. Ngoài ra, cả mẹ và con cùng thực hiện những trải nghiệm sẽ làm những cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con trở nên phong phú hơn, vốn từ vựng của trẻ cũng nhờ thế mà tăng lên. Thêm vào đó, nhờ việc cố gắng thể hiện ý kiến của bản thân với cha mẹ về những hiện tượng hay kiến thức thu được trong trải nghiệm, trẻ sẽ được bồi đắp rất nhiều về năng lực biểu đạt. Không chỉ có vậy, những trải nghiệm này đồng thời còn giúp nuôi dưỡng sự tò mò và tinh thần ham học hỏi của trẻ. Lý do là vì niềm vui khi trẻ được làm việc cùng cha mẹ có mối liên hệ rất chặt chẽ với sự hăng hái, động lực nội tại của trẻ.
Cứ như vậy, năng lực của gia đình mà nền tảng là các hoạt động phong phú giữa cha mẹ và con cái sẽ trở thành cơ sở quan trọng cho việc phát huy năng lực của trẻ. Mức độ khác nhau về năng lực của gia đình cũng được coi là có khả năng tạo ra sự khác biệt trong học lực của trẻ. Tuy nhiên, năng lực của gia đình không đơn thuần chỉ là “khả năng mà cha mẹ có thể dạy một thứ gì đó cho trẻ”. Trên cơ sở cha mẹ hiểu rõ những năng lực nào là thực sự cần thiết cho trẻ trong tương lai, cha mẹ sẽ cùng trẻ thực hiện thật nhiều Trải nghiệm đón đầu, lặp đi lặp lại những kỹ thuật mang tính thực tiễn để giúp trẻ nắm vững những điểm quan trọng và từ đó tạo cơ hội cho trẻ tự tư duy. Chính những nỗ lực đó của cha mẹ mới được gọi là năng lực của gia đình.
Vượt qua “bức tường 9 tuổi”
Trong giáo dục, chắc hẳn các bạn đều đã từng nghe đến khái niệm “bức tường 9 tuổi”, ý chỉ những khó khăn trong việc học tập. Các em học sinh tiểu học lớp 3, lớp 4 đang ở trong thời kỳ chuyển tiếp từ “hoạt động ghi nhớ các kiến thức tích lũy là chính” sang “thao tác tư duy bằng cách sử dụng các tri thức đã tích lũy được”. Bức tường 9 tuổi là khái niệm chỉ những trở ngại trong học tập ở giai đoạn này.
Lấy ví dụ về phép chia, cho đến khoảng lớp 3 thì trẻ sẽ giải được bài toán nếu có kiến thức nền “lấy số lớn chia các số nhỏ hơn thì sẽ ra kết quả”. Tuy nhiên, khi các khái niệm mới như “vận tốc” hay “tỉ lệ” xuất hiện thì trẻ phải suy nghĩ theo hướng ngược lại. Đó là lúc trẻ cần dùng đến năng lực tư duy bằng cách đọc nội dung trong sách giáo khoa rồi kết hợp với trí tưởng tượng của mình. Tuy nhiên, những trẻ có ít trải nghiệm thường không hiểu được hết nội dung, cũng không thể tưởng tượng ra được gì. Khi đó, việc tư duy trở nên khó khăn, trẻ bị chìm trong suy nghĩ rằng mình kém cỏi và một “bức tường” được hình thành trong tâm trí, cản trở trẻ tiến lên phía trước.
Để ngăn hình thành “bức tường” này thì chuẩn bị trước hành trang cho trẻ bằng năng lực của gia đình là rất cần thiết.
Toán học là môn học mang tính chồng lặp – môn học luôn gây khó dễ cho học sinh
Toán học là môn rất dễ “đánh gục” học sinh ở bậc tiểu học. Chương trình toán học được thiết kế theo lối dựa trên kiến thức đã học ở phần trước để giới thiệu thêm kiến thức mới, tức là có tính chồng lặp. Điều đó có nghĩa là bị hổng kiến thức căn bản sẽ không theo kịp kiến thức về sau.
Lấy ví dụ về phần hình học, nếu ở những năm đầu tiểu học, trẻ không hiểu rõ lý thuyết về hình học phẳng thì đến những năm cuối tiểu học, trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi học đến hình học không gian. Ngoài ra, nếu không nắm vững cơ bản của các khái niệm đơn vị và số lượng thì khi đọc đề bài, trẻ sẽ khó mà hiểu được.
Để tránh gặp khó khăn với môn học này thì điều quan trọng không phải là vội vã cho con học trước chương trình, cũng không phải tập trung vào học chữ và số, nhất là đối với các bé trước hoặc những năm đầu của bậc tiểu học, mà cần phải dành thật nhiều thời gian cho các Trải nghiệm đón đầu để nuôi dưỡng khả năng tưởng tượng của trẻ. Với môn hình học, cha mẹ thử cho trẻ vẽ bằng tay thật nhiều xem sao. Ngoài ra để bồi đắp tư duy cơ bản về đơn vị và số lượng thì cần có sự dày công của mẹ, khéo léo đưa vào khi nói chuyện với con hay cho con trải nghiệm trong lúc tắm hoặc lúc phụ mẹ làm bếp. Ngoài ra, trong trường hợp chẳng may trẻ lỡ có suy nghĩ mình kém cỏi thì cha mẹ cần dứt khoát, quay lại bắt đầu từ chỗ nào con hiểu để giúp con bắt đầu lại. Chỉ có gia đình (cha mẹ) mới có thể luôn sát cánh và hỗ trợ con kịp thời.
NÂNG CAO NĂNG LỰC CỦA TRẺ BẰNG VIỆC HỌC TẬP TẠI NHÀ
Chà, chắc hẳn là đọc đến đây, các ông bố bà mẹ đã rất nóng lòng muốn bắt tay cùng con thực hiện những Trải nghiệm đón đầu tại nhà rồi. Thế nhưng để Trải nghiệm đón đầu và Luyện tập lặp lại được thực hiện một cách hiệu quả thì các bậc phụ huynh cũng cần trang bị trước một số hiểu biết. Trong phần này, tôi sẽ giới thiệu 5 điểm đặc trưng của đứa trẻ vượt trội và 5 quy tắc của các bà mẹ thông thái. Hãy nắm vững những điểm này và tối ưu hóa tiềm năng của trẻ nào!
Điểm đặc trưng của những đứa trẻ vượt trội được nuôi dạy bằng phương pháp học tập tại nhà
Trẻ có vốn từ vựng phong phú
Ở những năm giữa và cuối bậc tiểu học, những trẻ có năng lực học tập vượt trội thường biết rất nhiều từ vựng. Vốn từ vựng đó nuôi dưỡng trí tưởng tượng của trẻ. Trẻ hình thành được năng lực tư duy thông qua những trải nghiệm phong phú cũng như những câu chuyện hằng ngày với cha mẹ mình.
Trẻ được tiếp xúc và trải nghiệm nhiều hơn
Những trải nghiệm ở độ tuổi mầm non và những năm đầu tiểu học là những trải nghiệm đầu tiên của trẻ. Trẻ nên được tiếp xúc với nhiều tình huống để tự mình cảm nhận và tìm hiểu mọi thứ xung quanh thông qua các hoạt động thường ngày. Nên đọc nhiều các sách tranh, truyện cổ tích cho các em nghe và để các em được nhập vai trong thế giới đó. Tất cả những điều này sẽ giúp nâng cao khả năng sử dụng ngôn từ và nhờ đó việc gia tăng năng lực cho trẻ cũng trở nên dễ dàng hơn.
Trẻ được nuôi dưỡng trí tò mò với thế giới xung quanh
Những đứa trẻ tò mò với thế giới xung quanh là những đứa trẻ luôn được tự mình trải nghiệm niềm vui của việc học, việc hiểu biết. Những đứa trẻ như vậy sẽ sớm bắt gặp được điều mình thích, điều mình muốn làm. Chính những cuộc “gặp gỡ” đó sẽ trở thành sức mạnh giúp khơi dậy tiềm năng thật sự của trẻ.
Trẻ có cảm xúc được tôn trọng ngay cả khi khóc hay cáu giận
Khóc hay cáu giận đều trở thành nền tảng cho hiểu biết “tâm trạng của con người”, “suy nghĩ của con người”. Nhờ sự hiểu biết đó mà trẻ trở nên có thể lý giải được tâm trạng, suy nghĩ của đối phương. Những lúc trẻ không kiểm soát được cảm xúc của mình, cha mẹ hãy để tâm và coi đó là cơ hội hướng dẫn trẻ học được bài học của mình.
Trẻ thường xuyên giao tiếp với cha mẹ
Khi việc giao tiếp diễn ra thường xuyên, cha mẹ có thể truyền tải rất nhiều điều trong những câu chuyện với con mình. Song song với các trải nghiệm, cha mẹ hãy trò chuyện với con về động lực, khả năng tập trung, tâm trí sẵn sàng đón nhận thử thách cũng như tầm quan trọng của thất bại nhé.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi