Thực tế cuộc sống hiện nay có quá nhiều thử thách: ở nhà thì lo thức ăn không bảo đảm vệ sinh, lo con cái mải mê điện thoại, iPad mà bỏ bê việc học, ngại anh em cách biệt lẫn nhau…; ra đường thì nơm nớp tai nạn giao thông, sợ cướp giật, hành hung, ngại ngần trước không khí ô nhiễm, hoang mang trước cảnh ngập nước sau một trận mưa… Ta sống một cuộc đời mà luôn cảm thấy có nhiều thách thức, từ vấn đề an toàn của bản thân và gia đình, đến quan hệ xã hội, từ ứng xử với mọi người đến việc giải quyết các công việc khi tiếp xúc với cơ quan công quyền, từ việc học hành của con cái đến công việc ở công sở của chính chúng ta… Ta lo lắng về thu nhập, về chất lượng cuộc sống, về tương lai của gia đình và con cái, về các cuộc “chạy đua” cho bằng chị bằng em…, kể cả ta cũng không yên tâm với vấn đề đạo đức xã hội, về cái mà người ta vẫn gọi là “tiền nghiệp” do kiếp trước để lại, về sự tác động của các trào lưu trong đời sống hay một viễn cảnh đất nước, xã hội trong mươi năm nữa…
Tất cả những điều đó đều là nỗi lo, nỗi sợ rất chính đáng. Ta không lo sao được khi tất cả nó đều có tác động đến cuộc sống của chúng ta, của con em chúng ta, trong một bối cảnh xã hội mà mọi thứ đang diễn ra rất nhanh, rất vội.
Đã vậy, trong khi bao nhiêu điều của đời thực dường như đang vây lấy chúng ta thì một đời sống khác cũng tác động đến chúng ta không ít. Đó là đời sống trong không gian mạng. Những câu chuyện của ai đó mà ta đọc được trên facebook vẫn có thể làm ta lo lắng; vài câu bình luận của “bạn bè” trong friendlist cũng có thể làm ta hốt hoảng; những dòng công kích về một status của ta cũng có thể khiến ta hoang mang… Không chỉ bản thân ta, con cái ta cũng có thể là đối tượng chịu sự tác động, lôi kéo, dụ dỗ của ai đó, của thứ gì đó trong cái không gian tưởng chừng ảo mà lại rất thực này.
Nhưng, có khi nào ta lắng lại để tự đặt ra các câu hỏi và tự trả lời không? Chẳng hạn, ta lo, ta sợ nhiều thứ như vậy nhưng bản thân mình đã có cách nào khắc phục không? Ta có truyền cái lo lắng, sợ hãi đó cho con cái, cho người thân không? Ta có tìm cách chỉ dẫn cho con em mình cách vượt qua các thử thách đó không? Ta có cảm thấy bất lực trước các thách thức vây quanh đó không? Hay ta vẫn cứ lo nhưng hoàn toàn không giải quyết được điều gì trong cái mớ bòng bong lo lắng đó?… Chắc hẳn với mỗi người sẽ có những câu trả lời khác nhau, nhưng người nào thấy an lòng nhất chính là người đã tìm được cách vượt qua nỗi lo đó! Còn người nào càng lo thì lại càng thấy hoang mang, càng sợ thì thấy mọi thứ thêm phức tạp.
Có khi nào ta phải xác định rằng mình phải sống chung với nỗi sợ hay là tìm cách vượt qua nỗi sợ? Sống chung thì nỗi sợ luôn thường trực trong cuộc sống của chúng ta, có thể khiến chúng ta khó có được cuộc sống thoải mái, thanh thản. Nếu bỏ qua nỗi sợ thì ta có thể có được sự ung dung nhất định, nhưng các thách thức vẫn còn đó. Điều tích cực nhất có lẽ là chủ động tìm cách vượt qua nỗi sợ, đối mặt với các thách thức bằng những cách thức, kỹ năng phù hợp. Bởi các thử thách của cuộc sống luôn đến với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, dẫu ta sợ thì nó vẫn đến, dẫu ta lờ nó đi thì nó vẫn hiển hiện, chỉ còn cách đương đầu và vượt qua nó một cách chủ động, hợp lý.
Tập sách này là các gợi ý của tác giả về những điều mà chúng ta có thể xem là các thử thách, thực tế chỉ là một số thôi, vì cuộc sống còn có biết bao thử thách khác mà chúng ta không thể liệt kê ra hết, đồng thời ít nhiều nêu ý kiến chủ quan về việc vượt qua nó. Các chia sẻ đó có thể đúng với người này nhưng chưa hẳn đúng với người kia, có thể có ích với người này nhưng vô bổ với người khác. Điều duy nhất tác giả muốn người đọc đồng cảm là, thay vì sợ hãi, ta nên nghĩ đến khả năng lớn lao của bản thân mình có thể vượt qua nỗi sợ, thay vì nhìn cuộc sống bằng một lăng kính xám xịt thì hãy nghĩ đến những khoảng sáng đẹp đẽ nào đó. Vì khi nghĩ đến những điều đó thì ta sẽ thấy tự tin ở bản thân, sẽ thấy tin tưởng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống.
Và khi đó, ta sẽ vượt qua được nỗi sợ!
Nguyễn Minh Hải
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi