Nhà Lê Sơ (1428 - 1527) Với Công Cuộc Chống Nạn 'Sâu Dân, Mọt Nước'
'Thời Lê sơ trong lịch sử Việt Nam luôn có sức hấp dẫn đối với giới nghiên cứu lịch sử trong nước và ngoài nước, bởi những thành tựu mà triều đại này đã đóng góp vào tiến trình phát triển của dân tộc trên nhiều phương diện. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu tổng quan hoặc chuyên sâu về các lĩnh vực hoạt động khác nhau của thời Lê sơ được công bố. Tuy nhiên, phần lớn đều là những công trình nghiên cứu về thành tựu và những đóng góp thiên về hướng tích cực. Hiện vẫn còn chưa nhiều những công trình nghiên cứu về những tồn tại, hạn chế và cách thức ứng phó với những biểu hiện tiêu cực, hạn chế của thời Lê sơ. Công trình nghiên cứu Nhà Lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước” của anh Trần Đình Ba có thể được xem là một trong số ít ỏi đó. Thông qua tư liệu lịch sử và phương pháp tiếp cận của sử học để xem xét, đánh giá những nỗ lực của nhà Lê sơ trong việc bài trừ vấn nạn tham nhũng, công trình nghiên cứu của Trần Đình Ba đã góp phần làm sáng tỏ bức tranh hiện thực lịch sử về thời Lê sơ không chỉ ở gam màu sáng mà còn ở cả gam màu tối. Qua đó, hiện thực lịch sử được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan và toàn diện hơn. Đây cũng chính là tư tưởng xuyên suốt của công trình nghiên cứu này.
Bằng văn phong khoa học, Trần Đình Ba đã dẫn dắt người đọc chậm rãi nghiền ngẫm về vấn nạn tham nhũng của thời Lê sơ nhưng cũng là vấn nạn của mọi thời đại. Qua thời Lê sơ đối với tệ nạn tham nhũng tuy chưa phổ biến nhưng cũng đã xảy ra trên nhiều lĩnh vực, với nhiều đối tượng; những nỗ lực ngăn chặn nạn sâu dân, mọt nước của nhà Lê sơ thông qua một hệ thống các biện pháp kết hợp giữa răn đe, trừng phạt và giáo dục; chính sách bồi dưỡng và sử dụng con người trong bộ máy công quyền nhằm đề cao tinh thần “dưỡng liêm” và năng lực thực hành công vụ của đội ngũ quan lại… Công trình này sẽ rất có giá trị với nhiều đối tượng bạn đọc, nhất là bạn đọc yêu thích lịch sử nước nhà. Tác giả Trần Đình Ba còn rất trẻ, cần có sự bồi bổ kinh nghiệm nghiên cứu không ngừng để các công trình nghiên cứu của anh có hàm lượng khoa học ngày càng cao hơn, thể hiện sự sắc sảo hơn nữa. Riêng đối với công trình nghiên cứu này, Trần Đình Ba đã cho thấy được năng lực nghiên cứu, năng lực kiến giải những vấn đề lịch sử “gai góc” cùng sự say mê đối với khoa học lịch sử của anh. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tác phẩm này!'
(PGS.TS TRẦN THỊ MAI)
Những Con Chữ Ngoài Trang Sách
Tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách mà quý độc giả đang cầm trên tay này là sự thu góp những gì tác giả đã tìm hiểu, đã đọc, đã viết về một quãng lịch sử ra đời, phát triển của nghề xuất bản sách ở Việt Nam, kể từ khi kỹ thuật in chữ rời bằng máy của phương Tây du nhập sang nước ta, cho đến tháng 8 năm 1945.
Tác phẩm được chia thành những bài ngắn theo các chủ đề cụ thể để tiện cho độc giả theo dõi hơn là triển khai liền mạch theo hướng công trình nghiên cứu chuyên sâu. Tác giả cung cấp những thông tin, tư liệu liên quan đến việc xuất bản, in và phát hành sách thời gian nửa cuối thế kỷ XIX đến năm 1945: từ hoạt động sáng tác, tới bản thảo, chế độ kiểm duyệt, in ấn, xuất bản, phát hành; thậm chí là vấn đề thiết kế bìa, sửa lỗi sai cho đến giá cả, số lượng in, quan điểm về sách, vai trò của việc đọc cùng những gương ham đọc sách...
Sách được chia làm ba phần. Phần 1 và Phần 2 điểm lược về lịch sử hoạt động xuất bản ở Việt Nam từ xưa tới năm 1945 theo những chủ đề nhỏ sát hợp với đời sống xuất bản, như hoạt động in ấn, văn thi sĩ làm xuất bản, hoạt động dịch thuật, các cách quảng cáo, phát hành, bán sách... Phần 3 tập trung vào những cá nhân gắn liền đời sống với sách vở và văn hóa đọc. Họ là những con người coi trọng sách, đọc nhiều cũng như có những quan điểm rõ ràng về tầm quan trọng của sách, của sự đọc, cho thấy tiền nhân nâng niu, quý trọng
và sử dụng sách hữu dụng biết bao. Chia theo những chủ đề nhỏ như vậy, nên với tác phẩm này, sự bao quát sẽ không thể đạt được tính toàn diện mà chỉ là những mảnh ghép góp phần bổ túc ở mức độ nhất định những gì liên quan đến hoạt động in ấn, xuất bản, phát hành sách.
Tác phẩm này khởi một phần từ những bài viết của tác giả đã đăng trên các báo, tạp chí: Thanh niên, Pháp luật 4 phương, Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Công giáo và Dân tộc, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Zingnews... Đây cũng là ấn phẩm mà Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt bạn đọc nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai được tổ chức vào hạ tuần tháng 4 năm 2023.
Mong rằng, với tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách, bạn đọc sẽ có thêm được thông tin về ngành xuất bản, in ấn và phát hành sách Việt Nam mà chúng ta còn khá ít tài liệu. Lẽ dĩ nhiên, tác phẩm không thể bao quát toàn diện tất cả những gì liên quan mà độc giả mong muốn tìm về để nâng niu sự đọc.
Việt Án: Lần Theo Trang Sử Cũ
Khởi nguồn và mục đích
Cuốn sách “Việt Án: Lần Theo Trang Sử Cũ” là tập hợp những bài viết được tác giả chắt lọc từ chuyên mục “Án Xưa Tích Lạ” trên báo Pháp luật 4 phương. Ban đầu, tác giả không hề có ý định viết một cuốn sách. Cơ duyên đến khi nhận lời chủ biên tuần báo Pháp luật 4 phương, với mong muốn tìm kiếm và chia sẻ những câu chuyện về các vụ án lịch sử, nhằm giúp bạn đọc “nói xưa ngẫm nay”.
Kể từ ngày 11 tháng 5 năm 2015, mỗi tuần tác giả đều cặm cụi tìm kiếm trong kho tàng sử sách Việt Nam, để gom góp những vụ án hay, đặc biệt. Càng tìm, tác giả càng nhận ra nhiều vụ án, nhiều cách xử án độc đáo và chưa từng được biết đến.
Cuốn sách là lời kể về những vụ án nổi bật từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX, cùng một số vụ án liên quan đến thời kỳ thực dân Pháp xâm lược và thời Pháp thuộc (sẽ được trình bày trong một cuốn sách khác). Với mong muốn giúp bạn đọc tìm hiểu về những vụ án xưa trong lịch sử nước nhà mà chưa có điều kiện tra cứu, tác giả hy vọng cuốn sách này sẽ là một nguồn thông tin hữu ích.
Những điểm thú vị trong cuốn sách
Khám phá cách xử án tài tình: Qua những vụ án được tái hiện trong sách, độc giả có thể cảm nhận được rằng, không phải mọi vụ án đều được xét xử dựa trên luật pháp. Tài năng và cách xử lý của người nắm giữ cán cân pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính công bằng.
Sự linh hoạt trong phá án: Những vụ án được khám phá thông qua nhiều cách thức phá án sáng tạo và tài tình của các quan xử án, chứng tỏ cha ông ta xưa kia, khi phương tiện điều tra còn hạn chế, đã rất linh hoạt và sáng tạo trong việc giải quyết các vụ án.
Phản ánh góc khuất của lịch sử: Bên cạnh những điểm sáng, cuốn sách cũng phản ánh những góc khuất của một số vụ án, những bất công do tham nhũng, nhũng nhiễu, sự cảm tính của người đại diện cho cán cân pháp luật, hoặc do mục đích đen tối của những cá nhân và tập thể vì mưu đồ chính trị.
Lưu giữ những vụ án oan khiên: Nhiều vụ án oan khiên được tạo nên bởi quyền lực, đẩy người ta vào vòng lao lý, thậm chí là phải lụy thân.
Lưu ý cho bạn đọc
Tác giả lưu ý, có những vụ án tính xác thực chưa được minh định rõ ràng, ví dụ như vụ án vua Lê Thánh Tông nhờ Quận Gió mà phát hiện quan tham ô, hoặc vụ án không ghi rõ tên tuổi nhân vật như vụ án ở Từ Sơn.
Cuốn sách chỉ là tập hợp những ghi chép của tiền nhân, chưa có mục đích phân tích hay đánh giá.
Tác giả cũng không đưa vào những vụ án đã được nhiều người biết tới như vụ Lệ Chi Viên, vụ Thái sư Lê Văn Thịnh…
Do thời gian và kiến thức hạn hẹp, tác giả chưa tìm hiểu hết được tất cả các vụ án đã từng được ghi lại.
Tác giả cung cấp đầy đủ nguồn tham khảo cho từng bài viết để bạn đọc tiện đối chiếu.
Lời kết
Dẫu cố gắng chăm chút câu chữ, gạn lọc tư liệu, tác giả vẫn biết rằng trí tuệ và khả năng của con người là hữu hạn. Có thể vẫn còn những thiếu sót mà tác giả chưa phát hiện ra hoặc thiếu tư liệu. Tác giả chân thành mong nhận được góp ý từ phía bạn đọc để hoàn thiện hơn trong những ấn bản sau.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi