Câu chuyện bắt đầu từ một thanh niên Việt sống nhiều năm trên đất Mỹ thu thập tư liệu viết luận văn thạc sĩ “Nước Đại Nam – một cường quốc Đông Á”. Rồi một ngày anh đột ngột biết anh có người cha sống một mình ở Huế và ông đang hôn mê sâu. Anh về bên cha, mười ngày sau ông qua đời. Trong thời gian đó cha anh tỉnh lại một lần duy nhất, với cái nhìn và cái nắm tay con trai, kết nối đầu tiên cũng là cuối cùng. Và thế là đủ. Mười ngày chăm sóc cha giữa biệt phủ hoang vắng của gia tộc, khám phá những tủ sách cổ kính, “trò chuyện” với người cha, một tiến sĩ dân tộc học, qua các ghi chép tản mạn tìm thấy trong laptop của ông, người con lần tìm về nguồn cội… Hành trình nhân vật tự hàn gắn đứt gãy để kết nối quá khứ vô tận của dân tộc là chủ đề của tiểu thuyết.
Bằng thủ pháp liên văn bản, rất nhiều mảnh ghép vừa mang tính độc lập vừa tạo được sự gắn kết với toàn cục. Vụ cảm tử quân triều đình Huế xâm nhập tòa khâm sứ Pháp tìm hủy văn bản điều ước bất lợi trước khi nó được đưa về Paris mở ra cái nhìn bi tráng về chiến tranh Việt-Pháp. Hình ảnh cô đào nhỏ Bắc kỳ ôm cây đàn đáy theo đoàn di cư vào Nam tìm cha đủ soi rọi cả cuộc phân cắt đất nước sau hiệp định Geneve. Thiên phóng sự truyền hình của một nhà báo trẻ lập tức đưa người đọc vào điểm nóng thời sự Biển Đông, cuộc khởi nghĩa Duy Tân…
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi