The Friend - Bạn Đồng Hành
Sách thắng giải National Book Award hạng mục tiểu thuyết năm 2018.
The Friend là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Sigrid Nunez – được kể qua giọng một nhân vật không tên buộc phải nhận nuôi Apollo, con chó giống Great Dane, từ người tri kỉ vừa tự tử (mà cô gọi là “anh”).
Trong suốt tác phẩm, chúng ta dường thấy tồn tại hai thế giới: Thứ nhất là khoảng hồi ức về người đã khuất – một nhà văn nổi tiếng song cũng có đời sống đầy tai tiếng, thứ hai là vùng hiện tại bên cạnh chú chó bị trầm cảm (do sự ra đi đột ngột của chủ nhân). Người kể chuyện “dịch chuyển” giữa hai thế giới này, tuần tự đối diện với những vấn đề không dễ vượt qua: nỗi hụt hẫng, trống trải khi mất đi tri kỉ trong chớp mắt; trách nhiệm dành cho con vật mà mình chưa hề được chuẩn bị để nhận nuôi; mối băn khoăn giữa việc viết hay không viết; thái độ đối với sự lựa chọn kết liễu cuộc đời…
Ở không gian hồi ức, khi nhớ về “anh”, nhân vật suy ngẫm nhiều đến nghiệp viết, từ lăng kính của “anh” hoặc từ góc độ của những cây bút nổi tiếng:
Anh nói với em, thay vì viết về những gì em biết, hãy viết về những gì em thấy.
Anh nói, ngày càng nhiều người tự xuất bản sách của mình thì đúng là thảm hoạ.
Tất cả các nhà văn đều là quái vật. - Henry de Motherlant
Cái xấu được hư cấu thì lãng mạn và đa dạng; cái xấu có thật thì u ám, đơn điệu, trần trụi, và tẻ nhạt. - Simone Weil
Nếu viết văn không khó thì chẳng đáng để viết. - O’Connor
Sở dĩ người kể chuyện lặn ngụp trong dòng suy tưởng về nghiệp viết đến như vậy bởi lẽ cô cũng cầm bút, cũng đang băn khoăn trước câu hỏi liệu mình nên viết cái gì, phải chăng là câu chuyện về người bạn thân thiết cùng con chó khổng lồ của anh. Giống như Christa Wolf – cô lo sợ, viết về ai đó là một cách giết chết người ấy.
Ở hiện tại, cô đối mặt với một thử thách khác: Trách nhiệm dành cho bạn đồng hành mới – chú chó mà “anh” để lại cõi đời. Nhận nuôi Apollo là điều quá đỗi lạ lẫm khi nhân vật đã quen cô độc, quá đỗi mạo hiểm vì con chó sẽ khiến cô mất chỗ ở giữa thành phố siêu đắt đỏ này. Ngỡ tưởng việc Sigrid Nunez tạo ra nút thắt như vậy nhằm “kích đẩy” hình ảnh người kể chuyện, song thật bất ngờ, nó lại khắc tạc vị thế của chú chó: Trải qua những ngày chăm nom Apollo, nhân vật nhận ra rằng dường như nó mới đang trị liệu tâm lý cho cô.
Hình bóng “the friend” – “bạn đồng hành” của nhân vật – chuyển đổi giữa tiểu thuyết gia đã khuất và chú chó Apollo to lớn, qua đó tác giả xen cài một vấn đề vẫn còn nhạy cảm ngay cả trong xã hội hiện đại: Nếu cuộc sống con người đáng giá hơn cuộc sống của loài vật thì liệu chúng ta có quyền tự chấm dứt nó không? Những nguyên do sâu xa nào giải thích cho sự lựa chọn tự tử, hay hoá ra chẳng có một nguyên do nào hết? Và rốt cục, chúng ta phải lên án điều gì?
Trong nỗi ưu tư xuyên suốt tác phẩm ấy, chú chó xuất hiện “uy nghiêm, đường bệ dưới bầu trời mùa hạ”, và được chọn cho cái tên mới – vị thần ánh sáng, chân lý và nghệ thuật. Con chó khổng lồ song lại điềm lặng, khoan hòa trước cuộc đời: “Ôi, nhìn kìa. Những con bướm. Chúng nên cảnh giác với mày, một đối tượng ăn côn trùng. Cú đớp của bộ hàm kia sẽ chộp gọn gần hết cả đàn bướm. Nhưng lũ bướm vẫn bay dập dờn ở đó, bay thẳng về phía mày, như thể mày chẳng khác gì một tảng đá khổng lồ giữa đám cỏ. Chúng đậu tới tấp xuống chỗ mày như những bông hoa giấy, còn mày – không hề nhúc nhích, một cử động giật giật thân mình cũng không!” Bóng dáng nó dường hòa lẫn với đời sống của những con người.
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.