Ở khu ba xã Đại Đồng có cậu bé Tun mê đá bóng, có cô bé Hương nhà trồng hoa nhài dạy kèm em Mít xinh như búp bê sắp lên lớp một, có thằng Cường ngày ngày bế cu Kèo nghịch ngợm đến vẹo cả sườn… Bầy trẻ quê thơm thảo, xinh xẻo và hồn nhiên ấy có một điểm chung: đều thiếu vắng hơi ấm tình thương của mẹ - những người phụ nữ vì muốn trả nợ, muốn thoát nghèo mà phải bươn chải nơi đất khách quê người.
Trong tác phẩm của Tống Ngọc Hân, có những câu chuyện trong trẻo mà đượm buồn, những khoảng lặng trầm trầm nhưng vẫn ngân nga niềm hi vọng, đưa ta qua nhiều cung bậc cảm xúc của thấu cảm và yêu thương.
TỐNG NGỌC HÂN: Sinh năm 1976, quê quán: Phú Thọ
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam
• Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Phan Si Păng
• Giải thưởng của Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam
• Giải thưởng của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai
• ...
CÁC TÁC PHẨM:
• Những nét vân tay (2007)
• Khu vườn yên tĩnh (2012)
• Sợi dây diều (2010)
• Đêm không bóng tối (2013)
• Mùa hè trên núi (2017)
• …
Kiều mạch trắng tuyển chọn 15 truyện ngắn được nhà văn Tống Ngọc Hân ấp ủ trong dòng chảy từ mạch văn viết về đề tài trung du và miền núi phía Bắc. Mở cuốn sách ra, người đọc sẽ thấy đậm đặc những con người và cảnh vật là đặc sản vùng miền, những quan niệm, hủ tục của các bản làng và cả những câu chuyện về sự nghèo khó, quẩn quanh trong cuộc sống, hay những mặt trái của xã hội hiện đại... Tuy nhiên, đâu đó vẫn lấp lánh lên niềm hi vọng về sự đổi mới, vẫn nồng ấm nét thương yêu về cái tình cảm giữa người với người, sự hy sinh, sẻ chia, tinh thần không gục ngã vượt lên số phận.
Từ cuộc sống khốn khó, tủi nhục và lòng khát khao được yêu thương, sẻ chia của Phấn trong truyện Vá đồng; mối quan hệ huyết thống mỏng manh cùng nhận thức mới mẻ mong muốn phá vỡ đi những quan niệm lạc hậu vốn có của người Dao hiện diện trong suy nghĩ của anh em Liều và Sò ở Kiều mạch trắng; đến Hoàng hậu lên ngôi tác giả đã đưa người đọc vào một câu chuyện mang nhiều yếu tố huyễn hoặc về một chàng trai si tình mong muốn thực hiện ước vọng dang dở của người yêu đã mất là được đứng trên bục vinh quang sắc đẹp, tưởng chừng đã có thể giúp người yêu đạt được ước vọng nhưng cuối cùng vẫn chỉ là một vòng luẩn quẩn...
Mạch truyện biến thiên linh hoạt với nhiều tình tiết được xây dựng mang đến sự kịch tính. Ngôn ngữ tác giả khi thì dung dị, mộc mạc, gần gũi, chan chứa tấm lòng cảm thương sâu sắc với số phận nhân vật; lúc mỉa mai, châm biếm sâu cay khi hướng vào những mặt trái của xã hội... Có thể nói, Tống Ngọc Hân một lần nữa lại thành công khi đưa đến cho độc giả một tập truyện ngắn cô đọng, đậm đà và sực nức hương vị núi rừng mà cô đã yêu, đã say và gắn bó rất lâu rồi.
Sau tập truyện ngắn Khu vườn yên tĩnh, và tiểu thuyết Huyết ngọc, Nhà xuất bản Phụ nữ xin gửi đến bạn đọc tập truyện ngắn Kiều mạch trắng, một ấn phẩm đậm đặc hương vị trung du miền núi phía Bắc của một nữ nhà văn luôn tâm niệm rằng: "Tôi mãi mãi chỉ muốn mình là người kể chuyện. Kể cho tất cả mọi lứa tuổi nghe. Tôi luôn nỗ lực để, dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết, nhắc tới tên tôi là người ta nhớ tới giọng điệu và hình dung ngay ra một miền đề tài tôi quyến luyến không rời suốt cả chục năm qua, ấy là trung du và miền núi phía Bắc".
Nhà xuất bản Phụ nữ xin trân trọng được giới thiệu cùng bạn đọc.
Tác giả
Tống Ngọc Hân là nhà văn thuộc thế hệ 7x (1976). Chị được nhắc đến với những tác phẩm thành công về đề tài miền núi như: Tam không (tập truyện ngắn), Âm binh và lá ngón (tiểu thuyết), Khu vườn yên tĩnh (tập truyện ngắn), Sợi dây diều (tập truyện ngắn)… Sáng tác của Tống Ngọc Hân chủ yếu là thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Chị được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 2013 và đã giành được nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật.
Một số trích đoạn hay
Từ xa, Tàm thấy rõ một bóng người đang lom khom dưới mảnh ruộng nhà Phấn. Lại gần, Tàm nhận ra Phấn. Phấn đang cấy. Lúa xung quanh đã bén chân cả rồi, chỉ còn mảnh ruộng nhà Phấn thôi. Người Tày bản Phùng cấy, mấy chục mảnh mạ cũng chỉ nhờ tay người một ngày là xanh đồng. Người bản Phùng gặt, cũng chỉ nhờ liềm người một ngày là thóc về đầy sân. Chứ không như nhà Phấn. Năm nào Phấn cũng cùi cũi cấy một mình. Đàn bà ở đây, chả ai ưa cái đứa gái Dao ấy cả, họ bảo nhau từ chối Phấn nếu Phấn có nhờ. Họ bảo Phấn vừa đẹp vừa đĩ, nên đáng kiếp quanh năm vá đồng.
(Trích Vá đồng)
Đêm ấy, Khộp vừa thiếp đi thì có tiếng bước chân người đi rất nhẹ lại phía giường mình. Khộp ngửi thấy mùi bồ kết ngào ngạt. Khộp quay người lại, cố mở mắt và dúm người sợ hãi khi thấy một người con gái trẻ đẹp đang nằm xuống bên cạnh mình. Cô ấy mặc bộ quần áo màu trắng. Khộp ngượng ngùng, lấy tay ẩy cô ấy ra. Nhưng cô ấy không nhúc nhích và thân mình cứng đơ như một xác chết. Khộp cuống cuồng gọi Tấn. Phải lâu lắm Tấn mới từ ngoài cửa đi vào, mình trần trùng trục, bận mỗi chiếc quần cộc sát gối. Tấn ngồi xuống mép giường lặng lẽ ngắm người con gái đang say giấc như không hề biết đến sự có mặt của Khộp. Khộp muốn gào lên cho Tấn biết là cô ấy đã chết nhưng cái lưỡi của Khộp cứng đơ. Và rồi Khộp cứ nép vào góc giường, mở mắt trừng trừng, trân trối nhìn Tấn nằm xuống bên cô gái trẻ đẹp. Tấn vòng tay ôm ấp, vuốt ve cô ấy. Tấn nhẹ nhàng hôn lên môi, lên má người con gái. Rồi Tấn từ từ cởi tấm áo trắng của cô ấy ra. Tiếp đến là dỡ bỏ những lớp vải cuốn quanh người cô ấy... Khộp cố vung tay lên để đấm thật mạnh vào tấm lưng trần loang loáng mồ hôi của thằng bạn khốn nạn. Và Khộp tỉnh giấc.
( Trích Hoàng hậu lên ngôi)
Liều nhìn anh trai, mắt Liều nói. Anh ơi! Năm nào anh cũng làm sinh nhật chu đáo cho vợ anh, các con gái anh. Vậy mà, có cái tiệc cúng chay cho bố mẹ chúng ta, anh không làm được là sao? Anh trai Liều nhìn xuống đất, mắt anh nói. Em ơi, phận đàn bà nước chảy bọt trôi. Đàn bà con gái Dao ta, sống có ngày sinh, chết không có ngày giỗ. Em biết mà. Sao em nỡ lòng ghen tỵ với chị dâu em, với các cháu của em, những người chết không bao giờ cúng giỗ. Liều như kẻ vô hồn, bê cái chậu nhôm đi ra ngoài theo lối cửa ngách. Bỏ xa đám đông đang chúc tụng rền rĩ.
(Trích Kiều mạch trắng)
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi