Văn học hiện đại Séc nửa đầu thế kỷ XX có nhiều nhà văn nổi tiếng, nhưng nổi trội là bộ ba vĩ đại: Jaroslav Hašek (1883–1923), Franz Kafka (1883–1924) và Karel Čapek (1890–1938). Franz Kafka sáng tác bằng tiếng Đức, Jaroslav Hašek và Karel Čapek sáng tác bằng tiếng Séc. Franz Kafka và Karel Čapek là hai tác giả đã rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Còn bộ tiểu thuyết Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới của Jaroslav Hašek là tác phẩm văn học Séc được chuyển ngữ nhiều nhất, tính đến năm 2020 đã được dịch sang 62 thứ tiếng khác. Ngay từ khi tác phẩm ra đời và cho đến hiện nay, không chỉ ở Séc, mà cả ở nước ngoài, nó cũng còn được chuyển thể sang kịch bản sân khấu, điện ảnh, truyền hình và truyền thanh.
Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới kể về một anh chàng làm nghề bán chó tên là Švejk ở Prague. Hay chuyện, tốt tính, nhưng nhiều lúc lại đần độn như thể có chủ ý, Švejk nhiệt tình tham gia vào cuộc chiến để phụng sự Hoàng đế Áo - Hung. Cuốn tiểu thuyết theo chân Švejk trong những tình huống dở khóc dở cười phần lớn do chính Švejk gây nên.
Cuốn tiểu thuyết có một không hai trong lịch sử văn học Séc này cũng có một số phận rất đặc biệt. Ngay sau khi nó ra đời, và cả một thời gian dài sau đó, trong khi những người dân thường đọc nó một cách say mê và khoái chí thì, trừ một số nhà văn nhà báo nhận thấy ngay đây là một tác phẩm đáng đọc, làng văn Séc hầu như không chấp nhận nó, không coi nó là một tác phẩm văn học, không coi tác giả của nó là nhà văn. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng Švejk là kẻ trốn tránh nghĩa vụ, rằng cuốn sách này gây tác hại đến đạo đức người lính, có người còn nguyền rủa phỉ báng Hašek và cách sống của ông.
Nhưng dần dần, những lời khen nhiều hơn, và sau đây là một số trích dẫn thay cho lời phân tích tác phẩm:
Max Brod (1884–1968), nhà ngôn ngữ học, dịch giả, nhà báo, nhà văn viết bằng tiếng Đức, đã viết vào năm 1923: “Nhà văn dân gian người Séc đã đạt được điều mà hàng trăm nhà văn khác cố gắng suốt đời nhưng không thành: đó là việc sáng tạo, xây dựng được một nhân vật, một con người độc đáo, đồng thời là một kiểu người. Tác phẩm của Hašek – mặc dù có thể là chính bản thân tác giả không biết về điều này – là tác phẩm hàng đầu. Nhà văn không thể mong muốn gì hơn được nữa: đó là nhân vật xuất hiện từ cõi sâu thẳm nhất của tâm hồn con người, và lập tức được mọi người công nhận và tiếp nhận vào tâm thức của mình. Và chúng ta có thể đặt giả thiết hầu như chắc chắn rằng, một nhân vật như thế phản ánh được cái gì không thể mô tả được, không chỉ về dân tộc nó xuất thân, mà còn về sự liên quan đến cơ sở tồn tại bí ẩn nhất của loài người. Nhân vật ấy cũng giống như Hiệp sĩ gàn dở Don Quixote de la Mancha, mặc dù lúc đầu châm biếm người Tây Ban Nha, nhưng cuối cùng đã trở thành biểu tượng được yêu mến nâng niu bởi tất cả mọi sự gàn dở điên điên, về mặt tốt, cũng như mặt xấu của mình. Bằng lời ngợi ca này, tôi nói về những cuốn sách đã đưa tên tuổi của Người lính tốt Švejk ở Praha trở thành nổi tiếng”.
Nhà phê bình văn học, sân khấu và mỹ thuật, đồng thời là đạo diễn điện ảnh và dịch giả Séc Josef Kodíček (1892–1954) viết vào năm 1927: “Có những nhà phê bình có học thức và cao thượng thấy kinh hãi nhân vật Švejk. Có những nhà văn tuyên bố rằng Švejk là cuốn sách mà họ không mang theo cả khi phải ra hòn đảo hoang vắng. ‘Vì sao? Chỉ vì trong đó có nói tục ư?’ Ngược lại, nhà thơ và nhà văn Durych nói rằng Švejk phải được đúc thành tượng. Về phía mình, chúng tôi không sợ trở thành nhà tiên tri khi khẳng định Švejk sẽ được đọc cả vào khi mà phần lớn các sáng tác cùng thời với nó bị lãng quên.”
Nhà báo, nhà văn trào phúng Séc Karel Poláček (1892–1945) đã viết vào năm 1930: “Švejk là một tác phẩm thú vị và tôi nghĩ là lịch sử văn học phải nghiên cứu. Chỉ ngay về mặt hình thức thôi nó cũng thú vị rồi. Nó là tiểu thuyết ư? Là sử ký hài hước ư? Có thể nó là tiểu thuyết hài hước được gộp lại từ các chương, tức là nó có đặc trưng của các cuốn tiểu thuyết hài hước nổi tiếng nhất trên thế giới, như nhà văn Karel Čapek đã khẳng định…”
Nhà văn, nhà báo và dịch giả Ivan Olbracht (1882–1952) đã viết những dòng này năm 1921: “Nếu muốn cười thật sự, bạn hãy đọc Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới của Jaroslav Hašek... Hàng chục nghìn người đọc Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới (10.000 cuốn phát hành lần đầu đã bán hết), hàng chục nghìn người nghiêng ngả cười trên các trang sách. Thế mà không một nhà phê bình văn học nào dám khen nó. Bạn hãy hỏi một độc giả bình thường nhận xét của người ấy về cuốn sách, và độc giả ấy mới chỉ nghe đến tên Švejk là đã bật cười. Suy cho cùng thì đó là câu trả lời tốt nhất. Nhưng nếu bạn hỏi một người “có trình độ về văn học” thì người ấy cười độ lượng rồi ngập ngừng trả lời nước đôi: “Ờ…” Người ấy không dám làm kẻ vô ơn mà nói gì xấu về cuốn sách, bởi nó đem lại cho người ấy nhiều lúc vui vẻ. Nhưng khi nghĩ đến phong cách hoàn toàn “phi văn học”, đến ngôn ngữ nhà binh, đến ngôn ngữ ngoài đường phố và các quán ăn rẻ tiền thì người ấy lại sợ mất thể diện khi nói “đấy là cuốn sách tuyệt vời”.
Švejk là một kiểu nhân vật hoàn toàn mới trong văn học thế giới. Một kiểu người đần độn trong dân gian Séc lần đầu tiên xuất hiện trong văn học viết và được đưa vào cuộc sống hiện đại ồn ã. Một kiểu người bình thản được nhìn từ một góc độ mới. Chúng ta vui vì gặp một kiểu người hoàn toàn ngược với kiểu người đáng ghét “tính nết có vấn đề”, “không bằng lòng với bất kỳ tình huống nào, cũng chẳng hợp với bất kỳ tình huống nào”, bởi vì Švejk là người hài lòng trong mọi tình huống, và cũng ở thế mạnh hơn trong mọi tình huống. Một người ngu tinh khôn, hay thật sự là một người ngu tài tình, người có cái vẻ hiền lành ngu xuẩn, nhưng đồng thời ranh mãnh như thế phải thắng ở mọi nơi. Kiểu người văn học mới này không thể làm chúng ta quan tâm đến thế, vui vẻ đến thế, nếu nó không phải là một phần của chúng ta, nếu “ngôn ngữ Švejk” ít nhiều không phải là của tất cả chúng ta, tương tự như “ngôn ngữ Don Quixote”, “ngôn ngữ Hamlet”, “ngôn ngữ Faust”, hay “ngôn ngữ Oblomov”.
Hašek giải nghĩa cho chúng ta về Thế chiến từ góc nhìn mới. Ông là người trực tiếp tham gia cuộc chiến, đã đi đến một nửa châu Âu và đến cả châu Á. Vận mệnh người lính tốt Švejk của ông là cuốn tiểu thuyết về chiến tranh. Tôi đã đọc một số tiểu thuyết chiến tranh và chính bản thân tôi cũng viết một quyển. Nhưng không có một quyển nào toát ra được toàn bộ sự tàn ác bất lương, cái ngu xuẩn và man rợ của Đại chiến Thế giới một cách rõ ràng như ở cuốn sách của Hašek. Ông không đòi hỏi phải vượt qua chiến tranh để chiến thắng. Ông đứng bên trên nó ngay từ lúc mở đầu. Ông cười chế nhạo nó. Ông đã cười chế nhạo nó trên toàn bộ cũng như từng chi tiết, như thể nó không hơn gì cuộc ẩu đả say rượu trong quán ăn ở Žižkov. Để có thể có được cái nhìn như thế tất nhiên cần phải có một Švejk mạnh mẽ, cùng với sự ngu xuẩn tài tình. Quang vinh thuộc về người đã làm được điều đó. Và kết quả là: Vận mệnh người lính tốt Švejk là một trong những cuốn sách tốt nhất được viết ở Séc. Khi ở Omsk, Hašek là một con người mẫu mực, nhưng chẳng viết được dòng nào. Ở Praha ông là người lang thang quán này sang quán nọ, nhưng đã viết được một trong những cuốn sách hay nhất của văn học Séc. Siberia có thể tìm được người chỉ huy quân sự tốt khác, nhưng không một người nào khác có thể viết được Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới.”
Đây là lần đầu tiên bộ tiểu thuyết đồ sộ Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới đến trọn bộ với bạn đọc Việt Nam. Chúng tôi tin rằng Švejk sẽ trở thành người bạn văn học đáng yêu của độc giả Việt Nam. Và tương tự như Jan Neruda, Franz Kafka, Karel Čapek, Bohumil Hrabal, Milan Kundera,... cả Jaroslav Hašek cũng sẽ trở thành tác giả quen thuộc ở Việt Nam. Trong tác phẩm này, ngôn ngữ mà Jaroslav Hašek sử dụng là tiếng Séc bình dân từ ngoài đường phố, từ các quán ăn rẻ tiền, nhưng dưới ngòi bút sắc sảo của ông, nó là thứ tiếng Séc rất dí dỏm, khôi hài, đậm sắc dân tộc. Lời kể trong truyện là lời kể tự nhiên không gượng ép, không cố gây cười và cái hài hước chỉ là công cụ để châm biếm đả kích những điều xấu xa trong xã hội và đặc biệt chống lại cuộc Đại chiến tàn khốc. Cái dí dỏm khôi hài và châm biếm rất Séc của của tác phẩm đồng thời cũng có cái chung có thể chuyển tải sang tiếng Việt, bởi trào phúng là điều rất gần gũi trong văn hóa Việt. Và hơn cả, bên cạnh những câu chuyện vui hài hước làm nền là nhiều trang viết về chiến tranh, về những điều sâu sắc khiến độc giả trầm ngâm suy nghĩ. Nói cho cùng, nếu không có cái thông điệp chung như thế thì Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới không thể được dịch ra bằng ấy ngoại ngữ trên thế giới.
Chúng tôi lại xin mượn lời của nhà báo, nhà văn và dịch giả Séc Ivan Olbracht: “Các bạn hãy đọc đi, đây là một cuốn sách tuyệt vời.”
Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới bao gồm 4 tập, khi dịch sang tiếng Việt sẽ được chia thành 2 quyển: Quyển 1 gồm tập I và II, xuất bản vào tháng 10/2020; Quyển 2 gồm tập III và IV, dự kiến xuất bản vào giữa năm 2021.
Tác giả Jaroslav Hašek (30/4/1883–3/1/1923)
Nhà báo, nhà văn bậc thầy về thể loại truyện ngắn trào phúng châm biếm. Tuy chỉ sáng tác trong thời gian ngắn nhưng ông đã viết được gần 1200 truyện ngắn, thường đăng rải rác ở các báo và tạp chí. Một số truyện ngắn được đưa vào tuyển tập khi ông còn sống, nhưng phần lớn chỉ được xuất bản sau khi ông qua đời.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tiểu thuyết đồ sộ Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới, xuất bản trong vòng những năm 1921–1923. Cuốn sách đã được dịch ra tới gần 60 ngoại ngữ, trở thành tác phẩm được dịch sang tiếng nước ngoài nhiều nhất của văn học Séc.
Dịch giả Bình Slavická
Sinh năm 1954 tại Hưng Yên.
Tốt nghiệp Khoa xây dựng, Đại học ČVUT tại Praha (1979), học vị tiến sĩ ngành Khoa học Lịch sử và Dân tộc học, khoa Triết trường Đại học Charles Praha (2016). Hiện sinh sống và làm việc ở Cộng hòa Séc, là giảng viên ngành Việt Nam học thuộc Viện châu Á học, Đại học Charles.
Các tác phẩm văn học Séc đã dịch sang tiếng Việt:
Jan Neruda: Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông (cùng Dương Tất Từ), NXB Văn học, 2018.
Karel Čapek: Bệnh trắng, 1986, NXB Hội Nhà văn, 2020
Jiří Hubač: Nhà trên thiên đường (kịch), 1987
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi