Combo Sách Hay Về Chữa Lành Của Thầy Thích Nhất Hạnh (Bộ 11 Cuốn)
1. Giận
Khi ta giận, khi một ai đó làm cho ta giận, ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình. Không nên nói gì hết. Không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay hành động thì chỉ gây thêm đổ vỡ mà thôi… Như thế là không khôn ngoan. Phải trở về dập tắt lửa trước đã… Giận là một cuốn sách hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nó mở ra cho ta những khả năng kỳ diệu, nhưng lại rất dễ thực hành để ta tự mình từng bước... thoát khỏi cơn giận và sống đẹp với xã hội quanh mình.
Giận được xuất bản tại Hoa Kỳ ngày 10.9.2001, trước biến cố 11.9.2001 có một ngày. Vì thế Giận đã trở thành quyển sách bán chạy nhất Hoa Kỳ - 50.000 bản mỗi tuần - trong vòng 9 tháng... Tại Hàn Quốc, quyển sách này đã bán được 1 triệu bản trong vòng 11 tháng. Rất nhiều độc giả nhờ đọc sách này mà đã điều phục được tâm mình, sử dụng ái ngữ lắng nghe để hoà giải với người thân, đem lại hạnh phúc trong gia đình và trong cộng đồng của họ.
Giận - sách hay nên đọc để chuyển hóa sân hận thành năng lượng tích cực
Theo ý của Thiền sư, sân hận không phải cơn cảm xúc để chế ngự, và nhất định không phải kẻ thù chúng ta cần phải tuyên chiến. Ngược lại, nó phải được chấp nhận một cách hiền hòa, cần được mỗi người chăm sóc. Qua sách, tác giả giải thích cho người đọc cách làm thế nào để có thể vượt qua những cảm xúc có thể làm nhiều người đau đớn, khổ sở. Ngoài ra, góc nhìn của Thích Nhất Hạnh, trong một nghĩa nào đó, mang màu sắc tâm lý, triết học khi giúp người đọc nhận ra những cơn giận của họ ở tầm ý nghĩa rộng lớn, vừa tích cực vừa tiêu cực trong bối cảnh cuộc sống của con người nói chung.
Thích Nhất Hạnh quan niệm rằng sự khác nhau giữa người và người về cơ bản là ảo tưởng và sân hận khiến cho nó có tác động nghiêm trọng hơn. Tôi càng giận người khác thì tôi (từ góc nhìn Phật giáo) càng quên đi người đó giống tôi thế nào - bỏ qua là người đó, trong một nghĩa nào đó, chính là ""tôi"". Kẻ thù tạm thời (cũng có thể về dài hạn) có vẻ khác tôi hoàn toàn: là nguyên nhân cho cảm giác khó chịu của tôi, là người thao túng, hạnh hạ, bóc lột tôi, hơn nữa là người xứng đáng để bị trừng phạt vì những hành động hằn học của mình… Còn thực tế, kẻ đó thường giống tôi, vừa giận vừa đau khổ như tôi. Tôi càng công nhận điều đó, thông cảm cho người đó, chăm sóc và chuyển hóa cơn giận của người đó lẫn cơn giận của tôi thì khả năng xung đột sẽ chấm dứt, sự kết nối giữa cả hai sẽ cao hơn…
2. Đường Xưa Mây Trắng - Theo Gót Chân Bụt
Đường Xưa Mây Trắng là một câu chuyện vô cùng lý thú về cuộc đời của Bụt được kể lại dưới ngòi bút hùng hồn đầy chất thơ của tác giả. Với văn phong nhẹ nhàng giản dị, với lối kể chuyện sinh động lôi cuốn, tác giả đã đưa chúng ta trở về tắm mình trong dòng sông Nguyên thỉ cách đây gần 2.600 năm, để được hiểu và gần gũi với một bậc giác ngộ mà cuộc đời của Ngài tỏa rạng nếp sống đầy tuệ giác và từ bi. Đọc Đường Xưa Mây Trắng cho chúng ta cảm tưởng như đang đọc một thiên tình sử, nhẹ nhàng, gần gũi mà sâu lắng.
Sách Đường Xưa Mây Trắng đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, được tái bản nhiều lần ở các nước và được xếp vào hàng những quyển sách hay nhất của thế kỷ 20.
Tôi đã viết những chương của Đường Xưa Mây Trắng với rất nhiều hạnh phúc. Thỉnh thoảng tôi đứng dậy pha trà để uống. Mỗi ngày viết mấy giờ cũng như được ngồi uống trà với Đức Thế Tôn. Và tôi biết trước người đọc sẽ rất có hạnh phúc vì khi viết, mình cũng đang có rất nhiều hạnh phúc. Viết Đường Xưa Mây Trắng không phải là một lao động mệt nhọc mà là cả một niềm vui lớn. Đó là một quá trình khám phá.
Có những đoạn tôi cho là khó viết, như đoạn Bụt độ ba anh em ông Ca Diếp. Tài liệu thường nói là Bụt độ ba anh em đó nhờ thần thông của Ngài nhưng khi viết thì tôi đã không để cho Bụt dùng thần thông mà cứ để Bụt sử dụng từ bi và trí tuệ của Ngài để độ ba ông ấy. Bụt có rất nhiều trí tuệ, rất nhiều từ bi, tại sao Bụt không dùng mà lại phải dùng thần thông? Và tôi có một niềm tin rất vững chãi là mình sẽ viết được chương đó. Chương này là một trong những chương khó nhất của Đường Xưa Mây Trắng nhưng cuối cùng tôi đã thành công.
Cái chương khó thứ hai là chương nói về cuộc trở về của Bụt để thăm gia đình. Mình đã thành Phật rồi, mình đã thành bậc toàn giác rồi, nhưng về thăm gia đình mình vẫn còn là một đứa con của cha, của mẹ, vẫn là một người anh của em. Viết như thế nào để Bụt vẫn còn giữ lại được tính người của Ngài. Cũng nhờ niềm tin đó mà tôi thành công.
3. Sen Nở Trời Phương Ngoại
Kinh Pháp Hoa là một kinh rất nổi tiếng, có thể nói là một kênh nổi tiếng nhất của đạo Bụt Đại Thừa. Tư tưởng tôn xưng kinh Pháp Hoa là vua của tất cả các kinh đã có từ lâu. Chính nhờ kinh Pháp Hoa mà đạo Bụt Đại Thừa trở thành một cơ sở có căn bản, có truyền thống và biến thành một Giáo hội thực sự với việc tuyên thuyết hai thông điệp chính:
(1) Tất cả chúng sinh đều có thể thành Bụt,
(2) Chỉ có một con đường tu học duy nhất là Phật thừa.
Tam thừa chỉ là phương tiện dẫn dắt chúng sinh buổi ban đầu. Chủ đích quan trọng nhất của chư Bụt là hướng dẫn chúng sinh đi vào con đường Phật thừa, tức là con đường Khai, Thị, Ngộ, Nhập tri kiến của Bụt. Vì vậy mà triết lý này được gọi là Khai tam hiển nhất, hay là Hội tam quy nhất, nghĩa là gom cả ba cái lại để đưa về một cái. Ðiều đó làm cho kinh Pháp Hoa trở thành Diệu Pháp.
Với Sen nở trời phương ngoại, Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ không giảng từng đoạn kinh Pháp Hoa như nhiều người khác đã làm, mà chỉ đi vào từng Phẩm, tóm lược nghĩa chính của từng Phẩm, khai triển, và diễn dịch những điều căn bản trong từng Phẩm, để quý vị độc giả có được một cái thấy tuy khái quát nhưng rõ ràng về ý kinh. Riêng Phẩm Quán Thế Âm Bồ tát tức là Phẩm Phổ Môn, Phẩm thứ 25, vì là Phẩm được nhiều người tụng đọc nhất trong toàn bộ kinh Pháp Hoa, nên Thiền sư sẽ giảng với nhiều chi tiết hơn. Thêm vào đó, Người cũng sẽ đưa ra một số đề nghị để đóng góp cho sự hoàn bích của đóa hoa đẹp nhất trong Vườn kinh điển Đại Thừa này.
4. Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi
Nhiều người trong chúng ta tin rằng cuộc đời của ta bắt đầu từ lúc chào đời và kết thúc khi ta chết. Chúng ta tin rằng chúng ta tới từ cái Không, nên khi chết chúng ta cũng không còn lại gì hết. Và chúng ta lo lắng vì sẽ trở thành hư vô.
Bụt có cái hiểu rất khác về cuộc đời. Ngài hiểu rằng sống và chết chỉ là những ý niệm không có thực. Coi đó là sự thực, chính là nguyên do gây cho chúng ta khổ não. Bụt dạy không có sinh, không có diệt, không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Chúng ta thì coi là Có hết mọi thứ. Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát. Chúng ta có thể an hưởng và thưởng thức đời sống một cách mới mẻ.
Không diệt Không sinh Đừng sợ hãi là tựa sách được Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết nên dựa trên kinh nghiệm của chính mình. Ở đó, Thầy Nhất Hạnh đã đưa ra một thay thế đáng ngạc nhiên cho hai triết lý trái ngược nhau về vĩnh cửu và hư không: “Tự muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, tử sinh là trò chơi cút bắt. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt” và “Nỗi khổ lớn nhất của chúng ta là ý niệm về đến-đi, lui-tới.”
Được lặp đi lặp lại nhiều lần, Thầy khuyên chúng ta thực tập nhìn sâu để chúng ta hiểu được và tự mình nếm được sự tự do của con đường chính giữa, không bị kẹt vào cả hai ý niệm của vĩnh cửu và hư không. Là một thi sĩ nên khi giải thích về các sự trái ngược trong đời sống, Thầy đã nhẹ nhàng vén bức màn vô minh ảo tưởng dùm chúng ta, cho phép chúng ta (có lẽ lần đầu tiên trong đời) được biết rằng sự kinh hoàng về cái chết chỉ có nguyên nhân là các ý niệm và hiểu biết sai lầm của chính mình mà thôi.
Tri kiến về sống, chết của Thầy vô cùng vi tế và đẹp đẽ. Cũng như những điều vi tế, đẹp đẽ khác, cách thưởng thức hay nhất là thiền quán trong thinh lặng. Lòng nhân hậu và từ bi phát xuất từ suối nguồn thâm tuệ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một loại thuốc chữa lành những vết thương trong trái tim chúng ta.
5. Con Đường Chuyển Hóa
Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm và kinh Quán Niệm Hơi Thở là hai kinh gối đầu giường của các vị khuất sĩ thời Bụt còn tại thế và là nền tảng của nếp sống thiền tập đạo Bụt.
Sách Con Đường Chuyển Hóa của thiền sư Thích Nhất Hạnh là những hướng dẫn cụ thể để chúng ta tiếp xúc được suối nguồn thiền tập của đạo Bụt. Hơn thế nữa, tác giả còn hiến tặng những phương pháp thực hành thực tế giúp hành giả trải nghiệm được nếp sống tỉnh thức trong đời sống hàng ngày.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói rằng ngày phát hiện ra hai bản kinh này, Ngài thấy mình là người hạnh phúc nhất trên đời.
6. Muốn An Được An
Ngày chủ nhật và cũng là ngày cuối cùng của tháng 11 năm 2014 tôi nhận được bản thảo cuốn sách Muốn an được an của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được sư cô Hội Nghiêm dịch ra tiếng Việt từ bản nguyên gốc tiếng anh Being peace. Tôi ngồi vào bàn rồi đọc ngay tức khắc. Và tôi giật mình.
Giật mình bởi mình quá may mắn mà không biết đến điều đó. May mắn vì tính đến năm 2015 này tôi được biết đến thiền sư Thích Nhất Hạnh đúng 10 năm. Quá may mắn bởi đêm hôm qua tôi vừa từ Myanmar bay về Việt Nam và trên máy bay có đọc báo thấy tình trạng đói, bệnh ở châu Phi đang vẫn rất cao, rằng ở Ucraina vừa có thêm những dân thường thiệt mạng, tình hình chính trị xã hội bất ổn ở nhiều nơi trên thế giới. Quá may mắn bởi bản thân tôi và rất nhiều đồng nghiệp đã và đang làm việc ở Thái Hà Books của tôi đều là Phật tử.
Tôi đọc ngay những dòng đầu tiên và phải đọc đi đọc lại vài lần những dòng những chữ của thiền sư Thích Nhất Hạnh “Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an thì chúng ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho ai được, kể cả những người ta thương, những người ta cùng chung sống trong một mái ấm gia đình. Có bình an, hạnh phúc thì chúng ta sẽ mỉm cười và xinh tươi như một bông hoa, khi đó, mọi người chung quanh ta, từ gia đình cho đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng.”
Mỗi ngày chúng ta có rất nhiều cảm thọ. Khi thì hạnh phúc, lúc thì buồn khổ. Các cảm thọ cứ lần lượt đến với ta như một dòng sông. Rõ ràng việc thực tập thiền là rất quan trọng. Hành thiền để ý thức được, ghi nhận từng cảm thọ, thậm chí ôm ấp từng cảm thọ. Tôi luôn nhắc mình thực tập như vậy. Tôi biết điều này bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh đã hướng dẫn chúng tôi cách đây tròn 10 năm, từ 2005 khi tôi may mắn được biết đến Thầy. Nhờ Thầy mà tôi dần biết cách tìm bình an trong chính mình.
Tôi đã nhận ra rằng thiền rất giản đơn, có thể thiền tập ở bất cứ đâu và bất cứ giờ nào trong ngày. Thiền không có nghĩa là vào rừng ẩn tu hay trốn tránh xã hội. Nếu như chúng ta cùng nhắc nhau thiền mỗi ngày thì đời sống đẹp biết nhường nào và xã hội sẽ tươi mát vô cùng.
Muốn an thì có an. Vấn đề là ta phải muốn. Có hai thời điểm rất quan trọng mà tôi luôn nhắc tâm của mình bình an. Đó là đầu giờ sáng và trước khi ngủ. Tôi hay nhắc tâm an lạc, nhắc miệng mỉm cười thư giãn. Muốn an thì được an mà. Muốn hạnh phúc thì có ngay hạnh phúc mà. Hạnh phúc từ trong ta mới lâu mới bền, chứ hạnh phúc mang từ bên ngoài vào đến và đi nhanh lắm.
Đôi khi, bạn cũng như tôi, chúng ta quá bận rộn. Bận đến mức không dành thời gian cho người thân và bạn bè. Bận đến mức không có thời gian để ngắm cây, ngắm trời, ngắm hoa ngắm đất. Thậm chí quên mất chuyện thở và ta thở tự động như một cái máy, thở không có ý thức. Thật là tiếc. Bạn và tôi vẫn đang bị tập khí lôi cuốn. Bây giờ, đọc Muốn an được an rồi chúng ta luôn tự nhắc mình và nhắc nhau hai chữ bình an để tạo bình an cho chính mình.
7. Tìm Bình Yên Trong Gia Đình
“Tìm bình yên trong gia đình” cuốn sách của Sư ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh là tập hợp nhiều câu hỏi vấn đáp của quý Phật tử, mọi người ở khắp nơi gửi về cho Sư ông để giải đáp những vấn đề xoay quanh các mối quan hệ trong gia đình, giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái và cả cách vượt qua nỗi đau khi mất đi người thân…
“Quay về nương tựa
Hải đảo tự thân
Chánh niệm là Bụt
Soi sáng xa gần,
Hơi thở là pháp
Bảo hộ thân tâm
Năm uẩn là tăng
Phối hợp tinh cần
Thở vào, thở ra
Là hoa tươi mát
Là núi vững vàng
Nước tĩnh lặng chiếu
Không gian thênh thang”
Cuộc đời là một chuỗi tương quan tương duyên. Không có một hiện hữu nào tự nó có được. Một bông hoa, không thể tự nó mà hình thành. Hoa phải nhờ những yếu tố khác như đất, nước, hạt giống, phân bón, người làm vườn… mới hình thành. Mình cũng vậy, cũng do nhiều yếu tố kết hợp, như cha mẹ, thức ăn, nước uống, môi trường, xã hội… Hạnh phúc và khổ đau cũng như thế, cũng do nhiều yếu tố tạo thành. Những yếu tố tương quan tương duyên đó dân gian gọi nôm na là duyên nợ, những gì đem lại hạnh phúc cho mình thì gọi là duyên, những gì đem lại khổ đau thì gọi là nợ. Đạo Bụt gọi đó là tương quan tương duyên hay tương tức. Cũng cùng một người nhưng khi thương thì gọi là mình có duyên với người đó. Rồi cũng người ấy, cũng tình thương ấy nhưng vì mình không biết trân quý và tưới tẩm để cho tình thương lớn lên để rồi khổ đau, thì lại gọi là mình có nợ với người ấy. Như thế thì vô lý và mâu thuẫn quá phải không?
Mình đâu chọn nhầm người, mình đâu cưới người mình ghét, mình cưới người mình thương mà. Chỉ do mình không biết nuôi dưỡng thôi. Nếu nhìn sâu vào những khổ đau và hạnh phúc của mình, mình sẽ thấy được nguyên nhân và gốc rễ sâu xa của nó. Khi thấy được nguyên nhân và gốc rễ rồi, mình sẽ làm mới trở lại để nuôi lấy hạnh phúc của mình, không còn đổ lỗi cho duyên nợ nữa. Nếu nhìn sâu thêm một tí mình có thể thấy được rằng khuynh hướng đổ lỗi cũng là một tập khí của mình. Trong mối quan hệ giữa mình với người kia, có lúc mình giận hờn, khổ đau, mình cứ nghĩ là người kia có lỗi với mình, người kia đã gây nên những nỗi khổ đau cho mình nên mình không chấp nhận được người kia và làm cho sự truyền thông trở nên bế tắc. Khổ đau từ đó mà leo thang. Mình không nhìn lại để thấy rằng có thể mình đã đóng góp một phần nào đó trong nỗi khổ và cơn giận của người kia, nên người kia đã hành xử và nói năng như vậy. Có thể mình không đủ cảm thông, có thể mình không đủ niềm vui và hạnh phúc để hiến tặng cho người kia, có thể mình không tưới tẩm những hạt giống tốt trong người kia, mà chỉ có than phiền và trách móc. Hoặc trong mình còn có những nóng nảy, dễ bực bội cáu gắt, không dễ dàng tha thứ bỏ qua những lỗi lầm của người khác. Mình đã không nói những lời nói nhẹ nhàng ái ngữ, không hành xử khéo léo v.v… Khổ đau hay hạnh phúc đều mang tính hữu cơ, nghĩa là có thể chuyển đổi được. Hạnh phúc nếu không khéo gìn giữ thì một ngày nào đó sẽ mất, sẽ trở thành khó khăn và khổ đau. Nếu khổ đau mà biết tu tập chuyển hóa thì sẽ thương yêu nhau hơn, từ đó sẽ hạnh phúc hơn. Cho nên khổ đau hay hạnh phúc là do mình, do mình quyết định. Mình có đổ lỗi cho người kia, cho hoàn cảnh, môi trường, con cái… thì đó cũng là tập khí của mình. Sự thực tập là luôn luôn trở về để nhìn lại chính mình. Có thể mình không trân quý đủ người thương của mình, mình không trân quý đủ những gì mình đang có. Những gì mình không có hoặc chưa có thì mình ruổi rong tìm kiếm, khi có rồi thì mình lại không biết trân quý, đợi đến khi tuột khỏi tầm tay mới thấy tiếc nuối và ân hận.
Nếu mình không thay đổi những tập khí của mình thì cho dù có cưới bao nhiêu người đi nữa mình cũng khổ đau. Vì vậy, cùng với sự thực tập, mình luôn luôn trở về với giây phút hiện tại, nhận diện và trân quý những gì mình đang có để nuôi lớn hạnh phúc, và đồng thời chuyển hóa những tập khí trong mình.
8. Gieo Trồng Hạnh Phúc
Chánh Niệm là nguồn năng lượng tỉnh thức đưa ta trở về với giây phút hiện tại và giúp ta tiếp xúc sâu sắc với sự sống trong mỗi phút giây của đời sống hằng ngày. Chúng ta không cần phải đi đâu xa để thực tập chánh niệm. Chúng ta có thể thực tập chánh niệm ngay trong phòng mình hoặc trên đường đi từ nơi này đến nơi khác. Ta vẫn có thể tiếp tục làm những công việc ta thường làm hằng ngày như đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, ăn, uống, giao tiếp, chuyện trò… nhưng với ý thức là mình đang làm những công việc ấy.
Hãy tưởng tượng ta đang ngắm mặt trời mọc với một số người. Trong khi những người khác đang thưởng thức khung cảnh đẹp đẽ ấy thì ta lại “bận rộn” với những thứ trong đầu mình. Ta bận rộn và lo lắng cho những kế hoạch của ta. Ta nghĩ về quá khứ hoặc tương lai mà không thực sự có mặt để trân quý cơ hội đó. Thay vì thưởng thức cảnh đẹp của buổi bình minh, ta lại để cho những khoảnh khắc quý giá ấy trôi qua oan uổng.
Nếu quả thực như vậy, ta có thể sử dụng một phương pháp khác. Mỗi khi tâm ta đi lang thang thì ta kéo tâm về và tập trung tâm ý vào hơi thở vào – ra. Thực tập hơi thở ý thức giúp ta trở về với giây phút hiện tại. Thân tâm hợp nhất, ta sẽ có mặt trọn vẹn để ngắm nhìn, quán chiếu và thưởng thức khung cảnh đẹp đẽ ấy. Bằng cách trở về với hơi thở, ta lấy lại được sự mầu nhiệm của buổi bình minh.
Chúng ta thường quá bận rộn đến nỗi quên mình đang làm gì, hoặc có khi ta quên mình là ai. Thậm chí có người quên mất là mình đang thở. Ta quên nhìn những người thương của ta và trân quý sự có mặt của họ, cho đến một ngày họ đi xa hay qua đời ta mới thấy hối tiếc. Có khi rảnh rỗi đi nữa, ta cũng không biết cách tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong ta. Vì vậy ta mở ti vi lên xem hoặc nhấc điện thoại gọi cho ai đó. Ta nghĩ làm như thế là ta có thể trốn thoát được chính mình.
Ý thức về hơi thở là tinh yếu của chánh niệm. Theo lời Bụt dạy, chánh niệm là nguồn suối phát sinh hỷ lạc. Hạt giống chánh niệm có trong mỗi chúng ta nhưng thường thì ta quên tưới tẩm hạt giống đó. Nếu biết cách nương vào hơi thở, nương vào bước chân của mình, chúng ta có thể tiếp xúc được với những hạt giống an lành ấy và cho phép chúng biểu hiện. Thay vì nương vào những ý niệm trừu tượng về Bụt, về Chúa hoặc về Allah, chúng ta có thể tiếp xúc được với Bụt, với Chúa trong từng hơi thở và bước chân của mình.
Điều này nghe có vẻ dễ dàng và ai cũng có thể làm được, tuy nhiên đòi hỏi ở chúng ta một sự tập luyện. Quan trọng là tập dừng lại. Dừng lại như thế nào? Dừng lại bằng hơi thở vào ra và bước chân của mình. Vì vậy pháp môn căn bản của chúng ta là hơi thở ý thức và bước chân chánh niệm. Nếu nắm vững những pháp môn này, chúng ta có thể ăn, uống, nấu nướng, làm việc, lái xe… trong chánh niệm. Và chúng ta luôn luôn an trú trong giây phút hiện tại, bây giờ ở đây.
Thực tập chánh niệm (smrti) đưa đến định (samadhi) và định đưa đến tuệ (prajna). Tuệ giác mà ta đạt được từ sự thực tập chánh niệm có khả năng giải phóng chúng ta ra khỏi những tình trạng sợ hãi, lo âu, tuyệt vọng và đem lại hạnh phúc đích thực cho ta. Chúng ta có thể sử dụng những đối tượng đơn giản như bông hoa để thực tập chánh niệm. Khi cầm bông hoa trong tay, chúng ta ý thức về bông hoa. Hơi thở vào ra giúp ta duy trì ý thức. Thay vì để cho những suy nghĩ trấn ngự hoặc lôi kéo, ta trở về có mặt cho bông hoa và thưởng thức vẻ đẹp của bông hoa. Định lực sẽ trở thành nguồn suối phát sinh niềm vui trong ta.
Để thưởng thức trọn vẹn những món quà mà cuộc sống ban tặng, chúng ta phải thực tập chánh niệm trong mọi lúc, mọi nơi dù đang đánh răng, chuẩn bị thức ăn sáng hay lái xe đi làm. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở có thể là một cơ hội đem đến cho ta niềm vui và hạnh phúc. Cuộc sống đầy dẫy khổ đau. Nếu không đủ hạnh phúc, ta sẽ không chăm sóc được nỗi khổ đau và tuyệt vọng của mình. Chúng ta hãy thực tập với tinh thần nhẹ nhàng thư thái, với tâm hồn rộng mở bao la và với một trái tim sẵn sàng lắng nghe, chấp nhận. Thực tập là để nuôi lớn hiểu biết chứ không phải để phô trương hình thức. Có chánh niệm, ta có thể nuôi lớn được niềm vui trong ta, giúp ta xử lý tốt hơn những khó khăn thách thức trong cuộc sống và biết cách chế tác tự do, an lạc, thương yêu trong mỗi chúng ta.
9. Hạnh Phúc Cầm Tay
Cuộc sống quanh ta đầy màu nhiệm, chánh niệm là trái tim của thiền tập, là nguồn năng lượng xuyên suốt không thể thay đổi. Một người sống trong chánh niệm, tâm an, sẽ khiến những người xung quanh vui vẻ, an nhiên và thậm chí thay đổi cả xã hội.
“Tất cả chúng ta đều có hạt giống của niệm và định”
“Định làm phát sinh hỷ lạc” Định nguồn căn, có định con người sẽ cảm thấy đang thực sự sống chứ không phải chỉ tồn tại. Cảm nhận cuộc đời tươi đẹp không qua đôi mắt mà qua hơi thở và tâm hồn.
Thiền sư Lâm Tế đã nói rằng: “Phép lạ là đi trên mặt đất mà không phải đi trên mặt nước hay đi trên than hồng”. Tất cả những gì ta làm đều cốt yếu là để tâm an. Mỗi ngày, ta đì tìm tự do cho hạnh phúc, hay hạnh phúc để được tự do?! Nếu cứ mải mê mắc kẹt trong quá khứ và lo buồn về tương lai, hiện tại sẽ tự nhiên ngả màu héo úa.
Nghỉ ngơi là bước đầu tiên của thiền tập, và con đường ngắn nhất là thả lỏng và không gượng ép. Sống là để không uổng phí một đời, sống trọn vẹn từng giây phút, thanh thản từng hành động.
Bước đi một cách thoải mái, an lạc, đi như không đi sẽ không thấy mệt mỏi. Sự cố gượng là không cần thiết nếu ta hiểu được rằng mỗi bước đi là mỗi bước được tiếp xúc với cuộc đời và sự màu nhiệm vô tận. Chạm vào đất Mẹ là nguồn căn của “Sám Pháp địa xúc”, người thường cũng có thể thực hành khi bế tắc, lo sợ, Người nhẫn nại bảo hộ, che chở và cho ta lối thoát, mọi thứ tự khắc trở nên nhẹ nhàng.
Cuốn sách tiếp tục với Năm uẩn trong một con người: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đều cần ta trị vì, cai quản. Có chánh niệm sẽ nhận diện được tập khí khi chúng đang phát khởi và ngăn ngừa nó hoành hành ta, quấy nhiễu giấc ngủ ta mỗi đêm. Cả những tri giác sai lầm vây bám lấy tâm trí ta, cũng sẽ được loại bỏ.
Khép lại với Năm giới tân tu: Bảo vệ sự sống, Hạnh phúc chân thật, Tình thương đích thực, Lắng nghe và ái ngữ, Nuôi dưỡng và trị liệu là năm phép thực tập chánh niệm, có khả năng xóa bỏ mọi rào cản, kể cả hận thù và tuyệt vọng để ta bước đi trên con đường thanh thản, sống cuộc đời đáng sống của ta.
10. Fear - Sợ Hãi
Hầu hết chúng ta ai cũng đã trải qua những giây phút hạnh phúc lẫn khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên có nhiều người ngay lúc đang vui sướng nhất mà lòng vẫn trĩu nặng lo sợ, sợ ngày vui sẽ qua mau, sợ không như mong cầu, sợ phải xa cách người thương và một nỗi sợ lớn nhất, sợ thân xác mình sẽ tàn hoại. Cho nên ngay lúc biết bao điều kiện của hạnh phúc có đó niềm vui vẫn không trọn vẹn.
Chúng ta cứ nghĩ rằng để được hạnh phúc thì phải tránh né hay quên đi lo sợ. Chúng ta không mấy thoải mái khi phải nghĩ đến những gì đã làm cho ta lo sợ, rồi chúng ta chối bỏ: “Thôi! Thôi! Tôi không muốn nghĩ tới chuyện đó!” Chúng ta nhắm mắt làm ngơ nhưng lo sợ vẫn còn đó trong ta.
Cách duy nhất để bớt đi lo sợ và thật sự hạnh phúc là nhận diện lo sợ và quán chiếu gốc rễ của lo sợ. Thay vì tránh né, ta sử dụng khả năng tỉnh giác và quán sát tinh tường.
Chúng ta lo sợ những gì ngoài tầm kiểm soát của ta. Chúng ta sợ bệnh, sợ già, sợ mất đi những gì mà ta trân quý. Chúng ta cố ôm giữ địa vị, tài vật và người thương. Nhưng ôm giữ không giúp bớt lo sợ. Trước sau gì sẽ có một ngày chúng ta phải buông bỏ tất cả. Chúng ta không thể mang địa vị, tài vật, người ta thương theo chúng ta mãi.
Chúng ta có thể nghĩ rằng nếu làm ngơ lo sợ thì lo sợ sẽ tan biến. Nhưng nếu cứ làm ngơ, cứ chôn chặt lo sợ vào lòng thì lo sợ vẫn ở đó và luôn làm ta căng thẳng. Chúng ta cảm thấy bất lực. Nhưng chúng ta có khả năng quán chiếu, nhìn sâu vào lo sợ và từ đó, lo sợ không còn khống chế được ta. Chúng ta có khả năng chuyển hóa lo sợ. Thực tập sống tỉnh thức từng giây phút hiện tại, ta gọi đó là CHÁNH NIỆM, sẽ giúp ta can đảm đối diện lo sợ và không còn bị lo sợ bức bách. Chánh niệm có nghĩa là nhìn sâu, là ý thức “tự tính tương tức” (true nature of interbeing) của vạn vật và ý thức rằng không có gì sẽ mất đi.
Tất cả chúng ta ai cũng từng lo sợ, nhưng nếu chúng ta biết nhìn sâu vào lo sợ thì ta có thể giải tỏa lo sợ và tìm lại nguồn vui. Lo sợ khiến chúng ta chú tâm về quá khứ hoặc lo lắng cho tương lai. Nếu chấp nhận lo sợ thì ta khám phá ra rằng ngay lúc này, hôm nay đây ta còn sống, cơ thể ta đang hoạt động diệu kỳ, mắt ta đang thấy được trời xanh, tai ta còn nghe được tiếng nói của người ta thương.
Bước thứ nhất của sự quán chiếu lo sợ là nhận diện mà không phán xét. Hãy nhận diện với tâm bình thản rằng lo sợ đang có đó trong ta, như thế cũng đủ để vơi bớt lo sợ rất nhiều. Tiếp theo, khi lo sợ đã lắng dịu, chúng ta ôm ấp niềm lo nỗi sợ một cách êm dịu và nhìn sâu vào nguồn gốc của lo sợ. Hiểu được nguồn gốc của lo sợ, ta buông bỏ được lo sợ. Hãy tìm hiểu xem lo sợ là do nguyên nhân hiện tại hay là do nguyên nhân từ xa xưa, từ khi ta còn nhỏ, mà ta đã ôm chặt trong lòng cho tới bây giờ? Khi chúng ta sử dụng chánh niệm để đối diện lo sợ thì chúng ta sẽ ý thức rằng chúng ta đang sống, rằng chúng ta còn có những gì ta trân quý và yêu thích. Nếu không phí thì giờ đè nén, bận tâm vì lo sợ, ta sẽ có thì giờ vui hưởng nắng ấm, trời trong, gió lành. Nếu quán chiếu sâu sắc và tỏ tường lo sợ thì ta sẽ khám phá ra rằng ta có thể sống một cuộc đời đáng sống.
Nỗi lo sợ lớn nhất là sợ rằng khi chết ta không còn là gì nữa. Để thực sự giải thoát khỏi nỗi sợ đó, ta phải nhìn sâu dưới cái nhìn bản môn (ultimate dimension) để thấy được bản chất không sinh không diệt của ta. Phải từ bỏ định kiến rằng ta chỉ có một thân xác này và nó sẽ tàn hoại khi ta chết. Hiểu rằng ta không chỉ là một thân xác, rằng ta không đến từ hư không và sẽ tan biến vào hư không. Hiểu như thế ta sẽ giải thoát khỏi lo sợ.
Đức Bụt là một con người như tất cả chúng ta. Ngài cũng đã từng lo sợ nhưng ngài thường xuyên thực tập chánh niệm và quán chiếu sâu sắc cho nên ngài đã bình thản khi đối diện lo sợ. Kinh chép rằng một hôm Bụt đang đi thì Angulimala, một tên giết người khét tiếng đuổi theo ngài và hô lớn bảo ngài dừng lại nhưng Bụt vẫn tiếp tục chậm rãi bình thản bước. Angulimala đuổi kịp Bụt và lớn tiếng hỏi tại sao ngài không chịu dừng lại. Đức Bụt trả lời: “Angulimala, ta đã dừng lại từ lâu, chỉ có ngươi là không dừng lại”. Và Bụt giải thích tiếp: “Ta đã dừng những hành động gây đau khổ. Tất cả các loài chúng sinh đều ham sống, sợ chết. Chúng ta phải nuôi dưỡng lòng thương và bảo vệ sự sống của mọi loài.” Angulimala tỉnh ngộ và xin Bụt giảng tiếp. Cuối cùng, Angulimala thề sẽ không bao giờ giết chóc, bạo ngược và xin Bụt xuất gia.
Tại sao Đức Thế Tôn có thể bình tĩnh trước một tên giết người? Đây là một câu chuyện hiếm có nhưng tất cả chúng ta hằng ngày đều đã đối diện với hết lo sợ này đến lo sợ khác. Thực tập chánh niệm mỗi ngày có thể giúp ích rất nhiều.
11. Bụt Là Hình Hài, Bụt Là Tâm Thức
Ngay những trang đầu, nội dung của cuốn sách đã được trình bày một cách súc tích, đầy đủ qua một hình ảnh rất đẹp: Hình ảnh của người anh lớn đến kịp lúc để giúp người em giải quyết một vấn đề nan giải trên máy vi tính. Người anh nói: “Em ngồi qua một bên, anh làm cho.” Người em tức thì cảm thấy vững lòng dù chưa biết vấn đề có được giải quyết ổn thỏa hay không. Người anh lớn đó chính là Đức Bụt trong lòng mỗi chúng ta, là sự hiểu biết sáng suốt của chúng ta. Thầy Thích Nhất Hạnh cũng chính là người anh lớn đó, lúc nào cũng gần gũi, thân thiết và kiên nhẫn. Mỗi trang sách là một lời nhắn nhủ, ta như đang nghe giọng nói nhẹ nhàng, dí dỏm của Thầy: “Các bạn cứ nhìn lại xem, tình thương và tuệ giác của Bụt ở ngay trong lòng của bạn.”
“Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức” là một cuốn sách nhỏ, đầy chất thi ca, đầy hình ảnh của Phật giáo cổ truyền được diễn bày bằng ngôn ngữ tâm linh của người Tây phương, điều đó để giúp ta hiểu rằng tất cả mọi vấn đề của thế gian đều mang một ý nghĩa chung: Đó là ý nghĩa tương tức mà Bụt đã dạy, không có gì mà không liên hệ mật thiết với nhau, không có gì là tách biệt nhau. Cho nên đọc cuốn sách này, ta phải đọc cho tất cả mọi người, để tất cả cùng nhau đóng góp xây dựng hạnh phúc cho mỗi người anh em của mình trên Trái đất này.
“Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức” (Buddha Body, Buddha Mind) do nhà Parallax ấn hành. Đó là nhà xuất bản mà Thầy Thích Nhất Hạnh và Arnold Kotler lập ra từ năm 1987, bây giờ đã trở thành một cơ quan xuất bản không vụ lợi của Cộng đồng sinh hoạt chánh niệm có nhiệm vụ quảng bá sách của Thầy và các tác giả khác viết về chủ đề Đạo Phật đi vào cuộc đời. Quyển sách này là một tác phẩm về Phật giáo Tâm lý học mới thuộc loại xuất sắc nhất. Và chúng ta không ngạc nhiên khi sách bắt đầu bằng pháp môn thực tập thiền đi.
“Thực tập thiền đi chậm một mình, quý vị hãy thử phương pháp này: thở vào và bước một bước, chú tâm hoàn toàn vào gan bàn chân. Nếu quý vị chưa ‘về,’ chưa ‘tới’ được một trăm phần trăm thì đừng bước thêm bước nào nữa cả. Cứ đợi cho quý vị về tới giây phút hiện tại được một trăm phần trăm rồi thì mới bước đi bước kế tiếp. Quý vị có thể ‘xài lớn’ thì giờ như vậy. Và khi quý vị thấy mình đã về đã tới được một trăm phần trăm rồi thì hãy mỉm cười và bước thêm một bước khác.
Bước đi như vậy, quý vị in xuống đất sự vững chãi và thảnh thơi của quý vị.” Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức là một cuốn sách tiếp nối công trình, phát huy giáo lý Duy Biểu của Thầy Nhất Hạnh, lấy cảm hứng từ kinh Lăng Già và các bộ luận của tổ Thế Thân, sống vào thế kỷ V.
1. Giận (Tái Bản 2023)
2. Đường Xưa Mây Trắng - Theo Gót Chân Bụt (Tái Bản 2024)
3. Sen Nở Trời Phương Ngoại
4. Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi (Tái Bản 2022)
5. Con Đường Chuyển Hóa (Tái Bản 2021)
6. Muốn An Được An (Tái Bản 2021)
7. Tìm Bình Yên Trong Gia Đình (Tái Bản 2021)
8. Gieo Trồng Hạnh Phúc (Tái Bản 2021)
9. Hạnh Phúc Cầm Tay (Tái Bản 2021)
10. Fear - Sợ Hãi
11. Bụt Là Hình Hài, Bụt Là Tâm Thức (Tái Bản Lần 4)
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi