1. Sách
  2. ///
Logo Banner Home

Tác Giả stan bh tan

Tổng hợp sách của tác giả stan bh tan tại KhoSach.com.vn
name

Jazz - một thể loại âm nhạc bắt nguồn từ cộng đồng người châu Phi ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, đã lan ra khắp thế giới và hiện diện ở mọi nền văn hóa âm nhạc quốc gia. Nhạc jazz mang đậm tính nghệ sĩ, đầy nét đặc trưng và khiến những thính giả khi đã thích rồi sẽ như một kẻ si tình với nó.

Ở Việt Nam, jazz cũng có rất nhiều câu chuyện riêng, kiến thức “nhập môn” riêng để khám phá, như người Việt chơi jazz ở Việt Nam là ai? Họ học chơi jazz ở đâu, bằng cách nào? Có thật là họ “chơi jazz” không?...

Những câu hỏi ấy sẽ được giải đáp trong Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội - cuốn sách kể lại cuộc hành trình jazz ra đời ở Việt Nam, tập trung vào câu chuyện của nghệ sĩ Quyền Văn Minh - người đã tận hiến đời mình cho việc phát triển jazz ở mảnh đất quê hương, để thuật lại sống động cách mà nhạc jazz được nghe, được học và được biểu diễn ở nơi này.

Không phải một bài phỏng vấn tiêu chuẩn mà ta vẫn thường đọc trên báo chí, nội dung cuốn sách như góp nhặt từ những lần ngồi xuống tâm tình, hàn huyên cùng một người bạn đáng tin cậy, để từ chuyện đời mà nghe ra chuyện nhạc, chuyện jazz.

Tác phẩm là bước đệm cho những nghiên cứu và hiểu biết sâu hơn về nhạc jazz ở Việt Nam.

ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CỦA CHUYÊN GIA

“Đây là cuốn sách mà những người yêu âm nhạc trên toàn cầu không thể bỏ lỡ”. - Yamashita Yosuke

TRÍCH ĐOẠN HAY

- Nếu như tôi được phép mạnh dạn nói, thì chuyện đời Quyền Văn Minh thực ra đã nói lên khá nhiều về việc jazz đã được bắt đầu ở Việt Nam ra sao. Khi so sánh, không có cá nhân nào ở các nước khác tại châu Á hay khu vực Đông Âu mà chúng tôi có thể ghi công cho toàn bộ sự phát triển của jazz để nó trở thành một dòng nhạc chính thống thực thụ ở quốc gia họ. Trong trường hợp của nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, những nỗ lực của Minh đã khơi mở động lực, từ việc biểu diễn jazz trước công chúng tới việc dạy jazz, cả chính thống và phi chính thống, tất cả đã đóng góp vào những cố gắng định hình một giọng điệu nguyên bản của Việt Nam để biểu diễn cùng những kết cấu âm thanh đa dạng của jazz thế giới, và quan trọng nhất, tạo nên một không gian công cộng cho các nhạc sĩ chơi jazz và người Việt nghe jazz. Những nỗ lực của ông đã tạo uy tín cho những cố gắng của nhạc viện quốc gia, giờ đây được biết với cái tên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, để cuối cùng đưa nhạc jazz thành một ngành học lấy chứng chỉ trung cấp, rồi lấy bằng cử nhân trong chương trình giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp. Rất hợp lý khi bắt đầu câu chuyện về jazz ở nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa với câu chuyện đời Minh. 

(Trích Lời nói đầu)

- Chơi jazz ở Việt Nam là một bài tập tự sự có tính cộng tác, sử dụng những lời của đích thân Quyền Văn Minh mà tôi xâu chuỗi lại như một trò chơi xếp hình từ rất nhiều cuộc đối thoại giữa chúng tôi trong những năm từ 2009 đến 2017.

[…] Tôi chịu trách nhiệm tổ chức vô số chủ đề trong các cuộc trò chuyện của chúng tôi những năm qua, như tôi hy vọng, thành một tự sự trôi chảy để phản chiếu những cột mốc quan trọng với Minh cùng triết lý sống của ông trên tư cách một nhạc sĩ jazz và một nhà giáo jazz Việt Nam. (tr.17)

- Jazz ở Việt Nam không phải là một thứ thanh âm nổi loạn được biểu diễn trong bóng tối, không hề, từ khi Minh biểu diễn thể loại này trước công chúng trong hai chương trình biểu diễn độc tấu được công nhận chính thức vào năm 1988 và 1989. (tr.28)

- Sinh ra ở Hà Nội vào năm 1954, hành trình của Quyền Văn Minh trong nhạc jazz diễn ra trong bối cảnh của những cuộc chiến tranh ở Đông Dương và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của người Việt Nam. […] Minh học đàn guitar cổ điển vào năm 1967 trước khi học clarinet theo sự động viên của mẹ mình vào năm 1968. Chỉ được học cơ bản về đàn clarinet, Minh vốn là một nhạc sĩ tự học. Việc tình cờ khám phá ra thứ âm nhạc kỳ quặc mà đầy mê hoặc trong khi mở một chiếc radio bán dẫn của gia đình đã thay đổi đời Minh. Minh khi ấy gọi nó là “âm nhạc mê hoặc”, bởi cậu không biết có thể loại nhạc nào mà thứ âm nhạc ấy có thể được phân vào đó. Cậu tự nhủ: “Mình phải học cái này mới được! Mình phải chơi được như thế!” Minh ghi nhớ từng nốt nhạc mà bản thân có thể nhớ được, tạo nên các ký hiệu biến ngẫu của riêng mình trên trang giấy, thực hành và bắt chước theo những gì cậu nghe được. [tr.33]

- Năm 1988 và 1989, Minh, khi ấy còn là cán bộ ở Đoàn Ca múa Thăng Long, đã tổ chức hai chương trình độc tấu giới thiệu jazz, như một phần các tiết mục trong buổi trình diễn trước công chúng được cấp phép chính thức. Lần đầu tiên, công chúng được nghe nhạc jazz do một nghệ sĩ Việt biểu diễn ở nước Việt Nam dưới thời xã hội chủ nghĩa. Minh được đất nước công nhận là nghệ sĩ saxophone đầu tiên ở Việt Nam sau khi diễn hai chương trình độc tấu tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhạc jazz được thừa nhận bởi những tên tuổi quan trọng trong giới âm nhạc chính thống. Cả hai buổi hòa nhạc đều được ghi hình và phát sóng trên truyền hình quốc gia. Jazz đã được nghe trên khắp Việt Nam khi đất nước bắt đầu những bước đi mới mẻ trên con đường cải cách. (tr.37)

- Với tôi, tôi nhìn vào đoàn chơi nhạc và tôi tự hỏi bản thân rằng liệu có một ngày khi jazz ở Việt Nam cũng có cùng được môi trường học tập như những sinh viên này có khi theo học ở Học viện Monk. Trước đó tôi chưa từng mơ rằng một ngày kia tôi có thể đứng kế bên Herbie Hancock trên sân khấu. Nhưng chúng tôi đã làm vậy! Tôi trước đó chưa từng mường tượng rằng mình có thể chơi hết tâm can trên sân khấu với một nghệ sĩ jazz vĩ đại và với sự tôn trọng lẫn nhau. Và rằng chúng tôi có thể học hỏi điều này điều kia từ nhau. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra cảnh tượng như vậy khi, khi còn là một cậu bé 14 tuổi, vô tình biết rằng nhạc jazz tồn tại trên thế giới này! (tr.85+86)

- Tôi sẽ luôn nhớ cái đói liên tục mà chúng tôi phải chịu đựng từ ngày này qua ngày khác trong thời kỳ ấy, nhưng không có cách nào khác. Chúng tôi chỉ có thể ăn khi trở về nhà, và chúng tôi chỉ có thể ăn trong giờ cơm của gia đình. Không có thức ăn ngoài. Tôi luôn chờ mẹ về nhà. Vì khi mẹ về nhà, bà sẽ chuẩn bị bữa trưa hay bữa tối cho cả gia đình, và điều đó có nghĩa là đã đến giờ ăn! (tr.93- thời kỳ tem phiếu)

- Ngay từ ban đầu khi bắt đầu chơi nhạc, tôi đã không có một bài học âm nhạc thực thụ nào. Khi tôi chơi thành thạo được một bản nhạc cụ thể nào đó, tôi sẽ ra chỗ mẹ và chơi cho bà nghe. Mẹ tôi lắng nghe và khen ngợi tôi: “Tuyệt vời!” cũng như động viên tôi tiếp tục luyện tập. Mẹ là một ca sĩ giỏi với giọng ca tuyệt đẹp. Anh có thể nói rằng bà là người thầy đầu tiên và duy nhất của tôi. Mẹ dạy tôi cách lắng nghe và khuyến khích tôi đưa cái mình nghe được bằng đôi tai của mình thành những gì mình chơi trên guitar, và sau này là clarinet. Khi tôi bắt đầu tham gia các buổi diễn và biểu diễn trong các đoàn ca múa, tôi có thể học những bản nhạc mới rất nhanh. (tr.97)

- Khi tôi bắt đầu học clarinet, tôi khao khát mọi thể loại âm nhạc. Tôi nghe mọi thể loại âm nhạc và tôi chơi mọi thể loại âm nhạc có vào thời đó! Bất cứ khi nào nghe được thứ gì thú vị, tôi sẽ thử chơi lại nó. Mỗi lần học được điều gì mới, tôi lại tập luyện chăm chỉ để thành thạo nó. Bất kể tôi chơi được gì trên guitar, tôi cũng sẽ gắng chơi được nó trên clarinet nữa. Tôi thậm chí còn đạp xe tới tận nhạc viện, đứng ngoài cổng và gắng nghe xem sinh viên đang tập gì trong lớp. Những ngày đó, các chú bảo vệ sẽ không cho bất cứ ai không có giấy phép hợp lệ bước vào nhạc viện. Tôi tập trung vào những thanh âm khác nhau mà tôi có thể nghe ra ở ngoài cổng và cố gắng phân biệt thông qua cái hỗn âm được chơi bởi những học trò khác nhau tập luyện những khóa nhạc khác nhau, những bài hát khác nhau và những nhạc cụ khác nhau. Tôi nhận ra rằng họ đang tập luyện những bài tập thực sự kỹ thuật và tinh tế mà tôi không thể đơn giản là học được từ tạp âm lờ mờ, chồng chất bên ngoài cổng. Tôi về nhà. (tr. 109+110 – đọc thêm về lần gặp gỡ của Minh với nhạc jazz)

- Tôi tập luyện một mình và cứ tập những gì tôi đã nghe. Tôi tập cả nhạc cổ điển nữa. Thực ra, bất kể bài nào, bất kể sách thực hành nào, bất kể người ta cho tôi mượn cái gì, tôi cũng tập tuốt! Tôi tiếp tục với thứ đạo đức nghề nghiệp đã khởi sự hành trình của tôi trong âm nhạc, tập luyện và cố gắng thành thạo bất cứ thứ âm nhạc nào tôi bắt gặp. Tôi trở thành một nhạc công cực kỳ đa năng bởi tôi luyện tập và học đủ loại nhạc mà tôi có thể có được hay mượn được. 1972 cũng là năm mà tôi bắt đầu dành nhiều sự chú ý hơn tới saxophone. Tôi nghĩ mình có thể nói rằng khi tôi chơi cho Đoàn Ca múa Hà Tây thì tôi đã là một trong những cây clarinet hàng đầu đất nước. (tr.141)

- Một cách tự nhiên, tôi đi loanh quanh xem những nhạc công jazz Hungary biểu diễn. Hungary có một nền nhạc jazz tuyệt diệu. Những nhạc công thật tuyệt diệu! Và tôi tự hỏi bản thân: “Tôi có thể đứng trong hàng ngũ những nhạc công Hungary và chơi jazz với họ, cùng họ?” Nhưng tôi nhận ra rằng nếu lúc đó tôi chọn ở lại Hungary, tôi sẽ không kiếm sống bằng âm nhạc của mình hay bằng cách chơi jazz. Tôi sẽ đi bán đồ trong chợ! Ngày đó, mọi người sẽ mang thuốc lá và đủ món đồ khác tới bán ở chợ nước ngoài. Anh có thể kiếm rất nhiều tiền nhờ làm thế. Tôi có thể giàu lên và có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trước chuyến đi, giám đốc đã nói chuyện với tôi: “Tôi khá lo lắng về việc ký giấy tờ cho cậu sang Hungary một mình. Tôi sợ là cậu có thể không muốn quay về Việt Nam”. Câu trả lời của tôi rất đơn giản: “Đời cháu đã gắn với việc chơi saxophone. Thứ duy nhất cháu muốn làm, là chơi nhạc. Cháu là người rất có nguyên tắc; khi chương trình xong thì cháu sẽ về. Đó là lời hứa của cháu đấy”. Khi tôi trở về Hà Nội, tôi đến bưu điện để gọi ngay cho ông giám đốc, để báo ông là tôi đã về rồi. Tôi muốn chơi jazz. Tôi đã quyết tâm chơi jazz ở Việt Nam. (tr.164+165)

-  Minh không chỉ còn là một nghệ sĩ saxophone đắt show và một giảng viên saxophone ở Hà Nội, mà còn là một nghệ sĩ jazz đắt show với nhạc mục riêng gồm các nhạc phẩm jazz nguyên gốc. Ông được công nhận như bố già nhạc jazz ở Việt Nam, một tước phong mà các phóng viên trao cho ông khi viết trên những tờ báo và tạp chí địa phương về nền âm nhạc đang thay đổi ở Việt Nam. Quyền Văn Minh đã trở thành một tên tuổi biểu tượng đại diện cho sự tồn tại của jazz ở Việt Nam, và nhạc jazz Việt như một thớ nhỏ song không thể thiếu trong khung cảnh thanh âm Việt Nam. (tr.296+297)

- Tôi tên là Văn Minh, trong “nền văn minh”, và họ tôi là Quyền, trong “quyền lợi”. Cho nên tôi nghĩ rằng tôi “có quyền sống một cuộc sống văn minh”. Tôi có quyền sống một cuộc sống phẩm giá và văn minh bất chấp những gian khó và thách thức trong hành trình chơi jazz của mình… [T]ôi có một giấc mơ, một giấc mơ chơi jazz ở Việt Nam. Vì jazz, tôi đã gặp nhiều gian khó. Vì jazz, tôi đã nhận nhiều hạnh phúc và vui thú. Giờ tôi đã nghỉ hưu ở nhạc viện. Đó là công việc của tôi với đất nước. Nhưng công việc của tôi với cây saxophone thì không bao giờ ngừng lại.

CÂU QUOTE HAY

- Khi tôi dạy những người không chuyên hay người mới bắt đầu, đôi khi họ chỉ muốn học một hai bài trên kèn saxophone thôi. Họ tìm thấy niềm vui trong việc ấy, cho nên tôi dạy họ. Đây là một kiểu hạnh phúc rất mực giản đơn và thuần thực. (tr. 48)

- Nếu như tôi có thể mang lại điều gì đó tốt đẹp cho xã hội với âm nhạc của mình, tôi sẽ làm như thế. Tôi tin rằng âm nhạc của tôi cũng sẽ luôn trả lại tôi điều gì đó tốt đẹp. (tr.49)

- Dù sinh ra ở Việt Nam, một đất nước cơ bản chẳng biết jazz là gì, tôi đã yêu nhạc jazz từ khi tôi nghe được nó trên radio vào năm 1968. Tôi đã chơi nhạc trong hơn 50 năm kể từ năm 1967, và tôi đã mở quán jazz club hơn 20 năm trước, vào năm 1997. Cái sự thật rằng tôi có đủ niềm tin vào bản thân để chơi jazz, tôi nghĩ, tự thân đã là một thành tựu! Trong những điều kiện hạn chế mà tôi học chơi jazz, tôi đã trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, và rồi trở thành một giáo viên saxophone và nhạc jazz. (tr.49)

- Tôi đã lựa chọn tập trung vào sứ mệnh phát triển jazz ở Việt Nam. (tr.70)

- Khi mẹ đặt cây clarinet vào tay tôi, bà bảo: “Mẹ chỉ muốn con chơi thật tốt. Ngay cả khi con chỉ kiếm được một đồng từ việc chơi clarinet, điều đó vẫn đáng giá với mẹ hơn một tỉ đồng từ người khác”. Thời ấy, khi anh bắt đầu thực thụ học chơi một nhạc cụ, điều đó có nghĩa là anh đã chọn một nghề kiếm sống. (tr.102)

- Nhưng đó cũng là thời điểm mà danh tiếng chủ yếu được thiết lập thông qua truyền miệng. Nếu người ta đã nghe anh chơi nhạc, nghe anh chơi nhạc hay, và biết được từ những người khác đã nghe anh chơi, thế thì họ sẵn sàng trả tiền cho anh chơi nhạc. Và họ cũng sẵn lòng trả hậu hĩnh. Và nếu anh chơi hay, anh phải có được sự tự tin để hỏi xin trả giá tốt hơn! (107)

- Nhờ vận may, tôi tìm được một kênh chơi “thứ” nhạc ấy. Tôi lúc đó còn không biết nó được gọi là “jazz”. Tôi run rẩy khi nghe thứ nhạc ấy. Tôi thầm nghĩ, nếu tôi có thể chơi như vậy thì tôi sẽ chẳng còn phải lo lắng gì nữa! (tr.110)

- Bản thân tôi, tôi say sưa trong âm nhạc. Tôi cứ tập luyện âm nhạc của mình. Nhưng khi tập thật chăm chỉ như vậy, anh sẽ trình diện thứ âm nhạc của mình ở đâu? Và tôi thực sự muốn chơi jazz. (tr.158)

- Phát triển jazz ở Việt Nam vẫn là sứ mệnh sau cùng của tôi.

THÔNG TIN TÁC GIẢ

Stan BH Tan-Tangbau 

Tiến sĩ chuyên nghiên cứu về các câu chuyện văn hóa cũng như sự thay đổi chính trị-xã hội ở Việt Nam và khu vực miền núi khắp Đông Nam Á. Nhiều bài viết của ông được đăng trên các tạp chí như Jazz Perspectives, Collaborative Anthropologies, Journal of Narrative Politics và Journal of Vietnam Studies.

Ông từng giảng dạy tại Đại học Ritsumeikan ở Kyoto và Đại học Quốc gia Singapore.

Quyền Văn Minh 

(sinh năm 1954)

Được xem là “Bố già của nhạc jazz Việt Nam”, ông không chỉ là nghệ sĩ saxophone jazz

1
Logo
  • Giới Thiệu
  • Liên Hệ
  • Chính Sách

Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.

Theo Dõi