Trương Chí Hùng
Ngày sinh: 25/02/1985
Quê quán: xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Hiện là Giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang;
Hội viên Hội VHVT Tỉnh An Giang
Man mác Vàm Nao
Khi nghĩ về tuổi thơ, ký ức tôi neo lại lúc theo má bơi xuồng xuôi dòng sông Hậu hái bông điên điển. Tôi nhớ những lần theo ba đi giăng câu, đặt trúm lươn, bẫy cò, bắt rắn. Lớn lên chút nữa, tôi cùng mấy đứa bạn trong xóm đi tát đìa bắt cá, đi soi ếch, đi cắt lúa mướn hay bất cứ việc gì gắn với ruộng đồng, sông nước. Miền Tây đong đầy tôi bằng những ngày hè rực nắng nhuốm mùi rơm rạ đồng chiều, bằng những đêm trăng thả xuồng lênh đênh trên cánh đồng nước nổi, bằng những câu vọng cổ tài tử thổn thức trăm năm.
Có lẽ với nhiều người, miền Tây dịu dàng e ấp như cô gái quê trong chiếc áo bà ba che nghiêng vành nón lá. Nhưng mấy ai biết rằng, thẳm sâu bên trong miền Tây vẫn chứa đựng nhiều nỗi thăng trầm mà chỉ có những người ngụp lặn cả đời với nó mới thấu hiểu. Tôi viết cuốn sách này là muốn lưu giữ những giá trị thiêng liêng của một miền sông nước đang đứng trước bao biến thiên thế cuộc. Tôi xót xa chứng kiến những con sông nắng mưa bồi lở, bao phen ngậm ngùi nhìn mùa nước nổi vắng bóng cá tôm, cay đắng cùng số phận của những người nông dân bị bứng khỏi quê nhà dạt trôi tứ xứ. Nhưng dù có vật đổi sao dời đến đâu, thì miền Tây vẫn đọng lại trong tôi biết bao điều tốt đẹp. Cái đẹp của tình đất tình người.
T.C.H.
Trích đoạn:
“Tôi viết cuốn sách này là muốn lưu giữ những giá trị thiêng liêng của một miền sông nước đang đứng trước bao biến thiên thế cuộc. Tôi xót xa chứng kiến những con sông nắng mưa bồi lở, bao phen ngậm ngùi nhìn mùa nước nổi vắng bóng cá tôm, cay đắng cùng số phận của những người nông dân bị bứng khỏi quê nhà dạt trôi tứ xứ. Nhưng dù có vật đổi sao dời đến đâu, thì miền Tây vẫn đọng lại trong tôi biết bao đều tốt đẹp. Cái đẹp của tình đất tình người.”
“Tôi đã đi qua biết bao con sông, mỗi con sông có hơi thở riêng, không dễ gì vẽ lại. Tôi từng ngắm con sông Bổn Sồ xanh vời vợi lục bình trôi, từng cắn mấy con ốc đắng bắt dưới lòng sông này đem trộn gỏi bắp chuối sáp. Thế nhưng khi thả mình trên con sông trong đêm thanh vắng, tôi bỗng thấy chữ nghĩa bất lực với hồn phách dòng sông. Mặt sông Bổn Sồ vẫn tĩnh lặng soi bóng bao số phận, thản nhiên một cách bình tâm.” - Miên man Chợ Lách -
“Ánh mắt của anh Tuấn đọng lại trong tôi khá lâu, cứ day dứt mãi. Cho đến một hôm, tôi đi đám giỗ nhà người thân ở Miệt Thứ - U Minh thì ánh mắt ấy mới thôi ám ảnh. Tôi nhớ hôm đó, khi mọi người đang ăn uống nói cười vui vẻ, bỗng có bà dì ở bàn bên cất lên một câu vọng cổ ngọt như mía lùi. Dì ca một cách tự nhiên, không kiểu cách luyến láy như ca sĩ nhưng nghe mùi mẫn đến đứt gan đứt ruột. Sau phần “khởi xướng” của dì, lần lượt các bàn khác mỗi bàn ca một bản, dài vắn tùy chọn. Cứ thế xoay vòng mãi. Ca không có đờn, không có âm thanh kỹ thuật hỗ trợ nhưng ai cũng say sưa. Gặp những đoạn cao trào, nhiều người gật gù ca theo. Có người lấy đũa gõ nhẹ vào thành chén đĩa giữ nhịp, tạo ra một không khí vui tươi nhưng sâu lắng. Cứ thế, họ ca với nhau đến tận khuya. Càng về khuya, tiếng ca càng ngân vọng ra xa, bao cung bậc thổn thức cứ khoan nhặt mãi.
Tôi đem chuyện anh Tuấn và chuyện tham dự buổi ca tài tử đậm chất Nam bộ ở Miệt Thứ kể cho chú Nguyễn Đình Chiến, một nghệ nhân tài tử kỳ cựu ở An Giang nghe. Chú Chiến trầm ngâm bảo, đờn ca tài tử đã ăn vào máu thịt của người dân Nam bộ, nên không dễ gì chết được đâu. Có thể mỗi thời kỳ, diện mạo của nó có khác nhau, nhưng tuyệt nhiên không chết. Ở đô thị, người ta ca tài tử trên sân khấu, ca với âm li thùng loa cỡ bự. Còn nông thôn, người ta vẫn ca mộc mạc bên chiếu rượu, trên bờ đê những đêm trăng sáng, trên mấy chiếc xuồng ghe thương hồ bập bềnh sóng nước. Đó là giá trị tinh thần lớn lao của lưu dân phương Nam, nên không thể nào mất được. Chú Chiến còn bảo, tín hiệu vui là mấy năm gần đây, nhiều cuộc vận động sáng tác lời mới cho bài ca vọng cổ, nhiều tỉnh tổ chức thi ca vọng cổ tài tử, thi sáng tác cải lương. Đặc biệt, nghệ thuật đờn ca tài tử đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể. Đó là những minh chứng cho thấy chúng ta đang làm tất cả để giữ gìn loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.” – Về phương Nam lắng nghe cung đàn… -
Mọi sự sống trên trái đất này liên quan và phụ thuộc vào nước. Nước tham gia thành phần cấu trúc sinh quyển, nước điều hoà khí hậu, nước tưới tiêu ruộng vườn, các cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp ít nhiều đều có sự hiện diện của nước… Tất cả những điều này tìm thấy dễ dàng ở miền Tây Nam Bộ, nơi mảnh đất và hồn người được tưới tắm trong dòng nước ngọt Cửu Long.
Sống cùng nước tạo nên nét văn hóa độc đáo vô song. Sinh ra đã thấy dòng sông bên nhà, lớn lên một chút bơi xuồng trên kinh rạch, trường thành đi xa ai cũng nhớ mùa nước nổi, nước ròng. Nước hòa vào lời ăn tiếng nói, nhập vào nếp nghĩ nếp làm. Nước tặng cho con người đời sống no đủ với bao sản vật. Khi mất đi, con người và sông nước cũng không thể tách rời… Với từng trang viết Sống cùng nước, nhà văn Trương Chí Hùng dẫn dắt bạn đọc bước vào hành trình khám phá đầy xúc cảm cùng nhiều phát hiện thú vị về văn hóa và con người đang gắn bó mật thiết với dòng Cửu Long.
“Một buổi sáng thức dậy, tôi thấy nước trên đồng phẳng lặng như mặt hồ, vài sợi bấc hiu hiu se lạnh. Đám sậy bắt đầu trổ bông nhu nhú. Vài con cò xanh nhởn nhơ kiếm mồi trên mấy dề trấp. Má tôi lẩm nhẩm ca rằng:
Con cò xanh nhảy quanh hòn đá
Chờ nước cạn ăn cá ăn tôm…”
Nhà văn Trương Chí Hùng
Sinh năm 1985 tại An Giang.
Hiện là giảng viên khoa Sư phạm, trường Đại học An Giang.
Giải nhất Cuộc thi Bút ký văn học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần VII, năm 2017.
Sách đã in:
Một nửa nhà quê (NXB Hội Nhà văn, 2014)
Trong sương thương má (NXB Kim Đồng, 2019)
Man mác Vàm Nao (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2019)
Miền Tây là lắm à nghen (NXB Kim Đồng, 2020)
Muôn Vị Miền Tây
Rau đắng nấu với cá trê
Ai đến lục tỉnh thì mê không về…
Canh chua điên điển cá linh
Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon…
Từ những sản vật sẵn có ở sông nước miệt vườn, giờ đây dân miền Tây đã biến tấu ra hàng trăm món khác nhau, mà món nào cũng ngon quá chừng ngon.
Ẩm thực giữ vị trí đặc biệt trong bản sắc mỗi vùng đất. Nhắc đến miền Tây là nhắc tới các món ăn hương vị ngọt ngào nồng đượm, nguyên liệu đa dạng dồi dào, cách thức chế biến muôn hình vạn trạng. Những món ăn đặc sắc của người Kinh, người Hoa, người Chăm, người Khmer hiện diện nơi đây, hòa quyện vào nhau, khiến người ta nhớ mãi sự độc đáo, khó quên. Độc đáo bởi nguồn sản vật đặc trưng miền miệt vườn sông nước, khó quên bởi được tạo nên từ bàn tay, tính cách con người.
Thưởng thức món ngon miền Tây, có bao giờ bạn tự hỏi những món ăn đó chất chứa điều chi? Có câu chuyện thú vị nào gửi gắm đến người thưởng thức? Điều gì làm nên sự khéo léo và cách chế biến sáng tạo không ngừng? Đi tìm lời giải cho những tò mò ấy, bạn có thể được nhà văn Trương Chí Hùng chia sẻ trong quyển sách này.
Đọc từng trang Muôn vị miền Tây, bạn sẽ nhận ra: Ẩm thực không đơn thuần là những câu chuyện về món ăn thức uống, mà còn là một hành trình khám phá văn hóa, lịch sử và tâm hồn.
---
Nhà văn Trương Chí Hùng sinh năm 1985 tại An Giang
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hiện là giảng viên khoa Sư phạm, trường Đại học An Giang
Giải nhất Cuộc thi Bút ký văn học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần VII, năm 2017
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi