Khởi nghiệp là một hành trình chứa đầy cơ hội và rủi ro. Và là một doanh nhân, bạn là người chịu trách nhiệm chính: hành động của bạn có thể tạo ra hoặc phá vỡ doanh nghiệp. Bạn cần biết những nguyên tắc cơ bản đã được thử và đúng - từ việc viết một kế hoạch kinh doanh cho đến việc nhận được khoản vay đầu tiên. Bạn cũng cần biết những tư duy mới nhất về cách tạo ra một bản chào hàng không thể cưỡng lại, giảm thiểu rủi ro thông qua thử nghiệm và phát triển các cơ hội độc đáo thông qua đổi mới mô hình kinh doanh.
Đó cũng là nội dung chính của cuốn Doanh nhân khởi nghiệp 4.0. Với hướng dẫn từng bước, các phương pháp hay nhất được mài giũa theo thời gian, những câu chuyện thực tế và giải thích ngắn gọn về nghiên cứu thị trường, cuốn sách cung cấp cho những chuyên gia đầy tham vọng các khuôn khổ, lời khuyên và công cụ mà họ cần để trở nên xuất sắc trong sự nghiệp của mình.
Trích đoạn:
Nói về lựa chọn hình thái doanh nghiệp phù hợp với từng giai đoạn phát triển:
“Tất nhiên, một doanh nghiệp có thể thay đổi nhiều hình thức trong vòng đời. Một công ty tư nhân có thể trở thành công ty hợp danh và cuối cùng là công ty cổ phần C. Một công ty hợp danh hữu hạn có thể trở thành một LLC và sau đó là công ty cổ phần C. Tuy nhiên, mỗi quá trình chuyển đổi đòi hỏi xử lý khối lượng công việc pháp lý đáng kể và đặt ra gánh nặng hành chính đối với ban quản lý và chủ sở hữu công ty. Những lợi thế của hình thức tổ chức phù hợp ở từng giai đoạn chắc chắn có thể chống đỡ những gánh nặng này. Mặt khác, các dự án khởi nghiệp có tiềm năng lớn nên tránh mất thời gian và tập trung bằng cách nhảy cóc qua các vòng. Đối với họ, hình thức công ty cổ phần luôn là phương án tốt nhất. Là công ty cổ phần, họ có thể sử dụng cổ phiếu cùng các quyền chọn để thu hút đội ngũ quản lý dày dạn kinh nghiệm và bảo tồn tiền mặt. Họ thậm chí có thể sử dụng cổ phiếu thay cho thỏa thuận bằng tiền mặt để thanh toán cho các dịch vụ tư vấn. Ngoài ra, các nhà đầu tư mạo hiểm có thể không coi trọng những doanh nghiệp này nếu họ không thành lập hội đồng cổ đông, vì các nhà đầu tư này sẽ muốn có một phần sở hữu.”
Nói về quyền sở hữu trí tuệ doanh nghiệp:
“Liệu lợi thế cạnh tranh của bạn có dựa trên một công nghệ độc quyền hoặc quy trình? Công nghệ hoặc quy trình có được cấp bằng sáng chế hoặc có thể cấp bằng sáng chế? Công ty có sở hữu bằng sáng chế, bản quyền hoặc thương hiệu có giá trị không? Nếu có, khi nào chúng sẽ hết hạn?
Nhiều doanh nghiệp được tạo dựng dựa trên sở hữu trí tuệ hoặc một phần của nó. Một số tài sản chính ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh theo thời gian. Người đọc kế hoạch sẽ muốn biết những bước bạn đã thực hiện để bảo vệ tài sản và giữ bí quyết về kỹ thuật cùng hiểu biết về thị trường trong tổ chức, đây là phần sẽ tạo ra doanh thu và lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Điều này có thể liên quan tới việc bảo vệ pháp lý như bằng sáng chế – hoặc các hình thức phòng thủ chiến lược khác như lợi thế người đi đầu (là người đầu tiên nhân rộng quy mô trên thị trường) hoặc tạo ra một mô hình kinh doanh khó sao chép.”
Nói về gọi vốn ở giai đoạn trưởng thành:
“Giả sử công ty ở giai đoạn bão hòa có mức tín nhiệm tốt, công ty có nhiều sự lựa chọn để gọi thêm vốn bên ngoài. Đối với các nhu cầu ngắn hạn, công ty có thể phát hành giấy thương phiếu (được giải thích sau trong chương này), sử dụng hạn mức tín dụng ngân hàng hoặc đàm phán khoản vay có kỳ hạn với ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác, chẳng hạn như các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí. Công ty trưởng thành có thể sử dụng tài sản hiện có và dòng tiền làm tài sản thế chấp để giảm chi phí cho các khoản vay. Ngoài ra, công ty có thể thu được nguồn vốn đáng kể thông qua các thỏa thuận bán và thuê lại.
Công ty trưởng thành cũng thích tiếp cận thị trường vốn công cho nợ (trái phiếu) và vốn cổ phần (chứng khoán). Tời gian đóng vai trò quan trọng ở đây. Công ty đương nhiên muốn bán trái phiếu của mình khi lãi suất thấp và bán cổ phiếu khi giá lên cao.”
Nói về các cách mở rộng thị trường ngách từ các thị trường đã có sẵn:
“Tìm cách sử dụng mới cho cùng một sản phẩm. Một ví dụ kinh điển: hầu hết mọi hộ gia đình đều có một hộp nhỏ baking soda trong bếp. Hầu hết các gia đình sẽ không sử dụng nhiều hơn một hộp mỗi năm để nấu ăn. Một trong những nhà cung cấp hàng đầu đặt mục tiêu gia tăng các cách tiêu thụ khác của sản phẩm. Chiến dịch quảng cáo của công ty khuyến khích mọi người đặt hộp baking soda mở nắp vào tủ lạnh để hấp thụ mùi thức ăn. Và, tất nhiên, công ty đề nghị thay đổi hộp đó mỗi tháng. Trộn baking soda trong hộp vệ sinh của mèo là một ý tưởng có thể tạo ra doanh số khác. Chiến dịch này đã tăng đáng kể doanh số từ khách hàng hiện tại và tạo ra nhiều khách hàng mới.
Tìm cách thay đổi hoặc tùy chỉnh sản phẩm của bạn theo nhu cầu của ngách thị trường khác. Ví dụ, nhà sản xuất đồng hồ Swatch của Thụy Sĩ đã học cách phát triển hàng chục chiếc đồng hồ độc đáo – dành cho nam, nữ, thanh thiếu niên, người hâm mộ thể thao và các nhóm khác – sử dụng các bộ phận không khác gì những chiếc đồng hồ cùng loại. Điều duy nhất thay đổi là thiết kế vỏ ngoài. Nhưng sự thay đổi duy nhất đó đã cho phép nhà sản xuất đồng hồ khai thác các thị trường khác nhau với chi phí rất thấp.”
Nói về cá nhân hóa hoạt động đổi mới sáng tạo:
“Hãy theo sát các nguồn đổi mới sáng tạo trong công ty. Thường xuyên ghé thăm nhân sự tham gia nghiên cứu. Hãy ăn trưa với các nhóm dự án. Làm quen trực tiếp với từng nhân sự chủ chốt. Hiểu các rào cản kỹ thuật cản trở những ý tưởng hấp dẫn và việc thương mại hóa. Việc theo sát các hoạt động đổi mới sáng tạo có một số lợi ích:
◆ Gửi tín hiệu mạnh mẽ cho nhân viên rằng vấn đề đổi mới đóng vai trò quan trọng.
◆ Tạo cơ hội để các lãnh đạo công ty khởi nghiệp chia sẻ định hướng chiến lược của doanh nghiệp và các phạm vi hoạt động của đổi mới sáng tạo.
◆ Cập nhật những tiến bộ công nghệ, xu hướng khách hàng và xu hướng thị trường.”
Đặc điểm nổi bật:
- Cuốn sách được viết theo trình tự tuyến tính về khởi nghiệp, từ câu hỏi đầu tiên bạn nên đặt trước khi khởi sự (“Tôi có phải kiểu người nên khởi sự kinh doanh không?”) cho tới vấn đề cuối cùng bạn cần cân nhắc khi là một chủ doanh nghiệp thành công (“Tôi có thể rút vốn đầu tư từ doanh nghiệp mình đã xây dựng như thế nào?”). Cho dù kinh nghiệm bản thân bạn có thể khác với bộ khung tinh giản này, quá trình khởi nghiệp vẫn là một vòng luẩn quẩn – cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan tốt về những vấn đề bạn có thể phải đương đầu và cách tiếp cận chúng.
- Cuốn sách đưa ra một loạt khái niệm căn bản và thiết yếu nhất mà một doanh nhân khởi nghiệp cần nắm vững, từ việc xác định ngành kinh doanh phù hợp với bản thân, phác thảo hình hài doanh nghiệp, xây dựng và nuôi dưỡng nó cho đến khi doanh nghiệp mở rộng và phát triển.
- Cuốn sách được cấu trúc chặt chẽ thành từng phần rõ ràng, tương ứng với từng giai đoạn của hành trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Mỗi chương đều giới thiệu và phân tích các yếu tố cần thiết cho từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, đi kèm với những ví dụ sát thực tế về các doanh nghiệp hiện nay (từ những doanh nghiệp dịch vụ nhỏ như sửa chữa ô tô cho tới các doanh nghiệp nền tảng lớn như ebay...).
- Tác giả đưa ra và phân tích từng loại hình doanh nghiệp, các ưu nhược điểm của chúng, từ đó độc giả sẽ có được sự so sánh cần thiết để biết đâu là hình thức kinh doanh phù hợp nhất với bản thân cũng như giai đoạn phát triển của doanh nghiệp mình.
- Đây có thể coi là cuốn sách nhập môn dành cho những doanh nhân khởi nghiệp hiện đại, với đầy đủ kiến thức và kỹ năng nền tảng cần có để giúp họ vững vàng những bước đi đầu tiên trong hành trình kinh doanh của mình.
Về tác giả:
Harvard Business Review là điểm đến hàng đầu cho tư duy quản lý thông minh. Thông qua tạp chí hàng đầu của mình, 13 ấn bản được cấp phép quốc tế, sách từ Harvard Business Review Press, nội dung và công cụ kỹ thuật số được xuất bản trên HBR.org, Harvard Business Review cung cấp cho các chuyên gia trên khắp thế giới những hiểu biết sâu sắc và thực tiễn tốt nhất để lãnh đạo bản thân và tổ chức của họ hiệu quả hơn và để tạo tác động tích cực.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi