Người ta biết rằng, văn bản học như một ngành của ngữ văn học, vốn thiên về thực hành; nó gắn với thực tiễn xuất bản, gắn với việc công bố các tác phẩm viết bằng chữ; vì vậy hầu hết các nhà chuyên môn về biên tập sách, ở mức nhất định, đều can dự đến công tác văn bản. Tuy vậy, cho đến nay, cả trong giới làm biên tập sách lẫn giới nghiên cứu văn học ở ta hầu như chỉ có rất ít chuyên gia về văn bản.
Công trình khảo dị trong cuốn sách này, ngoài việc giải quyết các vấn đề văn bản nảy sinh trên một tác phẩm cụ thể, là tiểu thuyết "Giông tố" của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939), ngoài việc cung cấp một văn bản khả dĩ tin cậy cho tác phẩm này, một tác phẩm có vị trí đáng kể trong văn học Việt Nam thế kỷ XX, người biên khảo còn muốn qua đây lưu ý bạn đọc và bạn nghiên cứu về tình trạng tồn đọng nhiều vấn đề văn học đối với hầu hết các tác phẩm ra đời từ thời văn học chữ Quốc ngữ. Việc các tác giả và tác phẩm của thế kỷ XX đang và sẽ đi vào di sản kinh điển của văn học dân tộc, nhưng lại không đi kèm với hoạt động khảo sát nghiên cứu chúng về mặt văn bản, sẽ dẫn đến tình trạng trái nghịch: cái tên tác phẩm được coi là thuộc vốn kinh điển rồi, nhưng văn bản của nó vẫn ở dạng trôi nổi, chưa thể đựơc coi là đáng tin cậy chừng nào chưa có một văn bản chuẩn hoặc một văn bản chính được đề xuất; trong tình hình đó, các sách giáo khoa trích giảng tác phẩm đó, các tổng tập, tuyển tập có chọn tác phẩm đó, các dự án chuyển thể hoặc dịch thuật tác phẩm đó... sẽ sử dụng văn bản nào trong số các văn bản trôi nổi?
Thiết nghĩ, đây không phải là một đề xuất thiếu tính thực tiễn. Theo dõi việc khảo dị và hiệu chỉnh văn bản được thực hiện trong cuốn sách này, bạn đọc và bạn nghiên cứu sẽ thấy rõ điều đó.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi