Đây là tác phẩm xuất bản lần đầu năm 1834, viết về năm 79 sau công nguyên (tức thế kỷ 1) – nghĩa là viết về con người, tình yêu và thiên nhiên cách đây đã 20 thế kỷ. Nhưng dường như những gì chứa đựng trong cuốn sách vẫn chưa cũ, chưa lạc hậu chút nào.
Thoạt đầu, tôi tưởng đây là là cuốn sách giả sử bi hùng với những cuộc chiến tranh đẫm máu. Nhưng đó chỉ là cảm giác đem đến từ tên của cuốn sách. “Những ngày cuối cùng của thành Pompei” là một câu chuyện lãng mạn, đích thực đúng là tiểu thuyết về tình yêu, mặc dù mang nhiều yếu tố lịch sử và văn hóa. Đây cũng là cuốn sách hiếm hoi được phóng tác hoặc chuyển thể thành phim khá nhiều lần.
Bên cạnh việc kể lại sự kiện núi lửa đã chôn vùi thành Pompeii, bên cạnh việc mô tả những nét văn hóa của thời kỳ xa xưa đó; chiếm nhiều không gian và cảm xúc nhất trong tác phẩm vẫn là tình yêu. Ở đây không phải là bi kịch của mối tình tay ba, mà thậm chí đến cả “tay năm”. Nhân vật chính là chàng trai Glaucus, một hình mẫu nam nhi lý tưởng tại thành phố đó; cùng với tình yêu tha thiết và trong sáng của cô gái mù Nydia dành cho chàng và tình yêu của chàng dành cho cô gái xinh đẹp Ione. Bên cạnh đó là sự mê đắm của gã Arbacès xảo quyệt đối với Ione và tình cảm của cô gái Julia đối với chàng Glaucus.
Khi yêu, những kẻ xấu xa sẽ tìm cách chiếm đoạt tình yêu và người yêu; người cao cả sẽ hy sinh cho tình yêu, thậm chí làm điều đó trong thầm lặng. Mối tính giữa Glaucus và Ione vốn dĩ rất đẹp, nhưng dường như nó còn chưa tỏa sáng bằng trái tim và tấm lòng của Nydia. Liệu tình yêu có giúp con người hạnh phúc hơn? Đó là trăn trở không dễ trả lời sau khi đọc tác phẩm này.
Tất nhiên, cuốn sách viết về thời đại này không thể thiếu cảnh đấu trường ghê rợn, những câu chuyện thần linh, các đức tin của con người. Chúng ta còn được kể về thiên nhiên cuồng nộ và những con người – dẫu cách xa hơn 20 thế kỷ – vẫn có đủ những hỉ – nộ – ái – ố mà ta gặp mỗi ngày.
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.