Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can
Đây là cuốn sách đầu tiên của tác giả Đặng Hoàng Giang, và cũng là cuốn tới nay được đọc rộng rãi nhất. Thuộc thể loại chính luận, 27 bài bình luận của cuốn sách lấy chủ đề là những hiện tượng xã hội và trào lưu văn hóa phổ thông quanh ta: đi du lịch, làm từ thiện, phẫu thuật thẩm mỹ hay truyền hình thực tế. Bằng ngòi bút sắc sảo, hài hước và tư duy phản biện, đa chiều, tác giả giúp chúng ta đi xuyên qua bề mặt của các hiện tượng, đặt câu hỏi về những điều tưởng như hiển nhiên, hiểu hơn về cơ chế vận hành của chúng, và về những hệ lụy mà chúng tạo ra cho cộng đồng.
Có thể nói, Bức xúc không làm ta vô can vẽ nên một chân dung của xã hội Việt Nam đương đại đang đứt gãy, hoang mang và trong xung đột của giao tranh giữa cũ và mới. Đọc sách sẽ giúp ta hiểu hơn về bản thân mình và về xã hội quanh ta.
Tác giả:
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là nhà hoạt động xã hội và tác giả phi hư cấu, viết về các chủ đề xã hội đương đại. Ông tiên phong trong các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tinh thần, phá bỏ định kiến và kỳ thị. Ông nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, góp phần xây dựng một xã hội giàu lòng khoan dung và trắc ẩn.
Đặng Hoàng Giang có bằng kỹ sư tin học của Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức và bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Những cuốn sách và bài viết của ông có sức ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội.
Nhận định:
“Đây thực sự là tác phẩm của một nhà phê bình xã hội (như chúng ta hiểu về cụm từ “nhà phê bình nghệ thuật”, “nhà phê bình văn học”) mà hiện nay Việt Nam còn thiếu. Khi xã hội hội đang trong vòng xoáy của một sự chuyển dịch dồn dập, lộn xộn như tại Việt Nam thì rất cần những cá nhân có công cụ sắc bén để giúp giải mã những trào lưu xã hội và hiện tượng văn hóa đang xuất hiện hằng ngày quanh chúng ta.”
- Nhà hoạt động xã hội Tôn Nữ Thị Ninh
“Sách của anh Giang buồn. Chính luận mà buồn. Vì nước ta bây giờ cái gì cũng có vẻ buồn. […] Nhưng cuối cùng, trong thâm tâm, tôi mong tác giả sẽ giữ tinh thần của cuốn sách này được nhiều năm nữa để tôi còn có cái mà đọc, không bị ảnh hưởng bởi những thứ quan điểm thị trường và sự lãng mạn kiểu đô thị. Một góc nhìn thẳng thắn và tỉnh táo, xoáy vào nhiều vấn đề bằng một con dao mổ sắc cạnh của tri thức.”
- Nhà báo Đinh Đức Hoàng (Hoàng Hối Hận)
Mục lục:
Lời nói đầu
Vẻ đẹp của người đứng một mình
Rồi tất cả sẽ trở thành đồ sơn
Tôn thờ sách là mê tín dị đoan
Thay cho lời giới thiệu tác giả
Bi thương ngược dòng chảy thành sông
Trích dẫn hay:
“Và như vậy, yêu cầu những người sinh ra và lớn lên trong một môi trường cùng cực, thậm chí cùng cực qua nhiều thế hệ, là họ phải có nghị lực, quyết tâm, chăm chỉ, cần cù, suy nghĩ sáng tạo, quyết định hợp lý, tiết kiệm, sử dụng đồng tiền đúng chỗ, thì không khác gì yêu cầu dân văn phòng, những người vốn không quen sử dụng cơ thể của mình, phải có sự khéo léo, uyển chuyển, dẻo dai, động tác chính xác, cử chỉ nhịp nhàng, duyên dáng như một vận động viên nhảy cầu.”
“Mục đích cuối cùng của giáo dục và văn hóa là tạo ra sự bao dung. Chúng ta có thể âu yếm lướt tay vuốt các trang sách, nhắm mắt hít vào mùi thơm và lắng nghe tiếng sột soạt quen thuộc của chúng, nhưng việc đó không chứng tỏ chúng ta ưu tú, hay đẳng cấp, hay có văn hóa hơn những người không làm vậy. Chúng ta có thể học tập vị thiền sư nọ vào thời nhà Đường, người đã quẳng tượng Phật vào lửa để lấy hơi ấm, vì nó chỉ là gỗ, “tinh thần của Phật không nằm ở đó”. Sách cũng thế, để gối đầu giường hay kê ở dưới chân bàn không quan trọng, chúng chỉ là bột gỗ.”
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi