Chúng Ta Tuổi 40
Chúng ta của tuổi trung niên!
Hãy làm những việc mình giỏi nhất, làm những việc mình đam mê và xã hội cần! Đó chính là ý nghĩ thôi thúc chúng ta dám bước đi trên con đường thành công, tạo ra giá trị cho bản thân và cuộc sống. Hay như chúng ta thường nói đó chính là ý nghĩa cuộc đời.
Ý nghĩa ấy cần thiết nhưng để tìm được câu trả lời lại không hề dễ dàng. Có những nhân duyên khiến cho chúng ta tỉnh thức, khiến chúng ta nắm giữ niềm vui, sự tự tin trên con đường tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời như thế. Đó là những trải nghiệm, những tín hiệu cho ta Niềm tin, trở thành Đức tin, những thứ nâng bước cuộc đời ta, thay đổi thân tâm ta và đồng hành cùng cuộc sống chúng ta.
Câu hỏi luôn chi phối đời sống của chúng ta là làm sao phát triển bản thân, có một cuộc sống hạnh phúc, động lực nào giúp tạo ra được những giá trị ấy, phương pháp và hành trang nào dẫn lối hay làm thế nào để tìm được sự cân bằng trong cuộc sống?
Trong kiếp sống nhân sinh mà chúng ta gọi đó là cuộc đời, ai cũng có những mẫu số chung: thời gian với những phân đoạn như sinh, trụ, hoại, diệt. Tiến trình ấy được vận hành bởi suy nghĩ và hành động (mục tiêu và lao động) để sự sống được duy trì, thân, tâm tăng trưởng và phát triển. Trên hành trình ấy, có những yếu tố quyết định đến sự tồn vong, thịnh suy, mê muội, hiểu biết hay cảm xúc của chúng ta. Chúng đóng vai trò là những biến số trong một phương trình cuộc đời. Chúng tạo ra những kết quả ta mong muốn hướng đến như những đáp án. Đáp án cho mỗi người lại phụ thuộc vào giá trị của những biến số mà họ đặt ra cho cuộc đời mình. Có người may mắn tìm ra đáp án đúng lúc, có người cố gắng mãi rồi cũng tìm ra đáp số dù muộn màng, lại có những người chẳng bao giờ có thể tìm được đáp án cho mình.
Một người Mỹ nổi tiếng đã từng nói: “Có những người sinh ra và sống đến 25 tuổi, nhưng chỉ có điều họ được đem chôn lúc 70 mà thôi”.
Trong muôn kiếp nhân sinh ấy, có sự náo nhiệt, bộn bề của các mối quan hệ xã hội, cộng đồng, gia đình, công việc, tầng lớp… hay những luồng tư tưởng chạy suốt chiều dài lịch sử (về sự thay thế của cái mới với cái cũ mà chúng ta gọi là cách mạng). Những nền văn minh ra đời, các thể chế xung đột và mâu thuẫn, phủ định lẫn nhau dẫn tới sự ra đời của các quốc gia, những nền văn hóa, những tôn giáo... Đó là tiến trình phát triển, tiến bộ nhân loại thông qua nhận thức, lao động, hệ tư tưởng và không thể không nhắc đến cả những sự phủ định của cái thống trị lên cái bị trị… Những chuyển biến chúng ta nhìn thấy được hay cảm nhận được ấy có thể được soi rọi bởi trực quan, bởi ánh sáng của nhận thức, của tư duy.
“Mấy mươi năm quá nửa cuộc đời,
Chắc cũng đủ… ngoái đầu nhìn lại.
Quá nửa đời chưa thôi mê mải,
Những đua chen, thành - bại, mất - còn.”
(Tác giả Diệu Nguyễn)
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi