Hai ấn bản trước của Bài học Phần Lan đã mô tả cách một quốc gia Bắc Âu nhỏ bé xây dựng nên hệ thống trường học cung cấp khả năng tiếp cận nền giáo dục đẳng cấp thế giới cho tất cả thanh thiếu niên trong nước như thế nào.
Ở Bài học Phần Lan 3.0, Pasi Sahlberg tiếp nối và cập nhật câu chuyện về cách Phần Lan duy trì thành tích giáo dục mẫu mực của mình, bao gồm cả cách nước này phản ứng với những thay đổi hỗn loạn trong nước và trên toàn thế giới như đại dịch Covid-19.
Những điểm mới quan trọng trong Bài học Phần Lan 3.0 là về một số chủ đề như:
- giáo viên và đào tạo giáo viên;
- giáo dục trẻ em có nhu cầu đặc biệt;
- vai trò của trò chơi trong giáo dục chất lượng cao;
- các phản ứng của Phần Lan trước tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng, điểm số trong các cuộc thi quốc tế không như kỳ vọng và đại dịch toàn cầu.
Trong lúc các quốc gia đang tiến hành cải cách giáo dục, tình trạng khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và bất ổn kinh tế thúc đẩy những thay đổi toàn cầu, Bài học Phần Lan 3.0 khuyến khích giáo viên, học sinh và các nhà hoạch định chính sách có những suy nghĩ lớn rộng hơn, táo bạo hơn khi tìm kiếm các giải pháp mới để cải thiện trường học và toàn bộ hệ thống giáo dục.
Ấn bản này cung cấp thông tin sâu hơn về thế giới giáo dục hiện tại ở Phần Lan dựa trên các số liệu thống kê giáo dục và dữ liệu quốc tế gần đây nhất, bao gồm PISA 2018, TIMSS 2016 và TALIS 2018.
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA
“Với Bài học Phần Lan 3.0, Pasi Sahlberg lại có một đóng góp vô giá khác trong việc hoạch định chính sách giáo dục dựa trên chuyên môn của giáo viên, lòng tin, sự tôn trọng, bình đẳng và sự tham gia của học sinh. Các hệ thống trách nhiệm giáo dục trừng phạt ở nhiều nơi trên thế giới có thể tham khảo Phần Lan như một lựa chọn thay thế đáng giá. Mọi nhà hoạch định chính sách, các bậc làm cha mẹ và giáo viên nên đọc cuốn sách này”.
— Tony Wagner, thành viên nghiên cứu cấp cao, Học viện Chính sách Học tập (California)
“Cuốn sách của Sahlberg chứa đựng những bài học quan trọng về một loạt chủ đề như giới hàn lâm, các nhà giáo dục, giới chính trị gia, và cả công chúng. Tôi đặt biệt thích thú với phần chứng minh rằng thành tích giáo dục hàng đầu có thể đạt được với tính bất công thấp, trường học hỗn hợp dành cho mọi học sinh, tỉ lệ bỏ học thấp, mối lo liên quan đến trường lớp thấp, và mức độ tự do cao dành cho giáo viên. Trên thực tế, Phần Lan dạy cho tất cả rằng mọi khía cạnh kể trên cần được cân nhắc kỹ lưỡng khi định hướng cuộc cải cách giáo dục hiệu quả và bền vững.”
— Henrik Saalbach, Science
“Bài học Phần Lan của Sahlberg đáng chú ý ở chỗ nó tán thành một hệ thống giáo dục khác với nhiều hệ thống khác ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới và cung cấp nền tảng vững chắc về bối cảnh lịch sử khiến hệ thống giáo dục của Phần Lan trở nên mạnh mẽ và đầy cảm hứng.”
— Education Review
“Bài học Phần Lan của Sahlberg mang tính cổ vũ, khích lệ lớn lao khi tác giả nhắc đi nhắc lại lưu ý rằng luôn luôn có hy vọng và khả năng cải cách một hệ thống quốc gia dù nó có vẻ ảm đạm đến mức nào.”
— Philippine Daily Inquirer
“Phương pháp Phần Lan trong việc cải cách giáo dục cho thấy một điều rằng chúng ta phải đối xử công bằng với học sinh trước khi mong chờ các em học tập xuất sắc.”
—The 2013 Grawemeyer Award Committee
“… cuốn sách mà bạn đang nghiền ngẫm cũng đang trên đường trở thành một tác phẩm kinh điển.”
—Giáo sư Howard Gardner, Lời tựa cho ấn bản thứ ba
“Tính chuyên nghiệp của các giáo viên, cơ chế tự chủ và trách nhiệm xã hội thông minh, cùng việc tập trung có hệ thống vào công bằng trong giáo dục là những khía cạnh nổi bật của hệ thống giáo dục Phần Lan, nguồn cảm hứng cho nhiều quốc gia khác.”
— Linda Darling-Hammond, Giáo sư danh dự, Trường Sau đại học về Giáo dục tại Đại học Stanford
TRÍCH ĐOẠN HAY
The COVID-19 pandemic caused an unprecedented social experi- ment with schools. This experiment tested schools’ flexibility, creativity, professionalism, and resiliency. Although there is no systematic research or other evidence available yet about how Finnish schools managed the transition to remote learning and teaching, some survey data collected by the Finnish authorities at the end of the school year suggest that the main challenges were students’ lack of access to technology and difficul- ties in providing online support to students who needed it. (Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc thử nghiệm xã hội chưa từng có đối với các trường học. Thử nghiệm này kiểm tra tính linh hoạt, sáng tạo, tính chuyên nghiệp và kiên cường của các trường. Tuy chưa có nghiên cứu có hệ thống hay bằng chứng nào khác về cách trường học ở Phần Lan xử lý quá trình chuyển đổi sang việc dạy và học từ xa thế nào, nhưng một số dữ liệu khảo sát do các nhà chức trách Phần Lan thu thập vào cuối năm học cho thấy những thách thức chính là tình trạng học sinh không tiếp cận được với công nghệ và các khó khăn trong việc cung cấp hỗ trợ trực tuyến đối với các học sinh có nhu cầu.)
Mọi người đôi khi hiểu nhầm công bằng giống với bình đẳng trong giáo dục. Nói cách khác là mọi học sinh nên được đối xử như nhau ở trường – được dạy cùng một chương trình, cùng một thời lượng, hay các em phải có kết quả học tập như nhau. Điều này cũng từng là niềm tin phổ biến ở Phần Lan suốt một thời gian dài từ khi cuộc cải cách trường học dựa trên sự bình đẳng lần đầu được tiến hành vào đầu thập niên 1970. Nhưng không phải như vậy, công bằng trong giáo dục nghĩa là thành tích học tập của học sinh ở trường không bị chi phối bởi hoàn cảnh xuất thân, tức là mức độ giàu có, nghề nghiệp, địa vị hay quyền lực của cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh. Điểm bắt đầu cơ bản của giáo dục công bằng là mọi học sinh phải được tiếp cận chương trình giảng dạy, cùng việc dạy và học chất lượng cao, bất kể nơi cư trú hay trường theo học. Theo nghĩa này, các trường học hay các hệ thống trường học công bằng hơn sẽ đảm bảo sự khác biệt trong kết quả giáo dục không đến từ sự khác biệt trong gia cảnh của học sinh.
Nhiều giáo viên và nhà quản lý nước ngoài từng tới thăm các trường học Phần Lan […] thường mắc kẹt trong thế lưỡng nan giữa việc chọn sự xuất sắc hay sự công bằng do những đòi hỏi thành tích từ bên ngoài và quy định về thành tích tại quốc gia của họ. Việc thi cử được chuẩn hóa vốn có một định nghĩa học thuật hạn hẹp về trí thông minh, kết hợp cùng việc sử dụng các kết quả thi cử để so sánh mỗi học sinh với điểm trung bình thống kê trong trường học là thứ gây hại cho hầu hết nỗ lực nâng cao công bằng thông qua giảng dạy. Không yếu tố nào trong số những yếu tố này tồn tại trong các trường học của Phần Lan.
Thật sai lầm khi tin rằng có thể lý giải điều trẻ em học được và không được ở trường bằng cách chỉ nhìn vào trường học và mỗi điều họ làm. Cuốn sách này hy vọng làm rõ được rằng ở bất cứ đâu, nhưng đặc biệt tại Phần Lan, hầu hết những điều trẻ em học và không học được ở trường là do các yếu tố bên ngoài cổng trường. Hầu hết nỗ lực giải thích vì sao các trường học của Phần Lan tốt hơn nhiều trường khác, hay vì sao ngày nay họ không còn làm tốt như trước, đều không nhìn ra những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau này trong xã hội Phần Lan là cần thiết trong việc hiểu giáo dục như một hệ sinh thái.
Nói chung, các khoa sư phạm phối hợp với các khoa bộ môn trong trường đại học để cùng tổ chức các khóa sư phạm. Mỗi một khoa bộ môn cũng phải chịu trách nhiệm đào tạo sư phạm cho những sinh viên muốn có chứng chỉ trong chuyên môn đó. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm việc đào tạo giáo viên cho một số môn học nằm trong Chương trình Giảng dạy Cốt lõi Quốc gia dành cho giáo dục cơ sở, chẳng hạn dệt may và thủ công, giáo dục đặc biệt, tư vấn học sinh, và âm nhạc, chúng đều được tổ chức trong các khoa sư phạm. Đào tạo giáo viên âm nhạc, nghệ thuật và giáo dục thể chất thường diễn ra ở các khoa bộ môn hay một viện nghiên cứu riêng biệt thuộc trường đại học. Điều độc đáo ở Phần Lan so với quốc tế là các khoa chuyên ngành hàn lâm ở Phần Lan, chứ không phải khoa sư phạm, cấp bằng thạc sĩ cho giáo viên bộ môn và do đó đóng vai trò quan trọng trong công tác sư phạm ở Phần Lan.
Tiềm năng lớn nhất của nền giáo dục Phần Lan nằm ở sự đa dạng từ hàng trăm thanh niên tài năng và nhiệt huyết, những người qua từng năm đều tìm cách ghi danh vào các chương trình đào tạo sư phạm. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với thành công bền vững và thành tựu tương lai của công tác đào tạo giáo viên ở Phần Lan.
[…] chỉ một phần nhỏ khác biệt trong kết quả của học sinh có thể quy cho lớp học – tức là giáo viên và việc giảng dạy – và một số khác biệt tương tự đến từ các yếu tố trong trường học – đó là môi trường học, cơ sở vật chất, và công tác lãnh đạo. Nói cách khác, hầu hết các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của học sinh là ở ngoài trường học, do đó nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà trường.
Trách nhiệm giải trình giáo dục mà trong bối cảnh giáo dục Phần Lan được gọi là trách nhiệm chuyên môn giúp duy trì và nâng cao sự tin tưởng giữa các giáo viên, học sinh, lãnh đạo trường, và các nhà chức trách giáo dục, đồng thời nó khiến họ tham gia vào quá trình này, mang lại cho họ ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm và sáng kiến chuyên môn. Trách nhiệm chung đối với việc dạy và học là đặc trưng cho cách sắp xếp trách nhiệm giải trình giáo dục tại Phần Lan. Các bậc cha mẹ, học sinh, và giáo viên thích trách nhiệm dựa trên sự tin cậy, thứ giúp cho trường học tập trung vào việc học và điều đó cho phép sự tự do lớn hơn trong việc lên kế hoạch chương trình, so với văn hóa thi cử chuẩn hóa từ bên ngoài vốn thịnh hành ở một số nước khác.
Giấc mơ Phần Lan cho tương lai giáo dục của đất nước này nên là điều gì đó như thế này: Giúp đỡ tất cả học sinh tìm thấy đam mê của mình ở trường. Đam mê đó có thể là học thuật, nghệ thuật, sáng tạo, vận động, hay điều gì đó khác. Đam mê bùng lên khi trí tò mò thôi thúc sự khám phá về tài năng độc đáo của mỗi người. Mọi trường học cần trở thành một cộng đồng học tập an toàn cho tất cả học sinh để tham gia, tìm tòi, và tương tác với nhau. Trường học nên dạy những kiến thức và kỹ năng như vẫn làm, nhưng họ phải chuẩn bị cho giới trẻ cách sử dụng tài năng của bản thân các em, sáng tạo ý tưởng mới, và học hỏi từ cả những thất bại. […] nếu mọi người không được chuẩn bị cho việc mắc sai lầm thì họ sẽ không nghĩ ra bất kỳ ý tưởng mới đáng giá nào. Sẵn sàng mạo hiểm và chấp nhận mắc sai lầm là những cách duy nhất để người Phần Lan có thể tận dụng tốt nhất nguồn nhân lực khan hiếm của mình.
Trả lương giáo viên dựa trên điểm số bài kiểm tra chuẩn của học sinh là một ý tưởng lạ lẫm ở Phần Lan. Chính quyền và hầu hết phụ huynh học sinh hiểu rằng chăm sóc và giáo dục con cái là một quá trình rất phức tạp nên không thể chỉ dùng các phương pháp đánh giá định lượng để đo đếm. Các trường học Phần Lan hoạt động dựa trên nguyên tắc là chất lượng dạy và chất lượng nhà trường được xác định thông qua tương tác hai chiều giữa trường và học sinh, cùng với phụ huynh học sinh. Đây cũng là những nguyên liệu thiết yếu của việc lãnh đạo giáo viên ở Phần Lan.
CÂU QUOTE HAY
Có một giấc mơ của riêng mình tốt hơn là vay mượn giấc mơ của người khác.
Quan trọng nhất là giáo dục đặc biệt ở Phần Lan dành cho tất cả học sinh, dựa trên nhận định rằng ở một vài thời điểm nào đó trong cuộc sống, chúng ta ai cũng cần hỗ trợ và được giúp đỡ để tiến lên phía trước.
Bất công trong các hệ thống giáo dục ở Phần Lan được coi là cực kỳ có vấn đề bởi vì nó thể hiện thất bại trong việc khai thác đầy đủ tiềm năng con người của học sinh.
Chiến lược phổ biến trên thế giới là khắc phục vấn đề trong giáo dục cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở khi nó xảy ra hơn là cố gắng ngăn ngừa để vấn đề không xảy ra.
[…] nền tảng gia đình của học sinh đã có tác động mạnh mẽ hơn đến thành tích của các em ở trường học. Trình độ học vấn của phụ huynh là một yếu tố vô cùng mạnh mẽ để lý giải sự khác biệt về kết quả học tập của học sinh Phần Lan ở trường.
[…] chỉ có tiền bạc không thì không phải là giải pháp cho các vấn đề trong hệ thống giáo dục, nhưng nó cần thiết trong việc xây dựng các hệ thống giáo dục hòa nhập và công bằng hơn.
[…] các nghịch lý có ích hơn logic lý trí trong việc hiểu một số đặc điểm quan trọng của người Phần Lan và hệ thống giáo dục của họ.
Hệ thống đảm bảo chất lượng quốc gia trong giáo dục đã phát triển suốt 20 năm qua tại Phần Lan là một ví dụ về mô hình đánh giá hướng nâng cao, đã trở thành một phần không thể thiếu của Mô hình giáo dục Phần Lan được nêu trong cuốn sách này.
Một lần nữa, chúng ta có thể học từ Phần Lan rằng điều quan trọng là phải đảm bảo phụ huynh, trẻ em, và giới truyền thông hiểu rõ hơn về bản chất của những cải cách trường học hiện nay.
Điểm mới là hiện giờ tất cả các trường buộc phải thiết kế ít nhất một dự án liên ngành và dựa trên mối quan tâm của học sinh cho tất cả các em.
Lịch sử giáo dục chứa đầy những câu chuyện về các cuộc cải cách giáo dục tuy đầy hứa hẹn nhưng đạt được lại rất ít. Có nhiều lý do cho những thất bại này, nhưng thường thì vấn đề nằm trong khâu thực hiện. Ngay cả những ý tưởng hay cũng biến thành thứ đáng thất vọng khi đánh giá thấp sự phức tạp của việc thay đổi giáo dục.
Điều mà hầu hết mọi người trong tương lai sẽ cần, mà họ khó học được ở đâu ngoài trường học, là kỹ năng hợp tác với người khác để giải quyết vấn đề thực tế. Điều này sẽ trở thành một trong những chức năng cơ bản của trường học tương lai: học cảm thông, hợp tác, lãnh đạo, và tư duy phản biện trong các nhóm nhỏ gồm các cá nhân đa dạng.
Điều quan trọng là hiểu được bản chất phức tạp của mọi yếu tố liên quan đến nhau có vai trò trong việc khiến hệ thống giáo dục Phần Lan đã và đang được như ngày nay.
Chúng ta nên hiểu đúng điều gì đang thúc đẩy những thay đổi về kết quả giáo dục của các nước thay vì đưa ra những quyết định vội vàng, lộn xộn để cố gắng khiến tình hình trở nên tốt hơn.
[…] kiến thức kỹ thuật và lợi ích chính trị là không đủ để đổi mới xã hội mà không có gắn kết cảm xúc. Quả thực, các cuộc cải cách giáo dục toàn cầu cho thấy một phương cách thay đổi quá lý trí sẽ không có hiệu quả. Đổi mới đòi hỏi phải có năng lượng, và năng lượng do cảm xúc thúc đẩy. Trong một kỷ nguyên của tình trạng gián đoạn lớn, có lẽ sinh tồn thôi là không đủ.
Tôi hy vọng thông qua cuốn sách này có thể làm rõ rằng ở bất cứ đâu, đặc biệt tại Phần Lan, phần lớn những gì trẻ em học được và không học được ở trường là do các yếu tố bên ngoài cổng trường.
Thành công của Phần Lan với tư cách một quốc gia có được phần lớn là do quốc gia này đã can đảm làm điều khác biệt với hầu hết các nước khác.
[…] vì Phần Lan coi trường học là trung tâm học hành và chăm sóc, nên giáo viên có thể tập trung vào những điều quan trọng nhất đối với sự phát triển và an sinh của mọi đứa trẻ và điều họ có thể làm tốt nhất: giúp trẻ em học tập.
THÔNG TIN TÁC GIẢ:
PASI SAHLBERG
(Sinh năm 1959)
Nhà giáo dục và tác giả người Phần Lan, từng là chuyên gia giáo dục cấp cao tại Ngân hàng Thế giới, chuyên gia giáo dục hàng đầu tại Tổ chức Đào tạo châu Âu (Torino, Ý), Giáo sư về Chính sách Giáo dục tại Đại học New South Wales (Sydney, Úc), Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Sau đại học về Giáo dục của Harvard và nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Luân chuyển và Hợp tác Quốc tế (CIMO) thuộc Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan.
Giải thưởng:
- Giáo dục 2012 (Phần Lan)
- Robert Owen năm 2014 (Scotland)
- Lego năm 2016 (Đan Mạch)
- Học bổng cư trú Bellagio của Quỹ Rockefeller năm 2017.
Tác phẩm tiêu biểu:
Finnish Lessons: What Can the World Learn from Educational Change in Finland (2011, 2015, 2021)
Let the Children Play: How more play will save our schools and help children thrive (2019)
In Teachers We Trust: The Finnish way to world-class schools (2021)
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.